Raghubar Das, thủ hiến bang Jharkhand, thành viên của đảng Ấn Giáo cực đoan BJP, là kẻ công khai vận động cho dự luật cấm cải đạo này. Trong những ngày gần đây, Raghubar Das đã đưa ra các phát biểu kích động bạo lực tôn giáo dẫn đến những cuộc biểu tình khổng lồ của các thành phần Ấn Giáo cực đoan.
Trong một diễn biến bi đát, những người biểu tình đã đốt thánh giá, và hình nộm của Đức Hồng Y Telesphore Toppo, là Tổng giám mục Ranchi và là nhà lãnh đạo hàng đầu của Giáo hội Công giáo ở Jharkhand.
Trước diễn biến này, Tổng thư ký Hội Đồng Giám mục Ấn Độ, là Đức Cha Theodore Mascarenhas, đã kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi “can thiệp để ngăn chặn hận thù” đang bùng phát ở bang Jharkhand.
Trong một bức thư gửi cho ông Modi, Đức Tổng Giám Mục Theodore cáo buộc thủ hiến Raghubar Das của bang Jharkhand đang theo đuổi đường lối cực đoan tôn giáo bằng những bài phát biểu kích động hận thù tôn giáo càng ngày càng táo tợn.
Bức thư của Đức Cha Theodore được công bố hôm 13 tháng 9, cảnh giác rằng nếu hành động của thủ hiến Raghubar Das “không được kiềm chế ngay lập tức,” bạo lực và hận thù sẽ bùng phát.
Thủ tướng Modi cũng là một thành viên của BJP.
Đức Cha Theodore viết rằng ngài bị thúc giục phải hành động vì “một bức ảnh khủng khiếp, đáng lo ngại và đáng sợ” mà một thanh niên Công Giáo đã gửi ngài cho thấy những người Ấn Giáo đang đốt hình nộm của Đức Hồng Y Telesphore Toppo.
Đức Cha Theodore cũng từng là Giám Mục Phụ Tá của Ranchi nơi vụ việc đáng tiếc vừa diễn ra.
Ngài nhắc cho thủ tướng Modi nhớ rằng trong bài diễn văn Ngày Độc lập năm nay ông Modi nói rằng “bạo lực nhân danh niềm tin tôn giáo là điều không thể chấp nhận”. Phát biểu này được người dân Ấn chào đón và hoan nghênh nhưng Đức Cha Theodore nhận xét cay đắng rằng “trong vài tháng qua đã không có sự liên hệ nào giữa thực tế và hệ tư tưởng mà ngài đã tuyên bố”
“Lịch sử cho chúng ta thấy rằng hận thù bắt đầu như một tia lửa nhỏ nhưng có thể bùng phát thành một ngọn lửa kinh hoàng không thể ngăn cản được. Như ngài thừa biết, việc đốt cháy một hình nộm là khúc dạo đầu cho một thứ bạo lực thể chất”.
Các Kitô hữu, phần lớn là người Công giáo, chiếm chưa tới 5% trong số 27 triệu dân Jharkhand.