Theo ký giả John Allen Jr., bất chấp nhiều khác biệt lớn lao về thế giới quan, kinh nghiệm và nghị trình, Ông Trump và Đức Phanxicô vẫn có những tương đồng khá bỡ ngỡ. Cả hai đều là những người dân túy phi qui ước, dù với các sắc thái rất khác nhau. Cả hai từ bản năng vốn hoài nghi bộ máy lãnh đạo hiện họ đang điều khiển, tức Vatican của Đức Phanxicô và hệ thống quan lại liên bang của Ông Trump. Cả hai đều có thiên bẩm lôi kéo sự chú ý của thiên hạ, bất cứ là chú ý để ca ngợi (Đức Phanxicô) hay chú ý để phê phán (Ông Trump).

Allen cho rằng bài tiểu luận của Richard Haas về các rủi ro và cơ may trong nghị trình chính sách ngoại giao của Trump đăng trên số mới nhất của tập san Foreign Affairs, còn gián tiếp gợi ý một tương đồng khác, tức cách cai trị của hai người.

Hiện là Chủ Tịch của Hội Đồng Liên Hệ Với Nước Ngoài, một Hội Đồng độc lập, phi đảng phái, liên tục từ năm 2003,và là cựu Giám Đốc Hoạch Định Chính Sách của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Haas được coi như một quan sát viên tinh tường nhất của Hoa Kỳ đối với tình hình thế giới. Mặc dù bị những người “Nước Mỹ là nhất” trong chính phủ Trump phủ quyết chức Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao, tiểu luận của Haas nói chung rất tích cực, vì cho rằng Trump có cơ hội tạo được nhiều thành công quan trọng trong chính sách ngoại giao.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các cơ hội này rất có thể bị trệch đường rầy, phần lớn tùy thuộc cung cách đưa ra quyết định của Trump. Đây là nhận định chủ yếu của Haas:

“Trump rõ ràng thích diễn trình phi chính thức trong việc đưa ra quyết định; bao gồm nhiều tiếng nói khác nhau và nhiều điểm đóng góp, sau đó, đi theo đường riêng của mình. Nhưng phương thức này có cả yếu điểm lẫn ưu điểm, và nếu chính phủ muốn tránh các nguy cơ phát xuất từ việc tùy hứng (improvisation) quá đáng, thì họ cần bảo đảm rằng diễn trình chính thức trong việc tạo chính sách cho Hội Đồng An Ninh Quốc Gia phải trổi vượt hơn diễn trình phi chính thức – và các cuộc bàn luận phi chính thức quan trọng cuối cùng phải được tích nhập vào diễn trình chính thức thay vì được tiến hành riêng rẽ”.

Dĩ nhiên, người ta có thể đồng ý hay bất đồng với kết luận trên, nhưng việc chẩn đoán thì khó mà bác bỏ được: Ông Trump quả muốn chạy vòng vòng quanh các thủ tục chính thức.

Và nếu ai quen thuộc với sự việc của Vatican, lối chẩn đoán trên hình như quen thuộc một cách kỳ lạ.

Như nhiều người biết, Đức Phanxicô hay có xu hướng dựa nhiều vào mạng lưới bằng hữu và các cố vấn phi chính thức để lên khuôn cho tư duy của ngài hơn là các cơ cấu chính thức của Vatican. Nếu ai đó tin rằng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin có ảnh hưởng chính trong việc lèo lái các quyết định của ngài về các vấn đề thần học, hay Thánh Bộ Thờ Phưọng Thiên Chúa đóng vai trò này về phụng vụ, thì rõ ràng là chưa bao giờ quan sát Tòa Thánh cả.

Các quan sát viên gần gũi biết rất rõ rằng khi đụng tới các vấn đề thần học, Đức Phanxicô dựa nhiều vào Đức Tổng Giám Mục Victor Fernández, người Á Căn Đình, một người bạn cũ của ngài, và hiện đứng đầu Giáo Hoàng Đại Học tại Buenos Aires, chứ không hẳn bất cứ ai đó đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Với những người ái mộ Đức Phanxicô, sự độc lập đối với “hệ thống” này là một phần tạo ra sức lôi cuốn của ngài. Còn với những người phê bình, nó là một phần của điều khiến ngài trở thành nguy hiểm và gây bất ổn. Tuy nhiên, dù sao, đây cũng là đặc điểm trong phong cách của ngài.

Sau đây là một nhận định khác của Haas về Trump:

“Tổng Thống cũng rõ ràng thích làm người khó đoán. Việc này có thể có lý nếu là một chiến thuật, nhưng không phải là một chiến lược. Giữ cho kẻ thù không biết đường mò (off balance) có thể hữu dụng, nhưng giữ cho bạn bè và đồng minh không biết đường mò thì không hữu dụng bao nhiêu - nhất là các bạn bè và đồng minh vốn đặt nền an ninh của họ vào tay Hoa Kỳ trong nhiều thế hệ qua. Càng thấy rằng bàn tay này kém vững ổn, họ càng có thể quyết định tự tìm hướng khác, phớt lờ các yêu cầu của Washington và cân nhắc các thỏa hiệp bên lề để bảo vệ quyền lợi của họ. Các vụ đảo ngược chính sách thường xuyên, cả những vụ đảo ngược được hoan nghinh, cũng đều gây thiệt hại đáng kể cho khả tín tính của Hiệp Chúng Quốc và cho tiếng thơm đáng cậy nhờ của nó”.

Một lần nữa, nếu ta nhắm mắt và quên đi các dị biệt hiển nhiên giữa nhà nước và Giáo Hội, hẳn ta sẽ nghĩ Haas đang nói về Đức Phanxicô.

Tháng Ba tới kỷ niệm đúng 5 năm ngày ngài được bầu làm giáo hoàng và nếu ta thăm dò các “đồng minh” truyền thống của ngôi vị giáo hoàng, gồm cả những người Công Giáo, về phương diện lịch sử, luôn tuân phục Đức Giáo Hoàng lẫn những người ở bên ngoài Giáo Hội nhưng có thói quen thực hiện các chính nghĩa chung với Rôma, có lẽ sự thất vọng hơn cả của họ là không bao giờ biết Đức Phanxicô sắp sửa nói hay làm gì.

Một lần nữa, về lâu về dài, không biết điều trên tích cực hơn hay tiêu cực hơn. Nhưng chắc một điều, đối với những người có xu hướng nghĩ rằng Đức Phanxicô là một sức mạnh tích cực cho cả Giáo Hội lẫn thế giới, thì sự kiện ngài không ngừng quấy động sự việc lên là thành phần tạo ra sức lôi cuốn của ngài. Rất nhiều lần, ngài gửi đi sứ điệp này: không nên duy trì hiện trạng, lập trường “làm việc như bình thường” (business as usual) đã cáo chung.

Tuy nhiên, bất chấp giải thích ra sao, ý thích “cai trị cách bất ngờ” dường như đã trở thành một sự kiện hiển nhiên đối với vị đương kim giáo hoàng.

Có lẽ câu kết luận ở đây là: không kể vấn đề ý thức hệ, cả Đức Phanxicô lẫn Ông Trump đều đang lên khuôn cho mẫu lãnh đạo của thế kỷ 21: coi nhẹ các định chế và guồng máy hành chánh, buộc cả bạn lẫn thù phải đoán chừng.