89. SƯ KHOÁNG PHỐI ĐÀN
Tấn Bình công nhờ người làm một cây đàn, dây to dây nhỏ giống nhau, giao cho Sư Khoáng là bậc thầy về âm nhạc thời cổ của Trung Hoa điều chỉnh âm giai, nhưng điều chỉnh cả ngày mà cuối cùng đàn cũng không phù hợp với âm điệu.
Tấn Bình công trách Sư Khoáng, Sư Khoáng nói:
- “Đàn, dây lớn của nó có thể so với vua, dây nhỏ có thể so với thần tử, tác dụng của dây to dây nhỏ thì không giống nhau, phải phối hợp với nhau mới phát ra âm thanh nghe được, không bỏ mất chức năng của mỗi dây, âm dương mới điều hoà, bây giờ ngài đem tất cả các giây làm thành một dạng, thì làm cho chúng nó mất đi chức năng phải có của nó, nếu không thì lẽ nào bậc thầy âm nhạc không phối đàn được hay sao ?”
(Úc Ly tử)

Suy tư 89:
Dù cho là bậc thầy âm nhạc đi chăng nữa, cũng sẽ không làm được gì nếu dây đàn chỉ có một loại dây lớn mà thôi, bởi vì như thế sẽ không tạo nên âm thanh trung thực của cây đàn.
Chúng ta là những “cây đàn” trong tay Thiên Chúa, nếu “cây đàn chúng ta” chỉ là những sợi dây lớn cố chấp, kiêu căng mà không có một sợi dây nhỏ khiêm tốn hoặc hối cải nào, thì bậc thầy vĩ đại nhất là Thiên Chúa cũng đành chịu, không thể làm gì được với cây đàn là chúng ta, đến nước này thì chỉ là đồ bỏ, quăng vào trong lửa là xong.
Mỗi cây đàn đều có cái hay cái dịu kỳ riêng của nó, mỗi con người đều có kế hoạch riêng của Thiên Chúa nơi họ.
Nếu người Ki-tô hữu vẫn cứ phát ra âm thanh cộc cằn nóng nảy, la lối thoá mạ, mà không phát ra âm thanh êm dịu khiêm tốn thì không ai nghe được Lời sống động của Thiên Chúa đang “nói” khắp nơi trong vũ trụ.
Mỗi người Ki-tô hữu là một cây đàn kỳ diệu được kết hợp với nhau bằng đức ái, thì sẽ trở thành một bản hoà tấu tuyệt vời ca ngợi tình yêu của Đấng tạo hoá -Thiên Chúa- ngay trong chính cuộc sống bác ái và phục vụ của họ vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info