Lễ Mình Máu Thánh Chúa

THÁNH THỂ-TÌNH YÊU DÂNG HIẾN

Dnl 8,2-3,14b-16a; 1 Cr 10,16-17;Ga 6,51-59

Vào năm 1263, một vị linh mục người Đức là cha Peter thành Prague ghé lại Bolsena trên đường hành hương đến Rôma. Ngài có tiếng là một linh mục đạo đức, nhưng lại thấy khó tin việc Chúa Kitô thực sự hiện diện trong Thánh Thể. Lúc cử hành thánh lễ trên mồ thánh Christina (ngay trong nhà thờ mang tên của ngài), đang khi vị linh mục vừa đọc lời truyền phép, tức thì máu bắt đầu từ Bánh Thánh ứa ra và chảy lai láng trên bàn tay của vị linh mục, trên bàn thờ và khăn thánh.

Vị linh mục hết sức hoang mang sợ hãi. Lúc đầu, ngài định che giấu máu ấy, nhưng máu thánh lan khắp bàn thờ, nên ngài đã dừng ngang thánh lễ và xin được đưa đến thành phố Orvieto gần đó, nơi đức GH Urban IV đang cư ngự.

Đức Thánh Cha lắng nghe tự sự và xá tội vì tội cứng lòng tin cho vị linh mục. Ngài cũng gửi các đại diện xúc tiến cuộc điều tra lập tức. Khi mọi dữ kiện đã được xác minh, Đức Thánh Cha truyền cho Đức Giám Mục giáo phận phải kiệu Bánh Thánh và khăn thánh đã dính các vệt máu về Orvieto. Cùng với các Hồng Y, tổng giám mục, và các bậc vị vọng khác trong Giáo Hội, Đức Thánh Cha ra tiếp đón đoàn rước, và bằng nghi lễ trang trọng, ngài đã đưa các thánh tích vào lưu giữ trong nhà thờ chính tòa. Tấm khăn thánh mang các vệt máu hiện nay vẫn được lưu giữ và trưng bày tại nhà thờ chính tòa giáo phận Orvieto.

Được biết nhờ phép lạ này soi động, đức Urban IV đã đặc ủy cho thánh Thomas Aquinô soạn bài lễ và bài kinh Thần Vụ để tôn kính Thánh Thể là Mình Thánh Chúa Kitô. Một năm sau phép lạ, vào tháng 8 năm 1264, đức Urban IV đã giới thiệu các công trình của thánh nhân, và bằng một bửu sắc, ngài đã thiết lập lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô

Đây là một trong muôn vàn những chứng tích Thánh Thể trong dòng lịch sử. Chính tích tồn tại xuyên qua các thời đại như là một bằng chứng về Thánh Thể : Mình và Máu Thánh Chúa sẽ luôn tồn tại giữa thế gian như là một dấu chỉ tình thương: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến ban con một của Ngài” (Ga 3,16). Con Thiên Chúa lại dâng chính mình máu trở nên của ăn của uống cho nhân loại.

Để chuẩn bị cho sự dâng hiến tình yêu vĩ đại, Thiên Chúa đã có những chuẩn bị hàng ngàn năm bằng những hình ảnh, những lời giảng dạy và những phép lạ xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ:

• Trong Cựu Ước: Hình ảnh báo trước về Thánh Thể bằng việc Thầy Thượng phẩm Tư tế của Thiên Chúa Men-ki-sê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra chúc phúc cho Tổ phụ Áp-ram (St 14,18-20), nổi bật nhất là Thiên Chúa đã cho bánh là manna và chim cút từ trời (Xh 16), nuôi dưỡng cho Dân Chúa trên hành trình về Đất Hứa, nước chảy từ tảng đá để ban cho Dân Chúa đang khốn khổ vì cơn khát giữa sa mạc hoang vu (Xh 17,1- 7; Ds 2,1-13).

• Trong Tân ước: diễn từ Thánh Thể ở Caphanaum báo trước sẽ một thứ lương thực vĩnh cửu được tặng hiến bằng chính Mình và Máu Ngài : « Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời... » (Ga 6,54) làm bất ngờ mọi người nghe kể cả các môn đệ, một số đã không thể chấp nhận nên đã bỏ ra đi (x. Ga 6). Phép lạ bánh hóa nhiều như là dấu chỉ loan báo Mình Thánh sẽ nuôi cả nhân loại. Trình thuật phép lạ hoá bánh ra nhiều là trình thuật nền tảng và quen thuộc của Tin Mừng, vì bốn Tin Mừng đều thuật lại câu chuyện này (x. Mt 14,13-21; Mc 6,30-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-14).

Sau khi đã chuẩn bị bằng lời giảng dạy và các hình ảnh phép lạ bánh hóa nhiều, trước khi ra đi cứu độ trên Thập Giá và về cùng Cha, trong Bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã chính thức lập cho nhân loại Bí Tích Thánh Thể: "Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy… Ðây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người " (Mc 14,22.24). Tình yêu mà Ngài dâng hiến cho con người chính Mình và Máu Ngài. Thật thế, Dân Chúa kể từ thời điểm này sẽ được sống bằng sự sống chính Ngài như lương thực, vì thế Bí Tích Thánh Thể còn gọi là Bí Tích Tình yêu :Thánh Thể là sự dâng hiến, quà tặng của Con Thiên Chúa Đức Giê-su cho nhân loại như Ngài đã nói : “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24). Ngài truyền cho các môn đệ và những người kế vị là các thừa tác viên kể từ thời điểm do tiếp tục cử hành bí tích này cho anh em tin : « Anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy… Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước mới, mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm, để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,23-26). Tưởng nhớ đến Thầy cũng là trao ban cho nhân loại của ăn vĩnh cửu, đó là sự cần thiết nhất trên đường về Quê Trời như Phaolô đã nói: “Thiên Chúa sẽ tiếp trợ mọi sự cần dùng của anh em” (Pl 4,19).

Trong phép lạ bánh hóa nhiều dân Chúa được nuôi dưỡng "no thỏa" (x. Lc 9,17). Hình ảnh nói về dân Chúa được no thỏa, dồi dào thực sự bằng Thánh Thể như Ngài nói : Đến để cho anh em sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Nhưng trong thực tế, chúng ta có no thỏa thật sự không, chúng ta có dồi dào như ước muốn của Đức Kitô ?. Chúng ta không cảm nghiệm sự no thỏa, vì chúng ta nghi ngờ Thánh Thể như vị linh mục thành Prague ở Bolsena. Những nghi ngờ của chúng ta không giống vì không bằng sự tưỏng tượng, suy nghĩ nhưng bằng thực tiễn đời sống: hững hờ, vô tâm với sự dâng hiến của Thánh Thể, như chúng ta thấy con người thời đại ngày hôm nay biểu lộ qua cách sống không quan tâm đến Thánh Thể. Cách sống hờ hững vô tâm củ chúng ta như lời tuyên bố hiến tế Tạ Ơn và sự dâng hiến Thánh Thể của con Thiên Chúa không còn cần thiết...

Trong các Thánh đường có một ngọn đèn nhỏ gần Nhà Tạm luôn lấp lánh, ngọn đèn nhỏ loan báo sự hiện diện của Thiên Chúa trong và qua Thánh Thể. Ngọn đèn cũng mời tôi và bạn dừng bước chân giữa những bước đi vội vã nơi thế gian, để suy nghĩ và ý thức về sự hiện diện của Con Chúa giữa nhân gian. Ánh đèn nhắc chúng ta về một tình yêu của Thiên Chúa trong bí tích Thánh thể, và sự “no thỏa” “dồi dào” chắc chắn khi được nuôi dưỡng bằng chính Thánh Thể, như xưa dân Chúa được nuôi dưỡng nơi hoang địa.

Sự “no thỏa ” thật sự với Bí tích Thánh Thể nơi mỗi người chúng ta cũng trở nên mỗi ngọn đèn chầu, ngọn đèn chầu mời gọi thế giới: Thiên Chúa vẫn hiện diện ở nhân gian trong Thánh Thể - bí tích Tình yêu.

Xin cho con, cho người anh em con được “no thỏa” để trở nên mãi là ngọn đèn chầu được thắp trong ngôi nhà nhân loại, như ngọn đèn sáng bên nhà tạm- ngọn đèn loan báo Chúa Giêsu Thánh Thể luôn hiện diện với lời mời gọi:

“Hãy đến mà xem” (Ga 1,39).

Xem và cảm nghiệm Thánh Thể - Tình yêu dâng hiến của Thiên Chúa cho nhân gian...

Lm. Vinh Sơn scj