(Nhân Lễ Mình Máu Chúa Kitô)

Năm Thánh Thể gần đây nhất (cách đây 12 năm), được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khai mở (từ tháng 10.2004 - 10.2005), nhằm giúp chúng ta ý thức mạnh mẽ mọi chiều kích cao – sâu – dài – rộng của tình yêu mà Thiên Chúa trao ban cho loài người: Thánh Thể là Bảo Vật, là Sự Nghiệp, là Gia Sản quý báu của Hội Thánh và của mỗi con người.

Hội Thánh tại Việt Nam, theo thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam ngày 1.10.2004, năm Thánh Thể còn là dịp chúng ta cử hành cách thánh thiện:

- Mầu nhiệm hy tế thập giá Chúa Giêsu.
- Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa.
- Mầu nhiệm Hiệp Thông trong Hội Thánh.

I. Nhắc lại vài hướng dẫn từ một Giám Mục.

Dựa trên tất cả những chỉ thị ấy, tôi còn nhớ, trong năm Thánh Thể 2004-2005, hàng tháng, qua các thư mục vụ gởi cộng đoàn dân Chúa tại Phú Cường, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ liên tục triển khai ý nghĩa của bí tích Thánh Thể, từ đó đưa ra những đề nghị cụ thể để sống bí tích này.

Thiết tưởng, nên nhắc lại những đề nghị then chốt ấy, giúp chúng ta có cơ sở sống bí tích Thánh Thể trong chính cuộc đời của mình. Những điểm then chốt ấy là:

¬- Cổ võ việc tôn thờ Thánh Thể trong thánh lễ: “Thánh lễ không những cho chúng ta được tham dự vào cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Kitô, nhưng đồng thời cũng cho chúng ta được chia sẻ sự sống phục sinh của Người, cùng với hy vọng được hưởng vinh quang thiên quốc…Nhờ thánh lễ, chúng ta được kết hợp với Chúa Kitô…Được Chúa Thánh Thần thánh hóa…Thánh lễ cũng liên kết chúng ta thành một thân thể, sống mầu nhiệm hiệp thông…” (thư mục vụ tháng 8.2004).
- Cổ võ việc lắng nghe Lời Chúa để Lời Chúa củng cố đời sống của ta trong bí tích Thánh Thể: “…Như hai môn đệ trên đường Emaus, lòng chúng ta sẽ cảm thấy “bừng cháy lên” (Lc 24, 32), vì qua những bài sách Thánh, chúng ta được tham dự vào bàn tiệc Lời Chúa, được Chúa giải thích cho chúng ta những mầu nhiệm cứu độ, và qua việc “bẻ bánh”, chúng ta được tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể, mắt chúng ta sẽ được “mở ra để nhận biết Chúa” (thư mục vụ tháng 12.2004).
- Nhắc lại giáo huấn của Hội Thánh về bí tích Thánh Thể, đặc biệt khi đào sâu sứ điệp Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về bí tích Thánh Thể năm 2005, Đức Cha Phêrô viết: “Theo ý của Hội Thánh, không chỉ các nghị phụ đến họp Thượng Hội đồng mới cần học hỏi và chuẩn bị những tài liệu về bí tích Thánh Thể…Trái lại tất cả mọi người đều phải sửa soạn, vì mọi người đều phải hiệp thông với Hội Thánh bằng lời cầu nguyện, bằng những đóng góp kinh nghiệm và ý kiến…Vậy chúng ta hãy lưu tâm tới điều Hội Thánh đang làm, đang dự tính, để cùng hiệp thông trong lời cầu và bằng những phương thức khác có thể, ngõ hầu bí tích Thánh Thể được hiểu biết hơn, mộ mến hơn, được cử hành cách sốt sắng và có ích hơn cho mọi người” (thư mục vụ tháng 8.2005).
- Nhắc nhở những kỷ luật khi cử hành Thánh Thể: “Việc tuân giữ quy luật phụng vụ phải được khám phá lại và được tôn trọng như một phản ánh và một chứng từ về Hội Thánh duy nhất và phổ quát, đang hiện diện trong mọi cử hành Thánh Thể” (thư mục vụ tháng 10.2004).
- Cổ võ việc tôn sùng Thánh Thể cách cụ thể, Đức Cha đưa ra nhiều hình thức tôn thờ Thánh Thể cá nhân và tập thể như:

Tổ chức thánh lễ trọng thể trên toàn giáo phận khai mạc và kết thúc năm Thánh Thể.

Tổ chức thánh lễ trọng thể và chầu Mình Thánh ít hoặc nhiều giờ, tùy điều kiện cho phép.

Kiệu Mình Thánh Chúa.

Học hỏi về Thánh Thể theo thông điệp “Hội Thánh từ Thánh Thể”.

Mọi người siêng năng tham dự thánh lễ, rước lễ mỗi ngày. Có thể sáng tham dự thánh lễ, tối chầu Thánh Thể (thư mục vụ tháng 10.2004).

Siêng năng chầu Thánh Thể cách cá nhân để “trong giây phút thinh lặng trước Thánh Thể, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu đang ngự trong hình bánh, lắng nghe tiếng Chúa dạy bảo…” (thư mục vụ tháng 8.2004).

Học tập gương sống Thánh Thể của các thánh, nhất là của Đức Maria, “Người Nữ Thánh Thể”, “bởi các ngài đã để Thánh Thể khơi lên nơi các ngài tinh thần hy sinh và tình yêu tự hiến, khiến các ngài sẵn sàng trở nên của lễ cho Thiên Chúa và tấm bánh bẻ ra cho mọi người” (thư mục vụ tháng 8.2005).

II. Và tôi với Chúa .

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, Chúa từng dạy: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong các con” (Ga 15, 4). Ở lại trong Chúa để được hiệp thông trọn vẹn với Chúa. Ở lại trong Chúa để cuộc đời mỗi chúng ta luôn có nguồn trợ lực, sự vỗ về, như xưa Chúa đã làm cho rất nhiều người mà Tin Mừng kể lại:

- Những ai ròng rã theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy trong nhiều giờ đồng hồ, Chúa ban bánh tự nhiên làm no cơn đói thể xác.
- Với bệnh nhân phong, không chỉ đau đớn thể xác vì căn bệnh hoành hành, mà nỗi đau tinh thần còn khủng khiếp hơn, bởi họ bị lề luật vứt bỏ, bị xã hội ruồng rẫy, bị người thân khinh chê. Chúa cho họ được lành sạch.
- Với người phụ nữ có sáu người chồng mà Chúa gặp bên bờ giếng Giacob, đang chìm trong dục vọng, đang bị thiêu đốt bởi cơn khát tầm thường của bản năng, Chúa mang đến cho chị con đường thiêng liêng đích thực để chị khả dĩ tự mình bước vào đời sống nước trời.
- Với người mù bẩm sinh, không những Chúa cho anh đôi mắt sáng, mà Chúa còn dạy anh biết tìm đến sự sáng nguồn mọi sự sáng là chính Chúa, ơn cứu độ đời đời của anh và của cả thế giới…

Nhiều lắm những câu chuyện chứng minh cho việc được Chúa ở lại với mình, và lợi ích của việc ở lại trong Chúa.

Từ những trang Kinh Thánh, tôi lại nhìn thấy chính mình, để mỗi một lần có bất cứ khó khăn hay thuận lợi nào, cả những ngày bình an sống, lẫn những lúc sóng gió, tôi can đảm ngã mình vào lòng Chúa.

Mỗi lần đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, quỳ trước nhà tạm, dẫu chỉ là một không gian im lặng bao trùm, nhưng tôi thấy quý giá vô cùng những giờ phút lắng đọng ấy. Nó cho tôi cảm nhận hơn về sự hiện diện rất thực của Chúa.

Nhất là mỗi lần tôi ý thức những chỉ dẫn của Hội Thánh, của Bề Trên của mình đối với những thực hành liên quan đến Thánh Thể, tôi càng an tâm, hạnh phúc hơn, vì biết rằng, con đường tôi đi, sự sống tôi sống có biết bao nhiêu người đã đi, đã sống. Đó là kinh nghiệm vô giá mà tôi nhận được từ những giáo huấn hoàn hảo ấy.

Vì thế, mỗi khi cử hành bất cứ lễ nghi nào liên quan đến Thánh Thể, tôi đều cảm nhận sâu xa:

Chúa yêu tôi như chưa từng có ai khác để người dành tặng tình yêu của Người.

Chúa cảm thông với những yếu đuối và tha thứ cho tôi.

Chúa trìu mến như người cha thương xót, như người anh sớt chia, như người bạn cảm thấu.

Chúa dạy tôi, nắn đúc tôi, tác tạo trong tôi để ngày ngày tôi trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, dám đối đầu với sóng gió hơn.

Chúa cho tôi vượt chong chênh, vượt khắc khoải, vượt cả những đổ vỡ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau mà có thể chính mình gieo rắc cho mình, hay người khác vô tình đổ ập tới.

Chúa cho tôi biết hiến dâng đau khổ, bệnh tật, hy sinh, suy tư, làm việc, gặp gỡ, tương quan… để đền tội mình, đền tội thay cho anh chị em mà mình có trách nhiệm, đền tội thay cho cả những ai vô tình hay hữu ý gây ra những rát buốt trong tôi.

Chúa còn dạy tôi biết cân đo hoàn cảnh, lượng giá những trải nghiệm, đúc kết những kinh nghiệm…

Chúa dạy tôi yêu hơn những con người Chúa ban cho tôi để tôi phục vụ họ, sống với họ, làm việc cùng họ.

Chúa giúp tôi cảm thông trước những yếu đuối, những lỗi lầm của mọi con người, có khi đó cũng chính là những yếu đuối, những lỗi lầm mà chính tôi từng vướng mắc.

Chúa chỉ cho tôi con đường đến tha nhân, và lối đi để đón nhận tha nhân.

Chúa dạy tôi sống nghèo khó đối với mình, nhưng rộng bàn tay cho nhiều người nắm lấy.

Chúa dạy tôi yêu những đau khổ của người khác, vì chính tôi từng đau khổ.

Chúa dạy tôi đón nhận sự hiểu lầm của người khác, vì biết đâu, tôi đã từng hiểu lầm anh chị em mình.

Chúa dạy tôi đừng nghiêm khắc với người đối diện, mà hãy lên án thói xấu nơi bản thân.

Chúa dạy tôi hy sinh cho tha nhân, và đừng bao giờ tìm thụ hưởng cho bản thân…

Những thực hành đạo đức đối với Thánh Thể theo hướng dẫn của Hội Thánh, của Bề Trên của tôi đã và vẫn tiếp tục mang đến cho tôi biết bao lợi ích.

Nhờ Chúa, nhờ ơn của Thánh Thể Chúa Kitô, tôi thấy, dù cuộc sống của tôi, có những lúc, thậm chí từ ngày nọ sang ngày kia, như đi trên đường gập ghềnh, như phải phóng mình qua vực thẳm, như bơi qua con sông cuồn cuộn hiểm nguy, như rơi vào ngọn thác đầy va đập, như chui vào đường hầm tăm tối…, tất cả rồi cũng êm đềm lắng trôi.

Chắc chắn đời tôi, rồi đây sẽ không thiếu những “lao tâm khổ tứ”, như tôi đã từng đối mặt, thì ơn Chúa rót cho tôi từ Nguồn Sống là Thánh Thể, chắc chắn sẽ tiếp tục dẫn đưa tôi, tiếp tục đỡ nâng tôi, tiếp tục là nguồn cậy dựa, là ân phúc ngập tràn của tôi.

Và chắc chắn, tôi phải càng ngày càng thấm thía hơn, càng sống mãnh liệt hơn Lời Chúa dạy: “Hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong con” (Ga 15, 4).