PHỎNG VẤN Đức Cha GIUSE ĐẶNG ĐỨC NGÂN, TÂN CHỦ TỊCH ỦY BAN VĂN HÓA CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân nhậm chức Giám Mục Chính Tòa Giáo phận Đà nẵng ngày 12 tháng 4 năm 2016, là vị Giám Mục Chính Tòa thứ NĂM của Giáo phận này. Trong Hội nghị Thường niên lần I/2017 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vừa qua, ngài được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Văn hoá, thay thế Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống. Nhân dịp này, Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic xin phỏng vấn ngài:

PV. Trọng kính Đức Cha, Ban Giám đốc, cộng tác viên và toàn thể bạn đọc của Vietcatholic xin chúc mừng Đức Cha.

Khi về nhậm chức Giám mục Đà Nẵng, Đức Cha có nói: “Từ nay tôi nguyện sẽ đem hết tâm huyết và khả năng để phục vụ trong yêu mến và phó thác”. Xin Đức Cha cho chúng con biết những suy tư và tâm tình sau hơn một năm làm Giám Mục chính tòa Đà nẵng?


Đức Cha Giuse: Xin kính chào anh Gioan Lê Quang Vinh, và qua anh xin kính gửi lời chào thăm và cám ơn đến ban Giám đốc cùng quý độc giả của Vietcatholic đã quan tâm chia sẻ với tôi nơi sứ vụ mới trong HĐGMVN, cũng như đã cho tôi vinh hạnh được trình bày về công việc tông đồ mục vụ của mình nơi giáo phận Đà Nẵng và trong Ủy Ban Văn Hóa của HĐGMVN.

Hơn 1 năm trước đây (12/3/2016), tôi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Đà Nẵng, một giáo phận tuy trẻ theo thời gian thành lập nhưng lại có bề dày lịch sử truyền giáo và hiện nay bao gồm hai tỉnh thành trọng điểm của miền Trung Trung bộ Việt Nam. Thực sự, khi chấp nhận việc chuyển đổi sứ vụ giám mục từ Lạng Sơn Cao Bằng thuộc giáo tỉnh Hà Nội về Đà Nẵng thuộc giáo tỉnh Huế cũng là chấp nhận hòa nhập vào cuộc sống có nhiều khác biệt với những nét đặc trưng về văn hóa, xã hội, gồm cả cách ăn nết ở, giọng nói của mỗi địa phương, vùng miền. Do đó, chọn lựa duy nhất của tôi chính là tâm tình và thái độ yêu mến phó thác vào ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn, sự đồng cảm chia sẻ của cộng đoàn Dân Chúa, hàng giáo sĩ, và tinh thần dấn thân và hòa nhập bản thân vào môi trường mới một cách chủ động và tích cực. Một năm qua, trong tinh thần yêu thương phục vụ, tôi nhận thấy rằng mình đã nhận được nhiều ân phúc của Chúa và của cộng đoàn Dân Chúa Đà Nẵng hơn tôi mong ước. Bằng nỗ lực chủ động quan tâm đến từng lãnh vực tông đồ mục vụ tại nhiệm sở mới giúp tôi có thể tìm được sự đồng thuận liên đới của hàng giáo sĩ, của các hội đồng mục vụ và cộng đoàn dân Chúa để từng bước hiện thực hóa những ưu tư, kế hoạch và chương trình mục vụ. Thêm nữa, hướng về tương lai và tích cực hoạch định những hướng phát triển cho việc loan báo và làm chứng tá Tin Mừng trên một địa bàn chỉ có khoảng 2% cư dân Công Giáo cũng là một điểm nhấn để liên kết toàn thể gia đình giáo phận gia tăng sự ổn định và phát huy những tiềm năng của cộng đoàn.

PV. Xin Đức Cha phác họa cái nhìn chung về tình hình Giáo phận hiện nay cho độc giả được biết.

Đức Cha Giuse: Giáo phận Đà Nẵng mang nhiều dấu ấn lịch sử cả đạo lẫn đời của đất nước và dân tộc Việt Nam. Ở nơi đây, có thể bắt gặp sự biến động về dân số, sự cạnh tranh để ổn định và phát triển đời sống về mọi phương diện. Kitô hữu, cách riêng các bạn trẻ và nỗ lực bản thân tạo lập đời sống trước những thách thức của công nghệ hóa và hiện đại hóa nơi một thành phố trẻ và những vùng miền đã chịu nhiều hậu quả của thời cuộc ảnh hưởng đến đời sống đạo đức và tâm linh cũng là một chủ điểm cần lưu tâm vì liên quan đến vấn đề nhập cư, người già, người nghèo, người cơ nhỡ, v.v… Dù vậy, nhiều thách đố cho đời sống đức tin cũng đã được cộng đoàn dân Chúa và các vị mục tử qua nhiều thời kỳ trong giáo phận tìm cách hóa giải để Giáo Hội Công Giáo thực sự có được sự hiện diện tích cực, sự ổn định và hướng phát triển cần thiết trong cộng đồng xã hội.

Công việc đầu tiên của một giám mục tân nhiệm, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, địa dư, truyền thống và hiện trạng của nhiệm sở mới chính là việc ổn định (theo giáo luật) các chức vụ, cơ cấu hoạt động, hoạch định chương trinh mục vụ cho toàn giáo phận. Sau khi đã suy nghĩ, tham vấn và thảo luận, chúng tôi đã hoàn chỉnh cơ cấu nhân sự cho các chức vụ chính yếu của giáo phận, cũng như đang tiến hành hoàn thiện và công bố các qui chế cần thiết liên quan đến hoạt động mục vụ trong cộng đoàn. Thêm nữa, khi cùng nhau củng cố và ổn định sinh hoạt giáo phận, chúng tôi cũng đã hình thành được một chương trình mục vụ 5 năm (2017-2021) cho giáo phận bao gồm nhiều lãnh vực theo định hướng của Đại hội Dân Chúa Giáo Phận Đà Nẵng năm 2010 là: hiệp nhất, yêu thương và loan báo Tin Mừng.

PV. Đức Cha có ưu tư và hy vọng nào khi được Hội Đồng Giám Mục bầu vào chức chủ tịch Ủy Ban Văn Hóa?

Đức Cha Giuse: Thực tâm mà nói, lãnh vực và cương vị mới mà tôi được tín nhiệm giao phó không phải là chuyên môn của tôi. Có thể, các Đức Cha phải chăng nhìn thấy nơi cuộc sống và sứ vụ giám mục của tôi suốt 10 năm qua phần nào mang dấu ấn của việc hòa nhập văn hóa khi tôi đã phải có những thích nghi với môi trường hoạt động tông đồ mục vụ khác nhau (từ Hà Nội đến Lạng Sơn-Cao Bằng-Hà Giang và Quảng Nam-Đà Nẵng). Chính khi đảm nhận sứ vụ mục tử ở những nơi mình chưa hề sống và làm việc đã cho tôi nhiều quan sát, suy tư và nhận thức về lãnh vực văn hóa trong đời sống con người nói chung và Kitô hữu nói riêng. Giáo Hội Chúa Kitô thiết lập trên trần thế luôn gắn chặt với những nền văn hóa và văn minh của nhân loại và từng dân tộc, đất nước về mục vụ cũng như sứ vụ loan báo Tin Mừng. Từ những cảm nghiệm cùng với nỗ lực bản thân khi tiếp cận và hòa nhập vào một vài nét văn hóa mang tính vùng miền, tôi cũng suy nghĩ về đời sống Giáo Hội địa phương trong các cộng đồng xã hội dân sự với những nền văn hóa đa dạng theo từng vùng miền và dân tộc Việt Nam chúng ta. Những ưu tư và nỗ lực nhập cuộc này cũng đã có từ những thời kỳ đầu tiên Tin Mừng được các vị Thừa Sai đáng kính loan báo và các cộng đoàn dân Chúa được hình thành nhiều nơi tại đất nước Việt Nam chúng ta. Đem Công-giáo-tính và những giá trị Tin Mừng vào trong môi trường sống văn hóa xã hội, và dân sinh của mỗi Kitô hữu phải chăng là sứ vụ của những người đặc trách văn hóa? Hơn thế, hội nhập văn hóa cũng đòi hỏi khả năng lượng định và chọn lựa những giá trị văn hóa xã hội thấm nhập vào đời sống đạo đức, các hoạt động tông đồ mục vụ của mỗi tín hữu và toàn thể cộng đoàn Giáo Hội để thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng cho muôn dân cũng cần được quan tâm, nghiên cứu và hoạch định cách nghiêm túc và tích cực.

PV. Thưa Đức Cha, xin Đức Cha cho chúng con biết vài hoạch định của Đức Cha trong chức vụ mới?

Đức Cha Giuse: Xin được phép trả lời một cách ngắn gọn câu hỏi này là: mọi sự đang ở phía trước và công việc chúng tôi đảm nhận chắc chắn cần có sự chung lòng, liên ý và hợp tác của nhiều thành phần của cộng đoàn dân Chúa, đặc biệt với những vị chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu và hoạt động trong lãnh vực này. Chúng tôi đang kế thừa nhiều thành quả của các Đấng tiền nhiệm, nên trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau để cùng chia sẻ, học hỏi và hoạch định chương trình làm việc cụ thể và lâu dài hơn.

PV. Thưa Đức Cha, trong Sứ Điệp nhân ngày Truyền Thông năm nay, Đức Thánh Cha lấy chủ đề “Đừng Sợ”. Và ngài viết: “"Ðừng sợ, vì Ta ở với ngươi" (Is 43,5). Thông truyền niềm Hy vọng và sự Tin tưởng trong thời đại chúng ta". Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về những suy tư của Đức Cha.

Đức Cha Giuse: Cám ơn anh Lê Quang Vinh đã đặt ra câu hỏi này để chúng tôi có thể trình bày thêm một vài suy nghĩ. Trước hết, hoạt động ủy ban văn hóa cần có sự liên kết chặt chẽ với một số ủy ban khác, đặc biệt là UB Giáo lý đức tin, UB Loan Báo Tin Mừng, UB Giáo dục và UB Truyền thông. Sống đạo trong môi trường xã hội sự chắc chắn và chính thống trong đức tin, cho mọi người nhất là việc chuyển trao đức tin giữa các thế hệ và những khả năng trinh bày sống động, hợp thời đức tin này. Thứ đến, Giáo Hội trong thời đại ngày nay, đặc biệt dưới triều giáo hoàng của ĐTC Phanxicô, một “nền văn hóa gặp gỡ” đang được cổ võ để Tin Mừng có thể được mọi giới lớp, mọi thành phần xã hội, nhất là những người bị bỏ rơi và loại trừ vì hoàn cảnh cùng khốn thấu đạt . Bởi vậy, xây dựng một nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương (theo định hướng của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II) nhất thiết phải tiếp cận và phát huy nền văn hóa gặp gỡ này. Để có thể hiện thực sự gặp gỡ, cũng có nghĩa là trao ban và nhận lãnh, kitô hữu chúng ta cần biết gia tăng lòng tin cậy mến vào hồng ân cứu chuộc và Tin Mừng đã lãnh nhận, vượt qua mọi chướng ngại để có thể gặp gỡ, sẻ chia niềm tin yêu và hi vọng. Vượt qua nỗi sợ hãi khi đối diện với những thách đố của thời đại, sự vô tâm và bất khoan dung của con người trong niềm tin yêu vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa, Đấng đã từ Trời đến trần thế gặp gỡ con người là điều kiện tiên quyết để thực sự truyền thông niềm hy vọng cho thế giới đang gặp quá nhiều bế tắc!

Một lần nữa, xin chân thành cám ơn anh Gioan Lê Quang Vinh, ban Giám đốc và quý độc giả Vietcatholic đã vui lòng lắng nghe cuộc chuyện trò thân tình này. Xin cũng thương cầu nguyện cho tôi, cho Giáo Hội Việt Nam, cho Giáo phận Đà Nẵng và nhiệm vụ mới của tôi trong Ủy ban Văn Hóa trực thuộc HĐGMVN.

Xin Chúa Kitô Phục Sinh luôn ban muôn Ơn lành cho anh và quý vị!

PV. Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha và cầu xin Chúa ban tràn đầy Hồng ân cho Đức Cha, cho Giáo phận Đà nẵng và cho Ủy Ban Văn Hóa.

Gioan Lê Quang Vinh