VATICAN - Sáng thứ tư 3-5-2017 đã có khoảng 40.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với ĐTC. Như quý vị đã biết ĐTC vừa công du Ai Cập về nên trong bài huấn dụ ĐTC đã chia sẻ với mọi người một số cảm tưởng của ngài. ĐTC nói: tôi đã viếng thăm đất nước này thể theo bốn lời mời: của tổng thống Cộng hòa Ai Cập, của Đức Thượng Phụ chính thống Copte, của Đại Imam Al-Azhar và của Đức Thượng Phụ Công Giáo Copte. Tôi xin cám ơn từng vị vì sự tiếp đón thật nồng hậu các vị đã dành cho tôi. Và tôi xin cám ơn toàn dân Ai Cập vì sự tham dự và lòng trìu mến dành cho Người Kế vị Thánh Phêrô.

Tổng thống và chính quyền dân sự đã dấn thân một cách ngoại thường để cho chuyến viếng thăm được diễn ra trong cách thế tốt đẹp nhất, để nó có thể là một dấu chỉ của hòa bình đối với Ai Cập và toàn vùng này, rất tiếc đang phải khổ đau vì nạn khủng bố. Thật thế, vì khẩu hiệu của chuyến công du là “Đức Giáo Hoàng của hoà bình trong một Ai Cập hòa bình”.

Tiếp đến ĐTC đã duyệt lại các sinh hoạt của ngài trong hai ngày viếng thăm. Trước hết là thăm đại học Al- Azhar, là đại học hồi giáo cổ xưa nhất và là học viện tối cao của Hồi giáo Sunnít. Việc viếng thăm nhắm hai mục đích: trước hết là đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo, đồng thời là để thăng tiến nền hoà bình trên thế giới. Tại đại học Al-Azhar đã có cuộc gặp gỡ với Đại Imam và trải rộng ra Hội nghị quốc tế về Hoà Bình. Trong bối cảnh đó tôi đã cống hiến một suy tư nhằm đánh giá cao lịch sử của Ai Cập như là vùng đất của nền văn minh và của các giao ước. ĐTC giải thích thêm như sau:

** Đối với toàn nhân loại Ai Cập đồng nghĩa với nền văn minh cổ xưa, các kho tàng nghệ thuật và hiểu biết: và điều này nhắc nhớ chúng ta rằng nền hoà bình được xây dựng qua việc giáo dục, đào tạo sự khôn ngoan, đào tào tạo một nền nhân bản bao gồm cả chiều kích tôn giáo như phần toàn vẹn, bao gồm tương quan với Thiên Chúa, như Đại Imam đã nhắc lại trong diễn văn của ngài. Nền hoà bình cũng được xây dựng bằng cách khởi hành từ giao ước giữa Thiên Chúa và con người, là nền tảng của giao ước giữa con người với nhau, dựa trên Mười Điều Răn được viết trên các bảng đá tại núi Sinai, nhưng còn sâu sắc hơn nữa nó được viết trong trái tim của từng người thuộc mọi thời đậi và ở mọi nơi, luật được tóm gọn trong hai điều răn của tình yêu thương đối với Thiên Chúa và đối với con người.

Tiếp tục bài huấn dụ ĐTC nói: chính nền tảng này cũng là nền móng của việc xây dựng trật tự xã hội và dân sự, trong đó tất cả mọi công dân, thuộc mọi nguồn gốc, văn hoá và tôn giáo, đều được mời tham dự. Một viễn tượng đời lành mạnh như thế đã được nêu bật trong việc trao đổi diễn văn với tổng thống Ai Cập, trước sự hiện diện của các giới chức chính quyền nước này và của Ngoại giao đoàn. Gia tài lịch sử và tôn giáo to lớn của Ai Cập và vai trò của nó trong vùng Trung Đông giao phó cho nó một nhiệm vụ đặc thù trên con đường hướng tới một nền hoà bình ổn định và lâu bền, không dựa trên quyền bính của sức mạnh, nhưng trên sức mạnh của quyền bính.

Tại Ai Cập cũng như tại mỗi quốc gia trên thế giới các kitô hữu được mời gọi là men của tình huynh đệ. Điều này có thể, nếu họ sống trong chính mình sự hiệp thông với Chúa Kitô. Nhờ ơn Chúa, cùng với Đức Thượng Phụ chính thống Copte Tawadros chúng tôi đã có thể cống hiến một dấu chỉ hiệp thông mạnh mẽ. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Chúng tôi đã canh tân dấn thân, cả bằng cách ký một Tuyên ngôn chung cùng nhau bước đi và dấn thân để không lập lại bí tích Rửa Tội đã được ban trong các Giáo Hội liên hệ. Chúng tôi đã cùng nhau cầu nguyện cho các vị tử đạo của các vụ khủng bố mới đây đã đánh vào Giáo Hội đáng kính này một cách thê thảm; và máu của họ đã khiến cho cuộc gặp gỡ đại kết được phong phú, cũng có Đức Thượng Phụ Costantinopoli Bartolomaios tham dự, Đức Thượng Phụ đại kết, người anh em rất thân yêu của tôi.

Ngày thứ hai của chuyến viếng thăm đã được dành cho các tín hữu Công Giáo . Thánh lễ cử hành tại sân vận động do chính quyền Ai Cập dành cho đã là một lễ hội của đức tin và tình huynh đệ, trong đó chúng tôi đã cảm nhận được sự hiện diện sinh động của Chúa Phục Sinh. Trong khi chú giải Phúc Âm tôi đã khích lệ giáo đoàn Công Giáo bé nhỏ tại Ai Cập sống kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus luôn luôn tìm kiếm Chúa Kitô, Lời và Bánh sự sống, niềm vui của đức tin, lòng sốt mến của niềm hy vọng, và sức mạnh làm chứng tá trong tình yêu rằng “chúng tôi đã gặp Chúa!”.

Cuộc gặp gỡ cuối cùng tôi đã sống với các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh trong Đại chủng viện. Có biết bao nhiêu chủng sinh… Và đây là một an ủi. Đó đã là một buổi cử hành Lời Chúa, trong đó các lời hứa của cuộc đời thánh hiến đã được lập lại. Trong cộng đoàn những người đã lựa chọn dâng cuộc sống cho Chúa Kitô vì Nước Thiên Chúa này, tôi đã trông thấy vẻ đẹp của Giáo Hội tại Ai Cập, và tôi đã cầu nguyện cho tất cả mọi kitô hữu vùng Trung Đông, để được các chủ chăn của họ hướng dẫn và các người sống đời thánh hiến đồng hành họ là muối và ánh sáng trong các vùng đất này, giữa các dân tộc này. Đối với chúng ta, Ai Cập đã là dấu chỉ của niềm hy vọng, của sự ẩn núp, của sự trợ giúp. Khi vùng đất này đã bị đói, tổ phụ Giacóp đã cùng các con mình đi xuống đó: thế rồi khi Chúa Giêsu đã bị bách hại, Ngài cũng đã tới đó. Vì thế, kể cho anh chị em nghe chuyến viếng thăm này là bước vào trong con đường của việc nói tới niềm hy vọng: đối với chúng ta Ai Cập là dấu chỉ của niềm hy vọng đối với lịch sử ngày nay, đối với tình huynh đệ mà tôi vừa kể cho anh chị em nghe.

Một lần nữa tôi xin cám ơn những người, trong nhiều cách thế khác nhau, đã góp phần khiến cho chuyến công du này có thể thực hiện, cách riêng biết bao nhiêu người đã dâng lời cầu nguyện và khổ đau của họ. Xin Thánh Gia Nadarét đã di cư tới các bờ sông Nilo để thoát sự tàn bạo của vua Hêrôđê, chúc lành và luôn luôn che chở nhân dân Ai Cập và hướng dẫn họ trên con đường của sự thịnh vượng, tình huynh đệ và nền hoà bình.

** ĐTC đã chào nhiều đoàn hành hương khác nhau. Trong các nhóm nói tiếng Pháp ngài đặc biệt chào các thành viên các huynh đoàn đan tu Giêrusalem, các giáo chức và các bạn trẻ sinh viên Nice. Ngài mời gọi họ xây dựng một thế giới công bằng và hoà bình, trong đó mọi người đều được tiếp đón.

ĐTC cũng chào tín hữu đến từ các nước Ai Len, Philipines, Sri Lanka, Viêt Nam, Canada và Hoa Kỳ, và ngài xin Chúa chúc lành cho họ và cho gia đình họ.

ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, đặc biệt là các thành viên liên hiệp các viện hàn lâm y khoa Brasil, cũng như giáo dân vùng Ribeirao Preto, Pondrina và Caratinga. Ngài xin Thánh Gia đã từng di cư sang Ai Cập để trốn chạy bạo lực của vua Hêrôđê chúc lành và che chở gia đình họ.

Chào các nhóm Ba Lan ĐTC nhắc cho mọi người biết hôm qua là lễ kính Đức Trinh Nữ Maria, Nữ Vương Ba Lan, và cũng là quốc lễ của nước này. Ngài cầu chúc họ chọn các con đường hoà hợp và yêu thương nhau trong các lựa chọn của cuộc sống thường ngày, và biết nhậy cảm đối với nhu cầu của các anh chị em khác.

ĐTC đặc biệt chào các giáo sư, chủng sinh và học sinh các trường giáo phận Pozega bên Croazia do ĐC Antun Skvorcevic hướng dẫn nhân kỷ niệm 20 năm thành lập giáo phận này. Ngài cầu mong chuyến hành hương tới mộ thánh Phêrô củng cố lòng tin của mọi người với sự đồng hành của Mẹ Maria và thánh Gioan Phaolô II là người đã thành lập giáo phận.

Trong các nhóm tiếng Ý ĐTC chào các sinh viên trường truyền giáo thánh Phaolô Roma, các tham dự viên khóa học do Phân khoa khoa học giáo dục Auxilium tổ chức, các thị trưởng vùng Varese, và nhiều đoàn hành hương khác. Ngài cầu mong ngày lễ kính hai tông đồ Philiphê và Giacôbê giúp mọi người trở thành các người loan báo Chúa Phục Sinh và can đảm làm chứng cho Tin Mừng.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC nhắc cho mọi người biết tháng 5 là tháng kính Đức Mẹ và ngài khích lệ tất cả biết khẩn nài Mẹ: người trẻ biết học nơi Mẹ bằng cách lần hạt Mân Côi; xin mẹ nâng đỡ người đau yếu trong thử thách; và các cặp vợ chồng mới cưới biết noi gương Mẹ mến Chúa yêu người.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.