1. Bạn có muốn được chữa lành không?

Tin vào Chúa Giêsu là đón nhận cuộc sống, là tiến bước trong niềm vui một cách không trễ nải, và không bị tê liệt bởi những tội lỗi và tật xấu. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 28 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu chữa lành cho người bị đau liệt đã 38 năm bên bờ hồ Betdatha. Nhìn thấy anh và biết anh đã đau từ lâu, Chúa liền hỏi: “Anh có muốn được lành bệnh không?”.

Thật là đẹp! Chúa Giêsu luôn hỏi mỗi người chúng ta câu hỏi ấy: Con có muốn lành bệnh không? Con có muốn vui tươi hạnh phúc không? Con có muốn cải thiện đời sống không? Con có muốn tràn đầy Chúa Thánh Thần không?... Đó là những lời mà Chúa muốn nói. Có lẽ tất cả những người ốm đau, mù lòa, què quặt ở bên bờ hồ sẽ nói: “Vâng, lạy Thầy, chúng con muốn!” Thế nhưng, ở đây, anh bại liệt trả lời một cách lạ lùng. Anh than vãn với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, chẳng có ai đưa tôi xuống hồ khi nước khuấy động”. Có lẽ anh muốn than phiền rằng: Thầy coi, thật là xấu xa, thật là bất công quá, vì người ta có thể đi lại được và được chữa lành, còn tôi đây đã 38 năm, và nay tôi vẫn cố gắng nhưng…

Anh ta tựa như cây trồng bên bờ suối theo như lời Thánh Vịnh. Cây trồng bên suối nhưng rễ lại chết khô vì rễ không chạm được tới nước, vì rễ không thể bắt tới nước.

Thái độ của anh không chỉ là than phiền, mà còn cố gắng đổ lỗi cho người khác. Anh nói: Khi tôi lết tới, thì đã có những người khác xuống trước tôi, và thế là tôi ở đây suốt 38 năm… Việc đổ lỗi như thế là một tật xấu, một sự lười biếng. Anh bị đau liệt, nhưng tệ hại hơn, chính trái tim anh cũng bị tê liệt, vì không còn muốn tiến về phía trước, không còn muốn làm điều gì đó cho cuộc sống, không còn tìm thấy niềm vui. Anh không còn biết đến niềm vui. Điều ấy thật trầm trọng. Điều anh nói tựa như: Coi người ta sung sướng kìa, còn tôi thì thế này đây… Cuộc sống chẳng công bằng với tôi chút nào. Khi ấy, chỉ còn thấy sự oán giận và cay đắng trong tâm hồn.

Chúa Giêsu không trách mắng anh, nhưng nói: Hãy đứng dậy, vác chõng của anh mà đi. Người bại liệt đứng dậy và được chữa lành. Nhưng hôm đó lại là ngày sabat, các luật sĩ cho rằng, ngày sa bát không được phép vác chõng, và họ còn cho rằng: những ai đi ngược với khoản luật này, thì không phải là người của Thiên Chúa. Người bị bại liệt được chữa lành, nhưng không thấy anh nói lời cám ơn Thầy Giêsu, thậm chí anh cũng không hỏi tên Thầy. Thế đó, người ta dễ sống theo kiểu cái gì cũng miễn phí, và người ta quên đi tầm quan trọng của khí thở. Người ta dễ sống chỉ chú tâm rằng người khác hạnh phúc hơn tôi và rồi buồn tủi. Sống như thế là quên đi niềm vui, sống như thế là đánh mất niềm vui. Và thật là xấu hổ khi chúng ta sống trong tê liệt như thế. Tất cả chúng ta đều phạm tội, đều là những tội nhân, nhưng ngay cả ngày nay nữa, Chúa vẫn tiếp tục nhìn mỗi người chúng ta mà nói: Hãy trỗi dậy!

Hôm nay Chúa nói với từng người rằng: Hãy trỗi dậy! Hãy đứng lên, hãy sống một cuộc sống cho dù nó tươi đẹp hoặc u tối, và hãy tiến bước. Đừng sợ, vác chõng của bạn đi. Có thể đó là cái chõng xấu xa, nhưng hãy cứ vững bước. Và đây là cuộc sống của bạn, là niềm vui của bạn. Bạn có muốn được chữa lành không? Đó là câu đầu tiên Chúa hỏi hôm nay. Ước chi chúng ta đáp lại: Vâng, lạy Chúa, con muốn được lành. Xin giúp con thức tỉnh, giúp con đứng lên, giúp con biết thế nào là niềm vui ơn Ngài cứu độ.

2. Câu chuyện Những Tác Phẩm Ðể Ðời

Nguyện đường Sixtina trong nội thành Vatican đã được Ðức Giáo Hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Không những là nơi các vị Hồng Y tụ tập để bầu Giáo Hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp quan trọng khác có tính chất thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michelangelo.

Bất cứ du khách nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sỹ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Kinh thánh.

Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng mặt về trần bản ròng rã không biết bao nhiêu năm tháng. Nóng lòng chờ đợi các tác phẩm của ông, ngày kia, đức Sixto đã to tiếng hỏi vọng lên từ dưới đất: “Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc?”. Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại: “Chừng nào con có thể!”. Vị Giáo Hoàng dường như mất hết kiên nhẫn: “Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết...”. Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời: “Thưa Ðức Thánh Cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau...”.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Có những bản nhạc, có những tác phẩm văn chương, có những công trình kiến trúc đã trở thành bất hủ. Nghĩa là, qua dòng thời gian, người ta sẽ không bao giờ quên được những kiệt tác ấy. Nhiều khi chính tác giả của những công trình bất hủ ấy không bao giờ dám nghĩ đến sự trường tồn của tên tuổi mình như thế.

Danh họa và điêu khắc gia Michelangelo đã tiên đoán về những tác phẩm của mình. Quả thực, ông đã để lại muôn thế hệ tên tuổi của ông qua các sáng tác của ông. Tượng Pieta, tượng Maisen, tượng David và các bức bích họa trong nguyện đường Sixtina sẽ không bao giờ mai một với thời gian.

Tuy nhiên, cái bất hủ nơi con người chỉ là một cái bóng mờ đối với cái vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Một cuộc chiến tranh tàn phá, một thiên tai vùi dập: tất cả mọi tên tuổi và dấu vết của con người cũng đều tan biến. Duy chỉ có những gì được xây dựng trên nền tảng của Vĩnh Cửu mới được trường tồn.

Thiên Chúa không tạo dựng tất cả mọi người đều là thiên tài để ai cũng có thể để lại cho hậu thế danh thơm tiếng tốt của mình. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được tạo dựng như một kiệt tác của vũ trụ. Kiệt tác đó sẽ mãi mãi đi vào Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Nhưng mỗi đời người là một công trình cho vĩnh cửu. Mỗi một việc làm vô danh và nhỏ bé nhất cũng đều mang một giá trị vĩnh cửu.

3. Thiên Chúa khóc thương khi chúng ta quay lưng lại tình yêu của Ngài

Chúng ta thử nghĩ mà xem, khi chúng ta theo đuổi những thần tượng giả dối, thì chỉ có Thiên Chúa là Cha yêu thương và chờ đợi chúng ta. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng 30 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài đọc trích sách Xuất Hành, khi Mose lên núi để gặp Thiên Chúa, dân chúng không đủ kiên nhẫn. 40 ngày là quá lâu đối với họ. Khi Mose xuống núi, dân chúng đã đúc một con bê vàng để thờ. Dân chúng lãng quên Thiên Chúa, Đấng đã cứu họ. Bởi thế, ngôn sứ Baruc nói: Chúng đã lãng quên Đấng dẫn đưa chúng.

Khi quên đi Thiên Chúa, Đấng tạo nên đất trời, Đấng làm cho muôn vật sinh trưởng, Đấng đồng hành trong cuộc sống chúng ta, chúng ta sẽ rơi vào ảo tưởng. Nhiều lần trong các dụ ngôn, Chúa Giêsu kể về người chủ giao vườn nho cho người làm công chăm sóc, nhưng rồi thất bại, vì các tá điền muốn chiếm đoạt vườn nho. Trong trái tim con người luôn có cám dỗ ấy, luôn có sự bất an ấy. Con người không hài lòng với tình yêu trung thành đặt nơi Thiên Chúa. Trái tim con người luôn có xu hướng bị đưa đẩy tới chỗ không chung thủy.

Có ngôn sứ đã trách rằng: đây là một dân không biết kiên nhẫn là gì, không thể chờ đợi, một dân đã ra hư hỏng, vì chúng rời xa Thiên Chúa chân thật mà chạy theo các thần tượng giả dối.

Và như thế, đứng trước sự bất trung của dân, Thiên Chúa buồn lòng và thất vọng… Chúng ta hôm nay cũng là dân của Chúa. Chúng ta biết rất rõ điều gì đang diễn ra trong trái tim mình. Và chúng ta phải lên đường trở về; để không bị trượt dài, không bị lôi cuốn, không chạy theo các thần tượng giả trá của thế gian, không bị lún dần vào con đường bất trung. Hôm nay thật là tốt để nghĩ về sự nỗi buồn của Thiên Chúa. Bản thân mỗi người thử hỏi Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin nói cho con biết, Chúa có buồn về con không, có thất vọng về con không?”. Trong chừng mừng nào đó, có thể Chúa sẽ nói là có. Nhưng hãy cứ nghĩ và hỏi Chúa câu hỏi ấy.

Thiên Chúa là người Cha nhân hiền với trái tim nhân hậu. Chúng ta hãy nhớ về cảnh Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Và chúng ta tự hỏi: Chúa có đang khóc vì tôi không? Chúa có đang buồn vì tôi không? Tôi có đang chạy theo các thần tượng giả mà sống xa cách Chúa không? Nếu chúng ta đang làm nô lệ cho các ngẫu tượng giả dối, thì Thiên Chúa đang khóc thương cho ta.

Hôm nay chúng ta nghĩ về nỗi buồn của Thiên Chúa. Ngài buồn, vì dù Ngài yêu mến chúng ta, dù Ngài kiếm tìm tình yêu, mà chúng ta không đáp lại, mà chúng ta không yêu mến Ngài. Chúng ta chạy xa Thiên Chúa, Đấng tác thành chúng ta. Chúng ta nên nghĩ về điều ấy trong Mùa Chay này. Điều ấy giúp ích cho chúng ta. Đó là điều chúng ta nên làm hằng ngày khi xét mình hồi tâm. Chúng ta thưa lên với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa đã có rất nhiều ước mơ dành cho con, nhưng con lại rời xa Ngài, xin nói cho con biết ở đâu và cách nào để con bắt đầu con đường trở về…” Điều luôn làm cho ta ngạc nhiên, là Ngài luôn đợi chờ chúng ta, như người cha nhân hậu đợi chờ đứa con hoang đàng trở về. Khi đứa con trở về, người cha đã đợi chờ anh từ lâu và nhìn thấy anh ngay từ đàng xa.