38. CHÂN CHẤT CỦA NGƯỜI XƯA
Tiết độ sứ Hàn Giản tính thô bỉ tục tằn, mỗi lần cùng với Văn Sĩ nói năng trò chuyện, vẫn cứ là không thể biết Văn Sĩ nói những chuyện gì, cho nên thường vì chuyện này mà cảm thấy nhục nhã.
Thế là bèn triệu đến một hiếu liêm (cử nhân) giảng về thiên “Vi Chính” trong sách “luận ngữ” và nghe đến câu “tam thập nhi lập”. Ngày hôm sau ông ta nói với người cùng làm việc:
- “Bây giờ ta mới biết sự chân chất của người xưa, đến ba mươi tuổi mới đứng dậy mà đi”.
Mọi người nghe ông ta nói liền nhăn mặt cười nghiêng ngã.
(Nụ cười Quần Cư)

Suy tư 38:
Với những người thô bỉ tục tằn thì có người cho rằng họ là những người vô học, hoặc là ít học, hoặc là sống trong môi trường không được giáo dục cho lắm và thường là những người chân lấm tay bùn...
Nhưng suy nghĩ như thế thì thật là không công bằng, bởi vì có những người không học, ít tiếp xúc bên ngoài và quê mùa, nhưng họ có một tâm hồn rất thanh nhã, lễ độ và đạo đức; trái lại có những người học hành rất cao, bằng cấp này rồi bằng cấp nọ, có địa vị trong xã hội, nhưng tính tình thô bỉ tục tằn và có khi nham hiểm.
Người quê mùa dốt nát mà thô bỉ tục tằn thì người ta còn thông cảm và cảm thấy đáng thương, nhưng người trí thức mà thô bỉ tục tằn thì thật đáng sợ, người ta coi họ là một hung thần, một con cọp dữ tợn không dám đến gần...
Khi suy tư đến điều này tôi chợt khám phá ra một việc khá thú vị, đó là những người Ki-tô hữu dù quê mùa và dù dốt nát đến đâu chăng nữa, nhưng nhờ việc tham dự đọc kinh dâng lễ, học hỏi giáo lý mà họ trở nên những con người thanh nhã, cao thượng và quân tử.
Đáng vui thay, đáng mừng thay được làm người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info