Bà Norma là người đứng giữa
Lúc 22 tuổi, Norma McCorvey, không chồng, sa lầy trong nghiện ngập, nghèo đói và tuyệt vọng đã có thai ngoài ý muốn và trở thành Jane Roe, nguyên đơn trong phán quyết cho phép phá thai vào năm 1973 của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Bà đã qua đời ngày 18 tháng 2, 2017 tại một trung tâm trợ giúp sinh hoạt tại Katy, Texas; thọ 69 tuổi.

Norma McCorvey sinh tại Simmesport, La vào ngày 22 tháng 9, năm 1947. Học đến lớp Chín thì nghỉ học. Ở tuổi thiếu niên, Norma đã bắt đầu một cuộc hôn nhân ngắn ngủi với một người thợ làm các tấm kim loại tên là Elwood McCorvey. Mẹ cô phải nuôi đứa con gái của họ. Đứa con thứ hai của bà sinh ra ngoài giá thú, đã được một gia đình khác nhận làm con nuôi.

Đứa con thứ ba là đứa con trong vụ án “Roe chống Wade”. Trong nhiều năm, bà tuyên bố rằng việc mang thai Roe là kết quả của một vụ cưỡng hiếp. Nhưng năm 1987, bà nói lại, và cho biết bà đã có thai “trong một quan hệ tôi nghĩ là tình yêu.”

Norma McCorvey cho biết đã mang thai em bé Roe trong một mối quan hệ ở Dallas. Khi cô tìm cách phá thai, một luật sư về vấn đề con nuôi đã hướng dẫn cô đến với hai luật sư Linda Coffee và Sarah Weddington, vừa tốt nghiệp luật khoa và đang tìm kiếm một nguyên đơn để thách thức tính hợp hiến của luật chống phá thai của tiểu bang Texas.

Norma McCorvey nói với tờ New York Times vào năm 1994 rằng lúc đó cô chỉ muốn được phá thai, thậm chí là bất hợp pháp cũng được. Cô không ngờ mình đã bị lừa để làm ra lớn chuyện như thế.

Chính luật sư Sarah Weddington là người đã từng phá thai, biết rõ đường đi nước bước, nhưng đã muốn cô giữ bào thai ấy để phục vụ cho vụ kiện của mình. Norma McCorvey cho biết:

“Sarah ngồi ngay trước mặt tôi tại tiệm bánh pizza Columbo, và tôi chỉ mới biết cách nay hai năm là người luật sư này đã từng phá thai. Khi tôi nói với cô ấy là lúc đó tôi rất cần phá thai, lẽ ra cô ta có thể chỉ cho tôi một địa chỉ nào đó. Nhưng cô ta đã không làm như thế vì cô ấy cần tôi mang thai trong vụ kiện của mình.”

Để bảo vệ tính riêng tư, nguyên đơn Norma McCorvey lấy tên là Jane Roe trong vụ kiện chống lại ông Henry Wade, thẩm phán tòa án Dallas County. Cho nên, vụ kiện này gọi là vụ kiện Roe chống Wade.

Vào ngày 22 tháng Giêng năm 1973, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết với tỷ số 7-2 cho phép phá thai trên toàn cõi Hoa Kỳ. Tại thời điểm Tối cao Pháp viện công bố quyết định này, em bé đã 2 tuổi rưỡi.

Sau phán quyết của Tối cao Pháp viện, Jane Roe tiết lộ thân phận thật của mình trong các cuộc phỏng vấn và sau đó trong một cuốn hồi ký của Andy Meisler, “I Am Roe” (1994 ). Cô được các phong trào phò phá thai tung hô như người phụ nữ tiên phong giành quyền tự do cho nữ giới và được vào làm việc tại các cơ sở phá thai.

Trở thành người chống phá thai

Flip Benham là một mục sư Tin Lành, lãnh đạo nhóm Operation Rescue, chống phá thai và trợ giúp cho các bà mẹ gặp khó khăn để giúp họ giữ các bào thai. Ông mở văn phòng ngay bên cạnh trung tâm phá thai mà McCorvey đang làm việc. Ông tìm cách hoán cải bà và cuối cùng thành công.

Norma McCorvey tuyên bố gia nhập đạo Tin Lành và hăng say trong các hoạt động phò sinh. Chuyển biến này là một thắng lợi quan trọng cho phong trào phò sự sống tại Mỹ. Trước chuyển biến này của bà, luật sư Sarah Weddington, là người phò phá thai đã đưa đẩy bà Norma tới vụ kiện Roe chống Wade quay sang nhiếc móc thân chủ cũ của mình là một người “thực sự khao khát và tìm kiếm sự chú ý.” Tuy nhiên, Norma McCorvey nói rằng bà chỉ “lo lắng về phần rỗi linh hồn” của mình.

Sau cuốn hồi ký, “Won By Love” (1997), với tác giả Gary Thomas, cô tham gia trong việc thành lập trụ sở phò sinh ở Dallas lấy tên “Roe No More” và tuyên bố trở thành một người Công Giáo. Cô tham gia vào các cuộc biểu tình chống phá thai và đã bị bắt vào năm 2009 khi xông vào Thượng viện trong khi các thượng nghị sĩ họp để phê chuẩn việc tổng thống Barrack Obama đề cử Sonia Sotomayor vào Tối cao Pháp viện.