BAHIA NEGRA, PARAGUAY– CÁNH ĐỒNG TRUYỀN GIÁO BỊ LÃNG QUÊN

Nhắc đến Bahía Negra thì hầu hết chẳng người Paraguay nào muốn đặt chân đến vùng đất khỉ ho cò gáy này vì lẽ đó là một vùng đất nghèo nàn và hẻo lánh nhất ở Paragugay cách thủ đô Asunción chừng 1.000 cây số đi đường bộ về hướng Bắc.

Xem Hình

Bahía Negra theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Vịnh Đen. Nơi đây người thổ dân Chamacoco chiếm đến 73% và 27% còn lại là người Paraguay mang dòng máu tỵ nạn của những người Âu châu thời thuộc địa. Họ đến vùng đất hoang sơ cằn cỗi này để bắt đầu một cuộc sống tha hương cầu thực từ nhiều chục năm về trước. Bahía Negra cũng là giáo điểm truyền giáo của Dòng Saledieng Bosco. Họ là những người tiên phong đặt chân đến vùng vùng đất hoang sơ đầy thách đố này để đồng hành với những người dân khốn khổ trong những bước đầu đầy khó khăn trong suốt 50 năm qua.

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm trở lại đây, do thiếu nhân sự vì ơn gọi truyền giáo và linh mục trở nên khan hiếm ở Tân Lục Địa này, Dòng Don Bosco đành rời bỏ cánh đồng truyền giáo đã từng gắn bó với họ rất nhiều năm và để lại vùng “Vịnh Đen” Bahía Negra ngày càng đen hơn cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chính vì thế, Kể từ năm 2005, Bahía đã bị lãng quên bởi chính quyền lẫn giáo quyền, đàn chiên thiếu chủ chăn và các con chiên đang hoảng loạn.

Qua thư mời gọi của Đức Giám Quản Tông Tòa của vùng truyền giáo này, Dòng truyền giáo Ngôi Lời ở Paraguay đã đồng ý tiếp nhận một sứ vụ đầy thách đố dù nhân sự của Dòng không mấy dồi dào.

Trung tuần tháng 3 năm 2016, 3 tu sĩ tiên phong thuộc Dòng truyền giáo Ngôi Lời tại Paraguay đã được sai đi để lãnh nhận xứ truyền giáo Bahía Negra. Trước đó trong một cuộc Tu Nghị Tỉnh Dòng, bề trên giám tỉnh có thỉnh ý liệu xem ai muốn đến vùng đất hoang sơ trong thế kỷ XXI này để sống sứ vụ truyền giáo thì chỉ có mấy anh em Việt nam và một tu sĩ người Indonesia giơ tay sẵn sàng ra đi dù họ đang cai quản những giáo xứ bề thế. Ba anh em chúng tôi (2 người Việt và 1 người Indonesia) “xăm mình” để bắt đầu một sứ vụ không mấy êm ả để noi gương Thầy Chí Thánh.

Từ thủ đô Asunción đến Bahia Negra nếu đi bằng đường bộ thì một tuần chỉ có một chuyến xe bus và phải mất khoảng 20 giờ đồng hồ mới đến được nếu trời không mưa. Còn đi bằng máy bay quân đội thì mất khoảng 2 tiếng và cũng nhồi nhét như đi xe bus và một tuần chỉ có một chuyến. Nếu trời mưa thì không có phương tiện nào đi đến đó đươc.

Ba anh em chúng tôi ra đi với một tinh thần hăng hái nhưng không thiếu những lo toan bởi lẽ chúng tôi biết rằng con đường phía trước không mấy dễ dàng, một tương lai đầy chông gai thử thách đang rình rập chúng tôi. Bông hồng nào chẳng có gai, sứ vụ nào cũng có vài khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết chí lên đường.

Quả thật đúng như những gì chúng tôi đã tiên đoán khi vừa đặt chân đến vùng đất này. Chúng tôi đã gặp phải nhiều thử thách “không hề nhẹ” ngay từ phút đầu, những thử thách không dễ dàng chút nào. Vừa bước vào nhà xứ gọi là Santa Teresita del Niño Jesús (Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu) do các cha Dòng Don Bosco thành lập. Trong khoảng khắc chúng tôi không khỏi bở ngỡ sự hoang tàn và mục nát của ngôi nhà Xứ. Bên ngoài hành lang cỏ mọc um tùm như từ lâu đã lâu không có ai chăm lo quét dọn tạo nên một khung cảnh u ám, ảm đạm khó tả. Bước vào bên trong nhà Xứ chúng tôi “há mồm” không thể tin vào mắt mình với những cảnh tượng hiện ra trước mắt chúng tôi: phân của những con Dơi vung vãi khắp nơi từ phòng khách, phòng ăn, nhà bếp đến phòng ngủ toát ra một mùi hôi nồng nặc khó thở. Tất cả những cảnh tượng đó như là một dấu hiệu đã từ lâu ngôi nhà xứ này đã bị bỏ hoang và chìm vào quên lãng không ai thèm ngó ngàng đến.

Khác với những vùng đất còn lại ở Paraguay, Bahía Negra có hai mùa Mưa, Nắng đặc trưng rõ rệt. Theo người dân bản xứ, tháng 3 là tháng nóng nhất trong năm và chúng tôi lại đến đúng vào tháng này. Cái nóng khắc nghiệt của mùa Hè khiến chúng tôi liên tưởng mình đang ở trong Sa Mạc Sahara bên Phi Châu. Đất đai thì cằn cỗi, cây cỏ hoa lá như thiếu sức sống và con người cũng khô cần và đen đuốc như chính vùng đất của họ. Đã thế, hơn 4 tháng chúng tôi phải chịu đựng sống trong màng đêm vì không có điện, không có nước sạch. Tuy nhiên điều đáng buồn hơn cả là đức tin của người dân ở đây quá xuống dốc và nguội lạnh do nhiều năm qua thiếu vắng chủ chăn.

Đứng trước những thách đố đó, chúng tôi không cảm thấy nản chí dù điều kiện sống ban đầu quá cơ cực làm cho sức khỏe của anh em chúng tôi sa sút phần nào, chúng tôi xem đó như là một động lực để thúc đẩy chúng tôi trong đời sống dấn thân phục vụ. Socrates, một triết gia Hy Lạp nổi tiếng, người “đỡ đẻ cho những bộ óc trí tuệ” đã một lần thốt lên rằng: “Cuộc đời không thử thách là một cuộc đời không đáng sống”. Cha ông ta có câu: “Vạn sự khởi đầu nan, gian nan thử đức”. Đó là điểm khởi đầu của những ai muốn dấn thân quên mình để theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu đến để phục vụ và phục vụ quên mình.

Nối gót Thầy Chí Thánh là quyết tâm cùng Ngài lên đồi Can-vê, nơi mà Ngài phải đối diện với những thử thách khó tránh khỏi và thử thách đó đã lấy đi mạng sống của Ngài. Ngài đã đánh đổi mạng sống mình để đem lại niềm hy vọng và ơn cứu độ cho muôn dân. Để làm đẹp Thánh Ý Chúa Cha, Ngài đã theo đến cùng và chết trên Thập Giá. Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không chết đi, không thối đi thì nó sẽ trơ trọi một mình, không đem lại hoa quả, bông hạt. Dù biết rằng trên con đường dấn thân phục vụ có nhiều chông gai thử thách, có nhiều cạm bẫy, gian nan, chúng tôi nguyện nối gót Thầy Chí Thánh Giêsu, như hạt lúa mì chết đi để nung nấu đức tin những người nguội lạnh, mang lại niềm hi vọng cho những người bị lãng quên và niềm an ủi cho những ai khao khát sự ủi an trên vùng đất truyền giáo Bahía Negra này. Đối với người đời có thể chúng tôi là những người thất bại, nhưng trong Thiên Chúa chúng tôi luôn tin rằng sự thất bại đó sẽ là một thành công hiển hách vì có Chúa đồng hành và sánh bước với chúng tôi trên mọi nẻo đường. Như thánh Phaolo Tông Đồ đã từng thốt lên rằng thà thất bại trong Thiên Chúa còn hơn thành công đối với người đời.

Con đường sứ vụ ở vùng đất lãng quên Bahía Negra sẽ còn nhiều thách đố ở phía trước, nhưng trong sự mời gọi của Thầy Chí Thánh, và nhờ lời cầu nguyện của ông bà và anh chị em, chúng tôi tin rằng một ngày nào đó vùng đất xa xôi hẻo lánh này sẽ triển nở và trở thành một mảnh đất phì nhiêu trong niềm tin, cậy mến như thánh Phaolo đã nói: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1 Cor 3:6).

Bahía Negra, 09 tháng 02 năm 2017

Lm. Stephan Lương Tử Lân, SVD.