Kể từ ngày sau khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết cho đến hiện tại và sẽ còn tiếp tục trong tương lai cho đến tận thế Tin Mừng Phục Sinh của Đức Kitô thành Nazareth luôn được rao giảng, không ngừng nghỉ. Có nơi Tin Mừng được đón nhận với tấm lòng nhiệt thành; nơi khác Tin Mừng bị xua đuổi, cấm đoán, phải trải qua thử thách. Nơi nào đón chào, Tin Mừng tạo cơ hội tốt lành cho Tin Mừng sinh hoa kết trái rũ cành và đời sống dân chúng thịnh đạt, thái bình. Nơi Tin Mừng bị cấm cách, cuộc sống dân thiếu ấm no, đói khát hạnh phúc. Tin Mừng ở những vùng đất đó chậm phát triển và đôi khi Tin Mừng nằm yên tương tự như hạt giống vùi sâu trong tuyết chờ cơ hội thuận tiện sẽ bùng lên đâm chồi non xanh ngát. Thực tế cho biết Tin Mừng chưa bao giờ thiếu bách hại và cấm cách. Có thể nói bách hại và cấm cách chung vai như bóng với hình của lịch sự Giáo Hội Thiên Chúa giáo. Nơi nào có dấu vết của Giáo Hội nơi đó có vết thẹo hằn sâu của cấm cách, bách hại của lịch sử Đức tin Kitô giáo. Thân thể Giáo Hội mang đầy thương tích của bách hại. Điều này không ngạc nhiên bởi chính thân thể Đức Kitô đã mang đầy thương tích của đòn vọt và mạo gai. Giáo Hội chính là hiện thân của Đức Kitô mà thân thể Đức Kitô mang thương tích cùng mình nên Giáo Hội không tránh khỏi và cũng không tránh né những nơi bách hại, cấm cách trong bước đường rao giảng Tin Mừng. Nghe có vẻ nghịch lí nhưng Tin Mừng bị đối kháng bởi đó là Tin Mừng. Đối kháng và bách hại do những người có quyền thế, nắm quyền sinh sát người khác trong tay, họ chống đối Tin Mừng vì Tin Mừng kêu gọi phục vụ người nghèo; kêu gọi đối xử công bằng, liêm chính với mọi người và kêu gọi tôn trọng mạng sống người khác. Những kêu gọi này đối nghịch lối sống hiện tại và chống đối là điều không thể tránh. Đối kháng do người quyển thế chủ động nên đối kháng thường dẫn đến bách hại qui mô rộng lớn. Tin Mừng được coi là ánh sáng tâm hồn và ánh sáng đánh tan bóng tối. Ánh sáng dẫn đến điều tốt hảo, trọn lành; bóng tối che dấu điều tội lỗi, xấu xa vì thế tranh đấu giữa ánh sáng và bóng tối; giữa thiện và ác là điều không thể tránh. Lịch sử Giáo Hội từ ngàn xưa đã hiểu rõ cuộc chiến giữa thiện và ác và ngày nay nó núp bóng dưới các chiêu bài khác, giải thích khéo léo khác, nhưng chân của sự thật vẫn là hình thức bách hại Tin Mừng.

Sau khi nghe tin Gioan Tẩy giả bị bắt Đức Kitô đi về miền Galilê và bắt đầu cuộc đời rao giảng công khai tại Capernaum. Đây là làng đánh cá chạy dọc theo phía Bắc eo biển Galilê. Tại nơi đây Đức Kitô kêu gọi một số môn đệ đầu tiên và họ đã sống với Ngài ngày này qua ngày nọ. Sau khi Đức Kitô về trời các ông chính thức công khai rao giảng về Đức Kitô Phục Sinh. Các ông làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh các điều chính mắt nhìn thấy, tai nghe thấy cuộc tử nạn và sống lại của Đức Kitô. Từ ngày đó đến nay Tin Mừng không ngừng được rao giảng cho toàn cõi trái đất.

Đức Kitô chọn người nghèo, dân chài lưới để bắt đầu rao giảng Tin Mừng bởi người được chọn đã từ chối lắng nghe lời Ngài. Đức Kitô sống với họ, dậy họ về tình Chúa vô biên, lòng tha thứ vô bờ, và cuộc sống vĩnh cửu. Ngài kêu gọi thống hối và tin vào Tin Mừng như Gioan rao giảng Mat 3,2. Người ta lí luận lời kêu gọi này xảy ra hai ngàn năm trước nay điều đó quá xưa, không còn thích hợp với xả hội mới. Lí luận nghe hợp lí nhưng lại sai í nghĩa của Tin Mừng bởi Tin Mừng không kêu gọi xã hội thống hối mà kêu gọi lòng người thống hối và đổi mới, kêu gọi con tim hoán cải. Không ai tự nhận mình có con tim già nua, nhưng nhận có con tin son trẻ vì thế lời kêu gọi hoán cải luôn luôn mới với con tim son trẻ. Đây không phải là lời kêu gọi xưa cũ của con tim hai ngàn năm, mà chính là con tin non trẻ, son trẻ trong lòng mỗi người. Con tim son trẻ sẽ không mỏi mệt khi làm công việc bác ái, yêu thương. Con tim son trẻ không chán chường với cuộc sống. Con tim son trẻ luôn tích cực hành động trong việc gieo rắc tình thương Chúa xuống trên mọi người. Để có được con tim son trẻ con tim đó cần kết hợp với cuộc sống của Đức Kitô. Chính tình yêu Đức Kitô đổi mới con tim và làm cho nó luôn non trẻ.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org