Sự say sưa điềm tĩnh của Thánh Thần

Bài giảng III của cha Cantalamessa cho Phủ Giáo Hoàng Mùa Vọng 2016

1- Hai loại say sưa

Thứ Hai sau lễ Hiện Xuống năm 1975, nhân dịp kết thúc Đại Hội Quốc Tế lần thứ nhất của Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng Công Giáo, Chân Phước Phaolô VI phát biểu với mười ngàn tham dự viên tụ họp tại Đền Thờ thánh Phêrô, trong bài phát biểu đó, ngài định nghĩa Phong Trào Cân Tân Đặc Sủng như là “một cơ may cho Giáo Hội.” Khi kết thúc bài phát biểu chính thức của mình, Đức Giáo Hoàng ngẫu hứng thêm những lời này:

“Trong thánh thi mà chúng ta đọc buổi sáng nay trong Kinh Nhật Tụng, do thánh Ambrôsiô sáng tác vào thế kỷ thứ tư, có một câu đơn sơ nhưng khó dịch: Laeti nghĩa là với niềm vui, bibamus nghĩa là “chúng ta hãy uống,” sobriam nghĩa là “không say” hoặc “điều độ,” profusionem Spiritus, nghĩa là “sự dồi dào Thánh Thần.” Laeti bibamus sobriam profusionem Spiritus. Có lẽ đây là câu khẩu hiệu in dấu trên phong trào: một chương trình và một sự thừa nhận về chính phong trào. Điều quan trọng phải lưu ý ngay lập tức là những lời trong thánh thi này ngay từ đầu chắc chắn không phải được viết cho Phong Trào Đặc Sủng. Chúng đã luôn là một phần của Phụng Vụ Giờ Kinh của Giáo Hội hoàn vũ. Bởi vậy, đây cũng là một sự khích lệ gửi đến cho mọi tín hữu và vì thế, tôi muốn giới thiệu nó trong suy niệm này, như là lời chúc mừng khiêm tốn gửi tới Đức Thánh Cha nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của ngài.

Nói đúng hơn, trong bản văn nguyên thủy của thánh Ambrôsiô, thay vì dùng từ “profusionem Spiritus - sự dồi dào Thánh Thần,” chúng ta thấy từ “ebrietatem Spiritus,” nghĩa là “sự say sưa Thánh Thần.”

Truyền thống sau đó đã coi sự diễn tả nguyên thủy này là quá tạo bạo và đã thay thế nó với một từ nhẹ hơn và dễ chấp nhận hơn. Tuy nhiên, khi làm như thế, ý nghĩa của phép ẩn dụ cổ xưa và tính Kitô giáo đã bị đánh mất. Bởi vậy, trong bản dịch tiếng Italia của Kinh Nhật Tụng, nguyên văn câu nói của thánh Ambrôsiô được phục hồi một cách chính xác. Một đoạn thánh thi của Kinh Sáng tuần thứ Tư của bộ Thánh Vịnh nói:

“Đức Kitô hãy là của ăn,

Đức Kitô hãy là nước hằng sống:

Trong Người chúng ta niếm hưởng

Niềm say sưa tỉnh táo của Thánh Thần.”

Điều đã thúc đẩy các Giáo Phụ lấy lại chủ đề về “niềm say sưa điềm tĩnh,” đã được phát triển bởi Philô thành Alexandria, từ một bản văn mà thánh Tông Đồ khuyến khích các Kitô hữu ở Êphêsô rằng:

“Chớ có say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thánh Thần. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thánh Thần linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Eph 5,18-19).

Bắt đầu từ Origênê, người ta không thể tính được vô số bản văn của các Giáo Phụ đã trình bày về chủ đề này, khi thì đề cập đến sự giống nhau, khi thì đề cập đến sự trái nghịch của sự say sưa thể lý và sự say sưa tinh thần. Sự giống nhau hệ tại trong sự kiện là cả hai hình thức say sưa đầy tràn niềm vui; chúng làm cho quên đi những phiền muộn và làm cho chúng ta ra khỏi chính mình. Sự trái nghịch hệ tại trong sự kiện trong khi sự say sưa vật chất (từ rượu, ma túy, tình dục, thành công) làm cho con người run rẩy và loạng choạng, thì sự say sưa tinh thần làm cho con người vững vàng trong điều thiện. Sự say sưa thứ nhất làm cho con người ra khỏi mình để sống ở dưới mức độ của lý trí; sự say sưa thứ hai làm cho con người ra khỏi mình để sống trên mức độ của lý trí. Cả hai đều sử dụng từ “xuất thần – ecstasy” (danh từ gần đây dùng cho một loại thuốc phiện chết người!), nhưng sự xuất thần thứ nhất thuộc hạ đẳng và sự xuất thần thứ hai thì hướng thượng.

Thánh Cirillô thành Giêrusalem viết: những người nghĩ các Tông Đồ đã đầy rượu trong ngày lễ Hiện Xuống là chính xác; họ chỉ sai lầm khi gán cho sự say sưa này là do uống rượu thường, trong khi đó là do thứ “rượu mới” được ép từ “ thứ rượu đích thực” là Chúa Kitô. Vâng, các Tông Đồ đã say sưa, nhưng sự say sưa điềm tĩnh này làm chết đi tội lỗi và mang lại sự sống cho linh hồn.

Khi chú giải trích đoạn về dòng nước chảy ra từ tảng đá trong sa mạc (x. Xh 17,1-7) và giải thích của thánh Phaolô về điều này trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (“Tất cả cùng một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ… tất cả chúng ta đã được tràn đầy một Thánh Thần duy nhất” (1 Cr 10,4; 12,13), thánh Ambrôsiô viết:

“Chúa Giêsu đổ nước ra từ tảng đá và mọi người đã uống nước đó. Những ai uống nước này trong hình bóng, sẽ được thỏa mãn; những ai uống nước trong sự thật, thì được hoàn toàn say sưa. Thật là tốt đẹp vì sự say sưa này đổ tràn niềm vui. Thật tốt đẹp vì sự say sưa này cũng cố những bước đi của lý trí điềm tĩnh… Bạn hãy uống Đức Kitô, vì Người là rượu; bạn hãy uống Đức Kitô, vì Người là tảng đá từ đó nước vọt ra… Bạn hãy uống Đức Kitô, vì uống Lời Người… Kinh Thánh phải được uống, Kinh Thánh được nghiền gẫm, khi nước cốt của Lời hằng hữu đi qua các tĩnh mạch của lý trí và trong những năng lực của tâm hồn.”

2- Từ sự say sưa đến sự điềm tĩnh

Làm sao chúng ta lấy lại lý tưởng này về sự say sưa điềm tĩnh và nhập thể nó trong tình hình lịch sử và Giáo Hội hiện tại? Quả thật, người ta nói rằng các Giáo Phụ và những thời sơ khai của Giáo Hội là sự đặc thù độc nhất về cách thức kinh nghiệm Thánh Thần một cách mạnh mẽ như thế, nhưng sao nó không còn nữa đối với chúng ta?

Hồng ân Chúa Giêsu không giới hạn cho một thời đại đặc biệt nào nhưng được ban cho từng thời đại. Kho tàng của ơn cứu độ Người có đủ cho hết mọi người. Một cách chính xác đó là vai trò của Chúa Thánh Thần làm cho ơn cứu độ Chúa Kitô có tầm mức hoàn vũ, sẵn sàng cho từng người, trong từng thời điểm và không gian.

Trong quá khứ, nói chung trật tự được ghi lòng tạc dạ là điều đến từ sự điềm tĩnh tới sự say sưa. Nói cách khác, người ta nghĩ rằng con đường để đạt tới sự say sưa thiêng liêng, hoặc sự nhiệt thành, là sự điềm tĩnh, nghĩa là nhờ sự kiêng khem từ những điều xác thịt, chay tịnh khỏi thế gian và khỏi ước muốn của mình – nói cách khác, đó là sự khắc khổ. Theo nghĩa này, quan niệm về sự điềm tĩnh được đào sâu cách đặc biệt bởi nền tu đức đan tu của Chính Thống, được gọi là “lời cầu của Chúa Giêsu.” Trong đó, sự điềm tĩnh chính là một “phương pháp tu đức” được thực hiện nhờ “sự chú tâm sống tỉnh thức” để giải thoái mình khỏi những đam mê và lời nói tội lỗi, giải thoát và bỏ lại đằng sau mọi thỏa mãn xác thịt, và chỉ còn lại hoạt động là sám hối vì tội lỗi và cầu nguyện.”

Dưới tên gọi khác nhau – sự dứt bỏ, sự thanh luyện, sự khổ chế - đây chính là học thuyết khổ chế mà chúng ta gặp nơi các thánh và các thầy dạy Giáo Hội La Tinh. Thánh Gioan Thánh Giá nói về nhu cầu của linh hồn cần “dứt bỏ và trút bỏ vì Chúa tất cả những gì không phải là Chúa.” Những giai đoạn của cuộc sống tu đức này được gọi là thanh luyện và giác ngộ. Trong đó, linh hồn giải thoát mình cách khó nhọc khỏi những thói quen tự nhiên để chuẩn bị cho sự kết hiệp với Thiên Chúa và cho sự thông ban ân sủng của Người. Những điều này thiết lập nên giai đoạn thứ ba, “con đường nhiệm hiệp” mà những tác giả Hy Lạp gọi là “sự thần hóa.”

Chúng ta là những người thừa kế một nền tu đức quan niệm về con đường hoàn thiện theo chuỗi liên tiếp này: Trước hết, chúng ta cần ở trong giai đoạn thanh tẩy trong một thời gian dài trước khi bước vào giai đoạn nhiệm hiệp; chúng ta cần thực hành lâu dài sự điềm tĩnh trước khi sẵn sàng cho kinh nghiệm về sự say sưa. Mỗi sự nhiệt thành được bày tỏ trước thời gian này được coi là ngờ vực. Với tất cả những ý nghĩa của nó, như thế, sự say sưa tâm linh được thực hiện ở giai đoạn cuối và được dành riêng cho “những người hoàn hảo.” Những người khác, là “những người tài giỏi” phải chú tâm cách đặc biệt trong việc khổ chế, mà không có đòi hỏi một kinh nghiệm trực tiếp và mạnh mẽ về Thiên Chúa và về Chúa Thánh Thần trong khi họ vẫn còn phải vật lộn với những yếu đuối của mình.

Có một sự khôn ngoan và kinh nghiệm ẩn dưới tất cả điều này, và có lẽ là sai lầm khi coi những điều này là lỗi thời. Tuy nhiên, cần phải nói rằng một lộ trình cứng nhắc như thế cũng cho thấy một sự chuyển đổi chậm chạp và tiệm tiến của việc tập trung vào ân sủng tới việc tậm trung vào cố gắng con người, một sự thay đổi từ đức tin tới những công việc, đôi lúc rất giống với chủ thuyết Pelagianism. Theo Tân Ước, có một sự tuần hoàn và đồng thời giữa hai sự việc: sự điềm tĩnh là cần thiết để đạt tới sự say sưa của Thánh Thần, và sự say sư của Thánh Thần được thực hiện nhờ sự điềm tĩnh.

Một sự khổ chế được thực hành mà không có một sự thúc đẩy mạnh mẽ ban đầu của Chúa Thánh Thần, có lẽ là sự cực nhọc chết người và không mang lại kết quả gì cả, ngoài “sự khoe khoang trong thân xác.” Theo thánh Phaolô, chúng ta “phải chết đi cho những việc làm của xác thịt” “với sự trợ giúp của Thánh Thần” (Rm 8,13). Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta để chúng ta có thể chết đi chính mình hơn là được ban như là một phần thưởng cho việc chết đi chính mình.

Theo các Giáo Phụ của Giáo Hội sơ khai, một đời sống Kitô hữu đầy những cố gắng khổ chế và khắc khổ nhưng không có sự đụng chạm làm cho sống động của Thánh Thần có thể giống như một Thánh Lễ trong đó có nhiều bài đọc, nhiều nghi thức cử hành, và nhiều lễ vật dâng lên, nhưng trong đó không được linh mục thánh hiến các thứ này. Mọi thứ vẫn cứ như trước đó. Các Giáo Phụ kết luận điều này:

“Tương tự như thế đối với người Kitô hữu. Nếu họ đã thực hiện tuyệt hảo việc ăn chay, canh thức, hát thánh vịnh và chu toàn những việc khổ chế cũng như luyện tập các nhân đức, nhưng không hoàn tất chúng nhờ ân sủng, trên bàn thờ con tim mình, công trình huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần, cũng như tất cả quá trình khổ chế này sẽ không có hiệu quả và không sinh ra hoa trái nhân đức, vì niềm vui của Chúa Thánh Thần không hoạt động cách huyền nhiệm trong trái tim họ.”

Đây là con đường thứ hai – từ say sưa tới điềm tĩnh – là con đường mà Chúa Giêsu đã hướng dẫn các Tông Đồ của Người theo đuổi. Mặc dầu họ đã có Chúa Giêsu như là thầy và là người hướng dẫn thiêng liêng, trước Lễ Hiện Xuống, họ chưa có khả năng để thực hành bất cứ giáo huấn nào của Tin Mừng. Nhưng khi họ được rửa tội với Thánh Thần, lúc bấy giờ, họ thấy mình được biến đổi và có khả năng chịu đựng mọi hình khổ vì Chúa Kitô, cả việc tử đạo. Chúa Thánh Thần là nguyên nhân lòng nhiệt thành của họ, hơn là hiệu quả của nó.

Có một lý do khác thúc đẩy chúng ta tái khám phá con đường này từ say sưa tới sự điềm tĩnh. Đời sống Kitô hữu không chỉ là vấn đề lớn lên cá nhân trong sự thánh thiện, nó còn là một tác vụ, sự phục vụ và loan báo. Để hoàn thành những nhiệm vụ này, chúng ta cần đến “sức mạnh từ trên cao,” những đặc sủng hay nói cách khác, cần một kinh nghiệm mạnh mẽ, thuộc Hiện Xuống (pentecostal) của Chúa Thánh Thần.

Chúng ta cần sự say sưa điềm tĩnh của Chúa Thánh Thần, còn hơn cả những gì các Giáo Phụ nói. Thế giới đã trở nên quá thù địch với Tin Mừng, quá tự tin vào chính mình, chỉ còn một thứ “rượu mạnh” này của Chúa Thánh Thần mới có thể giúp chiến thắng sự cứng lòng của con người và đưa con người ra khỏi sự điềm tĩnh hoàn toàn nhân bản và duy lý trí mà người ta gọi đó là “tính khách quan khoa học.” Chỉ những khí giới tinh thần như thánh Tông Đồ nói, mới “có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô” (2 Cr 10,4-5).

3- Phép Rửa trong Thánh Thần

Đâu là những nơi mà ngày hôm nay Thánh Thần hoạt động theo cách thế của lễ Hiện Xuống? Chúng ta hãy lắng nghe một lần nữa lời của thánh Ambrôsiô, một thi sĩ tuyệt vời giữa những Giáo Phụ La Tinh, về sự say sưa điềm tĩnh của Thánh Thần. Sau khi đã lưu ý hai “nơi” kinh điển để đón nhận Thánh Thần – đó là Thánh Thể và Kinh Thánh – ngài nhấn mạnh đến một khả năng thứ ba, khi nói:

“Cũng có một sự say sưa khác được thực hiện nhờ sự tuôn đổ bên trong của Thánh Thần. Đây là trường hợp mà trong Công Vụ Tông Đồ, những người nói được tiếng khác nhau, đối với những thính giả, như là những người đã đầy rượu rồi.”

Sau khi lưu ý đến những cách thế “bình thường” của việc say sưa nhờ Thánh Thần, thánh Ambrôsiô thêm một cách thế khác biệt với những lời này, “một cách thế ngoại thường,” theo nghĩa nó không được quy định trước, cũng không phải là cái gì được thiết lập. Nó hệ tại trong việc tái sống lại kinh nghiệm của các Tông Đồ đã làm trong ngày lễ Hiện Xuống. Ambrôsiô hiển nhiên không có ý chỉ ra khả năng thứ ba này để nói với cử tọa của ngài rằng nó không được dành cho họ vì chỉ được dành riêng cho các Tông Đồ và thế hệ đầu tiên của các Kitô hữu. Ngược lại, ngài có ý gợi hứng cho các tín hữu của mình thực hiện kinh nghiệm về “Phép Rửa của Thánh Thần” như đã xảy ra trong ngày lễ Hiện Xuống. Cũng với thánh Ambrôsiô, Hiện Xuống không phải là một biến cố đóng kín, nhưng là một khả năng luôn mở ra trong Giáo Hội.

Vì thế, khả năng này được mở ra với chúng ta để kín múc Thánh Thần cho một con đường mới mẻ này, nó hoàn toàn phụ thuộc bởi sự khởi xướng tối cao và tự do của Thiên Chúa. Chúng ta đừng có rơi vào sai lầm của những Pharisêu và Luật Sĩ khi họ nói với Chúa Giêsu rằng: “Có sáu ngày để chúng ta làm việc, vậy tại sao lại chữa bệnh và làm phép lạ trong ngày thứ Bảy?” (Lc 13,14). Chúng ta có thể bị cám dỗ để nói với Chúa hoặc suy nghĩ trong lòng: “Có bảy bí tích để thánh hóa và ban Thánh Thần, tại sạo lại phải hành động ở ngoài chúng, theo những cách thức mới mẻ và bất thường?”

Một trong những cách thức mà ngày hôm nay Chúa Thánh Thần đang hoạt động, ngoài những kênh thuộc định chế của ân sủng, đó là Phong Trào Canh Tân Đặc Sủng. Nhà thần học Yves Congar, trong bài phát biểu của mình với Công Nghị Quốc Tế về Thánh Linh Học tại Vatican vào năm 1981 nhân dịp kỷ niệm bảy thế kỷ Công Đồng Đại Kết Constantinople, khi nói về những dấu chỉ của sự thức dậy về Chúa Thánh Thần trong thời đại chúng ta, ngài nói:

“Làm sao chúng ta lại tránh đề cập ở đây “dòng suối đặc sủng,” đúng hơn được gọi là Phong Trào Canh Tân trong Thánh Thần? Nó được lan tỏa như một ngọn lửa cháy trên những bụi rậm. Nó còn tốt hơn là một mốt thời trang… Trước hết, theo một phương diện, nó tương tự như một phong trào của sự phục hưng: vì tính chất công cộng và xác thực của hoạt động, nó thay đổi đời sống nhiều người… Nó như là sự trẻ trung, sự tươi trẻ và những khả năng mới cho lồng ngực già nua của Giáo Hội, mẹ chúng ta. Quả thật, trừ những sự ngoại lệ hiếm hoi, Phong Trào Canh Tân có vị trí trong Giáo Hội và các cơ chế kinh điển không còn đưa ra để tranh luận nữa, phong trào làm hồi sinh các cơ chế.”

Phương tiện chính yếu mà Phong Trào Canh Tân trong Thánh Thần “thay đổi đời sống của nhiều người” là bí tích Rửa Tội trong Thánh Thần. Tôi nói điều này ở đây dĩ nhiên không có ý định chiêu mộ người theo, nhưng bởi vì tôi nghĩ rằng thật là phải đạo nếu chúng ta nhận biết trong lòng của Giáo Hội có một thực tại liên quan đến hàng triệu người Công Giáo trên thế giới.

Thành ngữ “Phép Rửa trong Thánh Thần” trực tiếp đến từ Chúa Giêsu. Trước khi lên trời, trong khi đề cập đến lễ Hiện Xuống sắp xảy ra, Người nói với các Tông Đồ: “Ông Gioan thì làm Phép Rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu Phép Rửa trong Thánh Thần” (Cv 1,5). Đây là một nghi lễ không có gì là huyền bí cả nhưng đúng hơn nó được cử hành bằng những cử chỉ rất đơn giản, bình an và niềm vui, được đồng hành bởi những thái độ khiêm tốn, ăn năn, và sẵn sàng trở nên những trẻ thơ là điều kiện để vào Nước Trời.

Nó là một sự canh tân và hiện tại hóa không chỉ bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, nhưng còn là toàn bộ đời sống Kitô hữu: đối với những cặp vợ chồng, là sự canh tân bí tích hôn phối; đối với các linh mục, là sự canh tân bí tích truyền chức của họ; đối với những người thánh hiến, là sự canh tân cho những lời khấn dòng của họ. Đương sự được chuẩn bị ngoài việc xưng thú tốt tội lỗi, tham dự học hỏi giáo lý, trong đó họ được đặt mình trong cuộc gặp gỡ sống động và vui tươi với những chân lý nền tảng và những thực tại của đức tin: tình yêu của Thiên Chúa, tội lỗi, ơn cứu độ, đời sống mới, sự biến đổi trong Đức Kitô, các đặc sủng, và hoa quả của Thánh Thần. Hoa quả thông thường nhất và đẹp đẽ nhất là khám phá “tương quan cá vị” với Chúa Giêsu phục sinh và sống động có nghĩa là gì. Theo sự hiểu biết Công Giáo, Phép Rửa trong Thánh Thần không phải là một điểm đến, nhưng là một điểm bắt đầu hướng tới sự trưởng thành Kitô giáo và phục vụ Giáo Hội.

Mười năm sau phong trào Canh Tân Đặc Sủng xuất hiện trong Giáo Hội Công Giáo, Karl Rahner viết: “Chúng ta không thể phản đối rằng con người có thể có những kinh nghiệm dưới đây về ân sủng, nhờ đó chúng ban cho họ một ý nghĩa về tự do, mở ra cho họ những chân trời hoàn toàn mới, được dìm mình trong Người, chúng biến đổi họ khi nhào nặn thái độ nội tâm Kitô giáo trong một thời gian dài. Không gì cấm chúng ta gọi những kinh nghiệm như thế là Phép Rửa trong Thánh Thần.”

Nhưng có đúng để ước ao rằng tất cả mọi người phải trải qua kinh nghiệm này không? Nó có phải là cách thế duy nhất khả thể để kinh nghiệm ân sủng của Lễ Hiện Xuống không? Nếu nhờ “Phép Rửa trong Thánh Thần” chúng ta muốn nói một nghi thức nào đó, trong một bối cảnh nào đó, chúng ta phải trả lời là không; chắc chắn không phải chỉ có một cách thế duy nhất để có kinh nghiệm sâu xa về Thánh Thần. Đã có và đang có vô số Kitô hữu có những kinh nghiệm tương tự, mà không cần biết gì về Phép Rửa trong Thánh Thần, khi họ nhận được sự gia tăng hiển nhiên ơn sủng và một sự xức dầu mới mẻ của Thánh Thần khi tham dự một cuộc tĩnh tâm, một cuộc gặp gỡ, một việc đọc sách hoặc theo thánh Tôma Aquinô, khi ai đó được mời gọi tới những sứ vụ mới mẻ và đòi hỏi hơn trong Giáo Hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nói rằng “Phép Rửa trong Thánh Thần” được mặc khải như là một phương thế đơn giản và quyền năng để canh tân đời sống hàng triệu tín hữu ở trong hầu hết các Giáo Hội Kitô Giáo. Cả một khóa linh lao có thể được coi là một sự cầu xin đặc biệt Chúa Thánh Thần, nếu người hướng dẫn có kinh nghiệm về nó và những người tham có lòng khao khát nó. Tôi đã có kinh nghiệm này từ năm ngoái. Giám mục của một giáo phận ở Nam London có sáng kiến triệu tập một cuộc tĩnh tâm đặc sủng, nó cũng đã được mở ra cho giáo sĩ của những giáo phận khác. Khoảng một trăm linh mục và phó tế vĩnh viễn hiện diện, và khi kết thúc họ đã cầu xin và đón nhận ơn tuôn đổ của Thánh Thần, với sự trợ giúp của một nhóm giáo dân từ Phong Trào Canh Tân đã đến nhân dịp này. Nếu những hoa trái của Thánh Thần là ‘tình yêu, niềm vui và bình an” (Ga 5,22) thì khi kết thúc, hầu hết họ có thể được đụng chạm bằng tay ơn thánh giữa những người hiện diện.

Chúng ta không đề cập đến việc gia nhập vào một thay vì vào nhiều phong trào khác trong Giáo Hội. Cũng không phải là nói về một phong trào riêng biệt, nhưng là nói về một “trào lưu ân sủng” mở ra cho mọi người, hướng tới việc quên mình trong Giáo Hội giống như một bóng điện trong một thánh lễ và rồi tự biến mất sau khi đã hoàn tất nhiệm của mình.

Thánh Gioan XXIII nói về “một ngày lễ Hiện Xuống mới;” chân phước Phaolô VI còn đi xa hơn, khi nói về một “lễ Hiện Xuống vĩnh viễn.” Đây là điều ngài nói trong lần yết kiến chung vào năm 1972:

“Giáo Hội cần Lễ Hiện Xuống vĩnh viễn; Giáo Hội cần lửa trong trái tim mình, những lời trên môi miệng mình, ngôn sứ trên tầm nhìn mình… Giáo Hội cần tái khám phá sự say mê, hương vị và tính xác thực về chân lý của mình… và rồi Giáo Hội cần cảm nghiệm tuôn vào mọi khả năng nhân loại mình một làn sóng tình yêu, làn sóng này được vọt ra và đổ vào trong trái tim chúng ta “nhờ Thánh Thần, Đấng được ban cho chúng ta” (Rm 5.5).”

Chúng ta hãy kết luận với những lời của thánh thi phụng vụ được nhắc ở ban đầu:

“Đức Kitô hãy là của ăn,

Đức Kitô hãy là nước hằng sống:

Trong Người chúng ta niếm hưởng

Niềm say sưa tỉnh táo của Thánh Thần.”

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

Chuyển dịch

Thư mục

[1] See “Pope Paul Addresses the Charismatic Renewal,” New Covenant, July 1975, p. 25.

[2] Sancti Ambrosii, Opera 22: Hymni, Inscriptiones, Fragmenta (Rome: Città Nuova, 1994), p. 38. The Latin stanza: “Christusque nobis sit cibus, / potusque noster sit fides; / laeti bibamus sobriam /ebrietatem Spiritus.”

[3] St. Ambrose’s hymn “Splendor paternae gloriae” [“O Splendor of the Father’s Glory”], in Brian P. Dunkle, Enchantment and Creed in the Hymns of Ambrose of Milan (Oxford, UK: Oxford University Press, 2016), p. 222.

[4] See, among many examples, On the Creation of the World in Philo: Philosophical Writings, ed. Hans Lewy (Oxford: East and West Library 1946), p. 55. See Legum allegoriae 1, 84, “methe nefalios.”

[5] See St. Cyril of Jerusalem, The Catechetical Letters of St. Cyril of Jerusalem, 17, 18-19, reprint of Nicene and Post- Nicene Fathers, Second Series, vol. 7 (N.p.: Veritatis Splendor, 2014), p. 592; see PG 33, p. 989.

[6] St. Ambrose, Commentary on Twelve Psalms, 1, 33, trans. ĺde M. NíRian (Dublin: Halcyon Press, 2000), p. 21; see also PL 14, pp. 939-940.

[7] See Hesychius, “On Watchfulness and Holiness: Written for Theodolus,” in The Philokalia, vol. 1 (London: Faber and Faber 1979), pp. 162-198.

[8] Saint John of the Cross, Ascent of Mount Carmel II, 5, 7, trans. E. Allison Peers (New York: Image Books, 1958), p. 96.

[9] Macarius of Egypt, “Love,” 113, in Philokalia, vol. 3, trans. and ed. G. E. Palmer et al. (London: Faber and Faber, 1984), pp. 334-335.

[10] See Saint Ambrose, Commentary on Twelve Psalms, 35, 19, p. 47.

[11] See Yves Congar, “Actualité de la pneumatologie,” in Credo in Spiritum Sanctum, ed. José Saraiva Martins, vol. 1 (Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1983), p. 18, republished as “Pneumatology Today,” in American Ecclesiastical Review 167, no. 7 (1973): pp. 435-449.

[12] Karl Rahner, The Spirit in the Church, trans. John Griffiths (New York: Seabury Press, 1979), pp. 10-11.

[13] See St. Thomas Aquinas, S.Th. I,q.43,a.6 ad 2.

[14] Insegnamenti di Paolo VI, vol X, Tipografia Poliglotta Vaticana, p. 1210 s. (Discourse of 29 Nov.1972); translation in E. O’Connor, Pope Paul and the Spirit, Ave Maria Press, Notre Dame, Indiana 1978, p.183).