NEW YORK 1/10/04- Giới chức cao cấp của Tòa Thánh Vatican tuyên bố Tòa Thánh ủng hộ chính phủ lâm thời của Iraq cho tới khi có cuộc bầu cử vào tháng Giêng năm tới. Đó là lời của Đức TGM Giovanni Lajolo, Bộ Trưởng Ngoại Giao Của Tòa Thánh nói với ký giả tờ Corriere della Sera phát hành tại Ý. Ngài cũng đưa ra một số điều kiện cho cuộc họp thượng đỉnh quốc tế về Iraq.

Ngài tuyên bố: Chính phủ hiện nay ở Iraq tuy không được bầu theo thể thức dân chủ, nhưng là một chính quyền có chủ quyền, thi hành theo đường lối của Liên Hiệp Quốc. Về lâu về dài phải được thay thế bằng chính quyền thực sự do dân bàu ra.

Về chính sách ngoại giao của Giáo Hội, Đức TGM tuyên bố: Ở mỗi nơi, Giáo hội có sự hiểu biết trực tiếp ngay từ hạ tầng nhưng vai trò ngoại giao của Giáo Hội chỉ là phụ thêm, cố vấn, khuyến cáo hoặc nhắc nhở các bên về trách nhiệm của mình. Vatican không áp đặt chính sách lên bất cứ ai”

Được hỏi về hội nghị thượng đỉnh quốc tế về vấn đề Iraq mà một số nước đã đề nghị, Đức TGM cho biết “đề nghị đó hợp lý vì có nhiều nước sẽ can dự trực tiếp vào Iraq. Tuy nhiên, Ngài cũng đặt ra mộ số điều kiện như phải có sự đồng ý của chính quyền Iraq, các nước tham dự hội nghị phải thực sự kiến tạo một liên minh hoà bình, sẵn lòng hy sinh giúp Iraq và đừng lợi dụng tình thế suy yếu hiên nay ở đây để trục lợi. Ngoài ra chương trình nghị sự trong cuộc họp thượng đỉnh cũng phải được xác định rõ ràng.

Đức TGM cũng bày tỏ mối quan ngại sâu xa về vấn đề người Kitô Giáo đang phải di cư ra khỏi Iraq. Ngài nói:” Đang lúc chính quyền Iraq còn suy yếu thì người Kitô Giáo bị những kẻ cuồng tín Hồi Giáo đe dọa. Ngài cũng thêm rằng: Nên nhớ là Kitô Giáo đã hiện diện ở Iraq ngay từ những ngày đầu của Kitô Giáo, trước khi Hồi Giáo bắt đầu có mặt tại xứ sở này mấy thế kỷ. Vậy không nên coi người Kitô Giáo là thành phần của văn hóa Tây Phương.

Trong bài diễn văn đọc trong ngày thứ Tư vừa qua trước Đại Hội Đồng LHQ, đức TGM phát biểu điều đáng tiếc là tiếng nói của Tòa Thánh không được lắng nghe nên mới có chiến tranh xảy ra tại Iraq. Và Ngài kết luận:“ Mọi người thấy chiến tranh Iraq đã không mang lại cho thế giới an toàn hơn, ở Iraq cũng như ở các nơi khác trên thế giới.” Sau cùng ngài kêu gọi hãy ủng hộ chính phủ đương thời của Iraq để mau chóng hồi phục tình trạng an ninh và thiết lập một thể chế chính trị dân chủ phù hợp với những giá trị truyền thống của quốc gia này.