CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN C

ĐỪNG VÔ CẢM TRƯỚC NHỮNG QUẰN QUẠI CỦA ĐỒNG LOẠI

(Lc 16,19-31)
  • Ý tưởng chung: Cuộc sống đời này không phải là hưởng thụ, nhưng là phục vụ. Người nghèo được Thiên Chúa quan tâm đặc biệt. Vì họ thường bị bóc lột và lãng quên. Thánh Phaolô khuyên nhủ tín hữu hãy biết trông đợi ngày Chúa quang lâm, để số phận mỗi người được phân định rõ ràng.
Thưa quí vị,

Sách tiên tri Amos rất ngắn, chỉ gồm 144 câu, chia ra làm 9 chương. Mỗi chương hơn chục câu. Nhưng lại được phụng vụ trích đọc khá dài. Lý do là vì quan điểm của vị tiên tri về của cải vật chất về người nghèo khổ, gần giống với phúc âm Luca. Có thể nói nó bổ túc cho lời rao giảng của Chúa Giêsu. Bài đọc hôm nay ở đoạn 6: “Khốn cho những người sống yên ổn tại Sion và sống an nhiên, tự tại trên núi Samari, nằm dài trên giường ngà, ngả nghiêng trên trường kỷ, ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng, chúng đàn hát nghêu ngao…” Tiên tri mạt sát nếp sống an toàn giả tạo của những kẻ cầm quyền lúc bấy giờ. Họ thu tích giàu sang của cải trái đất mà an hưởng nhung lụa, sung sướng. Đồng thời nghĩ rằng như vậy là được phúc lành của Thiên Chúa, được Ngài ưu ái, che chở. Tuy vị ngôn sứ công nhận vị trí đặc biệt của tuyển dân Israel. Nhưng tiên báo sự sụp đổ ghê gớm của thành thánh Giêrusalem. Bởi vì đã không làm tròn nhiệm vụ của một dân tộc được Thiên Chúa lựa chọn. Đoạn trước đó (5,20) tiên tri đã nói đến “ngày của Chúa” (eschaton). Ngày mà quyền bính đền thờ, những kẻ giàu có, những người sang trọng mong đợi như giây phút tưng bừng, hoan hỷ, khải hoàn chiến thắng của Giavê thì Amos tiên báo là ngày kinh hoàng. Ngày Thiên Chúa phán xét và báo oán, chính vì nếp sống của những kẻ cầm quyền: “Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đầy, dẫn đầu những kẻ bị lưu đầy. Thế là tan tác bè lũ quân phè phỡn.”

Nên lưu ý những hình ảnh thi vị ngôn sứ dùng để mô tả tình trạng đối nghịch giữa người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn: Giường ngà đối với ổ rơm, thịt thà đối với bụng đói, đàn hát phè phỡn đối với lao động cực nhọc. Điều mà kẻ quyền thế coi như vững chãi thì vị ngôn sứ nói là khốn nạn trước mắt Đức Chúa Trời. Ông nhấn mạnh từng chữ với giọng điệu kinh tởm. Những con người sa đoạ này là những kẻ đầu tiên đi đày, kéo theo cả dân tộc lâm cảnh lầm than. Phải chăng lời tiên tri của ngôn sứ Amos cũng áp dụng cho nếp sống xa hoa của xã hội đương thời, nhất là cho những vị lãnh đạo quốc gia hay tôn giáo? Những cuộc truy hoan của họ chẳng kém thời Amos. Cho nên khủng bố, chiến tranh không phải là ngẫu nhiên. Nó là kết quả của áp bức kinh tế, chính trị. Những bóc lột bẩn thỉu và tàn nhẫn, những kế hoạch sai lầm dựa trên chủ thuyết của Satan chứ không phải của Chúa Giêsu! Cứ nhìn vào những quay cuồng vì lợi nhuận to lớn, các mánh khoé kinh tế, tự khắc nhận ra tình trạng sa đoạ của xã hội hôm nay, không khác mấy thời tiên tri Amos, có khi còn vượt xa hơn. Người ta hô hào thăng tiến xã hội, văn hoá, nhưng thực tế là thụt lùi luân lý. Lấy ví dụ xã hội Hoa Kỳ, con số người nghèo hiện thời suýt xoát 50 triệu, tức 1/5 dân số. Tệ nạn xã hội không ngừng gia tăng: Cờ bạc, ma túy, kết hôn cùng giới, li dị, bất mãn, sa đoạ, phóng túng… Thêm vào đó những phương tiện truyền thông hàng ngày cổ võ các hình thức vui chơi quái đản: Bạo lực, dâm ô, ma quái, kinh dị, thù hận, trả đũa dã man. Ngược lại, không có lấy một phương tiện tuyên truyền đạo đức, yêu thương nếu có thì cũng rất yếu ớt trong các tổ chức tôn giáo. Làm sao mà chống lại lực lượng vũ bão của hoả ngục? Cho nên tiên tri Amos có lý khi tuyên sấm chống lại ảo tưởng “chúc lành” của Giavê, trong khi thực tế tai hoạ “khủng khiếp” đang đến gần.

Người giàu trong dụ ngôn hôm nay không có tên và ông cũng chẳng làm gì sai trái. Ông không vi phạm một giới răn nào của Thiên Chúa, tuy hàng ngày nhìn thấy Lazarô nghèo khổ lê la trước cửa. Vậy mà ông lại rơi vào danh sách những người bị Amos nguyền rủa: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn ở Sion. Suốt cuộc đời an hưởng sự giàu có của mình, ăn vận lụa là gấm vóc. Ngày ngày yến tiệc linh đình.” Lazarô đói khát ước ao những vụn bánh rơi tư bàn của nhà phú hộ để ăn cho đỡ đói. Phải chăng thánh Luca muốn ám chỉ đa phần nhân loại? Nên nhớ phúc âm tuần trước Chúa Giêsu tuyên bố chúng ta chẳng thể làm tôi hai chủ: Mammom (thần tài) và Thiên Chúa. Nghĩa là chúng ta phải dứt khoát lựa chọn, không có chuyện lưỡng lự về ưu tiên hoặc bất động trong thái độ. Nếu không sử dụng của cải một cách khôn ngoan theo tinh thần phúc âm, chúng ta sẽ rơi vào lời kết án của Amos. Sau bài Tin mừng tuần trước, phụng vụ bỏ mấy câu (14-18) để tiếp sang phúc âm hôm nay. Câu 14 nói: “Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy thì chế nhạo Chúa Giêsu” cho nên Ngài kể dụ ngôn này để trả lời họ. Nó nhấn mạnh hơn đề tài chương 16: Nguy cơ của tiền bạc dưới nhiều hình thức. Thánh Luca xem ra rất triệt để trong cách đối sử với người nghèo khó. Chương 6 thuật lại Chúa chúc phúc cho họ và nguyền rủa những ai giàu có ích kỷ. Khi đọc phúc âm Luca chúng ta nên lưu tâm điểm này. Có lẽ thánh nhân là một thầy thuốc nên hiểu rõ những khốn khổ của người nghèo.

Người nghèo khổ sinh ra, lớn lên và xuống mồ không ai biết đến. Những người đẽo bia mộ thường khắc mấy dòng chữ: “Muôn đời hãy nhớ đến người thân yêu”. Nếu có tiền, quý vị có thể mua một tấm cho thân nhân quá cố. Nhưng với vô số người nghèo khổ thì chẳng có chi để ghi nhớ. Họ chết và bị lãng quên. Tuy nhiên với thánh Luca, ông đã nghĩ ra một cách để nhớ đến họ. Trong văn chương kinh thánh, ông đặt tên cho họ là Lazarô. Tưởng chừng như thánh nhân muốn nói: “Đây nhé, muôn đời người ta sẽ chẳng quên anh Lazarô.” Đồng thời thánh nhân khuyên nhủ chúng ta rằng, tiền của, giàu có, tiếng tăm chẳng qua là sự đời này, rồi sẽ có ngày chấm dứt, không tồn tại vĩnh viễn được đâu. Vậy tại sao thu tích chúng để rồi bị quên lãng đời đời? Chúng ta được mời gọi suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về đề tài này, ngõ hầu lựa chọn cho thông minh và xây dựng điều vĩnh cửu. Qua dụ ngôn, một lần nữa Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta Ngài về phe với những người nghèo khổ và dễ bị tổn thương. Chính Ngài đã sinh ra trong một gia đình thấp hèn. Dâng mình trong đền thờ bằng của lễ của người bần cùng. Sống nghèo và chết cay đắng. Những ai theo Ngài lên Giêrusalem đều được dạy dỗ phải canh chừng của cải và nếp sống giàu sang. Của cải tự nó không phải là điều xấu, nhưng lòng tham lam là điều phải tránh. Người phú hộ hôm nay không quan tâm đến nguy hiểm đó. Ông sống tự mãn, chẳng nghĩ đến ai, ngay cả Lazarô trước cửa nhà ông. Chi tiết của dụ ngôn Chúa kể làm chúng ta nhức nhối. Ai có thể không nhớ đến câu chuyện? Những con chó còn đối xử với Lazarô tốt hơn ông chủ nhà. Chúng liếm ghẻ chốc cho Lazarô, làm vơi nhẹ nỗi đau đớn, trong khi đồng loại không đoái hoài đến nhau! Đau xót biết chừng nào! Các thính giả của Chúa Giêsu hẳn lấy làm ngạc nhiên khi họ vẫn có não trạng giàu có là được Chúa thương, và ngược lại, nghèo đói là dấu chỉ bị trừng phạt bởi đời sống tội lỗi. Dụ ngôn hoàn toàn bác bỏ suy luận ấy. Thiên Chúa hằng lưu tâm đến người nghèo khổ, như Đức Mẹ đã nói lên trong kinh Magnificat: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư. Người giàu có lại đuổi về tay trắng.” (1,53). Dụ ngôn đúng là truyện mỉa mai: Những người xây lăng dựng mộ cho mình, khi chết lại bị quên lãng. Còn kẻ vô danh tiểu tốt, khi khuất bóng lại được nhớ đến đích danh Lazarô. Họ có một chỗ xứng đáng trong vương quốc Thiên Chúa, nơi lòng ông Abraham.

Sự đần độn của nhà phú hộ còn được tỏ rõ do những yêu cầu của ông ta sau khi chết. Ông ta muốn tổ phụ Abraham sai Lazarô đem đến cho mình vài giọt nước mát. Thế ra Lazarô vẫn là đầy tớ ông ta! Cho nên ông ta lại sai Lazarô về nhà báo tin cho 5 anh em còn sống về tình trạng khốn đốn của mình! Lòng chai đá của ông già mắc dịch thật mãnh liệt, ngay cả trong hoàn cảnh khốn khổ. Ông chẳng thể hiểu được mình và Lazarô. Ông tiếp tục khinh bỉ người nghèo khó, không thèm nói chuyện trực tiếp với họ, vẫn coi họ là tôi tớ chạy việc vặt trong kiếp sống tương lai! Câu chuyện thật là thấm thía. Chưa hết, Chúa Giêsu còn làm cho chúng ta ngỡ ngàng khi chẳng đả động gì đến luân lý: Được thưởng vì đời sống đạo đức và bị phạt về hành vi tội lỗi. Tất cả câu chuyện chỉ là Lazarô nghèo khó và ông phú hộ ích kỷ sống trên nhung lụa, của cải, chẳng lưu tâm đến ai khác. Nhưng cuối cùng Thiên Chúa thấu suốt mọi sự và hoàn lại công bằng cho mỗi cuộc đời. Đây là điểm thần học quan trọng cần suy nghĩ nghiêm chỉnh.

Giống như bài đọc cựu ước, bài Tin mừng rất nhạy cảm về những đau khổ của kẻ nghèo hèn. Cả hai văn bản đều kêu gọi công lý cho những kẻ bị áp bức. Công lý thế nào? Nó được thực hiện ra sao ở đời này? Nếu như người giàu có còn chút quan tâm, thì là ông nhớ đến 5 anh em mình. Ông muốn họ biết được số phận đang chờ đợi họ, nếu cũng sống như ông ta. Abraham bảo ông: “Họ đã được cho biết mọi sự để sống ngay lành, chúng đã có Môsê và các tiên tri thì chúng hãy nghe lời các vị đó”. Nghĩa là lời dạy về thương yêu kẻ khó nghèo không phải là điều mới lạ. Truyền thống tôn giáo Do Thái đã dạy dỗ đầy đủ rồi, khỏi cần thêm thắt điều chi. Ngày nay chúng ta cũng đã được Chúa chỉ bảo những điều phải biết để lựa chọn mục tiêu chính đáng cho cuộc đời, không thể viện cớ ngu dốt để trốn tránh bổn phận. Không ai có thể làm tôi hai chủ, chỉ có thể chọn một, thế gian hoặc Thiên Chúa. Hành động cho thế gian là tìm tiền bạc, của cải. Hành động cho Thiên Chúa là giúp đỡ những người thiếu ăn thiếu mặc. Thánh Luca nhắc lại nhiều lần quan điểm đó và Amos cảnh cáo dân Do thái về lòng tự mãn vì của cải. Chúng ta không thể sống phè phỡn kẻo sẽ gặp cảnh khủng khiếp sau này, như dụ ngôn miêu tả. Chúa Giêsu không lên án giàu có, nhưng là lòng tự mãn không quan tâm đến người khác. Có thể là tuy chúng ta không giàu có, nhưng vẫn còn khả năng vô cảm trước những quằn quại của đồng loại, Chúa không muốn như vậy, nhưng hãy quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu của nhau. Lazarô sống ở ngưỡng cửa nhà phú hộ. Ngày nay, qua tivi, radio, internet, cả thế giới ở ngay trước ngõ chúng ta. Tuy không quán xuyến được hết mọi sự, nhưng điều đó không phải là lý do để chúng ta thoái thác sự giúp đỡ kẻ khó nghèo.

Kinh nghiệm cho hay, những người giàu ít có tinh thần liên đới, họ sống ích kỷ, khép kín. Trái lại, các gia đình nghèo khó thường có nhiều tình làng nghĩa xóm hơn. Tôi không có ý vơ đũa cả nắm. Nhưng người Mỹ chúng ta sống cao ngạo hơn người Phi Châu hoặc Á Châu. Họ có tinh thần cộng đồng nhiều hơn, biết chia sẻ của cải, văn hoá với đồng bào mình. Dầu tài sản chẳng có là bao nhưng họ sẵn sàng chăm sóc đến nhu cầu của tha nhân. Người Mỹ, từ tấm bé, đã được dạy cho biết sống cá nhân chủ nghĩa: xây dựng cuộc đời do chính bàn tay lao động của mình. Vì vậy, có câu thành ngữ rằng: “Những gì tôi kiếm được là do hai bàn tay này, hãy để người khác noi gương” (I have earned what I have, let others do the same).

Cho nên phúc âm hôm nay dạy mọi người phải liên đới với nhau sâu xa hơn. Kinh thánh không ngừng nhắc nhở tính cộng đồng nhân loại, dù rằng Thiên Chúa tuyên sấm cho một vài cá nhân, nhưng chính vì lợi ích của cả một dân tộc. Ngài ký kết giao ước không phải với cá nhân mà là với toàn thể tuyển dân Israel. Ông phú hộ và Lazarô là những thành viên của dân tộc đó. Có lẽ người giàu có quên mất chân lý này. Ông đã bẻ gẫy giao ước với Thiên Chúa. Nên ông phải chịu hậu quả đắng cay của việc ông làm. Chính nhà phú hộ, chứ không phải Thiên Chúa, đào hố ngăn cách giữa ông ta và Lazarô. Hố không từ đây sang đấy được. Thật là khủng khiếp. Tóm lại, Thượng đế toàn năng, Đấng ban dụ ngôn hôm nay, ví tựa một hiền mẫu trong gia đình. Bà nói với con cái mình: “Này các con, tại sao những đứa sung túc lại có thể sống nhung lụa, bỏ quên anh chị em mình nghèo đói? Các con không biết rằng mình đều do một mẹ sinh ra? Hết thảy các con đều là ruột thịt của ta? Các con nên nhớ rằng những đứa ích kỷ chỉ sống cho mình trên những đống tiền, đống của chẳng thể tìm thấy hạnh phúc cho đến khi biết san sẻ cho những anh chị em nghèo đói khác. Lúc ấy gia đình không còn chia rẽ, sống hoà hợp thương yêu nhau, không chiến tranh, không thù hận. Các con sẽ là anh chị em với nhau như Ta đã tạo dựng nên các con.” Dụ ngôn thật sự đã mở lòng mở trí cho chúng ta nghe theo lời chân lý hằng sống. Tiếng nói của Bà Mẹ đầy quan tâm cho số phận nhân loại. Vì Bà thông tuệ mọi sự. Amen.