LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
NÊN MỪNG HAY NÊN BUỒN ???

(Mt 10, 17-22)

Hôm nay cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta cử hành lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúng ta thường nói: mừng lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Mừng lễ à? Nên mừng hay nên buồn??? Phải buồn mới đúng chứ!

Trong lịch sử gần 500 năm (từ 1533) Tin Mừng Nước Chúa đến Việt Nam, Giáo Hội chịu nhiều cấm cách, đặc biệt trong những triều vua Nguyễn, nhất là dưới thời Minh Mạng (1820-1841, có 58 vị tử đạo), Tự Đức (1847-1883, có 50 vị tử đạo), ngoài ra phong trào Văn Thân đã tàn phá nhiều nhà thờ, làng mạc và giết hại nhiều Kitô hữu. Người ta ước tính trong thế kỷ 18 và 19 có khoảng từ 130 ngàn tới 300 ngàn tín hữu chết vì đạo, trong đó có 117 vị thánh và chân phước Andrê Phú Yên được Giáo Hội vinh danh. Trong 118 vị tử đạo có 97 người Việt còn lại 21 vị là người Pháp và Tây Ban Nha.

Buồn là ở chỗ có quá nhiều người chết. 300 ngàn người chết thảm mà lấy làm vui được sao? Còn buồn hơn nữa là trong lịch sử Việt Nam đã có thời chính người Việt giết người Việt. Người Việt giết người Việt mà mừng được hay sao? Cũng như vui làm sao được sau cuộc chiến Quốc-Cộng Nam-Bắc suốt 20 mươi năm, người Việt giết người Việt, anh em tương tàn… để rồi đất nước ngày nay như thế nào? Gia tài của mẹ để lại những gì? Một nước Việt buồn, một rừng xương khô, một núi đầy mồ, một bọn lai căng, một lũ bội tình… (Trịnh Công Sơn, Gia tài của mẹ). Thế mà mừng, mà vui được hay sao? Phải đau đớn chứ! Phải day dứt mới đúng chứ! Tại sao lại mừng?! Rao giảng Tin Mừng mà không có ai bị đàn áp, bị mất mạng thì tốt hơn chứ, thì mới đáng mừng chứ?!

Hơn nữa tại sao Tin Mừng vào Việt Nam lại gặp cấm cách, bị bách hại bởi chính đồng bào mình dữ dội đến vậy, trong khi chủ thuyết cộng sản vô thần lại không? Hỏi có đau không chứ?

Với những câu hỏi như vậy, khi suy tư, cầu nguyện tôi tìm được lời giải đáp trong lịch sử Giáo Hội và trong Tin Mừng, đủ sức hóa giải nỗi buồn của tôi.

Trong lịch sử ta thấy Hội Thánh luôn luôn bị bách hại: từ Đấng sáng lập là Chúa Giêsu đến các Tông đồ, đều đã bị bắt, ngược đãi và giết chết; ngay từ những buổi đầu, sách Công Vụ Tông Đồ đã cho ta biết thực tế Hội Thánh non trẻ bị bắt bớ, giết hại thế nào… Bi bách hại mới đầu bởi sự ghen ghét của nhóm người Do Thái cuồng tín, sau đó bởi chính quyền, bởi các vua chúa quan quyền. Năm 64 hoàng đế Nêrô, cho phóng hỏa đốt thành Roma, trước sự nổi giận của dân chúng ông đổ vạ lên đầu các Kitô hữu, lúc đó đã phát triển khá lớn mạnh… để nhân đó bắt bớ và giết hại, nhằm tiêu diệt Kitô giáo. Cuộc bách hại kéo dài suốt hơn hai thế kỷ. Năm 313 hoàng đế Constantinô ban chiếu chỉ Milano cho tự do tôn giáo… Từ đó cuộc bách hại không còn ở diện rộng, nhưng thu hẹp lại tùy lúc, tùy nơi… Để bách hại, người ta thường vu oan giá họa cho Kitô giáo truyền bá mê tín dị đoan, làm suy đồi thuần phong mỹ tục… hoặc khoác cho ý đồ chính trị, gây nguy hại cho sự tồn vong của đất nước, an bình xã hội…

Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đã nhiều lần nói trước về những bách hại mà các môn đệ phải chịu: “Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy , để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. […]. Anh sẽ nộp em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ” (Mt 10, 17-21). Lịch sử cho thấy điều Chúa báo trước đã xảy ra đúng như vậy.

Tại sao họ lại bị bắt bớ? Lý do đã được Đức Giêsu nêu rõ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10, 34-35).

Môn đệ của Đức Kitô là người rao giảng Tin Mừng, là người làm chứng cho Đức Kitô. Rao giảng Tin Mừng là nói sự thật. “Sự thật thì mất lòng”. Không như Cộng sản, Cộng sản dùng dối trá, mỵ dân và bạo lực nhằm tranh đoạt quyền lực; một khi chiếm được quyền lực rồi, thì chẳng cần dân chúng nữa. Thế nên tôi hiểu, tại sao một học thuyết vô thần, vô luân như thế khi du nhập vào Việt Nam lại không bị dân chúng tẩy chay, loại trừ.

Người môn đệ Đức Kitô phải rao giảng sự thật của Tin Mừng. Sự thật của Tin Mừng ngược lại với sự dối trá của thế gian do ma quỷ thống trị, trái ngược như ánh sáng trái ngược với bóng tối. Sự thật của Tin Mừng không hề nể nang tránh né, như Gioan Tẩy Giả đã thẳng thừng lên án Hêrôđê vì tội cướp vợ của anh mình, như Chúa Giêsu đã nhiều lần lên án những thói giả hình nơi những ông luật sĩ, biệt phái. Những ý tưởng mới mẻ của Tin Mừng: đề cao phẩm giá con người, hướng tới một xã hội công bằng, tốt đẹp hơn cho mọi người… làm lung lay địa vị của vua quan, gây bất lợi cho những kẻ làm giàu trên xương máu người khác… nên Kitô hữu tất yếu trở thành đối tượng của sự bắt bớ, cấm đoán, giết hại…

Tác giả Herbert Workman trong cuốn sách nhan đề The Persecution in the Early Church đã viết thật chí lý: “Giáo Hội có lẽ đã không bị bách hại, nếu không quá hăng hái tích cực vâng theo mệnh lệnh của Thầy Chí Thánh rao giảng Tin Mừng khắp nơi! Nhưng khi Kitô giáo ngưng rao giảng Tin Mừng, thì ngay tức khắc sẽ không còn là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa” (Oxford University press, 1980, p. 20)

Thế nên tử đạo thời nào cũng có, không chỉ thời xưa, mà cả ngày nay và nhất là ngày nay. Trong một bài giảng Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng con số các Kitô hữu tử đạo ngày nay vượt quá con số những người tử đạo trong các cuộc bách hại của đế quốc Rôma vào thời đầu của Kitô giáo. Nhiều anh chị em chúng ta ngày nay không thể cùng nhau cầu nguyện, họ không thể sở hữu một cuốn Thánh Kinh, không được đeo thánh giá trên cổ vì bị bách hại.

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Open Doors, tổ chức trợ giúp các Kitô hữu bị bách hại đã hoạt động hơn 60 năm qua, tại hơn 60 quốc gia, cho biết trong năm 2015 có chừng 6000 Kitô hữu đã bị sát hại (4.000 Kitô hữu ở Nigeria, hơn 1.200 ở Trung Phi và hơn 700 ở Chad); ngoài ra, hơn 2.400 nhà thờ đã bị tấn công hoặc phá sập vì các lý do tôn giáo.

Bà Lisa Pearse, điều phối viên của Open Doors ở Anh quốc và Aixơlen, trong báo cáo năm 2016 nhận định: “Mức độ bách hại các Kitô hữu đang trở nên khốc liệt hơn […], mức độ này đang gia tăng một cách đáng báo động. Nhiều quốc gia tụt hạng trong bảng xếp hạng không phải do bởi việc bách hại đã giảm, nhưng đơn giản chỉ vì, tại những quốc gia khác, tình trạng trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Và tình trạng này đang diễn ra một cách khủng khiếp hơn trong ba năm vừa qua”.

Rất nhiều Kitô hữu đã bị sát hại vì niềm tin vào Đức Kitô, nhưng không chỉ có loại bách hại đổ máu này. Trong bài giảng của thánh lễ ngày 12.04.2016, tại nguyện đường thánh Marta, Đức Thánh Cha còn lưu ý đến một loại bách hại khác. Loại này có vẻ lịch sự và ít bạo lực hơn, thường ẩn dưới lớp vỏ văn hoá, sự tiến bộ và tinh thần hiện đại. Ngài nói: họ sẽ giam lỏng bạn vào một góc tối của xã hội, đe doạ tước đi việc làm của bạn nếu bạn không tuân thủ luật lệ mà họ đặt ra nhằm chống lại Thiên Chúa Tạo Hoá.

Vâng, nhiều Kitô hữu vẫn đang bị bách hại một cách lịch sự như thế, vì trung thành với Chúa Kitô. Chính sách Obamacare ở Hoa Kỳ là một điển hình của sự bách hại này, có những trường hợp nó buộc làm trái với lương tâm Kitô hữu.

Như vậy, dẫu các tín hữu không mong tìm sự bách hại, không gây thù chuốc oán để bị ghét bỏ, nhưng bản chất của Tin Mừng khiến các Kitô hữu thành mục tiêu cho người đời trù dập, tiêu diệt. Do đó việc Kitô hữu bị bách hại là chuyện bình thường, không bị bách hại mới là chuyện lạ. Vì vậy, chúng ta không buồn vì chuyện 300 ngàn Kitô hữu bị giết hại trên quê hương chúng ta. Cái chết chứng nhân của các ngài sáng đẹp rạng ngời ý nghĩa. Các ngài như những hạt lúa vùi trong lòng đất, chết đi, thối đi và nảy sinh mùa lúa tốt tươi trên quê hương đất nước chúng ta. Chúng ta hãnh diện vì là con cháu các Ngài.

Chúng ta không có lý do để buồn vì 300 ngàn Kitô hữu bị sát hại trên quê hương mình. Tuy nhiên chúng ta phải buồn và lo vì một lý do khác. Lý do nào?

Lý do là: Kitô hữu bị bách hại là chuyện bình thường không bị bách hại mới là chuyện lạ. Nói cách khác, chúng ta có thật sự là môn đệ của Đức Kitô không? Để biết có thật là môn đệ Chúa Giêsu hay không, hãy hỏi: Tôi có bị bách hại vì đức tin của tôi không? Dĩ nhiên chúng ta không bị bách hại và khủng bố như các tín hữu thời các thánh Tông Đồ, thời các thánh tử đạo hay hiện nay như đâu đó ở Bắc Hàn, Iraq, Afganistan, Syria, Pakistan, Sudan, Iran, Lybya… Thế nhưng có khi nào tôi đã bị thử thách, đã phải chịu đau khổ, đã chịu thiệt thòi, mất mát vì niềm tin của tôi nơi Đức Kitô hay không? Nếu điều này chưa bao giờ xảy ra thì có lẽ vì những xác tín của tôi chỉ là một thứ đức tin không có việc làm, phải chăng vì tôi là một Kitô hữu hay tìm thỏa hiệp, vì tôi là một môn đệ không xứng danh của Đức Kitô.

Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp trong trả lời phỏng vấn mới đây, Vietcatholic đã hỏi ngài, đại ý: ngài nghĩ gì khi bị đủ loại truyền thông nhà nước nói xấu lên án vì ngài đã lên tiếng về vụ đại họa Formosa. Ngài trả lời: bị truyền thống chính thống lên án là điều không có gì phải lạ, họ khen mới đáng lo.

Trong một xã hội nhiễu nhương với nhiều thương tích đổ vỡ như hôm nay, nền luân lý đạo đức xuống cấp trầm trọng, trước sự chà đạp quyền con người và những bất công sờ sờ ra đó, “quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa” (Bùi Minh Quốc, Bài thơ tháng Tám) mà các tín hữu nhắm mắt bịt tai… như không hay không biết… thì hỏi chúng ta có phải là môn đệ đích thức của Đức Kitô hay không?

Khi một Kitô hữu không thực sự quấy rầy chính mình hay quấy rầy ai khác vì niềm tin của mình, thì lúc ấy người đó phải lấy làm buồn và lo vì mình mang danh Kitô hữu nhưng thực chất chưa phải là Kitô hữu.

Gương chứng nhân của các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam chất vấn tôi: Đèn của tôi được thắp sáng và đặt trên cao hay đã tắt ngúm? Muối của tôi còn mặn hay đã trở nên lạt lẽo vô vị?


Lm Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sàigòn

Nghe bài giảng nơi địa chỉ nầy:
https://www.youtube.com/watch?v=V65dngr3d7M&feature=youtu.be