Hôm nay, chúng ta những người Việt tỵ nạn định cư trên nước Úc lại một lần nữa tưởng nhớ, cầu nguyện và phát huy tinh thần “vị quốc vong thân” hay nói theo ngôn từ của người Công Giáo là “hiến thân vì nước trời” của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm, người khai sáng nền Đệ Nhất Cộng Hòa tại Việt Nam.
Qủa thế, người Công Giáo yêu nước không phải là một định nghĩa mâu thuẫn. Đó cũng không phải một cụm từ hàm chứa những tuyên truyền gỉa dối khi người cộng sản đồng hoá đảng và hệ thống cai trị của họ với tổ quốc. Nơi cụ Gioan Baotixita, chúng ta tìm gặp một con người mang đầy nhiệt huyết của nhà ái quốc và một tín hữu Công Giáo chân chính. Con người, sự nghiệp và cuộc sống của cụ thấm nhuần dòng máu Lạc Hồng ưu tú cũng như tinh thần Phúc Âm theo truyền thống của các anh hùng tử đạo Việt Nam.
Cuộc sống giản dị của cụ, ngay cả khi cụ có đủ điều kiện để hưởng thụ, đã phản ảnh đức tin được thấm nhuần và tôi luyện ngay từ thưở còn thiếu thời. Những hình ảnh cụ ngủ trên xạp gỗ giữa đồng ruộng khi cụ đi kinh lý, hay những chứng từ của những người lính đảo chánh khi họ chiếm dinh độc lập đã nói lên sự chân chính của cụ.
Người ta có thể phác họa nhiều hình ảnh tiêu cực về cụ; thậm chí nhiều kẻ đã bóp méo lịch sử để triệt hạ cả danh dự của cụ. Nhưng ít ai còn chút lương tâm có thể phủ nhận một con người liêm khiết, đức độ, nhân ái, một tinh thần ái quốc, kiêu hãnh với chủ quyền đất nước và trung kiên với vận mệnh dân tộc.
Ở̉ một góc cạnh nào đó, cụ là một con người thật bất hạnh. Cụ chết trong sự phản bội, gian ác, tủi hờn, cô đơn và đớn đau ngút ngàn. Đã hơn 50 năm từ ngày định mệnh phũ phàng, nhưng cụ và bào huynh còn chưa có một nơi an nghỉ xứng đáng, tên tuổi cụ trong quên lãng và danh dự của cụ chưa đựơc phục hồi. Thật trớ trêu khi cụ bị nhiều thế lực bôi nhọ và phỉ báng, khi còn sinh thời cũng như khi nằm xuống.
Nhưng nếu chúng ta nhìn bằng lăng kính đức tin, thì phải chăng cụ là người có phúc vì cụ đã “bị giết hại vì lẽ công chính”? Phải chăng, cuộc đời và sự hy sinh của cụ phản ảnh một sự hiến thân hoàn toàn của Đức Kitô? Phải chăng cụ –như Thầy Chí Thánh- là phiến đá mà người thợ xây loại bỏ, để trở nên tảng đá góc tường trong công cuộc dựng nước và giữa nước? Phải chăng tấm gương vị quốc vong thân, phải chăng ước mơ xây dựng một triều đại chính trực trên quê hương của cụ sẽ mãi mãi làm ngọn đuốc soi đường cho thế hệ mai sau?
Đôi khi chúng ta ngã lòng thất vọng khi thấy kẻ chính nhân thì bị hãm hại, ngược đãi hay quyên lãng, trong khi kẻ gian tà thì được tôn vinh. Ngôi mộ đơn sơ không tên dành cho cụ Diệm thật tương phản với cái lăng vĩ đại ở Ba Đình (!). Ông Gandhi, người tranh đấu cho công lý và nhân quyền ở Ấn Độ có để câu nhớ đời là: “Khi tôi thất vọng, tôi nhớ lại là trong suốt chiều dài lịch sử, chính nghĩa luôn chiến thắng hung tàn. Ác nhân và bạo chúa tưởng như luôn bình chân như vại, nhưng chúng không bao giờ đứng mãi.”
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta là phần thưởng của kẻ chính nhân không phải là ở đời này mà ở đời sau. “Linh hồn người công chính ở trong tay Chúa; khi họ ra đi chúng ta cho là họ gặp điều bất hạnh, nhưng thực ra ho đang hưởng bình an. Người đời nghĩ là họ bị trừng phạt, nhưng họ được trường sinh bất tử”.
Như thế cái mồ to mả đẹp, quyền hành và vinh quang hay bất cứ phúc lộc gì trên thế gian này cũng không phải là bằng chứng của người chân chính. Ngược lại, điều tối hậu mà người chân chính kiếm tìm chính là công lý và sự thật, sự sống và hạnh phúc cho tha nhân và cho cả dân tộc. Sự hiến thân của cụ Gioan Baotixita có thể được so sánh với sự hiến thân của tổ phụ Abraham và Môisen; cụ tranh đấu cho một tương lai tươi sáng mà không mong đợi chính mình phải được đặt chân vào và hưởng hoa qủa của đất hứa.
Kính thưa quý vị và anh chị em thân mến,
Hôm nay, chúng ta nghiêng mình kính cẩn trước những gương anh linh của tổ quốc như cụ Diệm. Chúng ta hãy cùng nhau hướng về mục đích mà chính họ đã làm những viên gạch lót đường: đó là sự sống viên mãn cho tha nhân, sự phục hưng cho dân tộc và sự trường tồn của cơ đồ Tổ Quốc.
Mặc dù “nhân sinh vô thập toàn,” cụ xứng đáng là ngọn đuốc trong đêm đen của đất nước trong lịch sử cận đại. Tinh thần yêu nước của cụ đang thúc đẩy những người tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ và những giá trị nhân bản tại quê nhà. Chúng ta hãy cùng nhau thực hiện giấc mơ chưa thành của ông và cũng là của những nhà ái quốc thuộc muôn thế hệ.
Thánh Lễ hôm nay nhắc nhở cho chúng ta một chân lý là chỉ có tình yêu hiến thân cho lẽ phải, cho công lý và cho triều đại chính trực mới là lẽ sống của người tín hữu. Sứ mạng của Đức Kitô cũng chính là hiến thân để sự sống viên mãn được thể hiện nơi con người. Chúng ta hãy can trường bước theo con đường hiến thân phục vụ, như các thánh nhân cũng như các anh hùng hào kiệt đã đi trước chúng ta.
Việc tưởng nhớ ông, chỉ có ý nghĩa đích thực khi chúng ta –những người con dân nước Việt còn trăn trở cho hiện tình đất nước– cùng nhau thực hiện giấc mơ chưa thành của ông. Giấc mơ đó là gì thưa quý vị và đồng bào? Nó không chỉ là một chút qùa cho đồng bào miền Trung trong cảnh biển chết và lũ lụt. Cái thảm họa lớn nhất trên quê hương chúng ta chính là thảm họa bị cai trị bởi một ý thức hệ đã bị ném vào sọt rác của lịch sử. Nó kéo theo mọi thứ thảm họa khác kể cả thảm họa mất chủ quyền.
Vì thế, giấc mơ chưa thành của cụ Diệm và của mọi con dân nước Việt phả là ngày khải hoàn của công lý, của sự thật, của nhân bản, của những giá trị Chân-Thiện-Mỹ trên quê hương. Đó là ngày chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, sự lành trên sự dữ, chí nhân trên cường bạo và đại nghĩa trên hung tàn. Đó là ngày cánh chung của chế độ cộng sản và ngày quang phục của một Việt Nam thực sự độc lập, dân chủ và vững mạnh trước những thử thách mới.
Xin Thiên Chúa chúc lành và kiện toàn mọi nỗ lực tranh đấu của chúng ta cho những giấc mơ của tiền nhân, vững tin vào sự viên mãn của công lý và sự thật trong Chúa Giêsu Kitô, viên đá tảng của niềm tin và niềm hy vọng chúng ta. Amen