GIỮ BẢN QUYỀN

Hoa Kỳ thường trách Trung Quốc và một số nước Á Châu vi phạm chủ quyền trước tác, sáng tạo —”copyright”. Khi mà người dân thường ở Mỹ chưa mua được băng “video Titanic”, thì băng ấy đã tràn ngập thị trường Á Châu.

Điều này khiến người Mỹ bực tức. Họ cho đó là cướp giựt, là vi phạm công bằng, chiếm đoạt quyền tư hữu, vì người ta đã cướp mất quyền lợi kinh tế của người phát minh, hãng sản xuất.

Trên bình diện kinh tế, người Mỹ trách đúng. Họ có quyền giữ bản quyền. Nhưng nếu chúng ta cũng đem nguyên tắc này áp dụng vào việc yêu nước, xây dựng quê hương thì e trật chỗ và có thể dẫn đến độc đoán.

Một số bạn trẻ, và có thể nhiều người lớn, đã đau khổ khi nhìn thấy cảnh một số người nghĩ chỉ có tôi, hội đoàn tôi, đảng tôi mới có quyền yêu nước!? Chỉ có đường lối, chính sách của tôi, của đoàn thể tôi, của đảng tôi mới xây dựng được quê hương!? Tất cả những ai có ý kiến khác phải là phản động, thậm chí những ai chống kẻ thù của quê hương khác cách của tôi sẽ bị tôi xem là thân kẻ thù!

Quê hương đâu phải là sáng tác của một ai?

Dân tộc đâu phải là sản phẩm của công ty, đảng nào?

***

Việc cổ động phong trào Hiệp Nhất Ki-tô nói riêng, và Rao Giảng Tin Mừng nói chung cũng giông giống như yêu nước, xây dựng quê hương! Đôi khi chúng ta lỡ hành động như chính chúng ta, chỉ chúng ta mới có bản quyền trên Tin Mừng, không phải chỉ giữ bản quyền, mà còn chiếm độc quyền Tin Mừng nữa.

Tin Mừng đâu phải là trước tác của riêng ta?

Ơn cứu sống đâu phải là sản phẩm của đời ta, công nghiệp riêng ta?

“Bao lâu giữa anh chị em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh chị em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao? Khi người này nói: ‘ Tôi, tôi thuộc về ông Phao-lô ‘, và người khác: ‘ Tôi, tôi thuộc về ông A-pô-lô ‘, thì anh chị em chẳng là người phàm tục sao?’

Vậy A-pô-lô là gì? Phao-lô là gì? Đó là những tôi tớ đã giúp cho anh chị em có đức tin, mỗi người đã làm theo khả năng Chúa ban. Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể “ (1 Cô-rin-tô 3:3-7).

“Đã hẳn, có những kẻ rao giảng về Đức Ki-tô vì lòng ganh tị và tranh chấp, song những người khác lại làm việc đó vì ý ngay lành. Những người này làm vì bác ái, bởi họ biết rằng tôi được chỉ định để lo bênh vực Tin Mừng. Còn những người kia thì loan báo Đức Ki-tô vì tính ưa tranh giành, họ không có lòng ngay, tưởng làm như thế là gây thêm khổ cho tôi, trong lúc tôi bị xiềng xích. Nhưng không sao đâu! Dù thế nào đi nữa với ý lành hay ý xấu, MIỄN LÀ ĐỨC KI-TÔ ĐƯỢC RAO GIẢNG LÀ TÔI MỪNG RỒI “ (Phi-líp-phê 1: 15-18).

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, cùng vui mừng nhìn nhận và tôn trọng những giá trị thật sự Ki-tô giáo xuất phát từ cùng một gia sản chung được tìm thấy nơi anh chị em phân ly. ( Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Unitatis Redintegratio #4, phân đoạn 8). Cũng xin cho chúng con đừng quên rằng những gì do ơn Chúa Thánh Thần thực hiện nơi anh chị em phân ly cũng có thể góp phần xây dựng chúng con (Unitatis Redintegratio #4, phân đoạn 9).

-Cầu nguyện

-Quyết tâm

-Dấn thân