BAGHDAD 09/09/04 - “Nhiều người Kitô Giáo mới đây bỏ Iraq đi lánh nạn nay đang quay trở về”. Đó là lời tuyên bố của ông Albert Yelda, Đại Sứ của Iraq cạnh Tòa Thánh Vatican với tờ nhật báo Washington Times. Những người này đang cư ngụ tại vùng phía bắc của người Kurdish. Họ sẽ trở lại Baghdad khi tình hình an toàn hơn.

Ông Đại Sứ cho biết thêm: “Vụ đặt bom vào năm nhà thờ vào đầu tháng 8 vừa qua là do các tay khủng bố ngoại quốc. Các nhà lãnh đạo Hồi Giáo ở Iraq không muốn người Kitô Giáo rời khỏi Iraq, Người Kitô Giáo rất được trọng vọng ở đây”

Dân số Iraq là 25 triệu trong đó người Kitô Giáo chiếm khoảng 800,000 người. Họ chính là hậu duệ của cư dân ở đây mà nay gọi là Iraq. Sau vụ đặt bom tại các nhà thờ, nhiều người Kitô Giáo hoảng sợ đã bỏ Iraq ra đi thì nay họ đang dần dần trở về.

Ngoài ra những người Kitô Giáo trước đây phải đi sống lưu vong ở Âu Châu, ở Úc Châu để tránh chế độ Saddam Hussein thì nay họ cũng đang lục tục kéo nhau về

Chính ông Đại Sứ Albert Yelda cũng đã là người tỵ nạn chính trị. Năm 16 tuổi ông bị chế độ Saddam quản chế tại gia. Ông trốn sang Anh. Tại đây ông là một trong những người lãnh đạo của phong trào chống Saddam Hussein

Người Kitô Giáo Iraq ở Hoa Kỳ cũng đang trở về nước, đặc biệt là từ Chicago và Detroit là hai nơi có cộng đồng người Iraq với khoảng 150,000 người. Họ là các bác sĩ, luật sư, giáo sư. Họ sẵn sàng trở về Iraq để tái thiết xứ sở. Những người làm thương mại bỏ vốn đầu ở Iraq.

Đức Tổng Giám Mục Sleiman còn cho biết những người Kitô Giáo còn có thể đóng vai trò trung gian hòa giải vì họ không có đòi hỏi chính trị nào nhất định, ngoài việc tái lập an ninh và uy quyền cho chính phủ.

Ông Joseph Yacoub, một người Kitô Giáo theo nghi lễ Chaldean đồng thời là một chuyên gia của chính quyền Pháp về vấn đề Kitô Giáo ở Trung Đông đồng ý với những phát biểu của đức Tổng Giám Mục và vị đại sứ nói trên. Ông nói Người Kitô Giáo ở Iraq vẫn đóng một vai trò quan trọng. Trong ủy ban thảo hoạch hiến pháp cho Iraq, có những đại diện Kitô Giáo. Trong Hội Đồng Lập Pháp tạm thời có 4 người Kitô Giáo. Ông Yacoub nói: Dù người Kitô Giáo ít nhưng họ là chiếc cầu nối quan trọng giữa nhiều nhóm khác nhau. Những nhóm này làm thành xã hội Iraq nhưng bị chia rẽ trầm trọng. Dù bị đe dọa và tấn công, người Kitô Giáo vẫn có thể khởi xướng các cuộc đối thoại và chủ trương một bầu khí hài hoà giữa các nhóm văn hóa và tôn giáo khác nhau.