CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN - NĂM C: Chọn lựa

(Bài đọc 1: Kng 9, 13-19, Bài đọc 2: Phil 9b-10. 12-17, Tin mừng: Lc 14, 25-33)

Sau khi đã nêu ra một số những đòi hỏi của người môn đệ, đó là phải đi vào cửa hẹp (CN 21), và sống khiêm tốn (CN 22), hôm nay, Đức Giêsu mời gọi chúng ta làm một cuộc chọn lựa dứt khoát để thực sự xứng đáng là môn đệ của Ngài.

1. Sống là chọn lựa:

Thực ra, không phải chỉ khi làm môn đệ, chúng ta mới phải chọn lựa, nhưng trong suốt cuộc sống của mình, chúng ta luôn luôn phải chọn lựa. Có thể có những chọn lựa thật đơn giản như việc lựa chọn khi mua sắm, hay chọn lựa các môn giải trí. Tuy nhiên, cũng có những chọn lựa quan trọng hơn, như việc chọn lựa nơi ăn, chốn ở, chọn lựa công việc làm ăn, chọn lựa cho mình một người bạn đời… Nhưng cho dù đơn giản, hay phức tạp, thì tất cả các chọn lựa này đều đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta một sự từ bỏ nhất định nào đó.

Tương tự như thế, ngay lúc này đây, Đức Giêsu cũng đang mời gọi chúng ta làm một cuộc chọn lựa dứt khoát. Chúng ta không thể “bắt cá hai tay”, “vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16, 13b). Tuy nhiên, việc chọn lựa này không giống như các cuộc chọn lựa khác, bởi lẽ một khi chấp nhận làm môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta không còn được phép sống cho riêng mình, hay sống theo ý muốn của mình, hay nói theo cách nói của thánh Phaolô, một khi đã chọn bước đi theo Đức Kitô: từ đây chúng ta sống, nhưng không phải chúng ta sống mà là Đức Kitô sống trong chúng ta (x. Gl 2, 20).

2. Một chọn lựa làm thay đổi cuộc sống:

Cũng giống như bất cứ chọn lựa quan trọng nào khác, chọn lựa làm môn đệ Đức Giêsu sẽ làm thay đổi cả cuộc đời của chúng ta. Chọn lựa này đòi chúng ta dấn bước vào con đường hẹp, con đường của sự khiêm tốn, từ bỏ và hy sinh. Con đường theo Chúa không phải là con đường dễ dãi, nhưng là con đường dành cho những người thật can đảm. Nó đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta một sự cố gắng liên lỷ trong từng phút giây của cuộc sống. Chính vì thế, trong cuộc hành trình về Giêrusalem lần này, khi thấy có một đám đông đi theo mình, Đức Giêsu đã cảnh báo họ: “Nếu ai đến với Ta, mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta”.

Khi mời gọi chúng ta “bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em”, Đức Giêsu không muốn phủ nhận mối dây liên hệ thiêng liêng trong gia đình, bởi lẽ, khi nhập thể, Đức Giêsu cũng đã chọn sinh ra trong một gia đình, và Ngài không hề quên bổn phận hiếu thảo của người con đối với cha mẹ. Ngay trên thập giá, khi phải đối diện với cái chết đau đớn cận kề, Đức Giêsu vẫn nhớ đến người mẹ đã sinh ra mình và Ngài đã giao phó mẹ mình cho Gioan chăm sóc (x. Ga 19, 25-27). Thực ra khi nói như thế, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh đến sự dứt khoát của chúng ta khi muốn làm môn đệ của Ngài.

Như thế, giữa việc “theo” và trở thành “môn đệ” còn có một khoảng cách. Ngày hôm nay cũng đang có rất nhiều người đi theo Đức Giêsu, nhưng số người dám can đảm làm môn đệ của Ngài lại rất ít, bởi lẽ làm môn đệ thì phải giống Thầy, phải dám “vác thập giá mình mà theo Thầy”. Đi theo làm môn đệ Đức Giêsu không những đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ đi lối sống cũ cùng với những tội lỗi, bất công, nhưng còn đòi từng người chúng ta dám bỏ đi những quyền lợi xem ra là chính đáng của mình.

Chúng ta có thể nhận ra điều này qua bài đọc hai được trích từ lá thư của thánh Phaolô gởi cho người môn đệ Philêmon. Trong thư, thánh nhân gởi Ônêsimô lại cho Philêmon. Ônêsimô trước đây là người nô lệ của Philêmon, nhưng đã bỏ trốn và đã được thánh Phaolô rửa tội. Giờ đây, khi trao lại Ônêsimô cho Philêmon, thánh nhân muốn Philêmon từ bỏ quyền làm chủ chính đáng của mình để nhận Ôsênimô như là một người anh em trong Đức Kitô.

Sự từ bỏ này trước mắt người đời có thể là một sự khờ dại, nhất là khi nó đụng chạm đến những dục vọng và cả những quyền lợi xem ra chính đáng của chúng ta, nhưng đó lại là sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Một sự khôn ngoan có thể nói là vượt trên mọi trí hiểu giới hạn của con người. đó cũng chính là kinh nghiệm của vua Salomon. Ông là một vị vua nổi tiếng là khôn ngoan nhất trong Cựu Ước, và danh tiếng của ông cũng không dừng lại nơi đất nước Do Thái, nhưng đã được lan xa, đến nỗi Nữ Hoàng Saba từ phương Nam xa xôi cũng đã đến để học hỏi sự khôn ngoan của ông (x. 1 V 10, 1-10). Thế nhưng, ông cũng đã phải thú nhận “Ai trong loài người có thể biết được ý định của Thiên Chúa? hay ai có thể suy tưởng được sự Thiên Chúa muốn? Vì những ý tưởng của loài hay chết thì mập mờ, và những dự định của chúng tôi đều không chắc chắn… Ai hiểu thấu Thánh Ý của Chúa, nếu Chúa không ban sự khôn ngoan, và không sai Thánh Thần Chúa từ trời cao xuống?”.

Vâng, chọn lựa làm môn đệ của Đức Kitô quả thật là dại khờ trước mặt thế gian. Do đó, để có thể can đảm quyết tâm làm môn đệ của Ngài, chúng ta cần nhờ đến chính sức mạnh và sự khôn ngoan của Chúa soi dẫn. Chính thánh Phaolô sau cả một đời với biết bao là vinh quang lẫn với nước mắt đã tuyên bố: “Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi, vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như đồ bỏ, để được Đức Kitô” (Pl 3, 8).

3. Chúng ta hôm nay:

Lắng nghe lời Chúa hôm nay là một cơ hội để mỗi người chúng ta tự hỏi lại mình: Đâu là cùng đích trong cuộc sống của mỗi người chúng ta: Phải chăng đó là: Tiền bạc, danh vọng, quyền thế, sự nghiệp… hay điều gì giống như vậy?

Nếu chúng ta chỉ dừng lại ở những thành công ở đời này, thì nói như tác giả sách Khôn ngoan trong bài đọc một, quả thật chúng ta chưa thật sự khôn ngoan. Chúng ta đang để cho “nhà bụi đất làm cho lý trí hay lo lắng nhiều điều ra nặng nề”.

Còn nếu chúng ta nói rằng mình đã chọn lựa làm môn đệ Đức Giêsu, thì đây cũng là cơ hội để chúng ta tự xét lại mình, xem thử chúng ta đã sống xứng đáng với chọn lựa này của mình chưa? Trong đời sống thường ngày, chúng ta đã làm gì để chứng tỏ mình là người môn đệ của Đức Giêsu? Nếu chúng ta còn ngại ngần khi phải tham dự Thánh Lễ, còn tính toán khi tìm hiểu giáo lý và Lời của Chúa, còn ngại ngần khi chia sẻ, chưa dám từ bỏ một ý riêng, thì thử hỏi, chúng ta có thực sự là môn đệ của Đức Kitô không?

Chớ gì nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa, mỗi người chúng ta can đảm đi theo bước chân của các tông đồ và cha ông chúng ta khi xưa, biết chọn lựa Đức Giêsu làm lẽ sống cuối cùng cho cuộc đời mình. Và nếu chúng ta chọn lựa làm môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta hãy sống thế nào, để cho dù miệng chúng ta không tuyên xưng, nhưng nhìn vào đời sống của chúng ta, mọi người vẫn có thể nhận ra chúng ta đích thực là môn đệ của Ngài. Amen.

Chuyện minh hoạ:

Người ta kể rằng: có một con lừa kia đang rất đói và khát. Thấy thế người ta liền để trước mặt nó một bó cỏ và một thùng nước. Vừa thấy thức ăn và nước uống, con lừa mừng lắm. Nó liền đi đến chổ để bó cỏ định ăn cho đầy bụng, nhưng đang khi đi, nó chợt nghĩ, có lẽ cần uống nước trước cho thoả cơn khát trước đã. Thế là nó bỏ bó cỏ và quay lại phía thùng nước. Nhưng thật đáng tiếc, chưa đi đến thùng nước, nó lại nghĩ, chắc là mình cần ăn trước rồi mới uống. Vậy là nó lại quay trở về phía bó cỏ. Và cứ thế, nó cứ đi qua, đi lại giữa bó cỏ và thùng nước và cuối cùng, người ta gặp thấy nó nằm chết giữa bó cỏ non và thùng nước mát.