WASHINGTON, D.C. 25/08/04 - Trong các sách triết học và xã hội học, người ta thường đổ lỗi cho sự chậm phát triển kinh tế tại một quốc gia nào đó là vì lý do tôn giáo. Nay thì tư tưởng đó đã bị bác bỏ khi Ngân Hàng Thế Giới vừa cho xuất bản một quyển sách có tựa đề “ Trí Khôn, Trái Tim và Linh Hồn Trong Việc Chống Nghèo Đói.”

Nội dung tác phẩm này đề cập đến mối tương quan giữa hai thế giới: Một bên là thế giới đức tin và bên kia là thế giới của các tổ chức phát triển. Hai thế giới này cần phải hợp tác với nhau để chống nghèo đói, thực thi công bình xã hội. Tác phẩm kết luận muốn có phát triển kinh tế xã hội, cần có sự hợp tác giữa tôn giáo và tổ chức phát triển. Nhưng sự hợp tác giữa hai bên rất dễ tan vỡ, có lúc hợp tác, lúc không, hoặc có khi còn xung khắc nhau nữa.

Trong lời giới thiệu tác phẩm, ông Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới là James Wolfensohn viết rằng: “Khi các định chế phát triển và các tổ chức tôn giáo đồng ý về những điểm nào đó thì cả hai bên đều đoàn kết và gặt hái được những kết quả thật phi thường”

Ông cũng viết thêm rằng hy vọng tác phẩm sẽ dẫn đến sự hợp tác giữa hai bên để giải quyết các vấn đề xã hội.

Tác giả quyền sách là hai chuyên viên của Ngân Hàng Thế Giới soạn thảo. Đó là bà Katherine Marshall và Lucy Keough. Hai người đã làm việc trong hai năm đúc kết và so sánh thành quả hợp tác giữa cộng đoàn tôn giáo và các tổ chức phát triển. Bà Katherine Marshall, là nhân vật rất quen thuộc trong các cuộc hội thảo do Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình đứng ra tổ chức.