b>Chúa Nhật XXXI Thường niên
Lc 19, 1-10

Khắc khoải kiếm tìm

Vào tháng 5 vừa rồi tổng thống Hoa Kỳ Ôbama có chuyến công du Việt Nam. Ở khắp nước, những nơi ông đến, người dân đứng hai bên đường đón chào ông. Ở Sàigòn cũng thế: từ phi trường Tân Sơn Nhất, dọc con đường Trường Sơn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quanh khu vực chùa Ngọc Hoàng… Tại sao người ta lại nô nức đón chào như vậy? Vì tò mò à? Có! Nhưng chưa đủ. Hẳn phải có động lực nào đó mạnh hơn là tò mò để người dân Sàigòn vốn vội vã (đợi đèn đỏ vài chục giây cũng sốt ruột) chịu đứng chờ cả mấy tiếng đồng hồ, đội mưa đội nắng để đợi, để đón… cuối cùng chỉ được selfi, hay giơ tay vẫy chào… không khí… vì cả đoàn xe hơi phủ kính đen kín mít, chẳng biết tổng thống Obama ngồi ở xe nào mà chào.

Bài Tin Mừng hôm nay trao cho tôi chiếc chìa khóa giúp tôi giải mã được lý do người dân chào đón Obama. Ngược lại, chuyện người dân nô nức đón Obama soi sáng cho tôi hiểu bài Tin Mừng hôm nay hơn.

Giakêu, như Luca cho biết, là “thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có”. Thu thuế, dưới cái nhìn của dân chúng, là những kẻ táng tận lương tâm, cấu kết với thế lực ngoại bang hút máu dân, thế thì thủ lãnh của những người thu thuế phải bất lương đến mức nào? Mặt khác, thu thuế thì giàu có, trùm của thu thuế thì giàu đến cỡ nào? Ở một đất nước nhỏ bé như Do Thái, hẳn mọi người đều biết sự giàu có và bất lương của Giakêu, không loại trừ Chúa Giêsu. Cũng như danh thơm tiếng tốt Chúa Giêsu loan truyền khắp nước, Giakêu cũng nghe biết. Hai tiếng tăm hoàn toàn trái ngược nhau. Chúa Giêsu được dân chúng ái mộ, Giakêu thì ai cũng khinh, cũng ghét.

Giakêu giàu lắm. Có tiền mua tiên cũng được, hơn nữa ông lại có quyền! Giàu có, quyền lực, vợ đẹp, con khôn, nhà cửa thênh thang… Ông không thiếu thứ gì, muốn gì là có đấy. Thế mà ông vẫn thiếu. Vật chất ông không thiếu, nhưng trong tâm hồn ông vẫn thấy thiếu điều gì đó, mơ hồ, ông chưa xác định được… Và khi thiếu, thì tự nhiên người ta phải tìm. Như khi khát, thì tự nhiên tìm đến nước; như khi đói, tự nhiên tìm đồ ăn; như khi thiếu ngủ, tự nhiên tìm đến giấc ngủ…

Khi Chúa Giêsu đi qua Giêricô, Luca trình thuật, Giakêu “tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào”. Ông tò mò? Đúng! Nhưng ngoài cái tò mò, một cách vô thức, ông còn tìm một cái gì sâu xa hơn mà ông còn thiếu. Ông không biết ông thiếu gì, nhưng những gì ông nghe biết về Thầy Giêsu, những việc Thầy đã làm lôi cuốn ông, khiến ông ngưỡng mộ. Phải có lý do nào đó lớn hơn sự tò mò mới khiến ông bất chấp mọi sự, để “chạy lên trước, trèo lên một cây sung”, nhất định phải nhìn thấy Chúa. Ta thử tưởng tượng một người có địa vị, ăn mặc sang trọng, thấp lùn… lại chạy, lại trèo… Nếu chỉ vì tò mò ông có làm thế không? Phải có một khát khao kiếm tìm, tìm gì đó cao hơn của cải, vật chất, danh vọng trần thế mới khiến ông quyết tâm đến thế, vượt mọi trở ngại.
Đúng như Chúa đã dạy: “Hãy tìm thì sẽ gặp”. Ông đã tìm và gặp được Chúa. Chúa ban cho ông quá điều ông ước mong. Thầy Giêsu ngước mắt trìu mến nhìn ông, gọi đúng tên ông, ngỏ ý muốn trọ lại nhà ông. Còn gì hạnh phúc và sung sướng hơn, cho một người hằng khao khát kiếm tìm và biết mình là kẻ tội lỗi, như ông.

Ở đây có điều chúng ta phải lưu ý, tất cả những cơ may này đều không phải do tình cờ, dẫu mọi chuyện xảy ra có vẻ tình cờ: Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, nên phải đi qua Giêricô, thế rồi tình cờ đi ngang qua gốc cây mà Giakêu đang đung đưa trên đó Ngài ngước mắt lên… Không! Không phải tình cờ! Ngàn lần không phải tình cờ! Ở câu kết bài của Tin Mừng, Chúa Giêsu đã xác định rõ: “Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”. Chúa đến để tìm, để cứu. Thiên Chúa luôn luôn chủ động và đi bước trước. Dụ ngôn người chủ chăn đi tìm con chiên lạc, dụ ngôn bà góa tìm đồng tiền bị mất, xác nhận thêm cho điều này. Vả lại, ngay cái khắc khoải dai dẳng trong ông, đó chính là dấu hiệu cho thấy tình thương của Chúa luôn ở kề bên ông, mời gọi ông… Nói một cách rộng hơn, mọi ước muốn thánh thiện, cao đẹp, hướng tới chân thiện mỹ đều là ơn huệ của Thiên Chúa, đều là tiếng mời gọi từ trời cao, đều là dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa khích lệ ta vươn lên cao…

Có thể nói ở đây, tình thương xót gặp được kẻ đáng thương, ơn tha thứ gặp được người tội lỗi hối cải. Sống trong cảnh giàu sang, bất lương nhưng lòng Giakêu vẫn hằng luôn xôn xao, bất an, kiếm tìm, khắc khoải… y như tâm trạng của Phaolô tông đồ trước khi ngã ngựa, hay như tâm trạng của thánh Augustinô trước khi trở lại. Thánh Augustinô nói lên kinh nghiệm của mình: “Lạy Chúa tâm hồn con luôn khắc khoải cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa” (Tự thuật I, 1, 1). Những tâm hồn khắc khoải và hết lòng tìm kiếm như thế, gặp được Chúa họ liền biến đổi. Ta phải biết có những người muốn gặp Chúa, và sau khi gặp không hề biến đổi. Hêrôđê muốn gặp Chúa Giêsu. Gặp xong Hêrôđê vẫn trơ trơ như cũ, nếu không nói là tệ hơn…

Giakêu hoàn toàn biến đổi. Của cải tiền bạc là cái Giakêu bấu víu, coi như sự bảo đảm cho mình và gia đình, cho hôm nay và tương lai, nay ông đã được giải thoát, được tự do khỏi ràng buộc của vật chất của cải… Chúa chưa giảng điều gì, Chúa chưa hề thuyết phục ông điều gì, ông đã tự hứa với Chúa: “tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Ông nhận được lòng Chúa thương xót và ông trở nên dấu chỉ của lòng xót thương của Thiên Chúa.

Trở lại chuyện người dân túa ra đường đứng đón tổng thống Obama. Phải chăng vì tò mò? Có! Nhưng còn vì một cái gì sâu hơn và cao hơn… Dân Sàigòn, dẫu sao so với cả nước cũng có mức sống cao hơn. Họ thiếu điều gì. Họ tìm điều gì??? Có lẽ người ta thấy Obama là biểu tượng của con người thành đạt, nơi ông hội tụ những giá trị cao đẹp của gia đình, của tự do, của phẩm giá con người… Người ta muốn gởi gắm nơi ông những khát vọng người ta đang thiếu, những ước mơ người ta kiếm tìm…

Ôbama đã đến, đã đi… và mọi chuyện trở lại bình thường. Tại sao vậy? Vì người ta không đi đến cùng khát vọng của mình, người ta không dám vượt qua mọi trở ngại đã từ lâu trói chặt lấy họ… Người ta muốn đổi thay mà không muốn trả giá. Người ta mong chờ một thế lực nào đó từ bên ngoài thay đổi hoàn cảnh của mình… Không như Giakêu! Giakêu đã can đảm đứng lên, dứt khoát một lần bức tung xiềng xích của những đồng tiền dơ bẩn đã làm tha hóa ông, đã trói buộc ông…

Nhìn cảnh đồng bào miền trung khốn đốn vì Formosa, lòng chúng ta không xốn xang hay sao? Nhìn cảnh những người miền trung, trẻ em người già, trèo lên mái nhà tránh lũ không khiến chúng ta xót xa hay sao? Nhìn ánh mắt con bò được sợi dây buộc cổ kéo lên khỏi mặt nước không nói gì với chúng ta sao? Hằng ngày lo âu về thực phẩm không an toàn, mệt mỏi vì thành phố lụt lội mỗi khi mưa về, và đủ mọi thứ băng hoại… những bất an bất ổn đó không làm bật lên những câu hỏi nhoi nhói trong tim chúng ta hay sao? Nếu có, đó không phải là tiếng Chúa lay động, mời gọi chúng ta hay sao?
Sau khi Giakêu được biến đổi, tự hiến tặng nửa gia tài cho người nghèo, sẵn sàng đền bù gấp bốn những thiệt hại do ông gây ra, Chúa Giêsu nói: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ”. Hôm nay, bây giờ! Vì thế, chính lúc chúng ta đứng lên đáp trả lại lời mời gọi của Chúa là lúc chúng ta được cứu độ, trở nên những con người tự do đích thực…

30.10.2016
Phaolô Nguyễn Quốc Hưng
Đại Chủng Viện thánh Giuse Sàigòn