Suy Niệm Chúa Nhật TRUYỀN GIÁO

Trở Nên Chứng Nhân Của Lòng Thương Xót

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã ra lệnh cho các Tông đồ rằng: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo”(Mc 16,15).

Xuyên suốt gần 2000 năm qua, Giáo Hội đã nổ lực cách này hay cách khác để chu toàn mệnh lệnh trên của Đức Giêsu. Tuy vậy, thế giới hôm nay vẫn còn vô số những kẻ chưa nhận biết Chúa, chưa tuân giữ giáo huấn của Ngài. Vì vậy, lệnh truyền của Đức Giêsu vẫn mang tính cấp bách, khẩn thiết. Cho nên, mỗi thành phần trong Hội thánh luôn được mời gọi tiếp tục thực hiện sứ mạng truyền giáo. Để chu toàn sứ mạng đó, chúng ta có thể cầu nguyện, rao giảng, làm chứng bằng đời sống. Năm nay, Năm Thánh Lòng Thương Xót, qua sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Giáo lần thứ 90, Ðức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta hãy truyền giáo bằng cách: Suy ngắm lòng thương xót của Chúa Cha và lòng thương xót của Ngôi lời Nhập Thể, để từ đó trở nên chứng nhân lòng thương xót trong Giáo Hội, trong gia đình, nơi mỗi môi trường sống, nhất là trong môi trường giáo dục.

1. Suy ngắm lòng thương xót của Chúa Cha

Mở đầu sứ điệp truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Năm Thánh Lòng Thương Xót mà Hội Thánh đang cử hành chiếu rọi vào Ngày Chúa Nhật Thế giới Truyền giáo một ánh sáng chói ngời: nó mời gọi chúng ta nhìn việc truyền giáo cho muôn dân (missio ad gentes) như là một công trình bao la, vĩ đại của lòng thương xót, cả thiêng liêng và vật chất.”

Thật vậy, phần rỗi linh hồn quý hơn mọi châu báu trần gian. Đức Giêsu đã nói: “Lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì?”(Mt 16,26). Chính vì vậy, truyền giáo là một công việc của lòng thương xót, là việc bác ái, vì giúp người ta nhận biết Chúa, nhận biết giáo lý của Người để sống tốt ở đời này, hầu được hưởng hạnh phúc đời sau. Cho nên, truyền giáo là công trình của lòng thương xót. Tiếp theo, Đức Thánh Cha triển khai lòng thương xót của Chúa Cha qua những việc làm và những hình ảnh cụ thể được diễn tả trong Cựu Ước.

Thứ nhất, Đức Thánh Cha diễn tả tình yêu của Thiên Chúa như một người Cha “đã yêu thương hướng về những người dễ bị tổn thương nhất, vì sự cao cả và quyền năng của Người được mặc khải chủ yếu nơi khả năng Người tự đồng hoá mình với những người trẻ, những người bị gạt ra bên lề, và những người bị áp bức (x. Ðnl 4,31; Tv 86,15; 103,8; 111,4.)”.

Thứ bai, Đức Thánh Cha diễn tả Thiên Chúa giống như hình ảnh một người Mẹ hiền từ, quan tâm, gần gũi với con cái mình. Ngài nói: “Người là vị Thiên Chúa hiền từ, quan tâm chăm sóc và trung thành, Ðấng gần gũi những ai gặp khốn khó, nhất là những người nghèo; Người dịu dàng đi vào thực tại của loài người giống như người cha người mẹ đi vào đời sống của con cái họ (x. Gr 31,20).”

Thứ ba, Đức Thánh Cha diễn tả tình yêu của Thiên Chúa Cha là tình yêu phổ quát, không phân biệt màu da chủng tộc, kẻ giàu người nghèo, kẻ thánh thiện hay người tội lỗi…Ngài nói: “Người tỏ lòng thương xót đối với mọi người; tình thương của Người dành cho hết mọi người và lòng nhân hậu của Người mở ra cho mọi loài thụ tạo (x. Tv 144,8-9).”

2. Suy ngắm lòng thương xót của Ngôi Lời Nhập Thể

Sau khi giúp chúng ta suy ngắm lòng thương xót của Chúa Cha, Đức Thánh Cha muốn chúng ta suy ngắm lòng thương xót của Ngôi lời Nhập Thể. Bởi vì, nơi Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, lòng thương xót của Chúa Cha được biểu lộ một cách trọn vẹn. Ngài nói: “Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ một cách cao cả và trọn vẹn nhất nơi Ngôi Lời Nhập Thể.”

Thứ nhất, vì Ðức Giêsu mặc khải khuôn mặt của Chúa Cha, Ðấng giàu lòng thương xót;

Thứ hai, vì Đức Giêsu dùng các kiểu so sánh và các dụ ngôn để nói và cắt nghĩa về lòng thương xót. Đó chính là các dụ ngôn: Người cha nhân hậu; người đàn bà đi tìm đồng bạc đã đánh mất; người chủ chiên đi tìm con chiên lạc;

Thứ ba, chính Đức Giêsu đã làm cho lòng thương xót trở thành nhập thể và nhân cách hoá: Rao giảng Tin Mừng; làm phép lạ chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền; kêu gọi người tội lỗi và tha thứ cho họ...

3. Trở nên chứng nhân của Lòng Thương Xót

Sau khi giúp chúng ta suy ngắm lòng thương xót của Chúa Cha, lòng thương xót của Ngôi Lời Nhập Thể, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên những chứng nhân của lòng thương xót như Chúa Cha và Chúa Con. Ngài nói: “Khi chúng ta tiếp đón và đi theo Ðức Giêsu bằng Tin Mừng và các bí tích, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể trở thành những con người có lòng thương xót như Cha trên trời là Ðấng xót thương; chúng ta có thể học biết yêu thương như Người yêu thương chúng ta và biến cuộc đời chúng ta trở thành một món quà cho không, một dấu chỉ lòng nhân ái của Người (x. Misericordiae Vultus, 3)”.

Thứ nhất, Hội Thánh phải là cộng đoàn sống bằng lòng thương xót của Chúa Kitô;

Thứ hai, gia đình phải trở thành cộng đoàn của lòng thương xót. Ngài nói “nhiều gia đình, đang thể hiện ơn gọi truyền giáo của họ dưới nhiều hình thức khác nhau: từ loan báo Tin Mừng tới phục vụ bác ái.” Ở điểm này, Đức Thánh Cha làm nổi bật vai trò của nữ giới trong bậc sống giáo dân cũng như tu sĩ, đặc biệt là người Mẹ biết sống tình mẫu tử trong gia đình là dấu chỉ diễn tả tình mẫu tử của Thiên Chúa. Ngoài ra, mọi người nam và người nữ thuộc mọi lứa tuổi và mọi thân phận đều có thể làm chứng về lòng thương xót.

Thứ ba, trở nên lòng thương xót qua việc giáo dục. Ngài nói : “Tại nhiều nơi, việc rao giảng Tin Mừng bắt đầu bằng việc giáo dục, được hoạt động truyền giáo dành cho rất nhiều thời gian và công sức, giống như người trồng nho nhân từ của Tin Mừng (x. Lc 13,7-9; Ga 15,1), kiên nhẫn chờ đợi cây nho sinh hoa kết quả sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp; bằng cách này họ làm phát sinh một dân mới có khả năng rao truyền Tin Mừng, họ sẽ đem Tin Mừng đến những nơi mà người ta nghĩ là Tin Mừng không thể được biết đến bằng cách nào khác.” Chúng ta có thể áp dụng điều này bằng cách: Cha mẹ rao giảng Tin mừng cho con cái ngay chính trong gia đình của mình; Thầy cô giáo lý viên rao giảng Tin mừng tại các lớp giáo lý; đặc biệt, khi các giáo xứ, dòng tu có điều kiện mở các trường tư thục, đó là cơ hội để rao giảng Tin mừng qua việc giáo dục cho thế hệ trẻ.

Cuối cùng, Đức Thánh Cha muốn các nhà truyền giáo noi gương Mẹ Maria. Ngài nói: “Ðức Maria rất thánh là biểu tượng siêu vời của nhân loại được cứu chuộc, và là mẫu gương truyền giáo cho Hội Thánh.” Thật vậy, Mẹ Maria đã đem Đức Giêsu đến với nhân loại qua việc “Xin vâng”. Mẹ đem Đức Giêsu đến với Bà chị họ Êlizabet sau biến cố Truyền Tin. Mẹ mang niềm vui đến cho gia chủ ở tiệc cưới Cana. Mẹ hy sinh Con Một trên thập giá vì nhân loại. Khi Mẹ đã về trời, Mẹ vẫn thường xuyên thăm viếng để hướng dẫn và nhắc nhở nhân loại đi đúng đường lối của Chúa. Mẹ thật là Mẹ của Lòng Thương Xót, là mẫu gương truyền giáo cho Hội Thánh và cho mỗi người chúng ta.

Tóm lại, để chu toàn sứ mệnh truyền giáo mà Đức Giêsu trao phó một cách có hiệu quả, mỗi người kitô hữu chúng ta phải cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha, của Ngôi Lời Nhập Thể. Hay nói cách khác, chúng ta phải mang Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Chúa Con đến với tất cả mọi người chúng ta gặp gỡ. Nhờ đó, mọi người sẽ bắt gặp nơi chúng ta một người cha yêu thương, một người mẹ diệu hiền, biết quan tâm, chăm sóc và bênh vực họ. Nhờ đó, mọi người sẽ nhận biết Chúa, gia nhập Giáo Hội. Xin Mẹ Maria, mẫu gương truyền giáo đồng hành với chúng ta trong mọi nẻo đường truyền giáo.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa Cha, của Ngôi Lời Nhập Thể để từ đó mỗi người chúng con cố gắng trở nên chứng nhân của lòng thương xót trong gia đình, trong cộng đoàn, nơi trường học và mọi môi trường chúng con đang sống. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành