SỰ THẤT BẠI CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ 2

(tiếp theo)

III.- NHIỆM VỤ CỦA LIÊN HIỆP QUỐC.

A. Ngăn chặn chiến tranh.

Trước những thảm họa tang thương do Thế chiến thứ nhất (tháng 06/1914 – 11/1918) gây ra và lưu lại nơi trí óc cùng thân thể đa số người, Hội Quốc Liên (League of Nations), tiền thân Liên hiệp quốc, một tổ chức liên chính phủ, được thành lập ngày 10.01.1920 theo sau Hội nghị hòa bình Paris. Tổ chức quốc tế đầu tiên này có nhiệm vụ chủ yếu là duy trì hòa bình thế giới. Ðể chu toàn sứ vụ này, Hội Quốc Liên ngăn ngừa chiến tranh bằng đề cao an ninh tập thể và giải trừ quân bị, cùng giải quyết những tranh chấp quốc tế thông qua đàm phán và trọng tài và dựa vào những cường quốc để thi hành những nghị quyết của mình. Ðến ngày 23.02.1935, Hội Quốc Liên có 58 thành viên.

Hội Quốc Liên dựa vào những cường quốc để thi hành những nghị quyết của mình. Nhưng các nước này thường thi hành một cách miễn cưỡng, Hoa kỳ không là một thành viên chính thức. Do quy chế lỏng lẻo, các cường quốc như Anh và Bắc Ái nhĩ lan, Pháp, Nga, Đức, Ý, Nhật bản tham gia vốn chỉ để tranh giành ảnh hưởng cho mình. Hội Quốc Liên không khả năng ngăn chặn sự xâm lược của Phe Trục vào thập niên 1930. Đức rút khỏi Hội Quốc Liên, rồi đến các thành viên khác, đưa đến Chiến tranh thế giới thứ hai cho thấy mục đích chính của Hội Quốc Liên là ngăn ngừa chiến tranh đã thất bại.

Sau Thế chiến thứ hai, một lần nữa, trước sự chết chóc dã man của con người và sự tàn phá môi trường, Liên hiệp quốc được hình thành với mục đích ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ nhân quyền, cung cấp một cơ cấu cho luật pháp quốc tế, và để tăng cường tiến bộ kinh tế, xã hội, cải thiện các điều kiện sống và chống lại bệnh tật. Cơ quan quốc tế này tạo cơ hội để các quốc gia đạt tới sự cân bằng trong sự phụ thuộc lẫn nhau trên bình diện thế giới và giải quyết các vấn đề quốc tế. Do đó, Liên hiệp quốc đã phê chuẩn Tuyên ngôn Chung về Nhân quyền năm 1948.

1. Thế nào là Hòa bình?

Ðể tuyên bố năm 1969 là Năm Ðức Tin của Giáo phận, Hồng Y Tôi tớ Chúa đã cho phổ biến Thư luân lưu ‘Vững mạnh trong Ðức Tin? Tiến lên trong An Bình’, đó là đường lối xây dựng và củng cố, phát triển một nền Hòa bình chân chính, trường cửu theo quan niệm Công Giáo. Người viết:

« Người Công Giáo yêu chuộng Hòa bình, nhưng người Công Giáo không yêu chuộng Hòa Bình cách thơ ngây, quá lạc quan. Người Công Giáo rất thận trọng. Hòa bình theo quan niệm Công Giáo:

- Hòa bình không có nghĩa là không chiến tranh.

- Hòa bình không phải là thế quân bình giữa hai lực lượng đối lập.

- Hòa bình chân chính không phải là Hòa bình chiến lược.

- Hòa bình là con đường duy nhất đi đến tiến bộ nhân loại.

- Hòa bình phải được xây dựng trên nền tảng Chân lý, Công bằng, Tự do và Bác ái.

- Hòa bình phải được xây dựng trên tinh thần mới: Kích động đời sống cộng đồng các dân tộc.

- Hòa bình phải được xây dựng trên não trạng mới: Tôn trọng mối bang giao giữa các quốc gia, quí trọng tình huynh đệ giữa các dân tộc, cộng tác giữa các sắc tộc vì tiến bộ chung; nhìn nhận và tin tưởng các tổ chức Hòa bình quốc tế.

- Hòa bình phải được xây dựng trên sự tôn trọng và nhìn nhận những quyền lợi của con người và nền độc lập của mỗi quốc gia. »

Ðọc định nghĩa của vị Hồng Y Việt Nam, cựu Chủ tịch Hội đồng Công lý và Hoà bình và như thực tế chứng minh thì Việt Nam là một nước vừa không có độc lập (đảng cộng sản nước này nhận chỉ thị không những của Trung cộng mà còn từ Formosa) vừa không có Hòa bình (cộng quân đang chuẩn bị để đàn áp đồng bào 4 thỉnh miền Trung theo lệnh của Formosa).

2. Nhiệm vụ này được trao cho Hội đồng Bảo an.

Từ 25.04 đến 26.06.1945, đại diện 50 quốc gia đã họp tại San Francisco (California, Hoa Kỳ đã thông qua Hiến chương Liên hiệp quốc. ‘Một sự nghiệp vĩ đại để tạ ơn Thiên Chúa toàn năng...’ Tổng thống Mỹ Harry S. Truman đã phát biểu như thế về thành tựu của hội nghị này. Tuyên bố này đã đại diện cho hàng triệu người, những người tin tưởng tổ chức mới này sẽ làm cho các cuộc chiến tranh lùi sâu vào dĩ vãng. Lời tựa bản Hiến chương nêu rõ mục đích của : ‘Chúng tôi, những dân tộc của Liên hiệp quốc, quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh...’. Ngày 24.10.1945, Liên hiệp quốc chính thức được thành lập. Nhưng, Đại hội đồng (General Assembly) đầu tiên, với sự tham dự của 51 nước, chỉ được triệu tập ngày 10.01.1946 tại Nhà họp chính Westminster ở Luân đôn (Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Hiến chương dành quyền ‘định chung thẩm’ cho Hội đồng Bảo an (United Nations Security, tiếng Anh và Conseil de Sécurité, tiếng Pháp) có trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Các nghị quyết do Hội đồng này thông qua, phù hợp với Hiến chương thì các nước hội viên phải thi hành bắt buộc.

Mọi nghị quyết do Hội đồng Bảo an chỉ được thông qua với ‘phiếu thuận’ của 5 thành viên thường trực, hay vĩnh viễn [Mỹ, Anh, Pháp, Nga (thế chân Liên xô, sau khi Liên bang này tan rã) và Trung quốc (thế chân Trung hoa Dân quốc *). Khi có một Dự án nghị quyết của Hội đồng không được thông qua do một trong những nước đó bỏ ‘phiếu chống’, tức sử dụng quyền ‘phủ quyết’. Ðây là một loại vũ khí mới để các thành viên này, nhân danh Hòa bình, nhưng duy trì những ‘chiến tranh lạnh’, kéo bè đảng từ 10 thành viên không thường trực (có nhiệm kỳ 3 năm) như chúng ta thấy trong các lần biểu quyết về những cuộc chiến giữa Do thái - Palestine, lâu nay, và tại Syria như hiện nay.

Ðể làm thí dụ, chúng ta nhắc lại 2 cuộc chiến do Hoa kỳ lãnh đạo để ‘trừng trị’chế độ độc tài Saddam Hussein (Iraq) :

- Lần đầu năm 1991. Ngày 02.08.1990, quân đội Iraq xâm lăng và chiếm đóng Kowẹt và, sau đó, chúng bắt các công dân những nước Tây phương để làm con tin… Ngày 29.11.1990, Hội đồng Bảo an thông qua nghị quyết 678 hợp thức hóa việc sử dụng võ lực chống lại Iraq và ấn định thời hạn chót, ngày 15.01.1991, lúc 24 giờ, để quân lực nước này phải rút khỏi Koweït. Ngày 16.01.1991, 19 giờ sau hạn định, chiến dịch Bão tố Sa mạc (Desert Storm) khởi đầu với cả ngàn chiến đấu cơ, chục ngàn tấn bom đạn và nhiều tỷ mỹ kim thiết bị điện tử để trừng trị Iraq. Kết quả : Ngày 22.02.1991, Iraq chấp nhận đình chiến, nhưng Ðồng minh từ chối với bảo đảm quân lực Iraq rút lui không bị tấn công và có 24 giờ để rút khỏi Koweït. Ngày 20.01.1993, Saddam Hussein vẫn còn tại chức trong khi Tổng thống Mỹ George H. W. Bush (cha) phải rời nhiệm sở.

- Lần sau năm 2003. Ngày 20.01.2001, George Walker Bush (Bush con) nhận nhiệm vụ Tổng thống. Ngày 12.09.2002, tại Hội đồng Bảo an, Hoa kỳ buộc tội Iraq vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống 16 nghị quyết của Hội đồng và sở hữu những võ khí nguyên tử và hóa học… nhưng Pháp, Ðức và Nga không đồng ý. Do đó, không có nghị quyết nào được thông qua. Ngày 20.03.2003, Hoa kỳ và các đồng minh Anh, Tây ban nha tấn công Iraq và lật đỗ chế độ Saddam Hussein. Bị bắt cuối năm 2003, ông bị án tử hình và bị treo cổ năm 2006. Tháng 05.2003, Tổng thống Bush tuyên bố kết quả đã hoàn thành. Nhưng hậu quả vẫn còn vì cuộc chiến không có mục đích chính đáng và chưa mang lại an ninh cho người dân nước này.

{* Khi Liên hiệp quốc được thành lập năm 1945, Trung hoa Dân quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Năm 1949, Trung cộng đuổi chính phủ ra Ðài loan để thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung hoa. Tháng 08/1950, Hội đồng Bảo an từ chối đề nghị của Liên xô nhằm thay thế Trung hoa Dân quốc. Ngày 25.10.1971 Dự án nghị quyết 2758 được Ðại hội đồng thông qua, sau khi Hoa kỳ với Nixon – Kissinger muốn ‘đi đêm’ với Tàu cộng nên đã không phủ quyết để Cộng hòa Nhân dân Trung hoa ngồi vào ghế Trung hoa Dân quốc. Từ đó, có thêm một thành viên thường trực cộng sản, Hội đồng của Hội đồng gặp thêm khó khăn.}

B. Mục tiêu Nhân quyền.

1. Tổng quát.

Ðây cũng là lý do chính cho việc thành lập Liên hiệp quốc. Sự tàn bạo của Thế Chiến II và nạn diệt chủng dẫn tới một kết luận chung dành cho tổ chức này trách vụ ngăn chặn bất kỳ một thảm kịch nào như vậy trong tương lai bằng, trước nhất, tạo ra một khung pháp lý để xem xét và hành động trước những vi phạm nhân quyền. Hiến chương Liên hiệp quốc bắt buộc tất cả các quốc gia thành viên phải khuyến khích ‘sự tôn trọng toàn diện và sự tuân thủ nhân quyền’ và tiến hành ‘các hành động chung hay riêng rẽ’ cho mục tiêu đó. Tuyên bố Chung về Nhân quyền, dù không chính thức ràng buộc, đã được Đại hội đồng thông qua năm 1948 như là một tiêu chuẩn chung để hướng tới đối với mọi nước thành viên. Đại hội đồng thường đề cập tới các vấn đề nhân quyền.

Ngày 15.03.2006, Ðại hội đồng đã biểu quyết để thay thế Uỷ ban nhân quyền (Human rights Commission) bằng Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (Human Rights Council) nhằm giải quyết các vụ vi phạm nhân quyền. Uỷ ban này đã bị nhiều chỉ trích vì có nhiều thành viên có thành tích nhân quyền keùm cỏi, kể cả những nước có đại diện được bầu làm chủ tịch ủy ban.

2. Việt Nam, một quốc gia đặc biệt vi phạm Nhân quyền, được che chở.

Ngày 12.11.2013, Ðại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 68 đã đầu phiếu để chọn 14 nước thành viên mới Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Với kết quả 184/192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất để lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việc trúng cử với số phiếu cao có thể hiện vị thế và uy tín của nhà nước Việt Nam cộng sản ngày càng cao trên trường quốc tế hay không ? Ngày nay, không những chúng vâng phục Tàu cộng mà còn khiếp sợ Formosa.

Buổi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR, Universal Periodic Review, tiếng Anh và Examen Périodique Universal, tiếng Pháp) lần thứ hai, về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam diễn ra ngày 05.02.2014, tại Geneva (Thụy sĩ), dưới sự chủ trì điều phối của Nhóm ba quốc gia, được gọi là ‘troika’ gồm có Kazakhstan, Kenya và Costa Rica. Phiên Kiểm điểm kéo dài từ 14 giờ 30 đến 18 giờ, Phái đoàn Việt Nam, do Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc làm trưởng đoàn kéo theo 15 đại diện từ 11 bộ, ngành nói hết 45 phút. Số giờ còn lại 165 phút dành cho 107 nước phát biểu, mỗi nước được bao nhiêu phút ? Chúng tôi ghi nhận lời nói của hai quốc gia :

- Thụy Điển chất vấn: “Đã có hàng triệu người sử dụng Internet nhưng đã ban hành quá nhiều luật lệ đàn áp tự do Internet. Đã có ít nhất 58 người bị bắt giữ chỉ vì bày tỏ ôn hòa trên Internet. Đã có nhiều người bị bắt giữ và tra tấn trong tù, đề nghị chính phủ Việt Nam thực hiện nghiêm túc Công ước Chống tra tấn. Đề nghị bãi bỏ các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự như 79, 88 và 258...”

- Đại diện Mỹ phát biểu : « Chúng tôi cảm ơn bài diễn văn của đoàn Việt Nam, cũng như hoan nghênh việc Viêt Nam ký Công ước Chống Tra tấn và có những bước đi trong việc cải thiện quyền của người đồng tính (LGBT). Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại vì Việt Nam vẫn tiếp tục sách nhiễu và bắt giam những người thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp; tiếp tục hạn chế tự do tôn giáo, sách nhiễu các nhà thờ, công đoàn độc lập, và thực hiện lao động cưỡng bức. ngăn chặn khối xã hội dân sự tham gia tiến trình UPR. Chúng tôi kiến nghị:

1. Việt Nam xem xét lại tất cả các đạo luật mơ hồ

2. Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho các tù nhân lương tâm, đặc biệt là: Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày, và Trần Huỳnh Duy Thức...

3. Thúc đẩy quyền của người lao động, và khẩn trương ký phê chuẩn Công ước Chống Tra tấn ».

Cho đến nay, Việt Nam trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày, nhưng với điều kiện là các tù nhân lương tâm này phải rời nước đi sống tại Hoa kỳ, không có lựa chọn. Luật sư Lê Quốc Quân ra tù do mãn hạn tù.

Chỉ trích gây gắc nhất, đúng ngay tim đen của chế độ cộng sản... Ngoại giao ít khi nói thẳng, mà chỉ để người nghe phải hiểu ý ngầm... Ví dụ như đại sứ Mozambique đề nghị Việt Nam nên huấn luyên Công an về Nhân quyền (thay vì nói Công an vi phạm nhân quyền vì vô học thức).

Ngày 07.02.2014, nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền tại Geneva (Thụy sĩ) đã thông qua báo cáo của Việt Nam. Báo cáo này sẽ được trình Hội đồng nhân quyền xem xét thông qua tại khóa họp thường kỳ tại phiên toàn thể của Hội đồng. Với sự tham gia của 16 đại diện từ 11 bộ, ngành, đoàn Việt Nam đã đối thoại trực tiếp với 107 nước về nhiều vấn đề các nước quan tâm với hơn 220 khuyến nghị mà đa số tập trung về các chủ đề như án tử hình, tra tấn, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, việc sách nhiễu các bloggers và xã hội dân sự, sửa đổi luật hình sự và tố tụng hình sự… Trưởng phái đoàn Việt Nam cho biết Việt Nam sẽ xem xét kỹ các khuyến nghị, và trả lời vào tháng 6 tới, ở khóa họp lần thứ 26 của Hội đồng.

Ngày 20.06.2014, khóa 26 Hội đồng Nhân quyền tại Geneva đã chính thức thông qua UPR chu kỳ II của Việt Nam, đặc biệt với tư cách là một trong 47 thành viên Tổ chức Nhân quyền nàynhiệm kỳ 2014-2016. Nhóm làm việc về UPR ngày 05.05.2014 đã nhận được tổng cộng 227 khuyến nghị. Nhưng nước cộng sản này chỉ chấp nhận 182 và bác 45 khuyến nghị. Nhiều quan sát viên lưu ý một hiện tượng chưa có lời giải thích. Về cùng một nội dung, có khuyến nghị được chấp thuận, có khuyến nghị bị bác bỏ. Ví dụ : khuyến nghị 157 của Canada đề nghị sửa đổi các điều 79, 88 và 258 Luật hình sự (các điều luật thường được coi là dùng làm công cụ trấn áp nhân quyền) « để bảo đảm tuân thủ với các nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam, bao gồm nghĩa vụ theo Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị » được giữ lại. Khuyến nghị 156 của Úc với nội dung tương tự cũng được chấp nhận. Trong khi các khuyến nghị 151 và 152 gần giống về nội dung lại bị từ chối.

3. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và điều 88 Hình Luật.

Trước giờ cơm trưa ngày 10.10.2016, người công dân yêu nước nổi tiếng Việt Nam vừa bị bắt vì điều 88 ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’. Chúng khám nhà và đọc lệnh bắt Chị và tạm giam đầu tiên 4 tháng và lấy nhiều máy móc của gia đình.

Ðây là một bằng chứng thất bại của các Cộng đồng quốc tế trong mục tiêu nhân quyền. Các cường quốc, ngày nay, vì chạy theo thương mại, nên vấn đề quyền con người bị bỏ qua. Gần đây, các Tổng thống Obama (Hoa kỳ) và Hollande (Pháp), trước khi mất ‘ngôi’, dùng ngân sách quốc gia đi một chuyến đến Việt Nam để bán phi cơ… Obama đã làm thất vọng người Việt đau khổ vì chỉ đến để hứa bán súng sát thương cho nhà nước. Thật đáng tránh, những người ‘gốc Việt’ tháp tùng các Tổng thống này đến Việt Nam có biết sự đớn đau của đồng bào do Formosa, được sự trợ giúp của nhà nước cộng sản, gây ra. Lệnh bắt Chị Quỳnh hôm nay có liên quan đến các hoạt động đòi xử lý minh bạch thảm họa ô nhiễm môi trường miền Trung do Formosa gây ra.

Giờ đây, chánh phủ các nước, các tổ chứùc phi chánh phủ đã lên tiếng kêu gọi đảng cộng sản trả tự do cho Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để Chị về chăm sóc các con của Chị. Gần đây nhất, trong thông cáo ngày 14.10.2016, ông Zeid Ra’ad Al Hussein, Cao ủy Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc chỉ trích Điều 88 này ‘Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên thực tế, điều này biến bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có tội khi họ dùng tự do căn bản để bày tỏ ý kiến, thảo luận hay chất vấn chính phủ và chính sách. Điều luật quá rộng, không định nghĩa rõ ràng giúp dễ dàng để dập tắt mọi quan điểm trái chiều và tùy ý tạm giữ cá nhân dám chỉ trích chính sách của chính phủ. Tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam tuân thủ ràng buộc về luật nhân quyền, xóa bỏ các cáo buộc với bà Quỳnh và thả bà ngay lập tức’.

Thông cáo cũng nhắc đến ‘các trường hợp tương tự’, trong đó có vụ luật sư Nguyễn Văn Đài và phụ tá Lê Thu Hà bị bắt từ tháng 12/2015 theo điều 88.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người viết blog với bút danh Mẹ Nấm từ năm 2006, dùng truyền thông xã hội để lên tiếng phản đối bất công, tham nhũng, và vi phạm nhân quyền tại Quê hương. Năm 2015, Chị được tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders, trụ sở tại Thụy Điển vinh danh vì những đóng góp bảo vệ dân quyền, nhân quyền trong nước. Chúng ta cũng cầu nguyện cho người cộng sản biết ‘đường ngay, nẻo chính’.

Ngày 14.10.2016, với một nghi thức trọng thể diễn ra tại Ðại hội đồng Liên hiệp quốc, ông Antonio Gutterres (người Bồ đào nha), vị tân Tổng thư ký thứ 9 của Tổ chức quốc tế này, phát biểu bằng năm thứ tiếng (Anh, Bồ đào nha, Tây ban nha và Pháp) : « Không có hoà bình, cuộc sống sẽ mất hết ý nghĩa. Nhưng, bất hạnh thay, Hoà bình là sự thiếu vắng lớn nhất trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay ».

Hà Minh Thảo