Một cái nhìn chính xác hơn về Hội Nghị Genève

Đất nước đã bị các cường quốc chia đôi cách đây 50 năm, nhưng biến cố lịch sử đó vẫn còn có nhiều tranh cãi.

Trước hết, Bộ Văn Hóa Thông Tin của Hà Nội và Bộ Dân Vận Chiêu Hồi của chính quyền Sài Gòn kéo dài tại hải ngoại vẫn tiếp tục bắc ống loa chửi nhau om sòm, mồn loa mép dãi như ngày nào, bất chấp sự thật lịch sử như thế nào. Tiếp đến, các sử gia, chính trị gia và nhà báo thi nhau đưa ra cách nhìn riêng của mình, trong đó có một số người gần như không biết đến các tài liệu lịch sử mới được giải mã trong thời gian gần đây, nên vẫn còn bám theo những sự kiện và suy nghĩ cũ. Tệ hơn nữa, một số vẫn còn nhận định theo cảm tính.

Trong cuốn “Việt Nam Máu lửa quê hương tôi” do Đỗ Mậu đứng tên, nhóm viết cuốn sách này đã cho rằng có ba cuộc vận động đưa ông Diệm về làm Thủ Tướng lúc đó: Hồng Y Spellman, Ngoại Trưởng Foster Dulles và Phong Trào Bình Dân Thiên Chúa Giáo Pháp (MRP). Nhưng những tài liệu lịch sử mới được công bố cho thấy Hoa Kỳ chẳng những không đem ông Diệm về mà còn cùng với Pháp phản đối mạnh mẽ quyết định này của Bảo Đại.

Điều đáng tiếc là một cơ quan thông tin thường được coi là khách quan và chính xác như đài BBC, lại đạp phải bã tuyên truyền của Việt Cộng trong vụ đồng bào bỏ vùng Cộng Sản ra đi. Phóng viên của đài này đã hỏi một người Việt di cư ở Anh rằng có phải lúc đó vì nghe người ta nói rằng “Đức Mẹ đã vào Nam” nên đã đi theo không. Ông ta liền trả lời: Không hề có chuyện đó. Chúa ở khắp mọi nơi!

Việc đồng bào đổ xô nhau bỏ miền Bắc ra đi năm 1954 đã khiến Việt Cộng lo sợ. Trong cuốn “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học” xuất bản năm 1996, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã viết như sau: “Đảng và nhà nước tập trung chỉ đạo đấu tranh buộc Pháp phải rút quân đúng thời hạn; đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép nhân dân, nhất là đồng bào theo Thiên Chúa Giáo vào Nam...” (trang 113). Sau đó, nhiều cuộc đàn áp đẩm máu đã được thục hiện. Để giải thích hiện tượng này, các cơ quan truyền thông của Việt Minh đã phịa ra rằng Mỹ và Ngô Đình Diệm đã nói dối đồng bào Thiên Chúa Giáo rằng “Chúa đã vào Nam” hay “Đức Mẹ đã bỏ miền Bắc”, nên họ chạy theo. Luận điệu tuyên truyền này cũng đã được lặp lại trong cuốn phim “Ngày Lễ Thánh”.

Một điều đáng tiếc nữa: sử gia Bernard Fall, người được đài BBC tôn là “Chân dung một trí thức”, đã nhai lại cái bã đó của Việt Minh trong cuốn “The Two Vietnam”: "Christ has gone to the south" và "the Virgin Mary has departed from the north" (tr. 153 – 154). Sau đó, Việt Cộng lại nhai lại cái bã do chính họ nhả ra trong cuốn “Vietnam: Defeat U.S. Imperialism, A Progressive Labor Party Pamphlet” do Hà Nội ấn hành và coi đó là “bằng chứng” của Bernard Fall! Thật không có gì ghê tởm bằng! Nhìn chung, trong các tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của Bernard Fall, rất nhiều cái bã dơ dáy của Việt Cộng đã được nhai lại.

Tuy còn nhiều tài liệu lịch sử về hội nghị Genève vẫn chưa được tiết lộ, nhất là về phía Nga, Trung Quốc và Cộng Sản Việt Nam, nhưng với những tài liệu đã được công bố, chúng ta cũng có thể có một cái nhìn chính xác hơn về biến cố này.

BẤT ĐỒNG GIỮA PHÁP VÀ MỸ

1.- Pháp trước tình hình mới: Sau khi Mao Trạch Đông chiếm được Trung Quốc vào tháng 10 năm 1949, Trung Cộng đã huấn luyện và viện trợ ồ ạt cho bộ đội Việt Minh chống lại Pháp. Với sự yểm trợ này, Pháp thấy khó đương đầu nổi. Đại Tướng Jean Marie Gabriel de Lattre de Tassigny, một tướng tài của Pháp, đã được gởi qua làm Cao Ủy kiêm Tổng Tư Lệnh Quân Đội Pháp tại Đông Dương vào tháng 12 năm 1950 để đối phó với tình hình. Nhưng không may, khi chưa hoàn tất sứ mạng, ông đã lâm bệnh và qua đời. Trước tình thế này, Pháp đã nghĩ đến thương thuyết để chấm dứt cuộc chiến. Ngày 12.11.1953, Thủ Tướng Laniel của Pháp đã tuyên bố tại Quốc Hội Pháp rằng không nhất thiết phải có giải pháp quân sự cho vấn đề Đông Dương. Pháp không đòi hỏi đối phương phải đầu hàng vô điều kiện. Pháp muốn có một cuộc điều đình. Ngày 14.11.1953, trong một thông điệp gởi cho quốc dân, Hồ Chí Minh tuyên bố rằng nếu Pháp muốn chấm dứt chiến tranh và giải quyết vấn đề Việt Nam bằng phương cách hòa bình, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và nhân dân Việt Nam sẵn sàng tiếp chuyện. Ý muốn giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương thuyết đã được khỏi sự bằng hai lời tuyên bố đó.

Từ 25.1.1954 đến 18.2.1954, các Ngoại Trưởng của Tứ Cường (Big Four) gồm có John Foster Dulles (Hoa Kỳ), Anthony Eden (Anh), Greorges Bidault (Pháp) và Vyacheslay Molotov (Liên Sô) đã họp tại Berlin, Đức, để bàn về tình hình thế giới. Có lẽ nhìn thấy Hoa Kỳ đang muốn nhảy vào Đông Dương, Molotov đã kêu gọi mở hội nghị giải quyết vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Pháp đồng ý ngay. Ngày 18.2.1954 hội nghị đã đưa ra một bản tuyên bố cho biết sẽ mở hội nghị tại Genève vào ngày 26.4.1954 để giải quyết vấn đề Triều Tiên và Đông Dương trong hòa bình.

2.- Hoa Kỳ muốn nhảy vào cuộc chiến: Trong thời gian chờ đợi mở hội nghị Genève, Liên Sô, Trung Quốc và Việt Minh hoạch định kế hoạch tiến vào hội nghị với thế mạnh. Trong khi đó, Hoa Kỳ lại muốn can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến Đông Dương để ngăn chặn sự bành trướng của Cộng Sản ở Đông Nam Á.

Ngày 28.2.1954, ông Donald R. Heath, Đại Sứ Mỹ tại Đông Dương (1951 – 1952), đã gặp ông Chevigné, Bộ Trưởng Lục Quân của Pháp, để bàn về những yêu cầu yểm trợ của Pháp. Ngày 30.3.1954, Tướng Paul Ély, Tham Mưu Trửởng Quân Đội Pháp, qua Mỹ gặp Đô Đốc Arthur W. Radford, Chủ Tịch Ủy Ban Liên Quân Hoa Kỳ (1953 – 1957) và Tổng Thống Eisenhower. Ông đưa ra kế hoạch Vautour, yêu cầu Hoa Kỳ xử dụng máy bay B-29 và các chiến đấu cơ thuộc Hạm Đội Thái Bình Dương của Mỹ yểm trợ Điện Biên Phủ.

Ngày 4.4.1954, Ngoại Trưởng Dulles thông báo cho chính phủ Pháp biết Quốc Hội Hoa Kỳ không chấp nhận kế hoạch này, nhưng ông đề nghị lập một hệ thống phòng thủ ở Đông Nam Á. Ngay trong ngày hôm đó, ông Douglas Dillon, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Pháp, đã họp với Thủ Tướng Laniel và các viên chức cao cấp của Pháp. Thủ Tướng Laniel và Ngoại Trưởng Bidault cho biết Trung Cộng đã tham gia trực tiếp vào trận Điện Biên Phủ. Tướng Ly Chen-Hou làm cố vấn cho Bộ Tư Lệnh của Tướng Võ Nguyên Giáp. Các cán bộ cao cấp khác của Trung Quốc làm cố vấn cho cấp sư đoàn. Trung Cộng đã lập tại đây 40 giàn súng phòng không 37 ly điều khiển bằng radar, do các cán binh Trung Quốc điều khiển. Trung Quốc cũng đã cung cấp khoảng 1000 xe vận tải do các tài xề Trung Quốc lái. Các đạn dược, quân trang và quân dụng đều do Trung Quốc cung cấp rất đầy đủ.

Sau khi nhận được báo cáo của Đại Sứ Dillon, ngày 5.5.1954 Ngoại Trưởng Dulles thông báo cho chính phủ Pháp biết Hoa Kỳ không thể đơn phương hành động. Hoa Kỳ đang thảo luận với chính phủ Anh về phương thức “liên minh hành động” (colective action). Ngoại Trưởng Bidault liền tuyên bố rằng Pháp vẫn tiếp tục chiến đấu, dù đơn độc một mình.

Mặc dầu Ngoại Trưởng Bidault tuyên bố như vậy, Paris đã chỉ thị Tướng Navarre ra lệnh cho Tướng De Castries nghiên cứu kế hoạch Condor để rút quân khỏi Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, Tướng De Castries cho biết không còn rút lui được nữa. Ngày 7.5.1954, Điện Biên Phủ thất thủ.

Thấy Pháp có ý tiến tới một giải pháp ngưng bắn, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ họp và ra tuyên bố sẽ ngưng viện trợ nếu có ngưng bắn tại Đông Dương (FRUS, 1952 – 1954, XIII, tr. 1492). Ngày 14.5.1954, chính phủ Eisenhower tuyên bố Mỹ sẽ xin Quốc Hội cho phép hành động với các điều kiện như sau:

  • 1.- Có sự yêu cầu của Pháp và ba nước Đông Dương.
  • 2.- Có sự tham gia của quân đội của các quốc gia Thái Lan, Úc, Phi Luật Tân, New Zealand và Anh, vì cần có “liên minh hành động” (colective action).
  • 3.- Hành động dưới danh nghĩa Liên Hiệp Quốc.
  • 4.- Pháp phải trao trả độc lập hoàn toàn cho ba nước Đông Dương.
  • 5.- Mỹ chỉ can thiệp bằng Hải quân và Không quân mà thôi.
  • 6.- Thành lập một Bộ Tư Lệnh Quân Đội Quốc Gia Việt Nam.
  • 7.- Quốc Hội Pháp phải đồng ý việc cầu viện Mỹ.
Trước những yêu sách của Mỹ, Pháp quyết định bỏ các tỉnh Nam Bắc Việt, rút về giữ Hà Nội và các vùng phụ cận, và quốc lộ 5 nối Hà Nội với Hải Phòng.

Ngày 16.5.1954, Tướng Ély, Tham Mữu Trưởng Quân Đội Pháp, qua Đông Dương với Tướng Salan và Tướng Felissier, ra lệnh cho Tướng Navarre mở cuộc hành quân Auvergne, rút khỏi các tỉnh miền Nam Bắc Việt.

TRANH CHẤP GAY CẤN TẠI GENÈVE:

Ngày 26.4.1954, hội nghị Genève khai mạc như đã dự trù. Một ngày họp về Việt Nam, một ngày họp về Triều Tiên.

Ngày 2.5.1954, hội nghị đồng ý công thức do Liên Sô đền nghị là sẽ có 9 phe tham dự, gồm có: Pháp, Anh, Mỹ, Liên Sô, Trung Quốc, Lào, Cao Miên, chính phủ Quốc Gia Việt Nam và chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Ngày 4.5.1954, hai phái đoàn Việt Nam đến Genève tham dự hội nghị. Phái đoàn chính phủ Quốc Gia Việt Nam do Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Định cầm đầu, còn phái đoàn Việt Minh do Phạm Văn Đồng, có Tạ Quốc Bửu, Hoàng Văn Hoan, Hà Văn Lâu, v.v. tháp tùng. Trong cuốn “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học” xuất bản năm 1996, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã tiết lộ như sau: “Ngày 4.5.1954, nhận lời mời của hai chính phủ Liên Sô và Trung Quốc, đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã đến Genève để tham dự hội nghị quốc tế về chấm dứt chiến tranh Đông Dương.” (trang 211). Như vậy, hai phái đoàn Việt Nam đã bất đắc dĩ phải đến dự hội nghị Genève.

Vừa thắng trận ở Điện Biên Phủ, ngày 8.5.1954 Phạm Văn Đồng đã đưa ra lập trường 8 điểm như sau:

  • 1.- Pháp phải công nhận chủ quyền, độc lập của Việt Nam trên khắp lãnh thổ Việt Nam và chủ quyền, độc lập của hai nước Lào và Campuchia.
  • 2.- Ký một hiệp định về rút quân đội ngoại quốc ra khỏi ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
  • 3.- Tổ chức tổng tuyển cử tự do ở ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
  • 4.- Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Pathet Lào và Campuchia xét vấn đề gia nhập Liên Hiệp Pháp.
  • 5.- Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Pathet Lào và Campuchia công nhận quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp, quan hệ kinh tế giữa ba nước với Pháp sẽ được quy định trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi.
  • 6.- Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với bên kia trong chiến tranh.
  • 7.- Hai bên trao đổi tù binh.
  • 8.- Ngưng bắn toàn Đông Dương
Dĩ nhiên, vì Việt Minh chỉ là kẻ “ăn theo”, nên các cường quốc không hề quan tâm đến lời tuyên bố này khi bàn về phương thức chấm dứt cuộc chiến.

Ngày 26.5.1954, Pháp và Việt Minh đồng ý ngưng bắn và rút quân về những khu chỉ định. Việt Minh đề nghị phân chia khu vực một cách giản dị: Việt Minh rút về Bắc và Pháp rút vào Nam. Pháp chưa trả lời. Anh tán thành, nhưng Mỹ phản đối. Chính phủ quốc gia Việt Nam chủ trương chỉ có một nước Việt Nam thống nhất.

Ngày 2.6.1954, Ủy Ban Quân Sự Pháp – Việt Minh bắt đầu họp để bàn về việc ngưng bắn và rút quân về những khu chỉ định. Việt Minh không chấp nhận kiểm soát quốc tế, chỉ chấp nhận sự kiểm soát của Pháp. Anh rất bất bình về chủ trương này của Việt Minh.

Trước tình trạng này, Mỹ lại mật đàm với Pháp từ 3 đến 6.6.1954 để bàn về việc Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Khi thấy Pháp nhất quyết tiến tới giải pháp ngưng bắn tại Đông Dương và không còn cần sự can thiệp của Mỹ nữa, ngày 18.6.1954, Hoa Kỳ cho ngưng thảo luận về những sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương.

Ngày 10.6.1954, Tạ Quang Bửu và Hà Văn Lâu đến gặp Đại Sứ Delteil của Pháp và gợi ý chia cắt lãnh thổ Việt Nam. Tạ Quang Bửu nói: “Chúng tôi cần một thủ đô và một hải cảng.”

Ngày 14.6.1954, chính phủ Laniel của Pháp sụp đổ. Mendès France lên thay. Mendès France tuyên bố trước Quốc Hội Pháp rằng trong vòng một tháng ông phải thực hiện được cuộc ngưng bắn. Nếu đến ngày 20.7.1954 ông không thực hiện được điều đó, ông sẽ từ chức. Đường lối của Mendès France hoàn toàn khác với đường lối của Laniel và Bidault. Ông cũng muốn thương thuyết ở thế mạnh, nhưng không muốn có sự can thiệp của Hoa Kỳ. Ông yêu cầu quốc dân cho gởi thêm các đạo quân qua Đông Dương để đương đầu với cuộc chiến. Molotov và Chu Ân Lai cũng không muốn Hoa Kỳ can thiệp vào Đông Dương nên đã tìm cách ép buộc Việt Minh nhượng bộ nhiều điểm để sớm kết thúc cuộc thương thuyết.

Ngày 15.6.1954, phe Cộng Sản gồm Molotov, Châu Ân Lai và Phạm Văn Đồng mở cuộc họp riêng. Với sự đồng ý của Molotov, Chu Ân Lai đòi hỏi Việt Minh phải đồng ý áp dụng cho mỗi nước Đông Dương một giải pháp riêng. Việt Minh phải rút khỏi Cao Miên và Lào.

Ngày 22.6.1954, Đại Sứ Delteil và De Brebisson lại họp mật với Tạ Quang Bửu và Hà Văn Lâu tại Genève trong hai ngày để thảo luận những đề nghị mới của tân chính phủ Pháp. Trong khi đó, tân Thủ Tướng Mendès France qua Berne, thủ đô của Thụy Sĩ, gặp Châu Ân Lai. Châu Ân Lai đồng ý đề nghị của Pháp là giải quyết về ngưng bắn trước rồi thảo luận giải pháp chính trị sau. Để ngưng bắn, có thể chia đôi Việt Nam.

Ngày 24.6.1954, Thủ Tướng Mendès France họp với Tướng Ély, Guy la Chambre, Chauvel và Parodi, sau đó ra chỉ thị cho phái đoàn Pháp ở Genève đề nghị chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 18, (ngang sông Gianh, phía bắc Quảng Bình).

Ngày 25.6.1954, Tổng Thống Eisenhower họp hội nghị thượng đỉnh với Thủ Tướng Churchill tại Washington bàn về vấn đề Đông Dương. Cả hai đồng ý về những điều khoản sẽ tôn trọng, nhưng không công nhận hiệp ước có thể đạt được tại Genève.

Ngày 26.6.1954, Đại Sứ Henri Bonnet của Pháp tại Washington trao cho Ngoại Trưởng Dulles một lá thư của Thủ Tướng Mendès France thông báo về các tiến triển của hội nghị Genève. Ngày 28.6.1954, Ngoại Trưởng Dulles đã thông báo cho Thủ Tướng Mendès France những điểm căn bản đã được Washington và London đồng ý:

  • 1.- Duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của hai nước Lào và Cao Miên; bảo đảm quân đội Việt Minh rút khỏi hai nước này.
  • 2.- Duy trì ít nhất miền Nam Việt Nam và nếu có thể, thêm một đầu cầu (enclave) ở miền Bắc. Giới tuyến phân chia không thể xa hơn phía Nam Đồng Hới (Quảng Bình).
  • 3.- Không đặt lên Lào, Cao Miên và phần đất miền Nam còn lại một giới hạn nào có thể làm giảm tiềm năng duy trì những chế độ không Cộng Sản vững vàng.
  • 4.- Không có những điều khoản chính trị có thể làm cho vùng đất còn lại của miền Nam rơi vào tay Cộng Sản.
  • 5.- Không loại trừ viễn tượng thống nhất Việt Nam trong hòa bình.
  • 6. Cung cấp phương tiện di chuyển yên ổn và nhân đạo, dưới sự kiểm soát quốc tế, cho những người tự nguyện rời vùng này qua vùng khác.
  • 7.- Cung cấp hệ thống quốc tế kiểm soát đỉnh chiến.
(FRUS, 1952 – 1954, XIII, trang 1758)

Trước đề nghị của Pháp, ngày 28.6.1954, Tạ Quang Bửu, đại diện phái đoàn Việt Minh, đòi chia ở vĩ tuyến 13 (ngang sông Đà Rằng, ở phía nam Tuy Hòa)

Ngày 5.7.1954, Bộ Chính Trị Đảng LĐVN họp tại Thái Nguyên và ra nghị quyết chấp thuận chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 16 (ngang Đà Nẵng) như Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai đã đồng ý trong cuộc họp tại Liễu Châu. Vấn đề Lào và Cao Miên giải quyết riêng.

Trong hai ngày 11 và 12.7.1954, Thủ Tướng Mendès France họp mật liên tục với Molotove, Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng về những điểm căn bản cần được thỏa thuận. Ngày 12.7.1954, Chu Ân Lai và Mendès France đã thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 (ngang sông Bến Hải, phía bắc Quảng Trị) để chia đôi Việt Nam. Phạm Văn Đồng đồng ý chia đôi Việt Nam, nhưng đòi chia ở vĩ tuyến 16.

Về giải pháp chính trị, hôm 17.7.1954, Chu Ân Lai tuyên bố rằng thời hạn tổng tuyển cử sẽ do Pháp và Việt Minh bàn định trực tiếp. Sau đó, Đại diện Trung Quốc là Vương Bình Nam và đại diện Pháp là Jacques Guillermar họp và đi đến thỏa thuận là có thể tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam vào năm 1956.

Ngày 18.4.1954, Thủ Tướng Chu Ân Lai và Ngoại Trưởng Eden đồng ý để Ấn Độ, Canada và Ba Lan vào Ủy Ban Kiểm Soát Đình Chiến.

Ngày 20.7.1954 họp tại biệt thự Le Bocage, tư dinh của Molocov tại Genève, có Mendès France, Eden, Châu Ân Lai, Molotov và Phạn Văn Đồng. Cuộc tranh luận trở nên gay cấn khi bàn về hai vấn đề: Vấn đề thứ nhất là vĩ tuyến được chọn để chia cắt đất nước. Vấn đề thứ hai là một giải pháp chính trị cho Việt Nam.

Về vĩ tuyến được chọn: Chu Ân Lai và Mendès France tuyên bố chọn vĩ tuyến 17. Molotov cũng đồng ý như vậy. Cuối cùng, Phạm Văn Đồng cũng phải đồng ý chọn vĩ tuyến 17.

Về giải pháp chính trị: Phạm Văn Đồng đòi tuyển cử trong vòng 6 tháng, còn Molotov nói 2 năm sau. Trong khi đó, Pháp và Trung Quốc đòi trung lập hóa Đông Dương.

Buổi trưa, Pháp và Trung Quốc rút lại đề nghị đòi trung lập hóa Đông Dương. Nga và Việt Minh cũng đồng ý bỏ thời hạn tuyển cử ra ngoài Hiệp Định. Điều 15 của bản Hiệp Định chỉ còn ghi:

“Việc thống nhất đất nước sẽ được thực hiện từng bước bằng phương pháp hòa bình trên cơ sở bàn bạc và thỏa thuận giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, không bên nào cưởng ép hoặc thôn tính bên nào và không có sự can thiệp của nước ngoài. Thời gian thống nhất sẽ sẽ do miền Bắc và miền Nam Việt Nam thỏa thuận.”

Hiệp Định đã được Ngoại Trưởng William Price Rogers của Pháp và Ngoại Trưởng Nguyễn Duy Trinh của Chính Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Việt Minh) ký vào sáng 21.7.1954, nhưng lại đề ngày 20.7.1954 cho phù hợp với thời hạn chót mà Thủ Tướng Mendès France đã ấn định nói trên.

Thời hạn tuyển cử trong vòng 2 năm sau đó lại được ghi vào bản tuyên bố chung, nhưng không có ai ký tên.

Như vậy Hiệp Định Genève chỉ quy định về việc ngưng bắn chứ không đưa ra giải pháp chính trị.

ĐỐI PHÓ VỚI GIỜ PHÚT ĐEN TỐI

1.- Tranh đấu với Pháp: Cuối năm 1953, tình hình quân sự ở Đông Dương suy sụp, nước Pháp không còn đài thọ nổi các chi phí chiến tranh nên quyết định tìm một giải pháp rút lui khỏi Đông Dương “trong danh dự”.

Ngày 10.9.1953, theo lời yêu cầu của các giáo phái và đoàn thể chính trị, Bảo Đại đã ký Sắc Lệnh số 73/QT thành lập Quốc Dân Đại Hội để thảo luận về giới hạn của chủ quyền quốc gia và thể thức hợp tác với Pháp. Công việc này được giao cho Hoàng Thân Bửu Lộc thực hiện.

Hoàng Thân Bửu Lộc sinh năm 1914 tại Vĩ Dạ, Thừa Thiên. Tốt nghiệp luật khoa tại Hà Nội năm 1938, sau đó qua Pháp học thi Tiến Sĩ Luật Khoa. Tháng 10 năm 1948, ông được Bảo Đại đưa về làm Chánh Văn Phòng ở Đà Lạt. Năm 1950, ông đi làm Đại Diện Việt Nam tại Pháp. Đến nắm 1952 ông trở thành Cao Ủy Việt Nam tại Pháp.

Ngày 16.10.1953, Quốc Dân Đại Hội họp. Các đại biểu ra tuyên bố chống Liên Hiêp Pháp và đòi tách Việt Nam ra khỏi Liên Hiệp Pháp. Bảo Đại liền cử Bửu Hội trở về can thiệp cấp tốc để tránh rắc rối với Pháp. Nhờ sự can thiệp của Bửu Lộc, Quốc Dân Đại Hội đã sửa lại tuyên ngôn, chỉ tuyên bố không tham gia Liên Hiệp Pháp dưới hình thức hiện thời và yêu cầu Bảo Đại biến Quốc Dân Đại Hội thành Quốc Hội Lập Hiến. Ngày 22.10.1953, chính phủ Pháp đã gởi công hàm cho Bảo Đại than phiền về lập trường của Quốc Dân Đại Hội.

Với những công tác như trên, Bảo Đại nghĩ rằng Bửu Lộc có thể thành lập được một chính phủ đoàn kết quốc gia để đối phó với Pháp. Ngày 17.12.1953 Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm xin từ chức. Bảo Đại ủy quyền cho Bửu Lộc về nước lập tân chính phủ.

Ngày 22.2.1954, Bảo Đại ký sắc lệnh thành lập một phái đoàn thương thuyết với Pháp để thu hồi chủ quyền. Phái đoàn do Hoàng thân Bửu Lộc làm Trưởng Đoàn, gồm có Nguyễn Trung Vinh, Nguyễn Quốc Định, Phan Huy Quát, Nguyễn Đắc Khê, Dương Tấn Tài, Nguyễn Văn Đạm, Nguyễn Văn Tỵ và Vũ Quốc Thúc. Trong cuộc thương thuyết ngày 21.3.1954, phái đoàn Việt Nam đòi Pháp ký hai hiệp ước, một hiệp ước công nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, và một hiệp ước ấn định bang giao Việt Pháp, nhưng Pháp không chịu.

Ngày 14.3.1954, Quốc Dân Đại Hội lại họp và yêu cầu thành lập một chính phủ tiêu biểu cho dân chúng và triệu tập Quốc Hội để đối phó với tình hình.

Ngày 10.4.1954, Bảo Đại qua Pháp gặp Thủ Tướng Laniel để vận động Pháp chấp nhận các yêu sách của Việt Nam. Ngày 24.5.1954, Bảo Đại tuyên bố tại Paris rằng độc lập, chủ quyền và quyền bình đảng của Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp không được bảo đảm. Việt Nam không thể chấp nhận các cuộc thương thuyết theo đó Pháp thỏa hiệp với kẻ chống lại quốc gia Việt Nam hay với các thế lực thù nghịch với Việt Nam, chống lại nguyên tắc Liên Hiệp Pháp mà Pháp đã tuyên bố.

Ngày 4.6.1954 Thủ Tướng Laniel và Thủ Tướng Bữu Lộc đã thỏa thuận về hai hiệp ước Việt – Pháp: Hiệp ước I, Pháp công nhận Việt Nam là một nước độc lập có toàn vẹn chủ quyền. Hiệp ước II, Việt Nam chấp nhận ở lại trong Liên Hiệp Pháp trên nguyên tắc bình đẳng. Hai bên đã ký tắt vào hai bản hiệp ước để chuyển tới Quốc Hội Pháp xin phê chuẩn. Nhưng Quốc Hội Pháp “ngâm tôm” rồi cho chìm xuồng luôn.

2.- Sự can thiệp của Hoa Kỳ và nhóm Đại Việt: Khi trở lại Đông Dương, tại miền Nam, người Pháp đã khôn khéo xử dụng các giáo phái và nhóm Đại Việt miền Nam như là công cụ thực hiện mục tiêu của họ. Tại miền Bắc, Pháp quyết định xử dụng Đảng Đại Việt miền Bắc để giúp ổn định tình hình tại đây. Nhóm này gồm một số trí thức đã được Pháp đào tạo, do ông Nguyễn Hữu Trí cầm đầu, họp thành một tổ chức được gọi là “Đại Việt Quan Lại” (Club de Mandarains).

Ông Nguyễn Hữu Trí sinh năm 1905 tại Thái Bình, tốt nghiệp trường Cao Đẳng Pháp Chính Hà Nội, đã từng làm tri huyện và tri phủ nhiều nơi, và Tổng Đốc Thái Bình. Năm 1946 ông về làm Chánh Văn Phòng cho Huỳnh Thúc Kháng, Bộ Trưởng Nội Vụ trong chính phủ Hồ Chí Minh. Khi Bảo Đại lập chính phủ đầu tiên vào năm 1948, Nguyễn Hữu Trí tưởng sẽ được cử làm Thủ Tướng, Nhưng vì có sự can thiệp của Pháp, Bảo Bại phải cử Tướng Nguyễn Văn Xuân, một người có quốc tịch Pháp, Nguyễn Hữu Trí giận Bảo Đại, không chịu nhận chức Bộ Trưởng Nội Vụ. Ngày 3.7.1949, Bảo Đại cử Nguyễn Hữu Trí làm Thủ Hiến Bắc Việt.

Nhóm Đại Việt Quan Lại không có chủ trương hay đường lối gì rõ rệt, chỉ dựa vào Pháp để hành động. Hay nói đúng hơn, chủ trương của nhóm này là ai cho ghế thì theo, ai không cho ghế thì chống. Khi Mỹ đến, họ quay qua theo Mỹ.

Ngày 26.2.1954, Ngoại Trưởng Dulles tỏ ý muốn mời Bảo Đại qua Mỹ để thảo luận về vấn đề Việt Nam dưới hình thức đi chửa bệnh sán gan ở Mỹ. Nhưng ông Robert McClintock, xử lý thường vụ Đại Sứ Hoa Kỳ tại Đông Dương lúc đó, đã có suy nghĩ khác. Ông trình với Bộ Ngoại Giao rằng ông không nghĩ ngay cả các bác sĩ Mỹ có thể thay đổi bản chất của Nhà Vua [I do not think that even American doctors will be able to change His Majesty’s character] (FRUS, 1992 – 1994, XIII, tr. 1083). Do đó, việc này đã không được thực hiện.

Không tin tưởng ở Bảo Đại, người Mỹ quyết định xử dụng nhóm Đại Việt Quan Lại để xây dựng một chính quyền thân Mỹ.

Ngày 6.5.1954, ông Nguyễn Hữu Trí đang làm Thủ Hiến Bắc Việt, đã vào Sài Gòn than phiền với Đại Sứ McClintock rằng không còn chính phủ trung ương nữa. Ông muốn Bảo Đại về nước đích thân cầm quyền.

Ngày 17.5.1954, Đại Sứ McClintock đề nghị Bảo Đại về Việt Nam ngay. Nếu Bảo Đại không về được, lập Hội Đồng Phụ Chính để cai trị. Hội Đồng này có thể gồm các ông Bửu Lộc (đương kim Thủ Tướng), Trần Văn Hữu, Giám Mục Lê Hữu Từ hay ông Ngô Đình Diệm. Ông Nguyễn Hữu Trí, Thủ Hiến Bắc Việt, có thể được trao cho lập chính phủ mới. Ông Phan Huy Quát làm Tổng Trưởng Quốc Phòng. Vì thế, Nguyễn Hữu Trí tin rằng ông sẽ được Mỹ đưa ra làm Thủ Tướng thay Bửu Lộc.

3.- Đưa Ngô Đình Diệm về cầm quyền: Bảo Đại đã không suy nghĩ như McClintock. Ông nghĩ rằng trong tình thế này, chỉ có ông Diệm mới dám đương đầu với Pháp. Trong cuốn “Le Dragon d'Annam” (trang 514 - 515), Bảo Đại đã viết:

Tôi cho mời đến Cannes các lãnh tụ của tất cả các phong trào chính trị và tôn giáo ở Việt Nam để hỏi ý kiến. Tôi cho họ biết cái gì đã xẩy ra, rằng tất cả đều đã được xếp đặt trước, đến chỗ sẽ chia đôi đất nước. Tôi vạch ra cho họ sự cần thiết đặt một đường hướng mới, và gợi ý họ là cho thay thế Hoàng thân Bửu Lộc bằng Ngô Đình Diệm, để cầm đầu chính phủ. Tất cả hoan nghinh ý kiến của tôi.

“Biết trước mình khó lòng theo đuổi được con đường đã vạch, Bửu Lộc đệ đơn xin từ nhiệm cho cả chính phủ.

“Sau khi thảo luận với ông Foster Dulles, để cho ông ta biết ý định ấy, tôi cho mời ông Ngô Đình Diệm và bảo ông ta:

- Cứ mỗi khi mà tôi cần thay đổi chính phủ, tôi lại phải gọi đến ông. Ông thì lúc nào cũng từ chối. Nay tình thế rất bi đát, đất nước có thể bị chia cắt làm đôi. Ông cần phải lãnh đạo chính phủ.

- Thưa Hoàng thượng, không thể được ạ. Ông ta đáp. Tôi xin trình Ngài là sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã quyết định. Tôi định đi tu...

- Tôi kính trọng ý định của ông. Nhưng hiện nay, tôi kêu gọi đến lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ chối trách nhiệm của mình. Sự tồn vong của Việt Nam buộc ông như vậy.

Sau một hồi yên lặng, cuối cùng ông ta đáp:

- Thưa Hoàng thượng, trong trường hợp đó, tôi xin nhận sứ mạng mà Ngài trao phó.

“Cầm lấy tay ông ta, tôi kéo sang một phòng bên cạnh, trong đó có cây thánh giá. Trước thánh giá, tôi bảo ông ta:

- Đây Chúa của ông đây. Ông hãy thề trước chân dung Chúa là giữ vững đất nước mà người ta đã trao cho ông. Ông sẽ bảo vệ nó để chống lại bọn Cộng Sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa.

“Ông ta đứng yên lặng một lúc lâu rồi nhìn tôi, sau khi nhìn lên thánh giá, ông nói với một giọng nghẹn ngào:

- Tôi xin thề.


Bốn mươi tám giờ đồng hồ sau ông Diệm trở về Saigon cùng với Hoàng thân Bửu Lộc để bàn giao quyền hành. Trước khi ra đi, ngày 16.6.1954, Bảo Đại ký Sắc Lệnh số SL 38/QT cử ông Diệm làm Thủ Tướng thay thế ông Bửu Lộc với toàn quyền quân sự và dân sự. Ngày 25.6.1954 ông Diệm về nước chấp chánh.

4.- Chống đối việc cử ông Diệm: Khi ông Diệm vừa rời Paris thì một nhóm người Pháp thuộc Ngân Hàng Đông Dương (Bank de l’Indochine) đã đến phản đối Bảo Đại về việc cử ông Diệm làm Thủ Tướng. Họ sợ rằng ông Diệm sẽ gạt bỏ mọi quyền lợi về kinh tế và văn hoá của Pháp tại Việt Nam. Nguyễn Đệ, Đổng Lý Văn Phòng Quốc Trưởng, và một số người thân cận với Bảo Đại cũng không đồng ý việc cử ông Diệm. Họ sợ ông thâu tóm hết mọi quyển hành.

Bảo Đại nói rằng công việc của ông Diệm không dễ dàng. Việc ông đến Saigon chẳng ai hoan nghênh. Người ta cần phải động viên tinh thần của mọi người đang rơi vào tình trạng hoang mang. Ngày 30.6.1954 ông đến Hà Hội. Những điều ông thấy không thể tưởng tượng được. Chẳng còn ai nghĩ đến chống lại Cộng Sản. Hàng trăn ngàn người đau khổ, trong đó có những người công giáo mà ông tin rằng sẽ ủng hộ ông, đang tìm đường chạy vào miền Nam. Thật quá chậm trể để không còn hành động gì được nữa. Ông trở về Saigon.

Ngày 12.6.1954, Thủ Tướng Bửu Lộc đến gặp Đại Sứ McClintock và thông báo cho ông ta biết Bảo Đại đã quyết định đưa ông Diệm lên thay. Ông Bửu Lộc xin được thay Trần Văn Khá làm Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Ngày 13.6.1954, Tổng Ủy Viên Dejean của Pháp đến gặp Đại Sứ McClintock bàn vể việc ông Diệm trở về chấp chánh. Dejean nói rằng ông Diệm quá nông cạn, cứng rắn, xa rời thực tế và trong sạch nên không thể thành lập một chính phủ hữu hiệu được. Dejean cho biết tuần tới Ngoại Trưởng Bidault sẽ gặp Bảo Đại để bàn về việc thành lập một chính phủ đoàn kết quốc gia. Ông cũng đồng ý với Đại Sứ McClintock là cần có một Hội Đồng Phụ Chính gồm Bửu Lộc, Nguyễn Văn Tâm và Trần Văn Hữu, tức những con gà của Pháp và Mỹ. (FRUS, 1952 – 1954, XIII, tr. 1685, 1686 và 1687).

Ngày 15.6.1954, Đại Sứ McClintock lại gặp Dejean và Tướng Ély. Họ đều không hy vọng ông Diệm có thể lập được một chính phủ đoàn kết quốc gia. Đại Sứ McClintock muốn Bảo Đại từ chức và trao quyền cho Hội Đồng Phụ Chính. Nhưng Đại Sứ McClintock cho biết nhiều người đã đến gặp Bảo Đại mà chẳng ích lợi gì (FRUS, 1952 – 1954, XIII, tr. 1696 – 1698).

Việc thành lập chính phủ rất khó khăn vì có sự tranh chấp của các đảng phái và giáo phái. Ngày 2.7.1954, Đại Sứ McClinton đã gởi công điện về Washington nói rằng nếu Diệm không lập được chính phủ, sẽ đưa Nguyễn Văn Tâm ra làm Thủ Tướng lại (FRUS, 152 – 154, XIII, tr. 1773). Nhưng rồi ngày 6.7.1954, ông Diệm cũng đã ban hành Sắc Lệnh số 43-CP công bố thành phần chính phủ. Không còn hy vọng được làm Thủ Tướng, ngày 9.7.1954, Nguyễn Hữu Trí xin từ chức Thủ Hiến Bắc Việt. Từ đó, gần như cả nhóm Đại Việt Quan Lại quay lại chống ông Diệm.

Ngày 21.7.1954 khi đại diện Pháp và Việt Minh ký hiệp định Genève chia cắt đất nước làm đôi, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ra lệnh treo cờ rủ và đọc một bài diễn văn chống lại sự bất công của Hiệp Định này đã trao cả miền Bắc cho Cộng Sản và thêm 4 tỉnh miền Trung. Thủ Tướng nói: “Chúng tôi không thể đặt vào vòng nô lệ hàng triệu đồng bào trung thành với chủ nghĩa quốc gia...”

Thi hành lời cam kết với Bảo Đại là “chống lại bọn Cộng Sản, và nếu cần, chống luôn cả người Pháp nữa”, ông Diệm đã kết hợp được các giáo phái và loại được nhóm tay chân bộ hạ của Pháp muốn bám quyền. Từ trên sự đổ nát và hổn loạn, ông đã đưa được khoảng một triệu người từ Bắc vào Nam, ổn định tình hình miền Nam và xây dựng chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa.

CON ĐƯỜNG ĐƯA TỚI MẤT NƯỚC

Trong cuốn “Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học” xuất bản năm 1996, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã kết luận về kết quả của Hiệp Định Genève như sau:

Những thắng lợi trong 9 năm kháng chiến đã làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nhưng chưa phải biến chuyển căn bản có tính chất chiến lược.”

“Nếu đế quốc Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh thì lực lượng so sánh giữa ta và địch có thể thay đổi, không có lợi cho ta
.”

Giải pháp Genève do Liên Sô, Trung Quốc phối hợp với Anh, Pháp đề xuất, ta phải chấp nhận vì không thể một mình kiên trì chiến tranh, nhất là phải trực tiếp đương đầu vời Mỹ. Giành thắng lợi từng bước đã trở thành quy luật của cách mạng Việt Nam.” (trang 116 – 117)

Do đó, sau khi vừa ký xong Hiệp Định, Việt Minh đã hoạch định ngay kế khoạch thôn tính miền Nam Việt Nam. Hà Nội viết:

Việc cần kíp của quân và dân miền Nam lúc này là bố trí lực lượng tập kết ra Bắc; sắp xếp lại bộ máy các cấp và để lại cán bộ ở miền Nam; tổ chức mạng lưới giao liên; tổ chức chôn dấu vũ khí phòng khi cần đến; chuyển hướng cuộc đấu tranh sang những hình thức thích hợp mới để vừa giữ gìn và xây dựng lực lượng cách mạnh vừa đòi địch phải thi hành Hiệp định Genève.

“Hòa bình lập lại nhưng tình hình miền Bắc vẫn còn rất phức tạp do âm mưu và hành động chống phá của kẻ thù. Đảng và nhà nước tập trung chỉ đạo đấu tranh buộc Pháp phải rút quân đúng thời hạn; đấu tranh chống địch dụ dỗ, cưỡng ép nhân dân, nhất là đồng bào theo Thiên Chúa Giáo vào Nam...”.
(trang 113)

Tháng 1 năm 1959, Ban Chấp Hành Trung Ương Đẳng Cộng Sản Việt Nam họp đại hội lần thứ 15, quyết định “giải phóng miền Nam”. Năm 1960, chiến dịch Đồng Khởi được phát động.

Trước tình hình này, Mỹ muốn đổ quân vào Việt Nam. Ngày 11.5.1961, một phái đoàn do Phó Tổng Thống Johnson cầm đầu đã đến Sài Gòn yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho Mỹ đổ quân vào miền Nam để ngăn chận Cộng Sản. Ông Diệm đã từ chối. Trong cuốn “President Kennedy, Profile of Power”, Richard Reeves kể lại rằng khi Đại Sứ Federick Nolting theo lệnh của Tòa Bạch Ốc đã đến gặp Tổng Thống Ngô Đình Diệm yêu cầu để cho Hoa Kỳ chia xẻ trong các quyết định về chính trị, quân sự và kinh tế của Miền Nam Việt Nam, ông Diệm đã trả lời: “Chúng tôi không muốn trở thành một xứ bảo hộ của Hoa Kỳ”.

Nhưng sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, trong thực tế người Mỹ đã làm chủ miền Nam Việt Nam. Các tướng lãnh Việt Nam đã nhận viện trợ và chỉ thị từ Hoa Thịnh Đốn (trang 651).

Kết quả, miền Nam đã bị sụp đổ khi Hoa Kỳ thay đổi chính sách về Việt Nam.