Kính nhớ ÐHY Nguyễn Văn Thuận về “ĐƯỜNG HY VỌNG”
Giáo triều Rô-ma và cả Giáo Hội Việt Nam những ngày này đều hiệp ý dâng lời cầu nguyện Tạ Ơn Thiên Chúa cùng với Đức Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận. Tiếc thương nhưng tràn đầy Vui Mừng và Hy Vọng, vì từ nay chúng ta có thêm được một vị mục tử cầu bầu hữu hiệu bên cạnh Đấng là Mục Tử Nhân Lành tối cao.
Trong lời ngỏ của Ephata Việt Nam lần này, xin được thắp chung một nén hương tưởng nhớ Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận với quý độc giả gần xa. Cũng chỉ là những kỷ niệm nhỏ bé, chỉ là những hồi ức tản mạn mà bản thân chúng tôi có được về ngài...
Còn nhớ, trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, hoang mang không định hướng, không một chút hy vọng nào về tương lai, kéo dài như thế suốt 5, 6 năm sau biến cố 4.1975, bọn trẻ 20 chúng tôi dạo ấy trong Nhóm Mai Khôi nhận được món quà của cha Tiến Lộc: cuốn “Đường Hy Vọng“. Bỡ ngỡ tò mò, rồi ngay lập tức bị chinh phục, mấy đứa thân với nhau chụm đầu đọc từng câu, gật gù thấm thía từng ý tưởng dưới ánh đèn dầu tù mù trên một căn gác xép ở Khánh Hội. Khi làm báo viết tay hoặc rón rén gõ máy đánh chữ, anh Bảo Thạch trưởng nhóm luôn tìm được những câu suy niệm trong “Đường Hy Vọng“ để nhờ tôi vẽ minh họa rồi kèm vào trang báo, ví như câu: “Đừng chê cà-phê đắng, chỉ tại đường của con không đủ ngọt...” Anh bạn tân tòng Văn Khoa thì ngồi riêng một góc với cây ghi-ta, đắm mình sáng tác những bài thơ, những bài Thánh Ca được mở ra từ “Đường Hy Vọng“...
Kể cũng liều, chúng tôi làm được một tập sách hát mỏng cho Nhóm, trong đó có cả một bài chọn tên là “Đường Hy Vọng”. Một người anh lớn ca trưởng Lang Thang bắt gặp, trợn mắt bảo chúng tôi phải xóa ngay đi kẻo vạ lây, vậy mà vẫn liều. Biết tác giả “Đường Hy Vọng” là ai rồi, lại càng hiên ngang mà tập hát, mà hát với cả tâm hồn. Hát lễ chiều ở nguyện đường Mai Khôi, ra về, không ít lần, không ít người trong cộng đoàn vẫn tạt ngang qua anh em trong Nhóm, ghé tai bảo: “Đường Hy Vọng” đấy phải không ?” Lạ ghê, lời bài hát có chỗ nào nói rõ “Đường Hy Vọng“ đâu mà vẫn cứ cảm được đó là “Đường Hy Vong“ ?
“Ôi Thiên Chúa, Ngài là Tình Yêu, nhận lấy thân hèn lầm than,
Dấn bước vào cuộc trầm luân tháng năm.
Ôi Thiên Chúa, giòng lệ hòa chan, chung kiếp dân nghèo đường xa,
Theo dấu nhọc nhằn, ngược xuôi trần gian...
Ôi Thiên Chúa, chỉ mình Ngài thôi, đem đến ngọn nguồn niềm vui,
Giữa lúc chạnh lòng nhìn quanh vắng tênh.
Ôi Thiên Chúa, tuyệt vọng bủa vây, hãy đến sửa lại đường ngay,
Mưa xuống ruộng đời cằn khô bụi tro...”
Thế rồi, không ngờ, trong lần đầu tiên được ra thăm miền Bắc đầu năm 1991, đang bước ngơ ngơ ngác ngác trong khuôn viên Tòa Giám Mục Hà Nội, cha Vũ Khởi Phụng huých nhẹ tay bảo: “Đức Cha Thuận kìa !” Ngửng nhìn lên một tầng lầu cao, bên cánh cửa sổ chỉ mở hé một nửa, tác giả “Đường Hy Vọng“ đang kín đáo ban phép lành cho chúng tôi.
Chỉ thế thôi, rồi cuộc đời vật đổi sao dời, phải đợi đến gần 10 năm sau, nhờ phương tiện E-Mail, cha Phụng với tôi bàn nhau gửi một thư của Trung Tâm Mục Vụ DCCT theo địa chỉ: vanthuan@justpeace.va
Đến cuối 2001, có dịp sang Pháp, anh Nguyễn Đăng Trúc ở Strasbourg cho tôi số điện thoại của Đức Cha ở Rô-ma. Tôi thấy run run khi bấm số, rồi rụt rè: “Kính thưa... con xin phép hỏi: con đang được tiếp chuyện với chính Đức Hồng Y hay là với một Linh Mục thư ký của Ngài ?” Giọng Huế thật nhẹ trả lời: “Vâng, tôi là Thuận đây”. Trời ơi, vậy đó, ngài đã nói một cách hiền từ khiêm tốn như thế đó... Tôi xúc động tự giới thiệu, chưa hết câu, ngài đã bảo: “Có, tôi biết cha, tôi đọc Ephata và Gospelnet thường xuyên. Công việc các cha bên nhà đang làm tốt lắm, quý lắm...” Tôi được ngài cho một cái hẹn ở Rô-ma đầu tháng 12 sau khi ngài trở về từ Úc, vừa để lo công việc của Tòa Thánh, vừa để thăm cụ cố ở Sydney...
Thú thật, trên đường đi bộ đến trụ sở “Công Lý và Hòa Bình” cùng với cha Nguyễn Anh Tuấn mới sang du học Rô-ma, tôi thầm nghĩ không chắc đã được gặp mặt Đức Hồng Y, ngài bận bịu bao nhiêu là chuyện... Vậy mà không ngờ, một Nữ Tu ở văn phòng nói ngay: “Đức Hồng Y đang chờ các cha đấy !” Lại càng không ngờ buổi tiếp kiến hôm ấy lại được những 45 phút, Đức Hồng Y nói nhiều về toàn cầu hóa, về Giáo Hội, về Giới Trẻ, như thể muốn truyền lại cho những anh em Linh Mục trẻ chúng tôi niềm trăn trở ray rứt của ngài về hiểm họa Ma Túy và Phá Thai, đặc biệt đối với xã hội Việt Nam...
Tôi định kể lể một chút với ngài những kỷ niệm ngày xưa về “Đường Hy Vọng“ nhưng lại nhút nhát không dám, sợ mất thì giờ của ngài, chỉ kịp xin ngài chụp tấm ảnh. Trước khi chia tay, ngài mở tủ tìm cho anh em chúng tôi tập sách mỏng “Năm chiếc Bánh và Hai Con Cá” làm quà dù biết hẳn là ở Việt Nam chúng tôi đã có. Mấy hôm sau, tôi còn được gặp ngài một lần nữa trong buổi liên hoan Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Rô-ma. Không ngờ, đó lại là lần cuối cùng tôi được gặp tác giả của “Đường Hy Vọng”, người đã từng mở ra cho rất nhiều bạn trẻ một con đường của vui mừng và hy vọng ngay giữa những lúc khó khăn cam go nhất, trong số đó có tôi. Xin cảm tạ Thiên Chúa, xin biết ơn ngài, xin một lần nữa, hát thầm..
“Cuộc sinh phong ba nước mắt,
Sáng lên hy vọng cõi phúc, sáng lên nụ cười mộc mạc chân thành.
Đường dài trăm năm man mác ánh lên từ xa ân quang Giê-su chia vai gánh nặng,
Bước đi yêu thương vui tươi gieo trên luống đời...”
(Trích từ Ephata #78)