VATICAN, 02/7/2004 (VIS) - Hôm qua 01/7, tại cơ quan đầu não Liên Hiệp Quốc ở New York, Đại Hội đồng đã thông qua một Nghị quyết, được đệ trình bởi vị chủ tịch, về sự tham gia của Tòa Thánh trong công việc của Liên Hiệp Quốc. Vai trò của Tòa Thánh, với tư cách là quan sát viên từ nay bao gồm tất cả mọi quyền hạn và những đặc miễn cũng như những quan sát viên khác, và vì thế, sẽ dễ dàng hơn để tham dự những phiên họp của Liên Hiệp Quốc mà không cần đến lá phiếu chấp thuận. Tòa Thánh từ nay không phải xin phép để tham dự các cuộc thảo luận, có quyền phủ quyết, có quyền lưu hành những văn kiện và đề xuất những vấn đề đúng thủ tục theo luật định.

Đức Tổng Giám mục Celestino Migliore, quan sát viên thường trực tại Liên Hiệp Quốc, ngõ lời với Đại Hội đồng và cảm ơn Ông Chủ tịch về việc “đồng thuận thông qua Nghị quyết về sự tham gia của Tòa Thánh vào công việc của Liên Hiệp Quốc, qua chương trình nghị sự số 59, tiêu đề “Làm vững mạnh hệ thống Liên Hiệp Quốc”. Ngài lưu ý rằng “Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh năm nay vui mừng cử hành lễ kỷ niệm 40 năm hiện diện tại Cơ quan này”.

“Việc thông qua Nghị quyết này là một bước tiến quan trọng, và phản ánh những giá trị cao quý và những lợi ích chung mà Tòa Thánh và Liên Hiệp quốc cùng chia sẻ. Chúng ta dấn thân vào cùng những mục tiêu cần phải bảo vệ các quyền cơ bản của con người, cần phải gìn giữ phẩm giá và giá trị của con người và cổ vũ công ích. Để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta cần một cộng đồng quốc tế được tổ chức và được xây dựng trên quyền lợi, trên luật pháp, không phải phát xuất từ những ý thích bất kỳ, nhưng từ những nguyên tắc phổ quát của bản tính nhân loại, đó là một luật pháp duy nhất có khả năng hướng dẫn nhân loại tiến tới tương lai của mình. Nếu những nguyên tắc này cảm hứng cho hành động của chúng ta, chúng ta sẽ đạt đến mục tiêu cùng xây dựng một nền hòa bình và công lý trường cửu và phổ quát”.

Đức Tổng Giám mục kết thúc bằng lời cảm ơn “Đông đảo các vị đại diện thường trực, những người đã bày tỏ sự ủng hộ cá nhân, những chính phủ đã khuyến khích để nghị quyết hôm nay được thông qua. . . cũng như toàn thể các thành viên đã có sự trợ giúp căn bản cho cuộc vận động này”.