Giải đáp phụng vụ: Người Hồi giáo có thể tham dự trọn vẹn Thánh Lễ không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi 1: Cách đây vài Chúa Nhật, trong một số nhà thờ ở Pháp và Ý, nhiều người Hồi giáo đến tham dự Thánh lễ, như một dấu hiệu của tình đoàn kết với người Công Giáo, sau vụ linh mục Pháp Jacques Hamel bị hai phần tử cực đoan Hồi giáo sát hại gần Rouen vùng Normandy. Trong thời cổ đại, các người đền tội, người lạc giáo và thậm chí các dự tòng bị buộc phải rời khỏi Thánh lễ, trước phần hy tế của Thánh Lễ, vì họ không thể hiểu các mầu nhiệm Thánh Thể. Liệu tập tục này đã bị hủy bỏ bởi Giáo Hội rồi chăng? Người Hồi giáo có thể tham dự trọn vẹn Thánh Lễ không? - R. C., Rôma, Ý.


Đáp: Quả đúng là trong một giai đoạn nhất định của lịch sử, một số tầng lớp xã hội không được phép tham dự toàn vẹn Thánh lễ, nhưng đã được yêu cầu rời khỏi nhà thờ trước phần Lời nguyện Tín hữu. Thậm chí ngày nay, các nghi lễ trước lễ rửa tội của người lớn dự liệu một sự giải tán như thế, như là lời nhắc nhở biểu tượng của tập tục xa xưa ấy.

Những người thường được giải tán như thế là các dự tòng, vì họ đang học hỏi Tin Mừng và đường lối của Tin Mừng, và các người đền tội, vì họ đang thực hiện sự sám hối công khái, và không được Rước lễ trong một thời gian nhất định.

Các động thái ban đầu cho yêu cầu này là vừa thực hành vừa thần học. Trong các giai đoạn đầu của Giáo Hội, được bao quanh bởi một môi trường thường là thù địch, không phải là luôn an toàn hoặc luôn thích hợp để cho phép bất cứ ai tham dự các mầu nhiệm thánh. Bởi vì các dự tòng vẫn còn ở ngoài Giáo Hội, mặc dù đã là "người tin đạo”, họ được xem là chưa được thử thách, và chưa vững vàng trong đức tin. Giáo Hội chưa sẵn sàng cho phép họ có mặt, khi mầu nhiệm tuyệt vời của Mình và Máu Chúa Kitô được cử hành.

Do đó, họ được giải tán, để học thêm giáo lý, mặc dù trong một số trường hợp, sự giải thích đầy đủ về mầu nhiệm Thánh Thể đã không được truyền đạt, cho đến sau khi họ đã được rửa tội.

Về thần học, các dự tòng được giải tán, bởi vì họ chưa là thành phần của Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Vì vậy, trong các tác phẩm của thánh Clement thành Alexandria (150-215), các dự tòng rời nhà thờ, sau khi họ đã chia sẻ trong lúc hát các Thánh Vịnh [De odor, in spir, et verit. 12]. Một lát sau, họ tham gia vào một số kinh nguyện.

Trong tác phẩm, được được gọi là Tông Hiến (Apostolic Constitutions, khoảng năm 375-380), chúng ta tìm thấy các sự giải tán liên tiếp, mỗi tầng lớp người có các lời nguyện riêng của mình. Trước tiên, có một cảnh báo cho người không tin là không hiện diện: "Đừng để các người chỉ nghe mà thôi, hiện diện, đừng để người ngoại đạo hiện diện". Một kinh cầu tiếp theo đó, bao gồm một loạt lời cầu cho dự tòng, và sau đó là một lời cầu nguyện cho họ, và sau đó họ được giải tán. Các dự tòng phủ phục, và thầy phó tế đọc:

Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho các dự tòng.

Cộng đoàn: Κύριε ἐλέησον (Kyrie eleison, Xin Chúa thương xót chúng con)

Xin ban bình an cho chúng con.

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Xin Thiên Chúa nhân từ và thương xót nghe cầu xin của họ.

Xin Chúa mở lỗ tai của tâm hồn họ,

và dạy bảo (κατηχήσῃ) họ trong lời chân lý.

Xin gieo sự sợ hãi Chúa trong họ, và khẳng định niềm tin của Chúa trong tâm trí họ.

Xin tỏ lộ cho họ Tin Mừng của sự công chính.

Xin ban cho họ một tâm trí thánh thiện, lời khuyên thận trọng, và một cuộc trò chuyện đạo đức, luôn nghĩ đến, thiết kế và chăm sóc cho những gì thuộc về Thiên Chúa, bước đi trong giới luật Ngài cả ngày lẫn đêm, nhớ đến các điều răn của Ngài, và tuân giữ luật lệ của Ngài.

Chúng ta hãy tha thiết cầu xin cho họ;

Xin Chúa giải thoát họ khỏi mọi sự dữ, và các việc làm không thích hợp, khỏi mọi tội lỗi xấu xa, và khỏi sự tấn công của kẻ thù.

Xin Chúa làm cho họ trở nên xứng đáng trong thời gian đủ cho giếng rửa tội tái sinh, sự tha tội, và mặc lấy sự sống đời đời.

Xin chúc lành cho việc họ đến và việc họ đi, toàn lối sống của họ, nhà cửa và gia đình họ, và con cái họ, xin chúc phúc cho con cái khi chúng lớn dần lên, và ban cho họ sự khôn ngoan theo lứa tuổi của họ.

Xin uốn thẳng con đường trước mặt họ, vì hạnh phúc của họ.

Mời đứng lên.

Hỡi các dự tòng, thiên sứ hòa bình làm theo lời xin của anh chị em.

Tương lai của anh chị em sẽ được bình an.

Ngày hôm nay và mọi ngày của anh chị em sẽ được bình an.

Anh chị em sẽ trở thành Kitô hữu.

Vì thiện hảo và lợi ích của anh chị em.

Anh chị em hãy trình diện mình cho Thiên Chúa hằng sống và Chúa Kitô. [Kết thúc]

Sau thế kỷ VI, với sự phổ biến của phép rửa cho trẻ sơ sinh, và sự xuất hiện việc đền tội riêng tư hơn là công khai, các sự giải tán khác nhau có xu hướng biến mất, vì có rất ít dự tòng trưởng thành, và ít người đền tội công khai. Tuy nhiên, việc giải tán các hối nhân, không phải là một sự thực hành phổ quát, giống như sự thực hành của các dự tòng, và nó biến mất sớm hơn trước đó. Vì vậy, khi hoàng đế Theodosius làm việc đền tội trong năm 390, do một vụ thảm sát mà ông đã ra lệnh, ông được phép có mặt tại các nghi thức thánh, nhưng không được rước lễ cho đến khi ông được thu nhận lại một trọng thể.

Tuy nhiên, trong một số nghi lễ phương Đông, một số yếu tố còn lại từ các thực hành cổ xưa, mặc dù các lời nguyện cho các tân tòng thường được linh mục đọc thầm, bao gồm cả lời mời gọi đi ra khỏi nhà thờ. Một yếu tố khác trong các nghi lễ này là rằng trước khi đọc kinh Tin Kính, thầy phó tế hô ta: "Đóng cửa! Đóng cửa!". Đây là một sự sót lại của kỷ luật cổ xưa, mà trong đó cửa lớn của nhà thờ sẽ được canh giữ, để người không Kitô hữu, người "ngoài Giáo Hội”, sẽ ở ngoài nhà thờ theo nghĩa đen trong phần phụng vụ Thánh Thể.

Thời gian dần trôi qua, và châu Âu đã trở thành hầu như Kitô giáo toàn bộ, và giáo lý Kitô giáo trở thành tri thức công cộng, vì vậy nhu cầu về biện pháp bảo vệ như thế đã cơ bản biến mất. Bất kỳ ai có thể tham dự Thánh lễ, và thực tế không ai hiện nay có thể nói là đủ điều kiện hay không, để có thể tham dự trọn Thánh lễ.

Ý tưởng về một người không Công Giáo tham dự một Thánh Lễ Công Giáo, hoặc do sự tò mò hay vì tôn trọng người Công Giáo, không phải là mới, và trong khi chưa là phổ biến, nó đã xảy ra trước đây rồi. Chính khách George Washington nhiều lần tham dự Thánh Lễ, như một dấu hiệu của việc ông phản đối phe chống Công Giáo, như một số thành viên khác của Hội nghị Lập hiến đã làm. Hầu như hàng năm, nhà lãnh đạo Hồi giáo ở lãnh thổ Palestine tham dự Thánh lễ đêm ở Bê Lem. Các việc chứng tỏ cho sự tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của công dân đồng bào là các hành vi lịch sự, và đang ở trong một bối cảnh hoàn toàn khác với tình hình trong Giáo Hội sơ khai, mà chúng ta đã thấy ở trên.

Sự tham dự Thánh lễ gần đây của một số người Hồi giáo, sau vụ sát hại một linh mục cao niên, có thể được xem trong ánh sáng này như một dấu hiệu của sự tôn trọng và tình đoàn kết đối với người Công Giáo trong khu vực của họ, cũng như của sự lên án các người có hành vi ghê tởm nhân danh tôn giáo của họ.

Hỏi 2: Đôi khi một số chính trị gia Ấn giáo đến tham dự Thánh Lễ với chúng con. Liệu là đúng luật đạo chăng, khi họ yêu cầu được phát biểu với cộng đoàn, họ đứng phía trước phòng thánh, và dùng loa lớn? – Một bạn đọc, Ấn Độ.

Đáp: Như trong hầu hết các trường hợp, bối cảnh xác định người ta nên hành xử như thế nào. Có thể là đúng rằng những gì một chính trị gia làm là nhắm đến cuộc tổng tuyển cứ kế tiếp, nhưng khi các chính trị gia giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, họ cũng nắm chức vụ công quyền và có quyền bính hợp pháp.

Vì vậy, thí dụ, một thống đốc hay thị trưởng có thể tham dự Thánh Lễ vào một dịp đặc biệt, và nói điều gì đó đại khái như: "Thay mặt cho tất cả các công dân, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn về sự đóng góp của đồng bào Công Giáo vào sự tiến bộ của xã hội chúng ta, và cầu chúc họ tổ chức buổi lễ hôm nay thật vui vẻ". Điều này có thể chấp nhận được, vì đó là một sự công nhận công khai từ một vị đại diện của xã hội dân sự.

Nhưng vấn đề sẽ là khác hơn, khi các ứng cử viên của cuộc bầu cử muốn lợi dụng Thánh lễ để vận động bầu cử cho họ, thì việc họ phát biểu trong bối cảnh Thánh lễ là không được khuyến khích.

Trong các dịp hiếm hoi, thường được Giám mục cho phép, một người cũng là một chính trị gia, có thể được phép để nói chuyện với các tín hữu ngoài Thánh lễ, liên quan đến một số giá trị hay nguyên tắc Công Giáo đang bị tấn công, và đòi hỏi một phản ứng trên nhiều cấp độ, bao gồm cả hành động chính trị. Trong số các vấn đề như vậy, có việc bảo vệ sự sống, tự do tôn giáo, và ở Ấn Độ, quyền của các Kitô hữu thành lập trường học riêng của mình. (Zenit.org 6-9-2016, 20-9-2016)

Nguyễn Trọng Đa