Có những sự vật chúng ta có thể trông thấy và những sự vật chúng ta không thể trông thấy. Sự vật có thể trông thấy thuộc về thế giới hữu hình hay còn gọi là thế giới vật lí; sự vật không thể trông thấy thuộc thế giới vô hình hay còn gọi là tâm linh. Sự vật ta trông thấy ta có thể đo lường, cân nhắc và chế tạo. Sự vật không trông thấy không thể đo lường, phân tích nhưng có thể cảm nghiệm qua giác quan, mà giác quan chính là con tim. Ngoài cảm nghiệm ra con người không còn cách nào khác chứng minh chúng tồn tại. Sự vật thuộc về thế giới vật lí hữu hình dành cho khối óc; trong khi sự vật thuộc về thế giới tinh thần và tâm linh thuộc vể khả năng tìm kiếm của con tim.

Người bình thường nào cũng có khả năng trời ban để nhận biết thế giới vật chất hữu hình quanh ta. Khả năng nhận biết này khác biệt tuỳ người, có người nhận biết chính xác, tinh tế, kẻ khác lại kém tinh tế, ít chính xác. Kinh nghiệm sống và công việc liên quan cũng giúp người ta nhận xét sự việc nhanh chóng và chính xác. Nhận xét sự việc quanh ta là một nghệ thuật sống và nghệ thuật này không những đã liên quan mà còn quan trọng cho cuộc sống. Thí dụ nhận xét sai lầm về vấn đề gia đinh đưa đến gia đình đổ vỡ, tan nát; đánh giá sai lầm khi lái xe có thể dẫn đến tai nạn nguy hiểm, có khi ân hận cả đời; thẩm định sai trong thương trường có thể khiến cho thương nghiệp lụn bại.

Một vài cách trợ giúp cho việc nhận xét. Thứ nhất là khả năng đón nhận tin tức chính xác. Thứ đến là nhớ những tin tức đó giúp cho việc phân tích, nhận định trước khi đưa đến lí luận hợp lí cho quyết định cuối cùng. Phương cách này hữu ích và cần thiết cho việc làm của khối óc nhưng lại không thực tế khi áp dụng vào con tim bởi khối óc cần dữ kiện để thẩm định sự việc, trong khi con tim không dựa vào dữ kiện nhưng chú trọng nhiều vào cảm xúc và kinh nghiệm trong cuộc sống của mỗi cá nhân. Vì thế không thể so sánh cảm xúc cá nhân. Ai cảm nhận được thì người đó hưởng mà khó có thể chia sẻ cho người khác cùng hưởng chung.

Có sự liên kết mật thiết giữa khối óc và con tim. Sự liên hệ mật thiết giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành niềm tin của con người. Nhận biết này cho biết thế giới hữu hình sớm muộn gì cũng qua đi để biến vào trong thế giới vô hình. Một số khẳng định chết là hết, không còn gì; số khác không quả quyết như thế nhưng cho là chết rồi vẫn còn lại chút gì đó; số khác thì quả quyết chết chỉ là đổi thay chứ không biến đi và đây chính là niềm tin Kitô hữu về sự chết. Mối liên kết này chỉ có thể nhìn thấy qua con tim. Mà muốn nhìn thấy bằng con mắt, nghe được tiếng nói của con tim thì cần phải mở rộng tấm lòng để lắng nghe, cảm xúc và thay đổi theo chỉ dẫn của con tim.

Khối óc có khả năng phán đoán những gì chúng ta có thể làm và những gì ngoài khả năng con người; con tim không phán đoán nhưng có khả năng nhận thức về thế giới vô hình, đặc biệt về tình yêu, bởi con tim là nguồn gốc của tình yêu. Mở rộng tâm hồn đón nhận tiếng nói của tình yêu và hành xử theo hướng dẫn của tình yêu chính là đường lối của Đức Kitô. Mọi cố gắng chối bỏ sự hiện hữu của tình yêu trong cuộc sống là tự lừa dối mình. Người ta có thể chối bỏ được mọi sự nhưng không ai có thể chối bỏ được tình yêu bởi chối bỏ tình yêu là chối bỏ sự sống. Ai cũng muốn sống an vui và nhận biết rõ ràng tình yêu con người sống lâu hơn thân xác. Điều này có nghĩa là sau khi thân xác chết đi tình yêu đó tồn tại, vẫn sống. Không ai có thể chối bỏ được thực tế này. Như thế thân xác con người chết đi, tình yêu không chết nhưng biến vào trong thế giới vô hình, hay thế giới tâm linh. Thế giới tâm linh thuộc về Đức Kitô. cố gắng chối bỏ thế giới vô hình là một điều không thể làm được, người ta tự lừa dối mình bằng cách tạo cho nó một cái tên khác để lừa dối lương tâm. Nhận xét sai làm của thân xác huỷ diệt thân xác, nhận xét sai lầm của tâm linh giam hãm linh hồn mình trong đau khổ.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org