Các giáo xứ từ Nam chí Bắc đang hăng hái chuẩn bị cho năm học Giáo lý mới. Các Đức Giám Mục, các Linh mục và những người cộng tác với các ngài (Huynh trưởng Giáo lý viên) đang tất bật cho chương trình mới, cho các khóa bồi dưỡng giáo lý viên đầu năm và cho công việc mời gọi các em đến với lớp Giáo lý.

ĐC Long của Hưng Hóa lội nước đi thăm mục vụ
Hội Thánh xem việc dạy Giáo lý là một trong những công việc trọng đại và chính yếu trong sứ vụ của mình, sứ vụ Ngôn sứ. Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý của Thánh Bộ Giáo Sĩ năm 1997 (HDTQ) nhắc lại Hiến chế Dei Verbum về Mạc Khải và dạy rằng “tác vụ Lời Chúa trong việc loan báo Tin Mừng phải truyền đạt Mạc Khải qua Hội Thánh, bằng cách sử dụng “những lời của con người” (số 50). Ngay sau đó, HDTQ nói ngay đến “Việc Giảng Dạy Giáo Lý trong Tiến Trình Loan Báo Tin Mừng”.

Giáo Hội định vị cho Giáo Lý thật rõ ràng: Giáo lý nằm trong tiến trình loan báo Tin Mừng. Điều này có ý nghĩa như thế nào nếu không phải là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy Giáo lý, nhất là khi chúng ta đọc lại Sắc Lệnh Ad Gentes của Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II: “Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo Hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo Ý Ðịnh của Thiên Chúa Cha”.

HDTQ trích lời Thánh Vịnh 78 (3-4) để nhấn mạnh sứ mạng của người Kitô hữu, cách riêng của những người có ơn gọi làm Giáo lý viên:

“Điều chúng tôi đã từng nghe biết
do cha ông kể lại cho mình,
chúng tôi chẳng giấu gì con cháu cả,
sẽ tường thuật cho thế hệ mai sau:
sự nghiệp lẫy lừng, quyền uy của Chúa,
với những kỳ công Chúa đã làm.”


Trước khi về Trời, Chúa Giêsu cũng để lại huấn lệnh “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc.16,15).

Do đó huấn quyền Hội Thánh nói rõ “việc loan báo đầu tiên thuộc về bổn phận của mỗi Kitô hữu”, là một sự đáp trả cho lời mời gọi của Chúa Giêsu đối với các môn đệ Người” (số 61). Điều này cũng dễ hiểu. Khi ta nhận được một ơn huệ, khi ta có niềm vui thẳm sâu, khi ta được cứu khỏi một điều nguy biến, thì tự bản chất con người, ta luôn tỏ lòng biết ơn và muốn loan cho mọi người niềm vui ấy, ơn huệ ấy và sự cứu vớt ấy. Thế thì ta không thể dửng dưng trước niềm vui ơn gọi và ơn cứu độ mà Thiên Chúa dành cho mình.

Việc hăng hái ra đi làm chứng nhân trong ơn gọi Giáo lý viên là điều bắt buộc bởi chính bản chất ơn gọi. Huynh trưởng Giáo lý viên đáp lại ơn gọi của mình bởi vì họ ý thức ơn gọi ấy bắt nguồn từ chính Bí tích Rửa tội và Bí tích Thêm sức mà mình đã nhận lãnh.

Như thế, đầu năm học Giáo Lý, chúng ta cùng nhau nhắc cho chính mình rằng chúng ta nhận được ơn gọi Giáo lý viên từ chính Hội Thánh, vá hoạt động trong lòng Hội Thánh. Chúng ta không tự cao về sứ mạng của mình, đồng thời cũng không cho phép mình được chán nản với ý nghĩ nếu tôi thích thì tôi thực thi sứ mạng, nếu tôi không thích nữa, tôi sẽ bỏ bê.

Điều thứ hai chúng tôi xin được đề cập là điều mà Đức Cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa vừa mới nhắc nhở: “…nên nhấn mạnh khía cạnh này cho học viên: dạy giáo lý không chỉ là chuyển trao kiến thức đạo cho học sinh, mà còn phải đồng thời giúp học sinh tạo một mối tương quan gắn bó với Chúa, tức sống niềm tin yêu, "vô tri thì bất mộ", nay học biết Chúa chưa đủ mà phải sống tình yêu và lòng tin Chúa, đem đạo vào đời sống...”

Quả thật, dạy Giáo lý là giáo dục đức tin, không chỉ là kiến thức đức tin mà là thái độ sống đức tin ấy. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải làm sinh lợi từ những nén bạc Chúa giao. Đức tin, khả năng, thời giờ… mà Chúa ban cho chúng ta là những nén bạc. Chúng ta phải làm cho chính mình và các học sinh giáo lý của mình biết sinh hoa lợi từ những nén bạc ấy bằng tình yêu, bằng cách sống Đạo và bằng việc truyền giáo nữa.

Thật vậy, “Trong sự năng động của việc giáo dục đức tin, như tiến trình trưởng thành những thái độ, không thể thiếu thành tố hành vi, mà giáo lý đóng góp vào sự rèn luyện những hình thức hạnh kiểm và đời sống kitô hữu khác nhau. Các văn kiện về giáo lý chỉ ra những nhiệm vụ khác biệt như: giáo dục cầu nguyện và chiêm niệm, khai tâm bí tích và phụng vụ, huấn luyện luân lý¸ giáo dục hòa bình và công lý, chuẩn bị cho việc dấn thân xã hội và chính trị, tăng cường mục đích đại kết, vv…” (Dạy Giáo Lý Là Giáo Dục Đức Tin, Madalena Phạm thị Thúy).

Huấn quyền Hội Thánh dạy rằng “phải đào tạo giáo lý viên thế nào để họ có thể là thầy dạy, là nhà giáo dục và là chứng nhân, thành một người tốt, một tín hữu sốt sắng và một tông đồ nhiệt thành” (xem HDTQ 24, 25).

Đọc lại vài nét chính trong giáo huấn Hội Thánh về Giáo lý để minh định điều này: Hội Thánh đồng hành với Giáo Lý viên chúng ta trong sứ vụ mà Hội Thánh trao cho chúng ta, đồng thời mời gọi chúng ta ý thức vai trò và trách nhiệm của mình để làm chứng bằng lời nói và đời sống của mình.

Chúng ta cùng cầu xin Mẹ Maria, Đấng là Ngôi Sao của công cuộc tân Phúc Âm hóa, là Mẹ và là gương mẫu của Giáo Lý viên chúng ta (TH Niềm Vui Tin Mừng, TH Giáo Lý ) giúp chúng ta noi gương Mẹ, lắng nghe, suy niệm và công bố Lời Thiên Chúa với trọn tâm hồn và suốt cả cuộc đời mình.