Kinh Lậy Cha là kinh chính Đức Kitô dậy các môn đệ khi các ông xin Đức Kitô dậy cách cầu nguyện. Kinh Lậy Cha vừa là mẫu mực của các lời cầu và cũng là một lời cầu. Lời cầu cần ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc. Xin với tấm lòng thành, rộng mở đón nhận thánh ý Chúa. Thánh ý Chúa được hiểu theo hai cách. Một là đón nhận với tâm tình cảm mến điều Chúa ban theo ý ta xin. Hai là đón nhận với tâm tình phó thác điều Chúa ban trái nghịch với ý ta xin. Điều cần tìm là bình an và sức mạnh nội tâm để vượt qua khó khăn.

Lời đầu của lời cầu Đức Kitô dậy dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và xin làm sáng Danh Chúa giữa trần gian. Thiên Chúa là Cha chung của tất cả. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu Êphêsô 1,5 nhắc nhớ chúng ta là con Thiên Chúa. Con cái hãnh diện về cha mẹ và là thừa tự. Được sống trong nhà Cha là mục đích cuối cùng khi đời người chấm dứt nơi dương thế, được đoàn tụ trong nhà Cha. Lời ta cầu không tan theo gió, trôi theo mây nhưng hướng đến trời cao. Lời cầu nối kết đất trời. Chúng ta tại dương thế nhưng lời cầu dâng tận trời cao. Con Thiên Chúa làm sáng Danh Chúa cho trần thế và cho tất cả các loài thụ tạo.

Câu kế tiếp chúng ta dâng lời cảm tạ vì Thiên Chúa cho chúng ta được nối kết chương trình làm chứng nhân nước trời, Thánh Gioan Tiền Hô khởi xướng, và Đức Kitô rao giảng, và truyền lại cho các tông đồ, hãy đi rao giảng cho muôn dân về tình yêu Chúa và ơn cứu độ Chúa ban. Chúng ta được mời gọi làm công việc chứng nhân nước trời. Lời cầu này vừa tiên đoán, vừa xác định nước Chúa sẽ được thể hiện. Như thế chiến thắng cuối cùng do Đức Kitô giành lấy cho chúng ta. Điều này được thể hiện khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết, hào quang Phục Sinh tiêu diệt thần chết. Ngày Đức Kitô về trời cũng là khởi đầu công cuộc chứng nhân trần thế với sự trợ lực của Thánh Thần.

Câu kế tiếp cho biết ý của Thiên Chúa từ trời cao được mặc khải, và thể hiện cho nhân loại đó chính là ơn cứu chuộc Đức Kitô mang lại cho nhân loại qua cuộc khổ nạn, và Phục Sinh của Đức Kitô. Ngài là Đấng duy nhất biết được và mặc khải ý Thiên Chúa. Trong vườn Cây Dầu Đức Kitô đã công khai nói lên điều đó khi Ngài cầu xin. Lậy Cha, nếu được xin cất chén này nhưng ý Cha được thể hiện, không phải ý Con. Mat 26,38

Những câu tiếp theo là xin cho nhu cầu của cuộc sống. Lời cầu nhắc nhở chúng ta thời gian về đất hứa tổ phụ đã sống trong tinh thần phó thác, sáng sớm mỗi ngày manna từ trời cao đổ xuống nuôi dân trong samạc. Cuộc lữ hành dương thế mỗi chúng ta cũng cần có tâm tình phó thác trong Chúa. Nhu cầu nuôi thân và nhu cầu tâm linh của mỗi cá nhân đều cần và đó cũng là nhu cầu chung của toàn thể cộng đoàn. Vì thế chúng ta cần sống trong tinh thần hợp đoàn, hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi cần thiết, khi có thể, trong mọi hoàn cảnh.
Lời cầu cuối cùng xin cho ý Thiên Chúa được thể hiện trong đời, đừng để theo ý riêng, ý cá nhân vì đó là một cách cám dỗ. Ý cá nhân thường chiều theo ích kỉ cá nhân và ích kỉ là một hình thức tội, tội biết mình, quên người, chăm lo cho mình, quên người hoạn nạn, nghèo khổ. Ích kỉ là một thói xấu con người không muốn từ bỏ. Xin ơn cam đảm từ bỏ mình, vác thập giá trung thành theo Chúa để chung hưởng gia nghiệp, chiến thắng Đức Kitô mang lại.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org