CHƯƠNG III

CỬ HÀNH ĐÚNG THÁNH LỄ



1. CHẤT LIỆU BÍ TÍCH THÁNH THỂ

48. Hy Tế Thánh Thể phải được cử hành với bánh không men, làm bằng bột mì tinh và mới vừa chế tạo để tránh mọi nguy cơ hư hỏng123. Do đó, bánh được chế biến với một chất khác, dù là ngũ cốc, hoặc bánh mà người ta thêm vào một chất khác với bột mì, trong một lượng nhiều đến nỗi theo ý kiến chung, người ta không thể xem đó là bánh bột mì nữa, thì không còn là chất thể thành sự cho việc cử hành Hy Tế và Bí tích Thánh Thể124. Sự kiện đưa những chất khác vào việc chế tạo bánh dùng cho Bí tích Thánh Thể, như trái cây, đường hoặc mật ong, là một lạm dụng nghiêm trọng. Hiển nhiên các bánh lễ nên được chế tạo bởi những người không chỉ nổi bật về lòng đạo đức, mà còn thông thạo trong lãnh vực này và sử dụng những dụng cụ thích hợp125.

49. Vì lý do dấu chỉ diễn tả, vài phần của bánh Thánh Thể, sau nghi thức bẻ bánh, nên được phân phát cho vài giáo dân rước lễ. “Tuy nhiên, không hề loại trừ các bánh lễ nhỏ khi người rước lễ quá đông và những lý do mục vụ khác yêu cầu”126, và hơn nữa có thói quen thường dùng bánh lễ nhỏ không cần phải bẻ.

50. Hy Tế Thánh Thể phải được cử hành với rượu nho tự nhiên, tinh khiết và không bị hư, không pha trộn các chất khác127. Khi cử hành Thánh Lễ, phải thêm một chút nước vào rượu. Phải cẩn thận bảo quản tốt rượu dùng cho Bí tích Thánh Thể và canh chừng đừng để rượu lễ ra chua128. Tuyệt đối cấm dùng rượu mà tính xác thực và nguồn gốc có điều đáng ngờ : thật vậy, Hội Thánh đòi hỏi có sự chắc chắn về những điều kiện cần thiết cho tính thành sự của các bí tích. Không có cớ nào có thể biện minh cho việc dùng một thức uống khác, vì không tạo nên một chất thể thành sự.

2. KINH NGUYỆN THÁNH THỂ

51. Chỉ được sử dụng những Kinh Nguyện Thánh Thể có trong Sách Lễ Rôma hoặc được phê chuẩn cách hợp pháp bởi Tông Toà, theo những thể thức và trong những giới hạn mà Tông Toà ấn định. “Không thể dung thứ việc vài linh mục tự cho mình quyền biên soạn Kinh Nguyện Thánh Thể”129 hoặc thay đổi bản văn đã được Hội Thánh phê chuẩn, hoặc dùng những Kinh Nguyện Thánh Thể khác do cá nhân biên soạn130.

52. Việc công bố Kinh Nguyện Thánh Thể, tự bản chất là chóp đỉnh của toàn bộ cử hành, được dành riêng cho linh mục thể theo chức thánh. Vậy, thật là một điều sai trái khi cho phó tế, thừa tác viên giáo dân, hoặc một tín hữu hoặc tất cả tín hữu, đọc phần nào đó của Kinh Nguyện Thánh Thể. Vì thế, Kinh Nguyện Thánh Thể phải được đọc toàn bộ bởi linh mục, và chỉ mình ngài mà thôi131.

53. Trong khi linh mục chủ tế đọc Kinh Nguyện Thánh Thể, “không được đọc kinh, hát, cũng không được đánh đờn hoặc chơi những nhạc khí nào khác132, ngoại trừ những lời tung hô của dân chúng đã được phê chuẩn hợp luật, như được nói sau đây.

54. Tuy nhiên, dân chúng luôn luôn tham gia cách tích cực, và không bao giờ hoàn toàn thụ động : “thật vậy, dân chúng kết hợp với linh mục trong đức tin và trong thinh lặng, cũng như bằng những can thiệp được ấn định trong khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể : những lời đáp trong phần đối thoại của Kinh Tiền Tụng, kinh Sanctus, tung hô sau truyền phép và câu tung hô Amen sau vinh tụng ca cuối, cũng như những lời tung hô được Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn và Toà Thánh xác nhận133.

55. Lạm dụng sau đây phổ biến ở vài nơi : Đang khi cử hành Thánh Lễ, linh mục bẻ bánh vào lúc truyền phép. Một lạm dụng như thế trái với truyền thống của Hội Thánh. Phải dứt khoát lên án và cấp bách sửa chữa.

56. Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, không được bỏ nêu tên Đức Giáo Hoàng và Giám mục giáo phận, để tôn trọng một truyền thống lâu đời và biểu lộ sự hiệp thông của Hội Thánh. Thực vậy, “hiệp thông mang tính giáo hội của cộng đoàn thánh thể cũng là hiệp thông với Giám mục của mình và với Đức Giáo Hoàng Rôma”134.

3. NHỮNG PHẦN KHÁC CỦA THÁNH LỄ

57. Cộng đoàn các tín hữu có quyền yêu cầu, nhất là trong buổi cử hành ngày Chúa nhật, thánh nhạc phải xứng hợp và đích thực, bàn thờ, các trang hoàng và khăn thánh phải luôn luôn toả chiếu sự trang trọng, đẹp đẽ và sạch sẽ, theo đúng các quy luật.

58. Mọi tín hữu có quyền đòi việc cử hành Bí tích Thánh Thể phải được chuẩn bị chu đáo trong mọi giai đoạn, lời Chúa phải được công bố và giải thích cách đứng đắn và hiệu quả, năng quyền chọn lựa các bản văn phụng vụ và các nghi thức phải được thực thi cách cẩn thận, theo đúng các quy định, và trong lúc cử hành Phụng Vụ, các lời bài hát phải bảo tồn và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu.

59. Cách làm đáng lên án sau đây phải ngưng ngay : đây đó có trường hợp linh mục, phó tế hoặc tín hữu tự ý đưa các thay đổi vào trong các bản văn của Phụng Vụ thánh, mà họ có nhiệm vụ công bố. Thật vậy, cách làm ấy gây hệ quả là làm cho việc cử hành Phụng Vụ thánh không bền vững, và không hiếm trường hợp nó đi đến mức làm sai lạc ý nghĩa đích thực của Phụng Vụ.

60. Trong buổi cử hành Thánh Lễ, phụng vụ Lời và phụng vụ Thánh Thể liên kết chặt chẽ với nhau, và làm nên một hành vi thờ phượng duy nhất mà thôi. Vậy không được phép tách rời chúng, cũng không được cử hành chúng vào hai thời gian và hai địa điểm khác nhau135. Cũng không được phép cử hành các phần khác nhau của Thánh Lễ vào hai lúc khác nhau, dù là trong cùng một ngày.

61. Về việc chọn các bài đọc thánh kinh phải công bố trong buổi cử hành Thánh Lễ, người ta phải tuân giữ các quy luật ghi trong các sách phụng vụ136, để thật sự “bàn tiệc lời Chúa được dọn cho tín hữu cách dồi dào hơn, và các kho tàng thánh kinh được mở ra cho họ cách rộng rãi hơn”137.

62. Không được phép bỏ hoặc tuỳ tiện thay đổi các bài đọc thánh kinh đã được quy định, cũng không được thay thế “các bài đọc và thánh vịnh đáp ca chứa đựng lời Chúa bằng những bản văn khác được chọn ngoài Thánh Kinh”138.

63. Trong buổi cử hành Phụng Vụ thánh, bài Tin Mừng “là chóp đỉnh của phụng vụ Lời”139, nên được dành cho thừa tác viên có chức thánh140, theo truyền thống của Hội Thánh. Vậy không được phép để cho một giáo dân, kể cả tu sĩ, công bố Tin Mừng trong buổi cử hành Thánh Lễ, cũng như trong các trường hợp khác, mà quy luật không minh nhiên cho phép làm thế141.

64. Bài giảng được ban bố trong buổi cử hành Thánh Lễ và là thành phần của phụng vụ142, thường do chính vị linh mục chủ tế hoặc một linh mục đồng tế đảm trách, đôi khi cũng do một phó tế làm, nhưng không bao giờ do một giáo dân143. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, một Giám mục hoặc một linh mục tham dự buổi cử hành mà không đồng tế cũng có thể giảng”144.

65. Cần nhắc lại là Giáo luật khoản 767 # 1 đã bãi bỏ mọi quy luật trước đây cho phép các tín hữu không có chức thánh giảng trong buổi cử hành Thánh Thể145. Thật vậy, sự cho phép như thế phải bị lên án mạnh mẽ, và không có tập tục nào có thể biện minh cho việc ban phép ấy.

66. Việc cấm giáo dân giảng trong Thánh Lễ cũng áp dụng cho các chủng sinh, các sinh viên thần học, những ai giữ phận vụ “trợ tá mục vụ”, và bất cứ loại nhóm, phong trào, hiệp hội giáo dân146.

67. Đặc biệt, phải quan tâm để bài giảng tập chú nghiêm túc trên mầu nhiệm cứu độ, trình bày theo năm phụng vụ và đi từ các bài đọc thánh kinh, các mầu nhiệm đức tin và các quy tắc của đời sống Kitô, hay là chú giải các bản văn của phần Thường Lễ hoặc phần Riêng, hoặc nghi thức nào khác của Hội Thánh147. Dĩ nhiên là mọi giải thích Thánh Kinh phải dẫn đến Chúa Kitô, vì Người là trục tối thượng của nhiệm cục cứu độ; tuy nhiên, bài giải thích cũng phải lưu ý đến bối cảnh đặc biệt của buổi cử hành phụng vụ. Người giảng phải chú ý dọi ánh sáng Chúa Kitô trên các biến cố cuộc đời. Dù thế ngài không được bỏ qua ý nghĩa đích thực và thật sự của lời Chúa, chẳng hạn chỉ quy chiếu về những khía cạnh chính trị hoặc chỉ dùng những lý lẽ phàm tục, hoặc lấy hứng từ những ý niệm mượn từ những phong trào nguỵ tôn giáo nhan nhãn trong thời đại chúng ta148.

68. Giám mục giáo phận phải để ý đến bài giảng149 bằng cách đưa ra các quy luật, các định hướng và trợ giúp cho các thừa tác viên thánh, cũng như khuyến khích những buổi gặp gỡ và những sáng kiến khác, để họ thường xuyên có cơ hội suy tư về bản chất của bài giảng và giúp họ chuẩn bị bài giảng.

69. Trong Thánh Lễ, cũng như trong mọi cử hành Phụng Vụ thánh khác, không được phép sử dụng một Kinh Tin Kính không có trong các sách phụng vụ được phê chuẩn hợp lệ.

70. Các lễ phẩm mà tín hữu có thói quen dâng trong Thánh Lễ không nhất thiết chỉ là bánh và rượu, dùng vào việc cử hành Bí tích Thánh Thể, mà chúng cũng có thể gồm những tặng vật khác, được tín hữu mang đến, nghĩa là tiền bạc hoặc những của cải khác dùng vào việc bác ái cho người nghèo. Tuy nhiên, những lễ phẩm thực tiễn phải luôn luôn là biểu lộ hữu hình của lễ dâng đích thực mà Chúa chờ đợi nơi chúng ta : một tấm lòng thống hối và tình yêu Chúa và tha nhân, làm chúng ta tương hợp với hy lễ của Chúa Kitô, Đấng đã nộp mình vì chúng ta. Thật vậy, chính trong Bí tích Thánh Thể mà toả chiếu ở mức cao nhất mầu nhiệm tình bác ái, mà Chúa Gi