THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN PHAN THIẾT Số 128: THÁNG THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Tình yêu là bản tính của Người. Do đó, tất cả mọi chương trình, hành động, dự tính của Người đều phát xuất từ tình yêu. Tình yêu là động lực… Nói về tình yêu này, thánh Phaolô đã viết:

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khó, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo…?

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta
” (Rm 8,35-39). Đó là bản tính, là sự thật của Thiên Chúa. Còn chúng ta thì sao?

Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa là Tình yêu, chúng ta, tự bản chất, cũng là Tình yêu. Yêu thương phải là danh xưng và là căn tính nguyên thủy của con người. Chính vì thế, mà khi dạy các môn đệ yêu thương nhau, Chúa Giêsu đã nói rõ ràng là: “như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34).

Nhưng yêu thương như Chúa Giêsu là làm sao?

Quan tâm đến người khác

Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu dừng chân để cứu giúp một người bị bọn cướp hành hung, bóc lột, bỏ mặc nửa sống nửa chết bên vệ đường, sau khi một thầy tư tế, rồi một thầy lê-vi, cũng đã đi ngang qua đó, đã thấy nhưng cả hai đều làm ngơ, coi như không liên quan gì đến mình (x. Lc 10,29-37, nói lên sự quan tâm của người Samaritanô nhân hậu biết để ý đến hoàn cảnh, nhu cầu, nguyện vọng của người xung quanh mình. Vượt ra khỏi bản thân để nhớ đến người khác, quan tâm đến những ưu tư, tâm tình và ước nguyện của họ là điều kiện tiên quyết để thực thi tình yêu.

Nói về Mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Kinh Tin Kính viết: “vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”. Suốt đời Chúa Giêsu vẫn quan tâm đến lợi ích, sự thiện hảo và ơn cứu rỗi loài người. Người đã quan tâm đến cơn sốt của bà nhạc gia của ông Phêrô (x. Mt 8,14); đã cứu đôi tân hôn tại Cana, hết rượu ngay giữa bữa tiệc (x. Ga 2,1-11); đã hai lần hóa bánh ít ra nhiều để nuôi dân chúng trên sa mạc (x. Mt 14,13-21; 15,32-38); đã chữa lành người phụ nữ còng lưng (x. Lc 10,13) và người đàn bà bị băng huyết, nhờ sờ vào tà áo của Người (x. Mt 9,20-22).

Hãy tập và dạy dỗ con cái để ý đến những người xung quanh.

Thông cảm và tha thứ

Nhân vô thập toàn. Ở đời, không ai được mười phân vẹn mười! Chúng ta có nhiều ưu điểm, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít những khuyết điểm: do sự yếu đuối của con người, do nền giáo dục gia đình, do hoàn cảnh hay gương xấu của xã hội. Ngoài ra, chúng ta còn có những lỗi lầm, những lời nói, những hành vi sai trái, và cả những tội lỗi.

Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa Tình yêu, Đấng không sống chung với tội lỗi nhưng vẫn yêu thương người có tội, chúng ta cũng phải theo gương Chúa mà thương yêu người có lỗi. Giacôbê và Gioan đã xin Chúa Giêsu cho phép họ khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy dân làng Samaria, vì họ không chịu đón tiếp Người. Nhưng Chúa Giêsu đã quở mắng các ông (x. Lc 9,51-56).

Cùng sống với nhau trong gia đình, hay trong cộng đoàn giáo xứ, tu hội, thôn xóm. v.v. anh chị em phải cảm thông những thiếu sót, sai phạm và lầm lỗi của nhau, nhất là những xúc phạm đến mình. Tháng Thánh Tâm nhắc nhở chúng ta sự thông cảm.

Hơn nữa, chúng ta phải biết tha thứ, vì tha thứ là lề luật của yêu thương. Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc đến sự tha thứ. Trả lời cho ông Phêrô về số lần phải tha thứ: Có phải tha thứ bảy lần không? Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,21). Người còn coi đó như là điều kiện để được Chúa Cha tha tội cho. Người nói: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em” (Mt 6,14). Chúng ta vẫn lặp đi lặp lại điều kiện này trong Kinh Lạy Cha: “và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Nhưng ở đây, mới chỉ nói đến lỗi. Đối với Thiên Chúa, chúng ta không chỉ có lỗi, mà còn có tội, và nhiều tội nặng. Vậy nếu Chúa đã tha tội chúng ta, thì chúng ta cũng phải tha lỗi cho anh em mình.

Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là tháng để thực tập sự tha thứ. Tha thứ cho nhau trong gia đình, trong các cộng đoàn, các thiện hội và trong giáo xứ. Không thể có bình an, hiệp nhất và hạnh phúc nếu không có sự tha thứ. “Không thể có hòa bình nếu không có công lý; không thể có công lý nếu không có sự tha thứ” (Chủ đề Ngày Hoà bình thế giới năm 2002).

Nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ (Lc 6,36)

Sau hết, trong tháng kính Thánh Tâm này, tôi đặc biệt kêu gọi anh chị em chiêm ngưỡng và noi gương lòng thương xót của Chúa Giêsu. Người đã yêu thương chúng ta trước (x. 1Ga 4,19) và đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi (x. Rm 5,8). Tình yêu của Chúa vượt quá sự hiểu biết và mong đợi của chúng ta (x. Ep 3,19). Nó vượt trên sự cân xứng và công bằng. Nó mạnh hơn sự chết. Người đã thương chúng ta, trong khi chúng ta không đáng được yêu thương. Người đã thương chúng ta đến tận cùng (x. Ga 13,1). “Người đã thí mạng mình vì chúng ta” (1Ga 3,16), “hạ mình xuống ra như không, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Con người cần tình yêu bao dung này, thế giới cần lòng thương xót, gia đình cần tình yêu vị tha. Nhân dịp này, Giáo Hội trân trọng nhắc nhở quý anh em gia trương, là những người được tham dự tình thân phụ của Chúa Cha (x. Ep 3,15), hãy học và bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa, trong cách đối xử với vợ con và cháu chắt trong gia đình. Hãy triệt để ngăn chặn và khai trừ nạn vũ phu, chưởi rủa và đánh đập vợ con trong gia đình. Hãy xây dựng và củng cố tình yêu thương và hòa thuận trong gia đình. Tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu, tháng tình yêu, sự tha thứ và lòng thương xót, cũng là tháng của anh em Gia trưởng. Hãy hiệp nhau cầu nguyện, rước ảnh, đọc kinh liên gia, cầu cho nhau, cho gia đình được sống trong Thánh Tâm của Chúa. l