Ai là người đáng ghét nhất?

Tình hình chính trị tại Hoa Kỳ sẽ dẫn tới việc một nhân vật bị dân chúng ghét nhất lên làm tổng thống Hoa Kỳ?

Xin đừng nghĩ rằng câu hỏi trên ngụ ý nói về ông Trump!

Dĩ nhiên khi nhắc tới ông Trump thì ai cũng phải lắc đâù tự hỏi rằng, tại sao những đảng viên Cộng Hoà lại có thể điên rồ tới mức dồn sự ủng hộ cho một người mà bà Mona Charen, bảo thủ, tác giả, phóng viên và là ủy viên cao cấp của trung tâm nghiên cứu về đạo đức và Chính sách công cộng (senior fellow at the Ethics and Public Policy Center) từng phân tích về ông với những từ ngữ không đẹp cho lắm như: hạ cấp, thô tục, độc ác, ích kỷ, đồi bại, tầm thường, tâm thần bệnh hoạn, rối loạn nhân cách và yếu đuối vì cái tôi nặng nề. (lowlife, nastiness, cruel, selfish egotist, viciousness, vulgarian, not emotionally healthy, narcissistic personality disorder, severe ego weakness.)

Dù đã thắng nhiều cuộc bầu cử sơ bộ cuả đảng Cộng Hoà, kết quả thăm dò mà RealClearPolitics, một cơ quan tổng hợp các dữ kiện thăm dò, cho thấy ông bị 65% dân chúng 'nói chung' (general population) đánh giá là 'không tốt' (unfavorable.)

Như vậy ông sẽ là ứng cử viên bị đánh giá thấp nhất từ trước đến nay và so sánh với hai ứng viên Dân Chủ ngày nay là Clinton và Sanders thì ông sẽ thua cả hai.

Nhưng bà Clinton thì cũng không khá gì hơn, bà bị đánh giá là không tốt tới 55%. Xin sẽ phân tích nhiều hơn khi có dịp bàn về bà ta.

Ông Sanders tuy không có nhiều hy vọng được đảng Dân Chủ đề cử, nhưng có vẻ ông lại là người duy nhất có được lòng tin cuả dân chúng, những thăm dò cho thấy nếu so sánh với Trump thì Trump thua Sanders nhiều hơn thua Clinton.

Nói một cách khác, trong năm nay người Mỹ sẽ phải chấp nhận một vị tổng thống 'đáng ghét nhất' trong lịch sử, ngay từ trước khi khởi đầu.

...

Cũng như trong quá khứ, chúng tôi đã cập nhật cho quí vị những tin tức quan trọng cuả cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ và truyền đạt tới quí vị những lời khuyên cuả Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Năm nay cũng vậy, chúng tôi xin được khởi đầu loạt bài này với việc ôn lại những khái niệm quan trọng cần biết để hiểu về cuộc bầu cử.

Trước tiên xin được nhắc lại một nguyên tắc tối quan trọng là ‘Cử Tri Đoàn’ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Nguyên tắc cử tri đoàn.

Ở các nơi khác thì việc đắc cử chức vụ tổng thống là do có đa số cử tri bầu cho. Nhưng tại Mỹ, mỗi tiểu bang sẽ cử ra một số đại biểu goị là 'cử tri đoàn' (electoral college) để thay mặt dân mà bầu tổng thống. Tuỳ theo dân số, một Tiểu Bang sẽ được cử nhiều hay ít đại biểu, thí dụ California có khoảng 39 triệu dân nên được 55 đại biểu, còn Tiểu Bang Wyoming chỉ có gần 600 ngàn dân nên chỉ có 3 đại biểu mà thôi. California có khoảng 18 triệu cử tri đã ghi danh, còn Wyoming chỉ có khoảng 260 ngàn cử tri mà thôi.

ở các tiểu bang trên, hễ ai thắng phiếu nhiều hơn, dù chỉ là 1 phiếu, thì lấy trọn cử tri đoàn cuả Tiểu bang, điều mà người ta gọi là qui luật ‘người thắng lấy cả’ (winner take all.)

Nhưng như vậy sẽ có trường hợp một người tuy thắng phiếu dân bầu (popular vote) nhưng vẫn bị thất cử vì thua phiếu ‘cử tri đoàn’ (electoral vote.) Lấy giả thử trường hợp California và Wyoming nói trên, một người tuy thắng trọn 260 ngàn phiếu ở Wyoming và chỉ thua có 1 phiếu ở California mà thôi thì vẫn là thua (có 9 triệu 260 ngàn phiếu nhưng chỉ có 3 cử tri đoàn). Người kia tuy tổng số phiếu ít hơn (9 triệu 1 phiếu,) nhưng thắng vì được hưởng tới 55 cử tri đoàn cuả California.

Chỉ có 2 Tiểu Bang không áp dụng qui luật ‘người thắng lấy cả’ là các Tiểu Bang Maine (4 Ctđ) và Nebraska (5 Ctđ). Tại đây người ta phân chia con số 'cử tri đoàn' theo tỷ lệ số phiếu được bầu.

Như vậy thì trọng tâm của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ là ở cấp tiểu bang chứ không phải là việc kiếm phiếu trên toàn quốc. Vì vậy chúng ta sẽ không nên ngạc nhiên khi thấy một ứng viên thay đổi lập trường để 'mị dân' trong một tiểu bang nào đó. Và cũng không nên ngạc nhiên thấy rằng mỗi khi cuộc tranh cử 'nóng lên' ở môt nơi nào, thì lại nghe các ứng viên tố caó lẫn nhau là 'tráo trở' (flip flop).

Cũng vì cái nguyên tắc 'cử tri đoàn' này mà nhiệt độ cuả cuộc tranh cử có thể nóng lên ở một nơi nhưng lại nguội tanh ở nơi bên cạnh. Thí dụ nhiệt độ sẽ lên rất cao ở Tiểu Bang Nevada (8 Ctd) nhưng sẽ bình lặng 'như không có chuyện gì xảy ra' ở California (55 Ctd).

Sở dĩ như vậy là vì California từng là một tiểu bang 'ăn chắc' cuả đảng Dân Chủ, đã nhiều đời không hề bỏ phiếu tổng thống cho ứng viên Cộng Hoà, cho nên phe Cộng Hoà không muốn phí tiền tranh cử ở đây, và phe Dân Chủ cũng chẳng cần tranh cử làm gì.

Trái lại Nevada là loại tiếu bang 'thiên vị Dân Chủ', có nghiả là đảng Dân Chủ mạnh ở đây nhưng năm nay không chắc ăn vì họ phạm phải nhiều sai lầm và cộng chúng có phần muốn nổi loạn, do đó đảng Cộng Hoà sẽ đổ dồn nỗ lực vào đây để 'hất ghế' Dân Chủ ra, và phe Dân Chủ cũng cố gắng ráo riết để 'giữ ghế'.



Vì những nguyên nhân trên, khi phân tích cuộc bầu cử, người ta chia các tiểu bang ra làm 3 loại:

-Loại ‘ăn chắc’ (Safe, Likely), tức là sẽ bầu cho một đảng. Trên bản đồ, người ta dùng mầu Xanh để chỉ một Tiểu Bang Dân Chủ và Đỏ cho Cộng Hoà.

-Loại ‘thiên vị’ (Leaning), có đa số theo một đảng, nhưng đảng đó đang có vấn đề khó khăn.

-Loại ‘lưng chừng’ (Tossup, Swing State) là những tiểu bang khó đoán vì lực lượng đôi bên cân xứng.

Loại 'lưng chừng' và 'thiên vị' thường được chú ý nhiều hơn vì có sự vận động tranh cử cao độ ở đó, người ta gọi chung là vùng chiến tuyến (Battleground.)

Càng gần ngày bầu cử, con số ‘ăn chắc’ càng tăng và con số ‘thiên vị’ và ‘lưng chừng’ giảm đi. Lúc đó cường độ vận động và tiền bạc đổ dồn vào vùng chiến tuyến nhỏ bé thì rất mãnh liệt.

Lúc này còn sớm, các cơ quan theo dõi bầu cử đều nghĩ rằng vùng giới tuyến bao gồm một số lớn các tiểu bang (13 tiểu bang) là WI, MI, NH, IO, OH, PA, NV, CO, VA, NM, NC, AR, FL.

Tính về 'ăn chắc,' thì phe Dân Chủ (Clinton) đang dẫn đầu với 270 phiếu Ctd, phe Cộng Hoà (Trump) đang thua với 191 phiếu Ctd.