Đức Hồng Y Raymond Burke |
Các nghị phụ Hoa Kỳ tại Thượng Hội Đồng |
Tổng Giám Mục Blaise Cupich |
Đức Cha Thomas John Joseph Paprocki |
Theo Đức Hồng Y, trong Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha Phanxicô không hề thay đổi và không thể thay đổi những giáo huấn về hôn nhân Công Giáo. Ngài nói: “Chìa khóa duy nhất để diễn dịch đúng đắn Amoris Laetitia là giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội là những điều bảo vệ và nuôi dưỡng giáo huấn này.”
Trong Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Thánh Cha viết: “Tôi mời gọi các tín hữu đang sống trong những hoàn cảnh phức tạp hãy tín thác đến nói chuyện với các vị mục tử của mình hoặc với những giáo dân đang sống tận tụy với Chúa. Họ sẽ không luôn luôn tìm thấy nơi những vị ấy một sự khẳng định cách lý tưởng và những ước muốn của mình, nhưng chắc chắn họ sẽ nhận được một ánh sáng giúp họ hiểu rõ hơn điều đang xảy ra và họ có thể khám phá một hành trình trưởng thành bản thân. Và tôi mời các vị mục tử hãy thân ái lắng nghe trong sự thanh thản, với ước muốn chân thành đi vào thảm kịch của con người và hiểu quan điểm của họ, để giúp họ sống tốt đẹp hơn và nhìn nhận chỗ đứng của họ trong Giáo Hội” (AL 312).
Như vậy, rõ ràng là anh chị em tín hữu “đang sống trong những hoàn cảnh phức tạp” cần phải tham vấn “với các vị mục tử của mình hoặc với những giáo dân đang sống tận tụy với Chúa” dưới ánh sáng của Lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội, chứ không phải là tự mình quyết định theo “lương tâm” trước những thực hành và kỷ luật của Giáo Hội như những diễn dịch sai lầm của một số phương tiện truyền thông thế tục.
Trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình, Tổng Giám Mục Blaise Cupich của Chicago đưa ra một chủ trương duy lương tâm. Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng khi người ta lên rước lễ, không một thừa tác viên phân phối Thánh Thể nào có quyền quyết định về sự xứng đáng hay thiếu xứng đáng của người đó. Điều đó tùy thuộc vào lương tâm cá nhân.”
Ngài nói thêm: “Tôi hy vọng rằng những người Công Giáo địa phương nào trước đó đã không dám rước lễ xin hãy đón nhận vào lòng mình thông điệp này của Chúa Giêsu: ‘Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn’, và hãy nhớ rằng Chúa Giêsu chào đón tất cả mọi người vào bàn tiệc mà không đặt ra bất cứ điều kiện nào, thậm chí Ngài đón nhận cả Giuđa.”
Quan điểm cực đoan của Tổng Giám Mục Blaise Cupich không tiêu biểu, thậm chí là trái ngược với quan điểm của các nghị phụ Hoa Kỳ khác tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình. Tuy nhiên, nó phù hợp với nhiều phương tiện truyền thông từ trước đến nay vẫn có ác cảm với giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình nên được “lăng xê” tối đa. Theo cái đà đó, người ta cũng cố diễn dịch sai lạc Tông Huấn Amoris Laetitia theo chiều hướng “duy lương tâm” của Tổng Giám Mục Blaise Cupich.
Bàn về quan điểm cực đoan này của Tổng Giám Mục Chicago, Đức Cha Thomas John Joseph Paprocki, Giám Mục giáo phận Springfield, Illinois viết: “Điều quan trọng là phải thẳng thắn nói rằng” trái với quan điểm của Tổng Giám Mục Cupich cá nhân phải đào luyện lương tâm của họ phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội, chứ không thể nại đến lương tâm để bác bỏ hay chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội.
Ngài nói thêm: “Giáo luật 916 khuyên ‘những ai ý thức mình đang mắc tội trọng’ không được Rước Mình Thánh Chúa”. Bên cạnh đó, giáo luật 915 cũng yêu cầu hàng giáo sĩ không được cho rước lễ “những người bị vạ tuyệt thông và những người bị cấm chế sau khi hình phạt đã được tuyên kết hay tuyên bố, cũng như những người ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường”.
Đức Cha Paprocki nhắc nhở rằng dụ ngôn tiệc cưới là một lời cảnh giác cho những ai rước lễ không xứng đáng:
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!’” (Mt 22: 11-13).
Đức Hồng Y Burke kết thúc những suy tư của ngài bằng cách lưu ý rằng trong suốt sứ vụ linh mục của mình, ngài đã chăm sóc cho một số người Công Giáo sống trong những hoàn cảnh hôn nhân phức tạp. Ngài cho biết: “Mặc dù đau khổ của họ rất tỏ tường với bất kỳ ai có một tâm hồn từ bi, điều tôi thấy rõ ràng hơn bao giờ trong những năm qua đó là dấu chỉ đầu tiên của sự tôn trọng và tình yêu đối với họ là phải nói sự thật với họ trong tình yêu.”