Sau nhiều năm làm ngơ và tìm cách tránh né tới giây phút cuối cùng cho dù đã có sự nhất trí tại Quốc Hội, chính quyền Obama đã bị buộc phải tuyên bố ISIS phạm tội diệt chủng chống lại Kitô Giáo.

Nhắc lại sau những vận động 'không tiền khoáng hậu' cuả các đoàn thể Kitô Giáo ở HK, cách riêng với những chứng cớ rành mạch cuả trên 1100 nạn nhân Kitô Giáo bị sát hại mà hội hiệp sĩ Knights of Columbus đã thu góp được, ngày thứ Hai vừa qua Quốc Hội Hoa Kỳ đã 'nhất trí' tuyên cáo ISIS phạm tội diệt chủng trên các sắc dân Kitô giáo, đạo Yezidis và những tôn giáo thiểu số khác.

Sự 'nhất trí' là hoàn toàn, 393-0, không hề có một phiếu chống.

"Không chỉ là một sự bất công nghiêm trọng đang xảy ra tại Trung Đông cho các tín hữu Kitô giáo, Yezidis, và các thiểu số tôn giáo khác; là những người có quyền được ở quê hương cổ xưa của họ như bất cứ ai khác, nhưng đây là một mối đe dọa đối với chính nền văn minh cuả nhân loại" dân biểu Cộng Hoà Jeff Fortenberry (R-Neb.) tuyên bố như trên. Ông Fortenberry cùng với nữ dân biểu Dân Chủ Anna Eshoo (D-Calif.) đã đệ trình Nghị Quyết lên án ISIS và đã được 200 Dân Biểu và Nghị Sĩ ký tên vào danh sách đỡ đầu.

"Khi một nhóm người man rợ là đám ISIS với cách sống cuả thế kỷ thứ 8 mà lại sở hữu những vũ khí cuả thế kỷ 21, có thể tiêu diệt những nhóm người khác một cách có hệ thống, chỉ đơn giản là vì họ có truyền thống đức tin khác, vi phạm sự riêng tư thiêng liêng của cá nhân, như lương tâm và tự do tôn giáo, thì rõ ràng chúng đang phá hoại toàn bộ hệ thống trật tự quốc tế, các quy tắc của pháp luật, sự tương tác xã hội đúng đắn, và ngay cả nền văn minh, " ông Fortenberry nói.

Nhận biết rằng thời giờ có hạn mà Bộ Ngoại Giao thường sử dụng nhiều mánh khoé để tránh né như đã từng làm trong quá khứ, vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, đã lên tiếng kêu gọi người Công Giáo ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Bộ Ngoại giao ra tuyên bố về ISIS đúng thời hạn.

Mặc dù những áp lực to lớn như thế, một ngày trước hạn kỳ 17 tháng 3, phát ngôn viên bộ ngoại giao HK còn tuyên bố "Tổng trưởng Ngoại Giao cuả chúng tôi cần thêm thời gian."

"Xác định một loại định nghĩa pháp lý như là diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, thì đòi hỏi phải có những phân tích nghiêm ngặt và rất chi tiết," phát ngôn viên Mark Toner nói.

"Ông Tổng Trưởng muốn thực hiện một quyết định căn cứ trên các bằng chứng tốt nhất có thể có được và ông đã yêu cầu cung cấp thêm bằng chứng và thông tin," ông Toner nói.

Phản ứng về lời tuyên bố cuả Bộ Ngoại Giao thì 'tức thời', 'đe doạ' và mạnh mẽ. Phát ngôn viên cuả văn phòng chủ tịch quốc hội cho biết rằng ông chủ tịch Ryan sẽ họp báo vào ngaỳ thứ Năm, ngay khi kỳ hạn chấm dứt, để tuyên bố về những chế tài đối với Bộ Ngoại Giao.

"Tuần trước, đám ISIS đã thảm sát 16 người, trong đó có bốn nữ tu Công Giáo, tại một nhà dưỡng lão ở miền nam Yemen," ông Ryan nói trong một tuyên bố hôm thứ Hai. "Đây là vụ mới nhất trong một chuỗi các vụ tấn công tàn bạo của ISIS chống Kitô giáo và các dân tộc khác. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa muốn gọi đó là diệt chủng theo đúng ý nghiã cuả nó".

"Chúng tôi muốn có nhãn hiệu như thế là để ngăn ngừa những gì xảy ra sẽ không xảy ra nữa, một ai đó phải đứng lên chứ," dân biểu Kevin McCarthy, R-Calif., lãnh đạo khối đa số, tuyên bố.

"Từ bốn tháng nay, quốc hội đã áp lực chính quyền thừa nhận rằng ISIS phạm tội diệt chủng. Và cả bốn tháng, chúng tôi vẫn cứ nghe rằng chính quyền sắp ra một thông báo, (nhưng vẫn chưa hề có)", dân biểu Ed Royce, R-Calif., Chủ tịch Ủy ban ngoại giao cuả Quốc Hội cho biết.

Từ đầu tháng 3, khi được hỏi tại sao có sự chậm trễ như vậy, phát ngôn viên Toà Bạch Cung là Josh Earnest cho biết danh từ diệt chủng "liên quan đến một chi tiết pháp lý rất cụ thể mà, vào thời điểm này, vẫn chưa đạt được."

(Chính quyền Obama không cho biết những 'chi tiết pháp lý cụ thể' là gì, nhưng các hãng tuyền thông thì đều biết rằng việc chính quyền Obama không muốn Kitô Giáo nằm trong danh sách bị diệt chủng ở Trung đông là vì không muốn cái ách goị là 'Jizya' trở thành một nguyên cớ cho định nghiã diệt chủng.

Các nước Hồi Giáo đều có luật bắt buộc những người Kitô Giáo phải trả một số tiền 'bảo vệ' gọi là 'Jizya', số tiền cao hay thấp là tuỳ địa phương, nhưng mục đích chính vẫn là 'bần cùng hoá' những ai không theo đạo Hồi và nhắc nhở họ là những sinh vật 'hạ cấp' cần có sự 'thông cảm' trong xã hội.

Còn chính quyền Obama thì ủng hộ lời giải thích cuả một số học giả Hồi Giáo cho rằng, vì người Kitô hữu ở Trung đông không phải đóng góp những khoản thuế cho Giáo Hội Hồi Giáo, cho nên 'Jizya' là một thứ thuế mà họ đóng góp vào xã hội chung.

Nhưng trên thực tế sự 'đóng góp' này thường là quá đáng, bắt buộc, và những hình phạt liên quan tới nó thì bất nhân.)


Có lẽ vì lo sợ những hậu quả khó khăn cho các ứng viên Dân Chủ trong cuộc bầu cử sắp tới, Chính quyền Obama đã quay 180 độ ngay sau những lời tuyên bố trên.

Ngoại trưởng John Kerry hôm thứ Năm đả xác định rằng nhóm ISIS phạm tội diệt chủng chống lại người Kitô giáo và các dân tộc thiểu số khác ở Iraq và Syria.

Ông cho biết sự xác định mới này không buộc Mỹ phải có thêm hành động bổ sung nào cả.

Ông nói rằng ông "không phải là thẩm phán cũng không phải là công tố viên hay là người trong Bồi Thẩm đoàn," và nói thêm rằng bất kỳ những hành động mới cuả chính quyền chống lại ISIS vẫn phải là kết quả của một cuộc điều tra quốc tế độc lập.

Kerry nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực để thu thập chứng cứ và tài liệu tội ác.

Nói cách khác, lời tuyên bố cuả Kerry chỉ là một lời tuyên bố xuông, không trọng lượng, một con chó chỉ biết suả nhưng không có răng. Tuy công nhận là như thế, ông Kerry cho biết ông hy vọng rằng những nhóm nạn nhân mà ông vừa nêu ra sẽ được an ủi rằng "Hoa Kỳ công nhận và khẳng định bản chất đê hèn của các tội ác chống lại họ."

Các quan chức cuả bộ Ngoại Giao cũng tìm cách 'gỡ mặt' trước những chỉ trích gay gắt khi bộ Ngoại Giao tuyên bố không thể đáp ứng đúng hạn kỳ cuả Quốc Hội. Phát ngôi viên cuả Bộ cho biết chính ông Kerry đã kết thúc cuộc điều tra và đi đến kết luận 3 giờ sau khi thông báo đưa ra và rằng những lời chỉ trích đã không ảnh hưởng đến quyết định của ông.

Dân biểu Jeff Fortenberry, tác giả của nghị quyết, đã khen ngợi quyết định của ông Kerry.

"Hoa Kỳ nay đã lên tiếng một cách rõ ràng và đầy thẩm quyền đạo đức, tôi chân thành hy vọng rằng việc chỉ định diệt chủng sẽ nâng cao ý thức quốc tế, kết thúc vụ bê bối của sự im lặng, và tạo ra các điều kiện tiên quyết cho việc bảo vệ và tái hòa nhập của các cộng đồng tôn giáo cổ đại trở lại đất cuả tổ tiên họ. Những người Kitô hữu, Yezidis, và những người khác vẫn là một phần thiết yếu của tấm thảm nhiều mầu sắc cuả vùng Trung Đông với nhiều đa dạng về tôn giáo và chủng tộc. "

Còn về phần những người Kitô hữu ở Trung Đông? Hy vọng từ nay họ sẽ không bị Bộ Ngoại Giao từ chối xin tị nạn, họ sẽ được Chính quyền Mỹ cho hưởng những quyền lợi giống như những người tị nạn Hồi Giáo và Yezidis đã được hưởng từ 6 năm qua.