14 Dấu chân thương khó của Đức Kitô

Dấu chân 01: Trói lại

“Họ bắt Đức Giêsu rồi điệu đến thượng tế Cai-pha. Các kinh sư và kỳ mục tề tựu sẵn đó...Phi-la-tô thấy đã chẳng được ích gì mà còn thêm náo động, nên lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này." (Mt 26, 57; 27,24) "Ecce homo - Đây là người!" (Ga 19, 5)

Giêsu, một con người, một Thiên Chúa bị bắt, bị trói lại và bị đặt vào vành móng ngựa. Ai là quan tòa xét xử Giêsu? Một bên là thượng tế Cai-pha, người quyền thế trong xã hội Do Thái. Đôi tay ông nằm trọn bộ luật lệ của Mô-sê.

Bên kia là Phi-la-tô, người đại diện cho luật pháp và đế quốc Rô-ma. Ông đang nhúng tay vào chậu nước để rửa. Nhưng tại sao Giêsu lại bị bắt. Giêsu bị buộc vào tội gì? Trong cuộc sống hôm nay, qua những sự kiện và biến cố nào tôi thấy Giêsu đang bị trói và bị xét xử? Đối diện với Giêsu bị trói và đang đứng trước vành móng ngựa, tôi có tâm tình gì đối với Ngài? Tôi muốn nói gì với Ngài và muốn làm gì cho Ngài ?

Dấu chân 02: Điệu đi vác thập giá

»Chính Người vác lấy Thập giá đi ra, đến nơi gọi là cái sọ, tiếng Híp-ri gọi là Golgotha ». (Ga 19, 17 " Điệu Người đi đóng đinh vào Thập giá. (Mt 27, 31 b)

Quân lính đưa thập giá đến và trao cho Giêsu. Giêsu nhận lấy. Một con người của đau khổ đưa hai tay đang dính máu để ôm thập giá, dù anh ta chẳng có tội tình gì. Hai chiếc còng ở phía dưới như muốn xiết chặt Giêsu hơn vào trong thập giá.Phải chăng sự gian ác thắng được sự thật? Phải chăng hận thù đã thế chỗ cho tình yêu? Trong cuộc sống hôm nay, qua những sự kiện và biến cố nào tôi thấy Giêsu vẫn can đảm đưa hai tay đón nhận Thập giá? Ngoài ra, tôi có thấy sự gian ác và hận thù đang chế ngự thế gian này không và như thế nào?

Trước một Giêsu sẵn sàng đón nhận Thập giá và gông cùm, tôi có tâm tình gì với Ngài, muốn nói và muốn làm cho Ngài điều gì?

Còn trước những bất công thì tôi cần có tâm tình và thái độ nào?

Dấu chân 03: Đè nặng

"Người bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng. " (Is 53, 7)

Giêsu kiệt sức nên ngã xuống. Thập giá đã nặng, giờ đây còn nặng hơn nữa. Cây gỗ câm nín thản nhiên đè xuống trên vai của con người đã sức tàn lực kiệt. Nhưng anh ta lại cứ im lặng như sự câm nín của cây gỗ. Và dù ngã xuống, nhưng tay anh ta vẫn không rời cây gỗ kia, như sẵn sàng đón nhận sức nặng thản nhiên đang đè trên mình. Một sự câm nín của bạo tàn, Một sự im lặng của tình yêu. Bao khuôn mặt đang nhìn anh ta: có khuôn mặt tươi vui, há hốc miệng cười; có khuôn mặt buồn thảm não nề... Sức nặng của cây gỗ biểu tượng cho điều gì?

Trong cuộc sống thường ngày tôi có cảm thấy Chúa Giêsu đang bị đè nặng như thế nào? Cụ thể trong chính đời sống của tôi? Nếu tôi là một khuôn mặt đang nhìn Giêsu trong tranh, thì tôi là khuôn mặt nào vậy?

Dấu chân 04 : San sẻ khổ đau

"Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ những điều ấy trong lòng " ( Lc 2, 51)

Một con người đang trên đường ra pháp trường không chỉ bỉ những cặp mắt chế diễu anh, mà anh còn bắt gặp được những khuôn mặt thân yêu. Trong đó có người mẹ yêu quý của anh. Trên tranh có đôi bàn tay và một bàn tay đơn chiếc. Đôi tay của Giêsu vẫn ôm chặt thập giá. Thập giá bây giờ như người bạn đường của Ngài. Còn một bàn tay của người mẹ đang đặt lên một bàn tay của con mình.

Phải chăng Mẹ muốn nói với con mình là Giêsu rằng: Trên mọi nẻo đường đời, dù hạnh phúc hay đau khổ đều có hơi ấm của tình mẹ? Trong thế giới hôm nay tôi còn nhìn thấy được tấm lòng bao la của người mẹ không? Tình mẫu tử có ý nghĩa gì với tôi? Trước sự san sẻ khổ đau của Mẹ với con mình, tôi học được điều gi? Tôi muốn nói với Chúa và Mẹ Maria điếu gì? Tôi muốn làm gì cho Chúa?

Dấu chân 05 : Chia sẻ của người lạ hay của người bạn?

"Lúc đó có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên

là Si-môn, gốc Ky-rê-nê... Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu." (Mc 15, 21)


Hai người đàn ông đang kề vai nhau gánh vác một thanh gỗ nặng. Hai thân thể, hai khuôn mặt áp bên nhau như đang cùng chia sẻ sự nặng nề của thập giá. Bốn bàn tay. Tưởng như tất cả đều bị nát bấy bởi sức nặng. Không, hai bàn tay ôm thập giá như là hiện thân của sức nặng, còn hai bàn tay khác đang quàng lưng nhau biểu lộ tình bạn luôn có nhau trên mọi nẻo đường. Si-môn đang từ nương rẫy về nhà, trên đường ông đã bị ép giúp đỡ một người không quen biết, vác một thập giá không khắc tên mình. Lạ lúc đầu, nhưng khi kề vai vào để chia sẻ với Giêsu, "một người xấu số", thì Si-môn đã cảm thông, đã an ủi và sẵn sàng chia sẻ sức nặng của khổ đau? Hình ảnh Si-môn cùng vác đỡ thập giá với Giêsu có ý nghĩa gì? Phải chăng Giêsu vác thập giá vì tội lỗi của nhân loại, thì con người cũng cần nếm thử sức nặng tội lỗi của chính mình ra sao? Hay Giêsu, một Thiên Chúa cũng cần đến sự cộng tác của con người trong việc cứu rỗi con người khỏi tội lỗi? Trong cuộc sống hôm nay tôi có kinh nghiệm về sự tương trợ không chỉ của bạn bè mà của cả người lạ? Điều đó có ý nghĩa gì với tôi? Nếu tôi là Si-môn thì tôi sẽ có thái độ nào với Giêsu?

Dấu chân 06: Tình yêu phục vụ

"Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy." (Mt 25, 40) "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?" (Mt 25, 39)

Trên đường thương khó, kìa có một phụ nữ can đảm bước ra và trao khăn cho người tử tội, để lau mặt. Một thái độ của tình yêu phục vụ. Người phụ nữ ấy là Vê-rô-ni-ka.

Phải chăng bà Vê-rô-ni-ka đã nhận ra được đàng sau những vết máu trộn với mồ hôi trên khuôn mặt của anh chàng tử tội, là chính khuôn mặt của một Giêsu nhân từ, một thầy thuốc của kẻ bệnh tật, như đã chữa lành cho người đàn bà bị băng huyết nhiều năm trời ? (Mt 9, 20-22)

Trong thế giới này tôi có còn thấy những cử chỉ cao thượng và can đảm như cử chỉ của Vê-rô-ni-ka không? Giêsu vẫn còn cần đến chiếc khăn tay? Trên mặt Giêsu vẫn còn dính máu và mồ hôi vẫn còn đang chảy ròng ròng?

Tôi có chiếc khăn nào cho Giêsu không? Tôi có can đảm bước ra trao khăn cho một người tử tội lau không?

Dấu chân 07: Cùng với mọi người té xuống lần nữa

"Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi thì không thể làm môn đệ tôi được." (Lc 14, 27)

Giêsu ngã xuống lần thứ hai. Sức nặng của cây gỗ giờ đây nặng hơn gấp bội. Dù ngã nhưng đôi cánh tay vẫn quàng về phía sau để giữ chặt thập giá. Nhưng không chỉ một mình Giêsu bị thập giá đè nặng, mà còn có nhiều người đang cùng trên đường vác thập giá với Giêsu cũng té xuống. Họ cũng ôm ghì cây thập giá như vậy. Một nữ tu cũng có mặt trong bức tranh. Đó là Edith Stein một chị dòng kín người Do Thái đã chết trong trại tập trung của phát xít.Cả đời chị đã nghiên cứu và sống với tinh thần thập giá. Cuối cùng chị cũng đã mua được nước trời bằng chính thập giá của khổ đau, của hận thù và tận diệt. Dù ngã vẫn ôm thập giá, phải chăng Giêsu đã căn tính hóa mình với thập giá, với nỗi đau khổ của nhân loại? Phải chăng Giêsu muốn thấu hiểu và muốn cảm thông với thân phận tội lỗi của con người cho đến tận cùng?

Trong thế giới này cũng đã có những người ngã xuống trên đường thập giá như Giêsu. Đó là Edith Stein, là Alfred Delp, là Đức Giám Mục Oscar Arnulfo Romero, là Mục Sư Martin Luther King. Những cuộc té xuống này có ý nghĩa gì đối với tôi? Tôi muốn làm gì cho Giêsu, khi nhìn thấy Giêsu té xuống? Tôi có muốnn té với Giêsu không?

Dấu chân 08: Khóc thương

"Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều người phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các bà mà nói: "Hỡi chị em thành Giêrusalem đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu." (Lc 23, 27-28)

Phụ nữ có một con tim nhạy cảm trước đau khổ. Họ đã phản ứng khi nhìn thấy Giêsu lê lết với thánh giá trên vai. Ai khóc cho Giêsu? Chính là họ. Nhưng Giêsu làm gì để họ khóc cho Ngài? Phải chăng họ tội nghiệp Giêsu để khóc? Phải chăng con tim nhạy cảm của họ không còn có thể kìm giữ được trước một hoàn cảnh đầy đau thương. Nước mắt của cảm thông, của sẻ chia thật là quý.

Nhưng cũng không kém phần quý báu là nước mắt của ăn năn, của hối lỗi. Tại sao Giêsu quay lại và kêu gọi các phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương cho số phận của họ và cho con cháu họ? Ngày hôm nay Giêsu sẽ nói chúng ta khóc thương cho ai? Phải chăng cho Ngài? Tôi phản ứng như thế nào khi nghe lời kêu gọi của Giêsu, là tôi nên khóc thương cho chính mình và cho người thân của mình?

Dấu chân 09: Sức tàn lực kiệt

"Lỗi lầm được đặt lên cổ tôi như cái ách, khiến tôi phải kiệt quệ hao mòn. Người đã trao tôi vào tay chúng, làm cho tôi không thể ngóc đầu lên." (Ac 1, 14)

Giêsu lại té xuống nữa rồi. Nhưng lần này tay Giêsu không còn ôm thập giá như hai lần trước. Ngài nằm đó như người bất tỉnh. Sức đã tàn lực đã kiệt. Cây gỗ đè lên cổ Giêsu, đến nỗi Ngài chẳng ngóc đần lên được nữa. Phía trên là bầu trời ảm đạm u tối. Ánh mặt trời yếu ớt như đang muốn tắt hẳn.

Hình ảnh của Giêsu té xuống bất tỉnh phải chăng nói lên sự bất lực của Ngài, một vị Thiên Chúa, trước sự ác, trước sức nặng của tợi lỗi?

Trong thế giới hôm nay có bao giờ tôi cảm thấy niềm hy vọng đã tắt hẳn. Có bao giờ tôi thấy mặt trời như đã tắt hẳn, sự giữ đã chiếm ngự hoàn toàn thế giới này?

Đối diện với một Giêsu sức đã tàn lực đã kiệt tôi có tâm tình gì và tôi có hành động cụ thể nào đói với Ngài?

Dấu chân 10: Đừng xé ra uổng lắm, hãy bắt thăm!

"Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo sống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: "Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được" (Ga 19, 23-24 a)

Giêsu bị lột quần áo và trở nên trần truồng. Đó là sự bóc lột tận căn. Giờ đây chẳng còn gì để che thân. Tàn ác hơn, khi quần áo của Ngài bị chia năm sẻ bảy. Cái áo đẹp nhất thì vì uổng, nên không xé ra mà để bóc thăm xem ai được.

Sự tàn ác, tham lam của mấy anh lính nói cho thấy điều gì?

Tôi có cảm thấy trong thế giới này vẫn còn những cảnh lột trần truồng để đánh đập, để giết không? Tôi cảm nhận thế nào về những lò ga của phát xít, cảnh tận diệt của Khơ-me đỏ...? Ngoài ra, áo Chúa Giêsu bị che năm sẻ bảy. Tôi thấy trong xã hội và giáo hội vẫn còn những cảnh rạn nứt và chia rẽ không?

Trước một Giêsu trần truồng như vậy tôi muốn làm cái gì cho Ngài?

Dấu chân 11: Ngước nhìn kẻ bị đóng đinh

Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu. (Dcr 12, 10)

Một đám đông người đang ngước nhìn tên tử tội mà họ đã kết án đóng đinh. Nhưng Giêsu bị đóng đinh đâu rồi? Hoạ sĩ Koeder đã đặt chúng ta vào trong vị trí với Giêsu, để với Ngài chúng ta nhìn xuống dưới và bắt gặp bao cặp mắt đang đổ dồn về Ngài. Những khuôn mặt trong đám đông có rất nhiều vẻ. Có người đang buồn thảm, có người vẫn há hốc miệng kêu la với một thái độ thỏa mãn. Có người ôm mặt không dám nhìn. Và phía trên một vị thượng tế Do Thái vẫn ôm trọn bộ luật Mô-sê vào lòng. Còn tên lính vẫn hăng hái thi hành nhiệm vụ của mình. Phía trên bầu trời ảm đạm và tăm tối. Mặt trời như bị che khuất như trong những dịp nhật thực. Một mặt trời được nhuộm đen. Đóng đinh Giêsu, một con người, một Thiên Chúa. Có thể như vậy được chăng? Hơn nữa, đóng đinh vào thập giá là bản án chỉ dành cho những tên tội phạm lớn. Phải chăng Giêsu là một tên tội phạm ? Qua sự kiện nào và biến cố nào trong đời sống thường ngày, tôi thấy Giêsu vẫn được coi là là một tên tội phạm lớn và vẫn bị đóng đinh ? Tôi là ai trong những khuôn mặt trên tranh ? Tôi có thái độ thế nào với một Giêsu bị đóng đinh ?

Dấu chân 12: Đóng cửa màn

»Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng:,, Ê-li, Ê-li, lê-ma-sa-bác-tha-ni,, nghĩa là,, Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?... Và bức màn trướng trong đền thờ bị xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. » (Mt 27, 46 và 51)

,,Không duyên dáng, không oai vệ bắt chúng tôi phải để ý, Không có vẻ gì đáng làm chúng tôi mến chuộng; Ngài bị khinh bỉ, và là đồ phế bỏ của người đời, con người đớn đau và những ốm o xo bại, như một kẻ có gặp chúng tôi thì lo giấu mặt, bị khinh bỉ, và chúng tôi đã chẳng thèm đếm xỉa,, (Is 53, 2b-3) Một tử tội đã bị hành hình đúng nghĩa theo tội trạng. Nhưng Giêsu là một tên tử tội? ngài có tội tình gì? Tiếng kêu của Ngài: Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ con có ý nghĩa gì? Bao nhiêu tiếng kêu than của những con người rơi vào một số phận nghiệt ngã và bất công trong thế giới hôm nay đã vẳng đến tai tôi?

Trước những nạn nhân xấu số, bị bách hại, hành hạ và bị xã hội chà đạp và lìa bỏ. Tôi có thèm đếm xỉa đến họ không? Trước tiếng kêu của Giêsu và trước hình hài tàn tạ của Giêsu tôi nên có thái độ nào?

Dấu chân 13 : Trong lòng mẹ

»Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng. Lòng anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.”(Ga 14, 27)

Mọi sự được hoàn tất. Mọi sự đã được thực hiện cách trọn vẹn. Lúc ban đầu, người con từ lòng mẹ bước ra, mở mắt chào mọi người và chào cuộc đời. Cuối cùng, người con đã trở về trong lòng mẹ, để nhắm mắt, để vĩnh biệt, để an nghỉ và để nhận lại được bình an và hơi ấm của lòng mẹ.

Đôi tay mẹ ôm con vào lòng như đang muốn ru con ngủ, khuôn mặt mẹ như đang hôn người con mình như đang tỏ lộ tình mẫu tử sâu đậm và bao la.

Bên cạnh đóHai cái đầu lâu tượng trưng cho sự chết đang chế ngự. Phải chăng hai đầu lâu đó chính là A-đam và E-v à đối diện với một A-đam và E-và mới?

Trên vai mẹ là một chú bồ câu với một cành ô liu. Phải chăng bồ câu chính là biểu tượng của bình an như trong dịp Lụt Đại Hồng Thủy, đang đưa về một mầm sống mới?

Tôi có cảm thấy trong một thế giới đau thương, bất nhân này vẫn còn có những tia sáng hy vọng? Tia sáng đó là gì đối với tôi? Ngắm nhìn Mẹ Maria và con mình, tôi muốn nói với Giêsu và Mẹ Maria điều gì? Tôi muốn giúp Mẹ làm gì trong lúc này?

Dấu chân 14: Hạt lúa mì rơi vào lòng đất và chết đi

”Thật Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”

(Ga 12, 24)


Chết là đi vào một cuộc sống mới. Chết là nhịp cầu để bước tiếp qua một chặng đường mới đầy hoa thơm. Tấm tranh cuối cùng của 14 dấu chân diễn tả một sự chuyển tiếp. Đó là từ cái chết để bước qua sự sống mới.

Trong một ngôi mồ đen tối kia, lại có một vầng ánh sáng léo lên ở cửa mồ. Vầng ánh sáng đó như tìm cách len lỏi qua kẽ hở của ngôi mồ.

Còn từ chính thi hài của người chết lại cũng tỏa ra một vầng sáng lạ kỳ. Trên đầu là một vầng hào quang của ánh sáng.

Tấm khăn liệm trắng và tỏa sáng như chính khi Giêsu biến hình trước mặt ba môn đệ của Ngài. Hình ảnh của hạt lúa mì rơi vào lòng đất và chết đi và cái chết của Giêsu để lại cho tôi điều gì? Phải chăng Giêsu chết đi thì đời Ngài cũng tận cùng như bao người khác? Có sự chuyển tiếp từ cái chết sang sự sống không? Dựa vào đâu và cậy nhờ vào ai tôi có thể tin tưởng được điều này?

Trong thế giới đầy cạnh tranh này. Đã bao nhiêu sự kiện, bao vụ việc và bao con người đã phải chết đi và rồi không ngóc đầu dậy nổi. Nhưng cũng có những sự kiện và những con người đã chết đi để rồi sau đó sống lại và sống dồi dào hơn. Tôi nghĩ gì về ý nghĩa của sự chết đi?

Trước một Giêsu đang nằm trong mồ tăm tối, nhưng dù vậy ánh sáng vẫn không mất đi. Tôi thấy Giêsu đang muốn nói với tôi điều gì? Tôi cần chết đi như thế nào để được sống lại.

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa". (Phi 2, 6-11)