TẾT BÍNH THÂN : ĐỌC SÁCH NÓI VỀ NĂM CON KHỈ

Cách nay khá lâu, sư huynh Bonaventure Trần Công Lao cho tôi cuốn sách với lời đề tặng mặn mà tình nghĩa: ‘‘Kính tặng Gs Lê Đình Thông với tâm tình quí mến’’. Tấm lòng của tác giả chỉ có thể đền đáp bằng thơ văn. Tôi chờ đến Tết năm nay mới có dịp đền trả.

Tập sách 640 trang có tựa đề : 12 Con vật Biểu Tượng. Tập 2 xuất bản năm 2014 gồm Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo. Trong sáu con giáp, tác giả viết về con khỉ 109 trang :

- Chương I : Họ hàng nhà khỉ

- Chương II : Khỉ trong văn học Việt Nam

- Chương III : Khỉ trong nghệ thuật và văn học

- Chương IV : Hình ảnh khỉ trong tôn giáo.

Chỉ riêng chương I chiếm tới 74 trang, vì họ hàng nhà khỉ đông đúc. Khỉ là động vật linh trưởng (primate), sống trên cây (arboricole), tên la tinh là simius, Tầu gọi là hầu (猴), Ta gọi là con khỉ.

Tác giả chia khỉ làm hai nhóm :

- Khỉ Tân Thế giới (trang 262-280) (les singes du Nouveau Monde), ở Châu Mỹ. Vậy mà khỉ lại mũi tẹt (platyrhiniens), lùn tịt (callithrix pygmaae), có râu mép (tamarins à moustaches) và sói đầu (ouakaris chauves).

- Khỉ Cựu Thế giới (les singes de l’Ancien Monde) mũi lõ. Đấy là tôi dịch thoát mà thôi. Sư huynh Trần Công Lao viết là loại khỉ mũi (nasélis larvatus) : ‘‘chiếc mũi quá lớn và quá nhô ra, giống như chiếc mặt nạ trong ngày hội’’ (tr. 287).

Cựu Thế giới còn có giống khỉ lớn (grand singe) như vượn, đười ươi (pongidés), khỉ đột (gorille). Tuy tác giả không diễn nghĩa, nhưng tôi thiết nghĩ khỉ cựu thế giới đã phát sinh giống khỉ Bắc Bộ Phủ, bắt chước Karl Marx, đề cao lao động trong việc biến đổi từ khỉ ra người (le rôle de travail dans la transformation du singe en homme), tự coi mình là con cháu Tôn Ngộ Không (l’homme descend du singe).

Chương II, sư huynh Trần Công Lao chuyển qua viết về ‘‘Khỉ trong văn học Việt Nam’’. Truyện cổ tích của dân tộc Dán Dìu sống ở Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang : Bản làng nọ có cô thôn nữ nghèo rớt mồng tơi, bị xóm làng khinh rẻ. Cô buồn tủi, ngồi khóc bên bờ giếng. Tiên Ông, râu tóc bạc phơ, hiện ra hỏi han sự tình. Nghe cô gái kể tình cảnh của mình, Tiên Ông bèn bảo cô gái lấy tầu lá chuối xé thành sợi, quấn quanh người, rồi lội qua ao làng. Cô gái làm theo, liền xúng xính trong bộ xiêm y lộng lẫy, sắc đẹp không ai sánh bằng. Về bản làng, bà con xúm lại hỏi han, cô gái bèn thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Mấy cô gái đa sự ra bờ giếng, giả bộ khóc lóc thảm thương. Tiên Ông hiện ra, cũng bày cách mặc áo chuối, lội qua ao. Các cô gái làm theo, biến thành bầy khỉ đột. Tuy thầy Trần Công Lao không nói gì thêm, nhưng tôi đoán mấy cô gái này là thủy tổ của khỉ đột cựu thế giới.

Sư huynh kể câu chuyện xảy ra ở Phúc Kiến, bên Tầu. Có người thợ săn, bắn chết con vượn mẹ, vượn con sợ hãi trốn chạy. Thợ săn muốn bắt vượn con liền đánh xác mẹ. Vượn con thấy vậy, chạy lại bên mẹ, bị thợ săn bắt sống. Từ khi bị bắt, lúc nào vượn con cũng khóc lóc thảm thương bên xác mẹ, đến khi kiệt sức chết theo. Tác giả chép lại lời bàn trong sách Cổ Học Tinh Hoa : ‘‘Vượn mẹ đến chết vẫn còn thương con.’’ Thực ra, cả hai mẹ con nhà vượn, sống chết có nhau.

Tác giả còn nói đến khỉ trong tục ngữ ca dao. Nào là khỉ cùi, khỉ khô, khỉ mốc, khỉ gió (tr. 326). Tục ngữ ta có câu : khỉ ngồi bàn độc, rung cây nhát khỉ, khỉ ho cò gáy, giết gà dọa khỉ, làm trò khỉ. Ngoài ra là câu thơ :

Trời sinh con khỉ ở lùm

Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông

hoặc :

Khỉ bồng con lên non kiếm trái

Cảm thương nàng phận gái mồ côi

Ngoài ra, còn mấy câu nữa như : mặt nhăn như khỉ, nuôi ong tay áo, nuôi khỉ dòm nhà, khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo

Ngôn ngữ tiếng Pháp cũng gán cho họ hàng nhà khỉ toàn là tiếng xấu như láu cá (être malin comme un signe), làm trò khỉ (faire le singe), ăn quỵt chơi lường (payer en monnaie de singe).

Sư huynh Trần Công Lao, dòng Frères Maristes, còn thuật Bạch viên truyện, có từ thế kỷ XVII, gồm 150 bài thơ Đường luật (thất ngôn bát cú). Truyện kể rằng có nàng tiên bị đầy xuống hạ giới làm con vượn. Vài năm sau hết hạn đi đầy, Bạch Viên hóa thành thiếu nữ đẹp tuyệt trần. Có người thư sinh tên là Tôn Các thi hỏng, bị lạc đường ; Bạch Thị dẫn vào quán trọ. Sau đó, hai người nên duyên vợ chồng, sinh được hai người con. Một hôm, có người bạn cũ là Nhan Văn, trao cho Tôn Sinh thanh gươm quý để thử xem Bạch Thị có phải là quỷ ma không. Bạch Thị thấy vậy bỏ nhà đi, sau biết chồng con thương nhớ lại quay về. Ít lâu sau, Tôn Sinh trẩy kinh thi Hội. Còn Bạch Thị hết hạn ở trần gian phải về cõi tiên. Tôn Sinh thi đậu Tiến sĩ, làm bài thơ thương nhớ vợ :

Bóng nguyệt từ phen khuất đóa mây

Lòng chung sao nặng một riêng tây

Thành sầu muôn trượng xây nên đợt

Bể thắm ba đông chất chứa đầy

Nửa gói mơ màng tin điệp rú

Năm canh mong mỏi sứ hồng bay

Xôn xao đến quế khi xum họp

Có thấu tình chăng nỗi đắng cay ?

(Bạch Vân, bài 135)

Ngoài việc nhắc lại tích xưa, tác giả còn trích dẫn thơ Tú Xương (cuối thế kỷ XIX, đầu XX) : nhà thơ Vị Xuyên thi mãi cũng chỉ đậu được Tú Tài, có câu thơ cám cảnh :

Cử nhân thằng Ấm Kỷ

Tú tài con Đô Mỹ

Học thế cũng đòi thi

Ôi khỉ ôi là khỉ !

Trong lãnh vực âm nhạc, sư huynh Trần Công Lao có cộng sưu tầm Lý Khỉ Đột :

Ngó ngó lên chót vót

Bân rồi lại cầy bân

Có cái con khỉ đột

Nó ăn nó ăn trái bần

Bân rồi lại cầy bân

Ngó ngó lên chót vót

Bân rồi lại cầy bân

Có cái con khỉ đột

Nó ăn nó ăn trái bần

Bân rồi lại cầy bân

Tang tích tịch tình tang.

Cả ba miền đất nước đều có điệu lý : miền Bắc có lý con sáo, miền Trung có lý mười thương, miền Nam có lý quạ kêu. Nhiều con vật trở thành đề tài cho điệu dân ca này, như lý con chuột, lý con mèo. Lý chủ yếu là tiếng láy đưa hơi, nên có nhiều điệp tự.

Mới đầu năm, thiết tưởng không nên nói toàn chuyện con khỉ. Có kiêng cữ có hơn. Vì vậy tôi mới viết thêm lời bạt để biện hộ cho con khỉ. Nhân vô thập toàn . Hầu (con khỉ) cũng vô thập toàn.

Khỉ có tinh thần thượng võ. Trong sách Thượng thư, Ích Tắc nhắc lại múa khỉ vượn. Sách Hán thư còn nói đến mộc hầu vũ. Sách Kỷ hiệu Tân thư nói đến hầu quyền, có nghĩa là môn võ khỉ.

Sách Luận ngữ soạn năm 479 tr. CN thuật lại lời dạy của Đức Khổng Tử :

Phi lễ vật thị

Phi lễ vật thính

Phi lễ vật ngôn

Phi lễ vật động

非礼勿视

非礼勿听

非礼勿言

非礼勿动

(không phải là điều lễ nghĩa thì chớ có nhìn, chớ nghe, chớ nói, chớ làm điều quấy)

Vào thế kỷ thứ VI, Thiên thai tông (天台宗) dựa vào Diệu pháp Liên hoa (妙法蓮華經), đổi chữ ‘‘vật’’ (勿 : chớ) thành ‘‘bất’’ ( 不: không), đổi chữ ‘‘thính’’ (聽 : nghe ) thành chữ văn (言 : nghe), đưa ra tam bất (ba chữ không) : bất kiến (不见) ; bất văn 不闻 ; bất ngôn (不言). Phật giáo Nhật Bản chịu ảnh hường của Thiên thai tông viết là Mizaru (見猿) không thấy ; Kikazaru (聞か猿) : không nghe ; Iwazaru (言わ猿) : không nói. Zaru có nghĩa là con khỉ. Ngày nay, đền thờ Nikko bên Nhật có bức tượng ba con khỉ.

Thánh Cam Địa (Gandhi) mượn hình tượng ba con khỉ, đưa ra chủ trương bất bạo động.

Như vậy, ngoài tính xấu, khỉ cũng có nhiều tính tốt. Ngày xưa, Lưu Linh (劉伶) soạn ra bài Tửu đức tụng (酒德訟). Tôi mạn phép soạn bài Hầu Đức Tụng, chỉ bàn đến các tính tốt của khỉ :

Hầu Đức Tụng

猴 德 訟

Ngoài tính xấu khỉ còn tính tốt

Năm Bính Thân khỉ đột tâm tình :

Khỉ không ích kỷ một mình

Mà cùng kết hợp bóng hình chung vui

Con khỉ mẹ lui cui nuôi nấng

Lo cho con bắt rận sạch trơn

Thương con lòng mẹ chẳng sờn

Nâng niu sớm tối khóc hờn xót con

Khỉ còn biết lo tròn bổn phận

Mấy chục con phấn chấn bước theo

Không nghe một tiếng eo xèo

Khỉ con nhảy nhót leo trèo non xanh

Nhanh hơn cao tít trên cành 1

Khỉ luôn cảnh giác tinh anh sớm chiều

Bịt tai không muốn nói liều

Xem ra đức độ mỹ miều hơn ai.

1 Citus (nhanh hơn). Altius (cao hơn).

Fortius (mạnh hơn)

Paris, Tết Bính Thân (2016)

Lê Đình Thông