Thiện và Ác trong phim “The Passion of Christ”

Câu chuyện trong phim “Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Kitô” không có gì mới mẻ đối với người Kitô hữu. Người giáo hữu Công Giáo dù không đọc Thánh Kinh thường xuyên cũng biết nằm lòng đoạn Phúc Âm nói về sự thương khó của Chúa Giêsu, vì năm nào cũng được nghe trong Tuần Thánh. Ai cũng biết đó là một bài đọc dài nhất trong năm, nhưng cuốn phim trình diễn lại các chi tiết của bài đọc ấy còn dài hơn nhiều, vậy mà người ta có thể chăm chú theo dõi từng chi tiết trong suốt 2 tiếng đồng hộ. Có lẽ khi theo dõi sự diễn đạt sống động trong phim, tôi đã có những cảm nhận mạnh mẽ hơn nhiều so với bao nhiều lần nghe hoặc đoạn Phúc Âm này. Lạ một điều, mỗi khi nghe bài đọc về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong Tuần Thánh, tôi bị lôi cuốn hoàn toàn vào sự đau khổ của Chúa, vậy mà khi coi cuốn phim tôi không chú ý nhiều vào những đòn vọt dã man trên thân thể của Chúa, nhưng chú tâm nhiều hơn vào đám đông và vào từng nhân vật có liên quan đến cái chết của Chúa.

Ðối với tôi, cuốn phim rất thành công trong việc trình bày về những khổ hình mà Chúa Giêsu phải chịu, nhưng còn thành công nhiều hơn trong việc lột trần bản chất Thiện và Ác của loài người qua sự diễn đạt sống động của các diễn viên nhà nghề, khiến tôi nhận thấy phần nào con người và đời sống của mình được phản ảnh qua tính chất của Thiện và Ác được trình bày trong phim.

Phe Ác và sự mù quáng

Phe Ác trong phim dĩ nhiên là đông đảo hơn phe Thiện., và sự Ác cũng được trình bày nhiều hơn trong suốt cuốn phim. Nhận xét của tôi là sự Ác có vẻ như đi liền với sự mù quáng và u tối.

Một Giuđa rất mù quáng trong những suy nghĩ về Thày của mình. Có lẽ sống bên cạnh Chúa Giêsu và biết rõ về quyền nằng của Ngài qua những phép lạ Ngài đã làm, nên ông tưởng rằng Thầy mình sẽ ra tay một cách rất ngoạn mục trước sự kinh ngạc của các vị trưởng lão, của quan quân La Mã, và của toàn dân Do Thái. Biết đâu ông chẳng tưởng rằng vinh quang của cả Thày lẫn trò đã đến ngày được tỏ lộ. Có thể vì quá hăm hở nên Giuda trở thành mù quáng, không còn khả năng hiểu hoặc nhớ những lời các tiên tri và chính Ðức Giêsu đã nói về cái chết của Ngàì. Khi nhận ra sự hậu quả của việc mình đã làm, ông vẫn không ra khỏi được sự mù quáng và đã đi thắt cổ.

Rồi đến sự mù quáng của đám đông điên cuồng khi đòi giết một người mà chính mình không cảm thấy thù hận chi. Ðám lính La Mã hành tội Chúa Giêsu một cách đầy thú tính, và chỉ có kẻ u mê mới hăm hở trình bày phần thấp kém của con người rất gần với con vật như thế. Cùng coi phim với tôi là một người bạn được sinh ra và lớn lên trong thế giới Cộng Sản vô thần, và khi ra về chị đã phải than rằng đám đông giết Chúa Giêsu là những "con vật đội lốt người nên chỉ có thú tính chứ không có nhân tính".

Tất cả đều do các vị kỳ lão Do Thái đã khởi xướng chuyện bắt bớ Ðức Giêsu và đưa đến hành động điền cuồng dã man đầy thú tính của đám đông, và phải chăng điều này khiến người Do Thái không có cảm tình với cuốn phim được trình chiếu như một bằng chứng rằng tổ tiên của họ đã tạo một biến cố mang đầy tính chất dã man ở mức độ thấp kém nhất của loài người. Phải chăng vì thế mà họ cứ khổ sở cho rằng cuốn phim này bài Do Thái ?

Tất cả những điều trên cho thấy khi con người bị lôi cuốn vào một điều gì thuộc về thế gian này, như tiền bạc, quyền hành, danh vọng, thú vui… thì sẽ để hết tâm hồn vào những thứ hấp dẫn đó và trở thành mù quáng, mê muội đối với những giá trị khác. Và sự mê muội khiến con người hành động theo bản năng chứ không suy nghĩ, và có thể trở thành dữ dằn, độc ác, điên cuồng, thác loạn… Những hành động như thế đưa đến huỷ diệt, và là hành động của sự Ác. Trong suốt bấy nhiêu giờ khổ nạn, Chúa Giêsu đã xót thương cho sự u tối của loài người, nên Ngài đã phải nói với Chúa Cha xin đừng chấp sự Ác của những kẻ giết mình, mà hãy xót thương cho sự tối tăm và mù quáng của họ.

Phe Thiện và sự sợ hãị

Trong phim này tôi thấy cái trở ngại của phe Thiện là sợ hãị Phêrô thì khỏi nói rồi, ông là người đầy thành tâm, thiện ý, nhưng vốn chết nhát. Có lẽ ông cũng thuộc mẫu người dễ bị cảm xúc của mình chi phối Trong Phúc Âm có nhiều đoạn Phêrô bày tỏ nỗi sợ sệt của mình, cũng như nhiều lúc ông thành thật, nghĩ sao nói vậỵ. Chúa Giêsu vốn biết rõ tính ông nên nói trước cho ông biết rằng ông sẽ chối Ngài. Và quả thật Phêrô đã không chủ tâm nhưng vì quá sợ hãi nên ông chối bay chối biến rằng ông không biết Giêsu là aị Các môn đệ khác cũng vì sợ hãi mà đã bỏ Thầy của mình để chạy thoát thân. Ðã là con người với bản năng sinh tồn sẵn có, tự nhiên là ai cũng tìm cách trốn chạy những đau đớn và cái chết. Nhân tính trong con người của chính Chúa Giêsu cũng đã khiến Người run sợ khi những đớn đau và cái chết của mình gần kề.

Simon, người vác đỡ Thánh Giá cho Chúa cũng quá sợ hãi lúc đầu nên một mực từ chối không muốn vác. Ðặc biệt là vợ chồng Philato bị giằng co giữa Thiện và Ác. Tuy bà vợ có thiện tâm và cả Philato cũng không nỡ giết Chúa Giêsu, nhưng lại sợ ngôi vị của mình bị lung lay, nên cuối cùng sự Thiện nơi vợ chồng ông đã bị sự Ác đẩy lui.

Phe Thiện còn lại Mẹ Maria, Magdalena, và Gioan. Lúc đầu Mẹ Maria có vẻ đau đớn lắm khi chứng kiến cảnh con bị hành hình, nhưng sau đó Mẹ đã lộ vẻ can đảm phi thường để chấp nhận tình huống mỗi lúc một bi đát hơn. Mẹ đã vô cùng đớn đau nhưng vẫn can đảm chứng kiến thân thể con mỗi lúc mỗi tan nát thê thảm hơn. Thú thật, vì từng có con và làm mẹ, tôi đã không thể không đặt mình vào hoàn cảnh của Mẹ Maria. Khi nhìn những ngọn roi làm toé máu thân thể Chúa, tôi còn cắn răng chịu được, nhưng hễ trông thấy khuôn mặt mẹ Maria là tôi không cầm được nước mắt. Tôi nghĩ điểm tuyệt vời của Mẹ Maria, của Magdalena và Gioan, là cả 3 đã hoàn toàn kết hợp vào Chúa Giêsu và sự đau khổ của Chúa Giêsu. Cả ba đã để cho tâm hồn cùng tan nát với thân thể của người mình yêu thương, và cả 3 đã trở nên can đảm phi thường trong suốt cuộc hành hình và tử nạn của Chúa. Ngay cả Simon sau một lúc vừa vác đỡ Thánh Giá cho Chúa, vừa xốc thân thể nát bấy của Ngài trên vai mình, cũng đã hoà mình vào với những đớn đau của Chúa, và ông đã trở nên can đảm lạ thường. Simon đã can đảm yêu cầu đám lính phải ngưng đánh Chúa, không thôi ông sẽ không tiếp tục vác Thánh Giá nữa, và cuối cùng ông đã không muốn rời Chúa khi Ngài sắp bị đóng đinh vào thập giá.

Có thể nói sợ hãi và Ðức Tin tỉ lệ nghịch với nhau. Nỗi sợ hãi càng lớn càng cho thấy một Ðức Tin còn yếu kém, như Chúa Giêsu đã nhận xét về Ðức Tin của Phêrô khi Ngài bảo ông cứ đi trên nước nhưng và ông đã hoảng sợ khi thấy gió và đã suýt bị chìm. Ngược lại, một Ðức Tin vững mạnh sẽ xua đuổi được sợ hãi và giúp ta can đảm đương đầu với mọi khó khăn, đau khổ trước mặt. Tình Yêu cũng giúp con người vượt qua được sợ hãi để can đảm chia sẻ những khó khăn đau khổ của người khác, như Tình Yêu của Mẹ Maria, Magdalena, Gioan, Simon, Veronica đã được thể hiện trong phim.

Cuộc chiến giữa Thiện và Ác.

Từ đầu đến cuối phim xem ra sự Ác hoàn toàn làm chủ tình thế để tiêu diệt sự Thiện. Tuy không thấy nói đến trong Thánh Kinh, nhưng đạo diễn Mel Gibson đã cho Satan có mặt trong suốt cuộc chiến để trợ lực cho sự Ác. Satan đi lướt qua từng người trong đám lính đang hành hạ Chúa, để thúc đẩy họ hành động theo thú tính một cách ngu ngốc, và trước đó Satan cũng có mặt trong cơn sợ hãi của Chuá Giêsu trên núi Cây Dầu để làm cho Ngài bị lung lạc. Từ đầu đến cuối phim, Giêsu trong thân phận con người đã hoàn toàn bất lực và mạng sống của Ngài nằm trong tay các kỳ lão, trong tay Philato dưới áp lực của đám đông điên cuồng. Ðám đông thắng thế, uy tín của các vị kỳ lão đã thắng thế, quyền lực của Philato được thi hành, và Giêsu không thoát được những cực hình và sự chết đang chờ mình. Phe Ác càng lúc càng thắng và phe Thiện gần như bị tiêu diệt hẳn.

Nhưng ngay giữa lúc mạng sống của Ngài như hoàn toàn nằm trong tay kẻ khác, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng mọi sự đang nằm trong tay của Chúa Cha chứ không hề nằm trong tay Philato, mặc dù ông này có quyền tuyên án tử cho Ngài: "Ông không có quyền gì đối với tôi, nếu Cha Tôi chẳng ban cho ông" (Gioan 19:11). Và cuối cùng thì sự Thiện đã thắng sự Ác và Satan trở thành bất lực. Chúa Giêsu đã toàn thắng và chường trình Cứu Ðộ của Ngài đã hoàn thành.

Ảnh hưởng của cuốn phim đối với con người và đời sống của tôi.

Như đã nói ở đầu bài viết này, bao nhiêu lần nghe đoạn Phúc Âm về sự thương khó của Chúa Giêsu được đọc trong Tuần Thánh mỗi năm, tôi đều bị lôi cuốn vào những đau khổ của Chúa, nhưng khi coi phim tôi đã ghi nhận nhiều hơn về bản chất Thiện và Ác của loài người qua sự diễn đạt sống động của các diễn viên nhà nghề. Tôi nghĩ rằng Thiện và Ác luôn có mặt trong cuộc sống của mỗi người Có thể tôi không muốn Ác, nhưng nếu không cố gắng đi tìm Ánh Sáng của Chân Lý, thì sự u tối và ngu muội sẽ dễ dàng khiến tôi làm sự Ác mà không biết. Dĩ nhiên tôi không thể hành hạ và tiêu diệt thân xác của người khác, như đám đông và quân lính đã hành hình và giết chết Chúa Giêsu, nhưng rất có thể tôi đã cố tình hoặc vô ý hành hạ và hủy diệt tâm hồn của người khác bằng lời nói và thái độ của mình. Và cho dù tôi muốn sống theo điều Thiện, nhưng luôn bị cản trở vì những sợ hãi mà con người ai cũng có. Chắc chắc nhiều khi tôi cũng bị giằng co giữa Thiện và Ác như Philato hay Simon.

Cuốn phim cũng giúp tôi khám phá được hai điều căn bản rất cần thiết trong cuộc sống. Thứ nhất, là đối với những người đang sống ở những nơi mà sự giết chóc xảy ra như cơm bữa, tuy mạng sống con người có vẻ như nằm trong tay kẻ khác, nhưng tôi tin rằng mạng sống của mỗi người thật sự chỉ nằm trong tay Thiên Chúa mà thôi. Riêng đối với những người như tôi hiện đang sống ở Mỹ hoặc một quốc gia tương đối an toàn hơn nhiều nới khác trên thế giới, thì miếng cơm manh áo của chúng ta như nằm trong tay kẻ khác, nhất là trong tình trạng kinh tế của nước Mỹ hiện nay, cũng như hiện tượng hoàn cầu hoá chưa biết sẽ đưa con người về đâu. Vì khi có việc thì còn có nhà có xe, có cơm có áo, nhưng bị thất nghiệp hoặc tìm mãi chưa có việc, là thấy viễn ảnh "vô gia cư" (homeless) ngay trước mắt thôi. Dù sao, tôi tin rằng thấy vậy mà không phải vậy, vì cuộc sống của mỗi người nằm trong quyền hạn của Thiên Chúa chứ không một ai khác. Và bất cứ sự gì xảy đến cho cuộc đời của tôi, của bạn, kể cả sự chết của chúng ta, cũng nằm trong chương trình của Chúa. Tuy chúng ta không biết trước được, và không hiểu được khi sự việc xảy ra, nhưng khi mọi sự qua rồi ta mới thấy được việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa.

Thứ hai, là sự kết hợp với Chúa Giêsu qua Phép Thánh Thể sẽ giúp tôi được thêm can đảm hơn trong cuộc sống, như Mẹ Maria, Magdalena, Gioan và Simon đã hoà mình vào sự thương khó của Chúa mà trở nên can đảm lạ thường. Ðể tôi có thể vượt qua những khó khăn, đau khổ trong cuộc sống của chính mình, và sẵn sàng chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ những người khác đang trải qua những đau khổ vượt quá sức con người. Cũng vì thế mà tôi ước ao cho nhiều người khác biết Chúa, biết đến Tình Yêu của Ngài để cuối cùng sự Thiện sẽ chiến thắng sự Ác đang hoành hành trong cuộc sống vốn đầy dẫy khổ đau của nhân loạị

Tóm lại, cuốn phim với nhiều hình ảnh sống động đã trình bày rất rõ nhiều sự thật về cuôc đời, về bản chất của con người, về Tình Yêu của Thiên Chúa và sự thương xót, thứ tha của Ngài đối với những u mê, tăm tối và yếu hèn của nhân loại. Trong cuộc sống đầy khó khăn và bấp bênh của mình, những cảm nghiệm có được từ cuốn phim đã giúp tôi thêm can đảm hơn, giúp tôi biết phó thác cuộc sống của mình hoàn toàn trong tay Chúa, và nhất là đã giúp cho Ðức Tin của tôi trở nên mạnh mẽ hơn. Quả thật. bằng hình ảnh sống động, cuốn phim đã đem lại cho tôi một xác tín mạnh mẽ, đó là Ðức Tin đã được để lại cho những Kitô hữu như tôi, như bạn bằng một giá rất đắt: Chúa Giêsu đã trả cho mỗi người chúng ta bằng chính Máu của Người!