Tòa Bạch Ốc ra tuyên bố trên, đồng thời giải thích, thế giới đang bớt dần những ý kiến phản đối hành động quân sự chống Iraq. Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo cho rằng Tổng thống Saddam Hussein lẽ ra không được phép ngăn chặn thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc trở lại.

Các quan chức Pháp, Tây Ban Nha, Ðan Mạch và Hà Lan đã thẳng thừng lên án nhà lãnh đạo Baghdad. Một số đồng minh của Mỹ còn tuyên bố không loại trừ hành động quân sự đối với Iraq, nếu Tổng thống George W. Bush đưa vấn đề đó ra Liên Hợp Quốc.

TT Bush dự định sẽ hối thúc Liên Hợp Quốc yêu cầu ông Saddam Hussein mở cửa các địa điểm sản xuất vũ khí cho thanh sát tự do, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Theo chương trình, trong bài phát biểu tại Ðại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày mai 12/9, Tổng thống Bush sẽ không đưa ra hạn chót hay giải thích các hệ quả của hành động quân sự, mà chỉ tuyên bố rõ chiến tranh sẽ xảy ra nếu Iraq không tuân theo các yêu cầu.

Giới chức Tòa Bạch Ốc cho rằng, bình luận của các nhà lãnh đạo thế giới trong những ngày gần đây cho thấy cuộc tranh luận đã chuyển từ việc liệu Mỹ có nên đối đầu với Iraq không sang vấn đề nên thực hiện như thế nào.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan cảnh báo, các nhà lãnh đạo thế giới phải suy nghĩ chín chắn về hậu quả nếu chiến tranh chống Iraq xảy ra. Theo ông, ngoại giao vẫn có thể phát huy vai trò trong vấn đề này và đã đến lúc Hội đồng Bảo an lên tiếng nói. (AP, BBC)