Ngôi nhà thờ đầu tiên và hành trình 60 năm truyền giáo trên miền Khánh Vĩnh

Chuyến xe Đà Lạt - Nha Trang xuất bến đúng 6g00 đưa hành khách từ cao nguyên về với cát trắng biển xanh. Tôi nói với tài xế: “Anh nhớ cho em xuống đúng nhà thờ Khánh Vĩnh nha !”. Anh tài cười: “Yên tâm đi em, suốt lộ trình dài 120km từ Đà Lạt đến Nha Trang, xuyên qua huyện Khánh Vĩnh chỉ có duy nhất một ngôi nhà thờ thôi thì làm sao nhầm được”. Bác gái ngồi bên tôi ngạc nhiên: “Khánh Vĩnh có nhà thờ rồi sao! Tạ ơn Chúa sau nhiều năm mong đợi”.

Xem Hình

Xe vào địa phận tỉnh Khánh Hòa, đường quanh quanh khúc khuỷu đèo này nối tiếp đèo khác giữa màu xanh cây rừng. Thỉnh thoảng bên đường có làng người dân tộc ở. Khi đến cột mốc cách Nha Trang 35km thì nhà thờ Khánh Vĩnh thanh thoát hiện ra. Ama Quý đón tôi ngay tại cổng với nụ cười tỏa nắng (người Raglai gọi cha là ama, gọi mẹ là away).

Cha Giuse Nguyễn Xuân Quý, dòng Phanxicô - Ama Quý theo tiếng dân tộc - cha xứ tiên khởi, dắt tôi đi thăm các hạng mục nhà thờ đang trong giai đoạn cuối để kịp khánh thành và cung hiến vào ngày 14 tháng 12 sắp tới, cùng với việc làm phép tượng đài và đền thánh Mẹ Nhân Lành, nơi sẽ là trung tâm hành hương của giáo phận Nha Trang. Nhà thờ Khánh Vĩnh mang dáng dấp một “nhà rông cách điệu” nổi bật trên màu xanh của núi đồi chập chùng. Trong quần thể công trình gồm nhà thờ ở trung tâm còn có nhà xứ, nhà sinh hoạt, và nhà cộng đoàn của các nữ tu Khiết Tâm Đức Mẹ, cộng đoàn Anh Em Dòng Thánh Phanxicô nằm bên phải.

Bên ly nước mía ngọt lịm của quán lá đối diện nhà thờ, cha Quý đã kể cho tôi nghe về hành trình dài 60 năm các tu sĩ áo nâu truyền giáo cho bà con dân tộc tại Khánh Vĩnh do chính các Đức Giám Mục Nha Trang giao phó.

Giai đoạn truyền giáo khởi sắc

Khánh Vĩnh là huyện miền núi và bán sơn địa nằm ở cực Tây tỉnh Khánh Hòa, diện tích 1.165 km² với dân số là 36.024 người gồm 15 dân tộc thiểu số cùng chung sống (thống kê của huyện năm 2014). Người dân đa phần sinh sống bằng nương rẫy như cây lương thực lúa, ngô; cây công nghiệp như mía, khoai mì, cây keo nguyên liệu giấy. Một số ít thì chăn nuôi bò, lợn và gia cầm.

Ngay trước khi giáo phận Nha Trang được thành lập (1957), với nhiệt tâm truyền giáo, các cha xứ Hà Dừa - Đồng Hộ - Đồng Dài đã có những tiếp xúc đầu tiên với nhóm anh em Raglai trong vùng. Thời gian cố Donatien Béliard Phước làm quản xứ Đồng Dài - Đất Sét, ngài đã có những liên lạc mật thiết hơn qua những chăm sóc thuốc men và đầu tư cung cấp trâu bò giúp đồng bào dân tộc vùng Bến Khế nhằm phát triển đời sống. Ngày 05.7.1957, giáo phận Nha Trang được chính thức thành lập, với Đức Cha tiên khởi Marcel Piquet Lợi (MEP), công cuộc truyền giáo cho anh em dân tộc càng được chú trọng hơn.

Năm 1958, linh mục Corentin Savary (dòng Thánh Phanxicô hiện còn sống tại Pháp) cùng một viên chức người Pháp thực hiện một chuyến đi dọc theo sông Cái đến thượng nguồn vùng Sơn Thái ngày nay. Tại đây, họ bắt gặp nhiều sắc tộc sinh sống, phần đông dân làng là người Raglai và K’hor (và một ít người Tring, Chu Ru và Rhade), từ đó nảy sinh sứ vụ đến với các dân tộc thiểu số thuộc vùng Tây Bắc Khánh Hòa (nay là huyện Khánh Vĩnh). Sứ vụ này đã được Đức Cha Marcel Piquet Lợi và Hội dòng Phanxicô chuẩn nhận trong văn thư chính thức ký ngày 16.2.1960, ủy thác công cuộc truyền giáo cho anh em sắc tộc vùng Khánh Vĩnh, Ba Ngòi và Khánh Dương trong giáo phận Nha Trang cho dòng Thánh Phanxicô.

Từ đây, khắp vùng núi đồi Khánh Vĩnh ít nhiều đều in dấu chân của các tu sĩ mang màu áo nâu, màu của đất mẹ. Được giáo phận và chính quyền hỗ trợ, cùng với một số anh em tu sĩ trong dòng, cha Corentin đã dấn thân thực sự đến với bà con dân tộc. Dân bản địa Raglai thuộc nhóm Malayô – Ponilêdiên, sinh sống bằng nương rẫy và săn bắn. Họ theo chế độ mẫu hệ, tin có Thượng Đế, cùng nhiều thần trong vũ trụ. Tháng 10.1959, một phòng học nhỏ được xây cất tại Gia Lê. Thời gian 1960-1965, chiến tranh bùng phát, một số đông gia đình được dời về Phước Lương nằm trên tỉnh lộ gần nhà thờ Đồng Dài. Sau bao cố gắng giới thiệu Chúa cho anh em sắc tộc, năm 1962 niềm vui tràn đầy đến với các tu sĩ Phanxicô với hoa trái dâng Chúa, người đầu tiên được rửa tội là Maria Ha Hiên, tiếp đến là hai gia đình của Ma Yên và A Giá.

Một nhà nguyện nhỏ được dựng lên tại Phước Lương, Diên Phước. Tiếp đó, 12 gia đình được được rửa tội tại Suối Dầu và một nhà nguyện nhỏ cũng được dựng nên tại vùng này. Đồng thời với việc truyền giáo, cha Corentin cùng anh em Phanxicô còn lập trạm xá, xây dựng đội ngũ giáo lý viên người dân tộc, dạy chữ Raglay, dạy cách chăn nuôi và trồng trọt, dạy chăm sóc con cái. Ngài còn có cả một công trình giá trị là cuốn từ điển Raglai - Việt - Pháp. Sau năm 1975, cha Corentin về lại tỉnh dòng ở Paris, xa đoàn chiên còn thơ dại. Ngài trao lại cho người anh em là cha Giuse Cup. Nguyễn Đình Ngọc đảm trách bao dự tính còn chưa thực hiện.

Tưởng chừng công cuộc truyền giáo phải dang dở, nhưng tình yêu luôn nảy sinh sáng kiến. Vì không thể đến các làng như xưa, nên từ tháng 5.1975, dòng Thánh Phanxicô về phụ trách mục vụ tại Đồng Dài. Khánh Vĩnh được xem như một giáo họ biệt lập của giáo xứ Đồng Dài, bổn mạng là Thánh Phanxicô Assisi. Nhà thờ Đồng Dài dành riêng hẳn một khu vực cho anh em dân tộc đi bộ từ núi xuống có thể nghỉ lại đêm để tham dự lễ Chúa Nhật. Khi hoàn cảnh dễ dàng hơn, hàng tuần, các thầy Phanxicô đánh xe đến các làng cách xa 30-40km đón giáo dân về Đồng Dài dự lễ, học giáo lý, sinh hoạt theo lứa tuổi. Giáo họ chia ra 10 nhóm lớn để tiện cho việc sinh hoạt, tuy phân bố như vậy nhưng mỗi nhóm vẫn liên kết chặt chẽ với nhau. Nhà thờ Đồng Dài dành lễ thứ 3 lúc 10g10 cho họ Khánh Vĩnh. Trước lễ có một giờ học giáo lý riêng cho 3 lớp: Người có gia đình, lớp thanh thiếu niên và lớp thiếu nhi (từ năm 2000 được các nữ tu dòng Khiết Tâm đến giúp mỗi tuần). Những năm gần đây, vào dịp hè tháng 7-8, còn có 3 giáo lý: hợp thức hóa, xưng tội rước lễ lần đầu và Thêm sức do các chủng sinh Lâm Bích được Tòa Giám Mục gởi lên thực tập đứng lớp.

Công cuộc khai thông thành lập Giáo Hội tại chỗ

Những cố gắng âm thầm của các cha các thầy Phanxicô như những nhánh rễ sâu cắm thẳng xuống đất khô cằn và lan tỏa để giữ vững cây niềm tin của anh em dân tộc. Thiên Chúa không phụ lòng người, thời điểm chín mùi đã đến. Ngày đầu năm 01.01.2006, Đức Cha Giuse Võ Đức Minh bắt đầu chức vụ Giám mục Phó giáo phận Nha Trang. Trong những trách nhiệm được Đức Cha chánh Phaolô Nguyễn Văn Hòa giao phó, việc đẩy mạnh tiến trình truyền giáo tại Khánh Vĩnh là mối quan tâm hàng đầu của ngài. Đáp lại khát khao của giáo dân, vượt qua bao khó khăn về thủ tục hành chính, trên mảnh “đất vườn chanh” cũng gọi là “đất ông Chín” thuộc xã Sông Cầu, đêm 24.12.2006, thánh lễ Mừng Chúa Giáng Sinh đầu tiên trên vùng đất Khánh Vĩnh được cử hành và đích thân Đức Cha Giuse đến thăm giáo dân. Biến cố này đánh dấu một bước ngoặt lớn cho công cuộc truyền giáo tại chỗ. Và trong 3 năm tiếp theo từ 2007-2009, thánh lễ Giáng Sinh đều được cử hành tại đây do chính Đức Cha Giuse chủ sự.

Tiến thêm một bước nữa, từ năm 2010, thánh lễ Giáng Sinh được tổ chức tại tổ 3 thị trấn Khánh Vĩnh, dưới chân dốc Ameo, đây là thửa đất giáo phận Nha Trang đã mua từ năm 2007 để chuẩn bị xây nhà thờ. Trong đêm lễ Giáng Sinh 2014, Đức Cha Giuse hân hoan xác tín với hơn 2 ngàn giáo dân dự lễ: “Với ơn Chúa và lời cầu nguyện thiết tha cùng những hy sinh của cha, của chúng con và toàn thể giáo phận, Thánh lễ Mừng Chúa Giáng Sinh sang năm (2015), cha con chúng ta sẽ dâng lễ trong ngôi thánh đường giáo xứ Khánh Vĩnh thay cho mái che tạm này”. Điều đó đã thành sự thật, ngày 10.3.2015, Đức Cha đã chủ sự lễ động thổ xây dựng nhà thờ Khánh Vĩnh.

Từ cửa nhà thờ nhìn ra khắp núi đồi, nắng ban trưa rực rỡ tôn thêm vẻ nổi bật của những bồn hoa muôn màu. Ama Quý bộc bạch, niềm vui tràn đầy nhưng nỗi lo lắng vẫn canh cánh bên lòng bởi nhiều lý do cho một giáo xứ mới lập: Về đời sống giáo dân, Khánh Vĩnh là một trong hai huyện nghèo nhất của tỉnh Khánh Hòa, làm sao để đời sống tinh thần và vật chất của người dân được phát triển. Thứ đến, dân số toàn huyện là 36.024 dân thì người Công Giáo chỉ có gần 4.000 người, trong đó có gần 1000 người Kinh và 3.000 người sắc tộc gồm nhóm đa số Raglai và các nhóm Koho, Radê và Tring sống trải rộng trên diện tích 1.165 km². Vậy làm cách nào để bà con đều có thể đến tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích và học hỏi giáo lý được ? Phải cần nhiều điều kiện thuận lợi và khá đông giáo lý viên cần cù, nhiệt huyết đến với các làng xã hẻo lánh rải rác trong khắp huyện. Khánh Vĩnh cần lắm lời cầu nguyện, sự hỗ trợ nhân lực và vật lực từ giáo phận và tất cả mọi người xa gần để giáo xứ mới này có thể phát triển toàn diện như những giáo xứ khác. Từ ngôi nhà thờ mới và việc được chủ chăn nâng Khánh Vĩnh lên thành giáo xứ, sẽ mở ra niềm hy vọng cho cánh đồng truyền giáo mênh mông trên miền cao với phong cảnh đẹp như tranh này. (theo cgvdt.vn)

Hồng Hương

Chú thích ảnh:

1: Nhà thờ Khánh Vĩnh

2: Cha Corentin Savary với giáo dân

3: Cha Corentin tại phòng học đầu tiên tại Gia Lê

4: Cha Ngọc và giáo dân tại Trung tâm Truyền giáo Đồng Dài

5: Đức Cha Giuse đặt viên đá đầu tiên

6: Cha Ngọc – Đức Cha Giuse – Cha Quý trong ngày khởi công xây dựng nhà thờ

7,8: Lễ Giáng sinh 2014 tại Khánh Vĩnh