Ngân hàng thế giới tuyên bố việc tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của Việt Nam để ngăn chặn dịch cúm gà sẽ gây thiệt hại kinh tế khoảng 690 triệu đôla, tương đương 1.8% sản lượng GDP hàng năm của Việt Nam.

Trong một đánh giá ban đầu về tác động của cúm gà đối với kinh tế Việt Nam, Ngân hàng thế giới đưa ra ba ‘kịch bản’ khác nhau có thể xảy ra.

Ngân hàng thế giới cho hay tác động của dịch cúm sẽ khác nhau tùy thuộc liệu dịch cúm có được ngăn chặn nhanh chóng hay buộc phải có việc tiêu hủy hàng loạt gia cầm.

Theo Ngân hàng thế giới, nếu như dịch cúm gia cầm không dẫn đến việc lây lan từ người sang người, tác động kinh tế toàn diện của nó sẽ chỉ dừng ở mức dưới 1% GDP của Việt Nam.

Tác động tổng hợp của dịch cúm gà đối với giá trị gia tăng của ngành chăn nuôi gia cầm và ngành du lịch được phân tích theo ba kịch bản.

Kịch bản thứ nhất mang tính lạc quan nhất, là khi dịch cúm giảm nhanh chóng. Khi đó, thiệt hại kinh tế dừng ở mức khoảng 0.15% GDP, tương đương 58 triệu đôla.

Còn trong viễn cảnh thứ hai, dịch cúm được ngăn chặn tương đối nhanh nhưng thiệt hại về đầu ra của ngành chăn nuôi tương đương ba tháng hoạt động kinh tế. Điều này, cộng với 5% sút giảm lượng khách du lịch nước ngoài, sẽ gây thiệt hại tương ứng 0.6% GDP.

Và trong kịch bản thứ ba với sáu tháng thiệt hại của ngành gia cầm và ảnh hưởng tiêu cực đến lượng du khách, thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 0.9% GDP.

Bên cạnh thiệt hại đầu ra, còn có thiệt hại kinh tế vì sự tiêu hủy hàng loạt gia cầm. Nếu toàn bộ số gia cầm của Việt Nam bị tiêu hủy để ngăn chặn bệnh dịch, phí tổn sẽ tương đương 1.8% GDP, tức là 690 triệu đôla.

Klaus Rohland, giám đốc ngân hàng thế giới tại Việt Nam, cũng thúc giục Việt Nam tăng cường dịch vụ thú y và cải thiện hệ thống kiểm tra để nhanh chóng kiểm soát các nạn dịch trong tương lai.(BBC)