Mặc dù kinh tế Việt Nam phát triển với tốc độ khá mạnh trong năm 2003 nhưng khu vực gia công dịch vụ còn tồn tại nhiều thách thức.

Hiện nay một số công ty nước ngoài đang bắt đầu để ý đầu tư vào các khu vực đòi hỏi công nghệ kỹ thuật như thiết kế kiến trúc.

Ông Joe Woolf, Giám Đốc Atlas Industries tại Tp HCM, công ty làm dịch vụ thiết kế kiến trúc cho hầu hết khách hàng ở Anh cho BBC biết "khách hàng chúng tôi biết họ sẽ có được dịch vụ chất lượng cao, đúng hẹn và với giá phải chăng''.

Ông Joe Woolf nói rằng họ có văn phòng tại Luân Đôn và Manchester và họ phải tuyển nhân viên người Anh để trao đổi với các nhân viên của công ty cũng là người Anh đóng tại Tp HCM.

Ông cho biết công ty này chỉ có khoảng 10% số nhân viên là người Anh và còn lại là người Việt. Thế nhưng điều này cho thấy rào cản rào cản về ngôn ngữ, đặc biệt đối với các sản phẩm có tính kỹ thuật.

Ông cũng nói rằng ngoài ngôn ngữ thì thị phần hay nguồn khách hàng phần lớn của công ty là nằm ngoài Việt Nam và do vậy đối với loại hình kinh doanh dịch vụ kiểu này thì sẽ rất khó cho một công ty Việt Nam.

Việt Nam trong giai đoạn thập niên 1990 cho tới nay chứng kiến nhiều công ty nước ngoài vào đặt hàng gia công như giày dép, may mặc, gốm sứ,.. để xuất sang các thị trường nước ngoài.

Và gần đây các đối tác nước ngoài bắt đầu đầu tư vào khu vực dịch vụ, đặc biệt là công nghệ tin học, nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế cho những đối tác có sẵn tại châu Á như Ấn độ hay Trung Quốc.

Ông Ngô Hùng Phương, Giám đốc điều hành công ty Paragon Solutions tại Tp HCM thì cho BBC hay rằng nhiều khách hàng của công ty ông đang đặt gia công các sản phẩm công nghệ cao như giải pháp thay thế cho Ấn độ.

Thách thức

Thế nhưng khi nghành dịch vụ gia công các sản phẩm này phát triển thì liệu Việt Nam có đủ nguồn nhân lực hay không?

Ông Phương nói rằng Paragon Solutions bắt đầu thấy khó khăn trong tuyển dụng nhân viên giỏi trong số khoảng 8 ngàn sinh viên tin học mỗi năm.

Ông nói rằng vào năm cuối đại học, nhà trường nên tập trung vào các môn thực hành và nhà trường phải chủ động tiếp xúc với các công ty công nghệ để giúp sinh viên không bỡ ngỡ với các công nghệ mới.

Ông nói rằng nếu về mặt trình độ và kỹ năng tin học của các sinh viên mới ra trường của Việt Nam khá tương đồng với Ấn độ hay các nước khác trong vùng thì khả năng tiếng Anh yếu là một bất lợi thế lớn.

Trong khi tại Hoa Kỳ có nhiều người gốc Việt làm việc tại các khu công nghệ cao thì người ta không thấy có làn sóng đầu tư của đội ngũ này về Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng trong khi Hoa kiều về Trung Quốc đầu tư vào khu công nghệ cao nhiều và họ được tạo điều kiện mua nhà thì vấn đề Việt Kiều được mua nhà ở Việt Nam vẫn còn có nhiều trở ngại.

Các nhà quan sát nhận thấy nếu đội ngũ nhân viên gia công dịch vụ của Việt Nam nói tiếng Anh tốt hơn thì các cơ hội tham gia vào thị trường dịch vụ trả lời điện đoại trung tâm hay công việc hành chính văn phòng khác sẽ nhiều hơn.

Thế nhưng nguyên việc đào tạo cho được đội ngũ có khả năng ngoại ngữ tốt để cạnh tranh với các nước trong vùng như Philippines, Thái Lan hay Malaysia cũng đã là thách thức lớn.

Còn theo luật sư Fred Burke của hãng luật Baker & McKenzie thì Philippines mời chào giảm thuế hấp dẫn hơn cho khu vực dịch vụ.

Ông Fred Burke nói rằng Việt Nam giảm thuế khá tốt cho hàng xuất khẩu nhưng thuế trong khu vực dịch vụ chưa hấp dẫn.(BBC)