Giải đáp phụng vụ: Linh mục có buộc đọc Giờ Kinh Chiều 1 của ngày Chúa Nhật không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi: Trong Tuần Thánh và lễ Giáng sinh, các linh mục cử hành Thánh lễ Vọng được miễn đọc Giờ Kinh Chiều 1 của ngày lễ. Tôi muốn hỏi cha: Tôi cử hành các Thánh lễ Chúa Nhật vào chiều thứ Bảy, một lễ lúc 5 giờ chiều và một lễ tại nhà nguyện truyền giáo lúc 7 giờ tối. Sau đó tôi trở về nhà xứ khoảng 9 giờ đêm. Thưa cha, liệu tôi có buộc phải đọc Kinh Chiều 1 của ngày Chúa Nhật nữa không? - G. O., Tổng Giáo Phận Mobile, Alabama, Mỹ.

Đáp: Các chỉ dẫn về việc miễn trừ cho các linh mục cử hành các Thánh lễ Vọng này là đặc biệt cho các cử hành đặc biệt. Nếu đây là một sự cho phép chung, thì chữ đỏ không cần nêu rõ ra như thế.

Một giải pháp khả dĩ cho cha (người nêu câu hỏi) là cha nên đọc Giờ Kinh Chiều 1 vào đầu buổi chiều. Mặc dù việc tôn trọng thời gian của các Giờ Kinh là quan trọng, nó là ít quan trọng hơn so với việc thực sự đọc Giờ Kinh. Nếu một linh mục thấy trước rằng mình không có giờ để đọc Giờ Kinh Chiều 1, cho đến khi đã là quá trễ và cha đã rất mệt mỏi, thì tốt hơn cha nên đọc Giờ Kinh này khi cha có trọn sự chú tâm để đọc.

Đồng thời, cũng không loại trừ khả năng rằng cha có thể được miễn đọc, nhưng vì các lý do khác với sự việc cha cử hành các thánh lễ chiều thứ Bảy.

Năm 2001, Thánh Bộ Phụng Tự công bố một câu đáp cho một sự ngờ vực liên quan đến việc mở rộng việc buộc linh mục đọc Kinh Thần tụng (Notitiae 38 (2002), 555-568). Dưới đây là một số trích dẫn từ câu đáp này:

"Hỏi 1: Đâu là ý định của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích liên quan đến việc mở rộng việc buộc linh mục cử hành hoặc đọc hàng ngày Các Giờ Kinh Phụng Vụ?

"Đáp: Các vị đã được truyền chức bị buộc theo luân lý, do chức thánh mà họ đã nhận, cử hành hoặc đọc toàn bộ Kinh Nhật tụng hàng ngày, như đã được thiết định theo giáo luật trong Điều 276, § 2, số 3, của Bộ Giáo luật, được trích dẫn trước đây. Việc đọc này không phải do một phần bản chất của việc đạo đức riêng tư, hoặc của lòng đạo nhiệt thành được thực hiện bởi ý muốn cá nhân của giáo sĩ, nhưng là một hành động thích hợp cho chức thánh và phận vụ mục vụ.

"Câu 2: Liệu điều buộc sub gravi này mở rộng cho việc đọc toàn bộ Kinh Nhật tụng?

"Đáp: Cần ghi nhớ các điều sau đây:

"Một lý do nghiêm trọng, có thể là do sức khỏe, hoặc do công tác mục vụ trong sứ vụ, hoặc do việc từ thiện, hay do mệt mỏi, chứ không phải do một sự bất tiện giản đơn, có thể miễn trừ việc đọc một phần hoặc toàn bộ Kinh Nhật tụng của ngày ấy, theo nguyên tắc chung vốn thiết lập rằng một luật thuần túy Giáo Hội không ràng buộc, khi có sự hiện diện của một sự bất tiện nghiêm trọng;

"Việc bỏ toàn bộ hoặc một phần của Kinh Nhật tụng do sự lười biếng cá nhân, hoặc do việc thực hiện các hoạt động giải trí không cần thiết, là không hợp pháp, và thậm chí tạo ra một sự đánh giá thấp, theo mức độ nghiêm trọng của vấn đề, về công tác sứ vụ và về luật tích cực của Giáo Hội;

"Việc bỏ Giờ Kinh Sáng (Lauds) và Giờ Kinh Chiều (Vespers) còn đòi hỏi một lý do lớn hơn, vì các Giờ Kinh này là 'hai giờ then chốt của Kinh nguyện hàng ngày’” (SC 89);

"Nếu một linh mục phải cử hành Thánh Lễ nhiều lần trong cùng một ngày, hoặc giải tội nhiều giờ, hoặc giảng nhiều lần trong cùng một ngày, và điều này khiến ngài mệt mỏi, thì ngài có thể xét, với sự thanh thản của lương tâm, rằng ngài có một lý do chính đáng để bỏ một phần tương ứng của Kinh Nhật tụng;

"Đấng Bản Quyền riêng của linh mục hay phó tế có thể, vì một lý do chính đáng hay nghiêm trọng, tùy theo trường hợp, miễn cho linh mục hay phó tế ấy việc đọc toàn bộ hoặc một phần Kinh Nhật Tụng, hoặc thay thế nó bằng một việc đạo đức khác (chẳng hạn lần chuỗi Mân Côi, đi đàng Thánh Giá, đọc Kinh Thánh hay sách thiêng liêng, nguyện ngẫm riêng với thời gian kéo dài hợp lý, vv)".

Một số Giám mục, dựa vào tài liệu này, đã quy định trong chi tiết các trường hợp, để cho một linh mục được miễn đọc một phần hay toàn bộ Kinh Nhật tụng của ngày. Các chỉ dẫn này, nếu có, thường được cung cấp khi linh mục nhận năng quyền cho sứ vụ của mình. Trong chừng mực các chỉ dẫn của Giám mục tương ứng với các quy định chung ở trên, chúng có thể được áp dụng phổ biến. Trong chừng mực chúng chỉ là đặc biệt cho giáo phận, thí dụ, khi Giám mục miễn cho một linh mục đọc Kinh Thần tụng khi linh mục này đồng tế với Giám mục, thì chúng chỉ áp dụng cho giáo phận ấy mà thôi.

Một linh mục phải luôn cố gắng đọc toàn bộ Kinh Nhật tụng mỗi ngày, như tài liệu trên nhắc nhở chúng ta. Điều này không chỉ là một hành vi đạo đức, mà là một phần không thể thiếu của sứ vụ linh mục của mình. Tuy nhiên, các qui định trên sẽ cho phép ngài yên tâm, nếu thỉnh thoảng ngài không thể thực hiện tất cả, do gánh nặng của hoạt động mục vụ của mình. (Zenit.org 4-8-2015)

Nguyễn Trọng Đa