Chúng ta đang mừng Lễ Giáng Sinh, mừng Kỷ niệm biến cố Chúa Kitô sinh ra tại Belem cách đây 2000 năm. Biến cố này được tường thuật trong Phúc âm thánh Luca (Lc 2,1-20). Nhưng dần dần được cử hành trong phụng vụ của Giáo hội năm vào ngày 25 tháng 12, với tất cả tính cách long trọng và với những tâm tình đặc biệt ngay từ khi chúng ta còn thơ ấu. Ở đây tôi xin ghi lại truyền thống cử hành Lễ Giáng Sinh trong phụng vụ này như sau :

1. Truyền thống về việc cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12

Khi tìm hiểu Năm phụng vụ của các gia đình phụng vụ bên Ðông vá Bên Tây, chúng ta thấy ghi ngày mừng Lễ Giáng Sinh có khác nhau giữa Công giáo, Chính thống và các Giáo hội khác. Giáo hội công giáo cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Giáo hội Chính thống cử hành vào ngày 6 tháng giêng.

Tại sao Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra một ngày thôi, mà lại có việc cử hành vào ngày khác nhau sự việc này như vậy? Ðể trả lời cho câu hỏi naỳ, chúng ta cần đặt nó trong cái nhìn về lịch sử việc thành hình các gia đình phụng vụ và quan điểm thần học của mỗi Giáo hội về biến cố Chúa Giêsu Kitô đã sinh ra một lần tại Belem cách đây 2000 năm.

Về lịch sử việc thành hình Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã biết một phần nào. Theo chứng từ đầu tiên về việc mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 có vào năm 354, nguời ta đọc thấy như sau: ²Ngày VIII theo lịch Rôma, Chúa Giêsu Kitô sinh ra tại Belem bên Giuđêa² (Le Chronologe). Văn kiện này cùng với các văn kiện khác liên hệ tới các lễ mừng trong Giáo hội tại Rôma, cho ta thấy từ năm 336, Lễ Giáng Sinh được cử hành vào ngày 25 tháng 12 và là lễ đầu tiên của Lịch phụng vụ của Giáo hội. Theo Thánh Augustinô trong một bài giảng (Augustinus, Sermo, 202), đã trách cứ những người theo Bè rối của Ông Ðonatus bên Phi châu vào khoảng năm 311 đã bỏ tục lệ của Giáo hội, không còn mừng Lễ Hiển linh nữa. Vậy theo Thánh Augustinô, thì Lễ Giáng Sinh mừng vào ngày 25 tháng 12, đã có trong Giáo hội từ trước khi có cuộc tách rời của những nguời theo bè rối của Ông Donatus, rồi sau đó có lễ Hiển linh, mừng việc Ba Vua đến thờ lạy Chúa Giêsu tại Belem. Những người theo bè rối này đã bỏ việc mừng Lễ Ba Vua. Như vậy chúng ta phải nói rằng Lễ Giáng Sinh đã được thiết lập trong Giáo hội Rôma từ trước năm 311, có thể vào khoảng năm 300.

Theo lịch sử việc thành hình lễ này, chúng ta có lối giải thích sau đây: tại Rôma, một lối giải thích phổ thông hơn. Một số tác giả đã đưa ra lối giải thích khác, tôi không muốn đề cập ở đây. Theo lịch của vương quốc Rôma cũng gọi là lịch của hoàng đế Giulianô thiếp lập vào năm 45 truớc Chúa Kitô, thì ngày 25 tháng 12 có ghi việc mừng Mặt trời bất khuất (Natalis Solis invicti), một lễ đã được Hoàng đế Aureliô thiết lập để ghi nhớ ngày dâng hiến một đền thờ kính thần Mặt trời bất khuất tại Rôma. Người kitô giáo đầu tiên đã thay thế nội dung mới vào việc mừng lễ ngoại giáo này bằng việc cử hành Ngày Sinh ra của Chúa Giêsu Kitô, là chính Mặt trời Công chính trên hết các thần khác (xc. Ml 3,20). Ðó là Mặët trời bất khuất. Việc chỉ định ngày 25 tháng 12 để mừng Sinh nhật của Chúa Kitô không dựa vào tính toán của lịch Do thái, hay lịch Rôma, nhưng có mục đích hộ giáo và mục vụ, thích nghi một lễ ngoại giáo cho Kitô giáo. Như vậy việc cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12, có lý do từ lòng tôn sùng của Vua Constantin, từ việc chuyển hoá một lễ ngoại giáo thành một lễ kitô giáo, về sau, việc mừng này được biện minh bằng lời ngôn sứ Malachia.

2. Truyền thống các gia đình phụng vụ cử hành Lễ Giáng Sinh

Như trên chúng ta thấy Lễ Giáng Sinh được Giáo hội Công giáo và phụng vụ Rôma cử hành vào ngày 25 tháng 12; trong khi đó phụng vụ Byzantinô cử hành vào ngày 6 tháng giêng, nghĩa là sau 10 ngày. Như vậy về ngày cử hành chúng ta đã thấy có sự khác biệt nhau.

Người ta đã tìm ra lý do của sự khác biệt này như sau : vào thời kỳ đầu việc mừng lễ Giáng Sinh và Lễ Hiển Linh chỉ là một. Cả hai Giáo hội bên Ðông và bên Tây cùng mừng một biến cố Chúa Kitô sinh ra, mà tột đỉnh của việc mừng này là việc Chúa Kitô tỏ mình ra qua biến cố Các Ðạo sĩ từ Ðông phương đến thờ lạy Chúa Hài Nhi và phép lạ đầu tiên Chúa Kitô làm tại Cana. Dần dần vì lý do lịch sử như chúng ta thấy ở trên, Giáo hội tại Rôma đã dành hẳn ngày 25 tháng 12 để cử hành việc Chúa Kitô sinh ra và Ngày 6 tháng giêng để cử hành Biến cố Các Ðạo sĩ đến thờ lạy Chúa Hài Nhi tại Belem.

Trong khi đó, Giáo hội bên Ðông Phương tiếp tục cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 6 tháng giêng như truyền thống vẫn có.

Ngoài lý do lịch sử giải thích sự khác biệt về việc mừng lễ Giáng Sinh vào hai ngày khác nhau, chúng ta còn có lý do thần học giúp hiểu thêm về sự khác biệt này. Về nội dung thần học, việc mừng Lễ Giáng Sinh trong Giáo hội bên Tây, là để cho thấy qua biến cố nhập thể, Con Thiên Chúa hạ mình xuống như một người phàm và như trẻ nhỏ. Còn đối với Giáo hội bên Ðông phương, việc mừng lễ Giáng Sinh cho thấy vinh quang của Con Thiên Chúa được tỏ mình ra cho nhân loại. Việc tỏ mình này có tính cách cho thấy vinh quang của Con Thiên Chúa. Ðối với phụng vụ Bizantinô, Lễ Giáng Sinh đi liền với lễ Hiển linh.

Tóm lại, việc mừng lễ Giáng Sinh không theo một ngày chung trong hai Giáo Hội Rôma và Giáo hội Ðông phương, được hiểu với lý do vì không dưạ theo sự tính toán chính xác của biến cố này, nhưng do truyền thống của mỗi Giáo hội và do quan điểm thần học của mỗi Giáo hội về việc mừng biến cố này.

3. Một số điểm phụng vụ liên hệ tới việc mừng Lễ Giáng Sinh trong Giáo hội Rôma

Trong khi tham dự thánh lễ Giáng Sinh, chúng ta ghi nhận một số điểm phụng vụ đặc biệt trong phụng vụ ngày Lễ Giáng Sinh. Trong bài này tôi không muốn nói về các bản văn phụng vụ, mà chỉ muốn nói về một số điểm phụng vụ có tính cách đặc biệt hơn.

1° Linh mục có thể cử hành ba thánh lễ trong Ngày Lễ Giáng Sinh

Vào Ngày lễ Giáng Sinh, mỗi linh mục có thể cử hành 3 Lễ. Tập tục này đã có từ lâu đời. Thánh Grêgoriô cả, qua đời vào năm 604, đã nói như sau trong một bài giảng của ngài : ²Lòng rộng rãi của Chúa cho phép chúng ta hôm nay được cử hành thánh lễ ba lần² (Homilia 8 in Evangelia 1 : PL 76,vol. 1103). Ba lễ này là lễ đêm, lễ rạng đông và lễ ban ngày. Ngoài ra chúngta phải kể thêm lễ vọng chiều hôm trước Lễ Giáng Sinh. Ba thánh lễ này có nguồn gốc từ các buổi cử hành phụng vụ của Ðức Giáo hoàng, liên hệ tới một số đền thánh tại Rôma. Ðầu tiên, Lễ Giáng Sinh chỉ có thánh lễ ban ngày ở Ðêàn thờ Thánh Phêrô, ngay từ thời thánh Lêô cả, qua đời năm 461. Nhưng từ khi Công đồng Ephêsô công bố tín điều Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa, thì Giáo hội khởi công xây cất đền thờ kính Ðức Mẹ, tại đồi Esquilinô ở Rôma, tức là Ðền thờ Ðức Bà Cả. Rồi việc đặt tại Nhà thờ này, di tích máng cả nơi Chúa Giêsu sinh ra và sau đó thiết lập một lễ tại máng cỏ này vào Ngày Giáng Sinh, cũng như tại Belem. Ðó là nguồn gốc thánh lễ đêm Giáng Sinh.

Tại Rôma, ngày 25 tháng 12 cũng là ngày kính thánh nữ Anastasia tại nhà thờ của thánh nữ tại đồi Palatinô. Ðó là lễ mà các nhà lãnh đạo Bizantinô cư ngụ tại Rôma rất lưu tâm. Nên để tôn trọng truyền thống của Giáo hội Byzantinô, Ðức Giáo hoàng cũng cử hành một lễ tại Nhà thờ thánh nữ Anastasia, trước khi tới cử hành thánh lễ ban ngày tại Ðền thờ thánh Phêrô. Về sau Ðức Giáo hoàng vẫn cử hành thánh lễ tại Nhà thờ thánh nữ Anastasia, nhưng bản văn lễ đã nói về biến cố Giáng Sinh của Chúa Giêsu Kitô, và chỉ nhớ tới thánh nữ Anastasia mà thôi. Ðây là nguồn gốc lễ rạng đông Giáng Sinh. Chính vì vậy, vào ngày Giáng Sinh, các trạm cử hành thánh lễ của Ðức Giáo hoàng, là Ðền thờ Ðức Bà Cả, cử hành lễ đêm, rồi tại nhà thờ thánh nữ Anastasia, cử hành thánh lễ rạng đông. Sau đó, tại đền thờ thánh Phêrô, cử hành lễ ban ngày. Từ thế kỷ thứ 11, thì Ðức Giáo hoàng cũng cử hành lễ ban ngày tại Ðền thờ Ðức Bà Cả. Tục lệ cử hành ba thánh lễ Ngày Giáng Sinh dần được đưa ra áp dụng các nơi trong toàn thể Bên Tây phương. Tuy nhiên phải cử hành theo thứ tự thời gian. Về sau có sự lạm dụng khi cử hành liền nhau cả ba thánh lễ. Ngày nay với việc canh tân phụng vụ, Giáo hội cho phép các linh mục có thể cử hành ba lễ trong ngày Giáng Sinh, nhưng phải cử hành theo thứ tự thời gian.

2° Việc hát Kinh Vinh danh Thiên Chúa trong Thánh Lễ Giáng Sinh

Kinh Vinh Danh Thiên Chúa (Gloria in excelsis Deo) là một thánh thi được sáng tác theo văn loại thánh thi của Tân ước. Kinh này được dùng trước tiên như là thánh thi của giờ Kinh sáng. Vào thế kỷ thứ sáu, Kinh Vinh Danh Thiên Chúa được đưa vào trong Thánh Lễ Giáng Sinh. Về sau Kinh nay được đọc trong các lễ Chúa Nhật và lễ các vị tử đạo, khi có giám mục chủ sự. Vào thế kỷ thứ 8, thì cho phép các linh mục được đọc tahnh thi này trong các lễ trên đây.

Lý do của việc hát Kinh Vinh Danh Thiên Chúa trong Lễ Giáng Sinh, là vì Lời mở đầu của Kinh này gợi hứng từ Lời ca của các Thiên Thần trong Ðêm Giáng Sinh, sau khi báo tin cho các mục tử đến thờ lạy Chúa Hài Nhi Giêsu: Vinh Danh Chúa cả trên trời, Bình an dưới thế cho người lòng ngày.

Trên đây là mấy điểm liên hệ tới việc cử hành Lễ Giáng Sinh: việc cử hành biến cố này vào ngày khác nhau, trong Giáo hội Rôma và Giáo hội Bên Ðông; rồi hai điểm phụng vụ đặc biệt của ngày Giáng Sinh: việc linh mục có thể cử hành 3 thánh lễ và việc hát kinh Vinh Danh Thiên Chúa, trong thánh lễ Giáng Sinh.