Cảm xúc hành hương miền Đất Thánh (2): Biển hồ Galilê – Cana - Dọc dài nước Israel- Cây sung Giakêu -Vùng hoang địa- Núi Tabor

Gọi là biển hồ vì hồ được tạo nên giữa trùng điệp núi đồi bao quanh. Thung lũng xinh đẹp này sâu dưới mặt biển 210m, trải dài 21km, mở rộng 12km, nơi rộng tối đa là 13m, hồ có chiều sâu tối đa là 43m, mặt hồ thấp hơn mực nước biển là 209m tạo thành hồ cực lớn và xứng đáng với tên gọi là biển hồ. Đây là hồ nước ngọt thấp nhất trên trái đất và là hồ thấp thứ hai trên trái đất sau biển Chết. Trước khi con thuyền du lịch đưa đoàn đi vòng một góc biển hồ, cha trưởng đoàn đọc đoạn Tin Mừng Mc 1, 16 - 18 tả lại việc Chúa Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên trên biển hồ này. Đoàn thinh lặng lắng nghe suy niệm những đoạn Thánh Kinh liên quan tới Chúa Giêsu đã hiện diện trên biển hồ này. Những sự kiện quan trọng: Chúa đi trên mặt biển đến với các tông đồ giữa canh tư đêm tối, Chúa cho Phêrô và các tông đồ mẻ lưới lạ đầy hai thuyền cá, Chúa Giêsu đứng trên bờ biển nướng sẵn cá và bánh chờ các tông đồ... Tất cả hiện lên không chỉ là tưởng nhớ mà sống động như Chúa Giêsu đang ở ngay chỗ này hay chỗ kia. Càng đi mới càng thấy biển hồ rộng lớn nhưng nhất là thấy dấu ấn của Chúa thấm đẫm trên vùng đất thánh.

Chung quanh biển hồ cũng gắn liền những địa danh thánh. Chúng tôi đã cùng nhau lên đồi Bát Phúc để cầu nguyện. Quả đồi thoai thoải tuyệt đẹp, có các soeur dòng Carmel phục vụ trong ngôi đền thờ hình bát giác tượng trưng tám mối phúc thật. Không gian thoáng đãng, khí hậu ôn đới khô hanh dễ chịu, những hàng cây xanh phân bố đều trên các thảm cỏ xanh. Thảm cỏ này cùng với những khóm hoa luôn được các soeur cắt tỉa và chăm sóc đẹp rực rỡ. Khung cảnh "thành phố" này cùng với các công trình kiến trúc đã làm mất đi tính hoang sơ của núi đồi tự nhiên, nhưng độ cao thoai thoải lý tưởng thì vẫn còn được bảo tồn. Quả là một lựa chọn xứng đáng để nhắc nhớ ngọn núi Chúa đã chọn để công bố Hiến chương Nước Trời.

Trên đường trở về, đoàn ghé thăm thành của Chúa là Caphanaum, một ngôi làng đánh cá vào thời Chúa Giêsu, nằm trên bờ biển phía bắc của biển hồ Galilê. Khi khai quật, khoa khảo cổ học đã phát hiện hai Hội đường Do Thái cổ đại, hiện một Hội đường vẫn còn giữ được toàn bộ nền móng, các cột và tường nhà Hội đường. Cũng tại ngôi làng này còn có nhà thánh Phêrô, và một Đền bát giác được xây dựng hiện đại bao trùm lên vị trí nền đá cổ xưa được coi là nhà của thánh Phêrô.

TIỆC CƯỚI CANA

Buổi chiều xe chúng tôi đi thẳng tới nhà thờ Cana, nơi Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên hoá bánh ra nhiều. Dĩ nhiên ngày xưa nơi đây là một ngôi nhà tư, còn bây giờ chúng tôi có thể dâng lễ, và đây là cơ hội để các anh chị trong đoàn sống lại bí tích hôn phối của mình. Đặc biệt là gia đình ông bà Gioan B. Cao Xuân Khiêm và Têresa Lê Thị Dung kỷ niệm 38 năm thành hôn, anh chị Phaolo Cao Hoài Bảo và Mảia Phạm Thị Ngọc kỷ niệm 15 năm thành hôn, gia đình này đi với cả 3 cháu theo đúng nghĩa cả gia đình hành hương. Đây là hai đôi tân hôn diễm phúc đại diện cho tám gia đình trong đoàn là những gia đình chỉ đi có một người. Hai gia đình này sẽ lặp lại lời hôn ước trong thánh lễ tại chính nơi Chúa đã dự đám cưới và làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon, thật là ý nghĩa và ơn phúc biết bao! Xin cho đoàn chúng con và các gia đình trên thế giới luôn được Chúa Giêsu và Đức Mẹ hiện diện trong gia đình và thánh hoá đời sống vật chất tẻ nhạt như nước lã trong gia đình thành men nồng rượu mới đậm đà hương vị say ngất của Nước Trời.

DỌC DÀI ĐẤT NƯỚC ISRAEL

Chưong trình kế tiếp bằng con đường trực chỉ Tabor, để nhớ lại năm xưa, trước khi lên Giêrusalem chịu khổ hình, Chúa Giêsu đã tỏ dung nhan của Chúa cho ba tông đồ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đoạn đường từ Bắc xuống Nam trải dài theo độ dốc. Từ điểm cực bắc cao nhất là Hermon cao 2.248m tới điểm phía nam thấp nhất là Biển Chết thấp dưới mặt biển 420m. Suốt dọc đường là đồi đá trùng điệp gọi là hoang địa hay sa mạc đều đúng. Điều đặc biệt đáng nói là trí thông minh của người Do Thái. Từ núi đồi sỏi đá khô cằn như vậy, người Do Thái nghiên cứu chăm bón cây trồng tạo nên những cánh đồng tươi tốt phì nhiêu. Từ cây oliu, đặc thù của Israel, trải dài khắp đất nước, đến cây ăn trái sai hoa trĩu quả ngọt ngào. Biến Do thái trở thành một nước nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Nhiều nước về đây học hỏi kinh nghiệm phát triển nông nghiệp. Một trong những người Việt Nam học hỏi và trở về thành đạt là ông bầu Đoàn Nguyên Đức. Ông đã thành công tại Hoàng Anh Gia Lai, tại Lào về nông nghiệp. Ngoài ra gần đây, qua học viện Hoàng Anh gia Lai - Arsenal JMC, ông cũng đang góp phần phát triển tiềm năng cho nền bóng đá trẻ Việt Nam tại đấu trường khu vực.

Sở dĩ người Do Thái thành công như vậy là vì họ chủ động điều tiết thiên nhiên. Từ biển hồ Galile, nhà nước lấy nước lên và quản lý nguồn nước cung cấp cho các hồ nước nhân tạo tại các sườn đồi. Từ đó tỏa đến từng gốc cây trồng. Người ta tính kỹ đến mức mỗi ngày bơm nước mấy lần, mỗi lần bao nhiêu giọt, và mỗi giọt được hòa tan với bao nhiêu khoáng chất cho mỗi loại cây. Những điền chủ Do Thái quản lý những bình nguyên rộng lớn, tạo khung lưới che nắng che sương cho các loại cây ăn quả xanh tươi màu mỡ còn hơn các thửa ruộng đồng bằng ở Việt Nam. Bằng chứng là Israel trồng ngô với sản lượng 18 tấn/ha, trong khi Việt Nam chỉ đạt 7tấn/ha.

Đi dọc đất nước Israel, chúng tôi có cảm giác đất nước này hội tụ được những yếu tố đặc thù của một số nước trên thế giới: Đường nhựa đẹp bóng, thảm cỏ khắp nơi được cắt ngắn, phẳng đều, sạch sẽ như ở Mỹ. Đất nước Israel không có cầu vượt và giữ được mặt phẳng không gian như ở Pháp, chỉ ngoại trừ một vài cầu nối hai ngọn đồi hoặc tạo đường ngầm phía dưới. Những nông trại xanh tươi giống như những cánh đồng trù mật vùng ngoại ô nước Ý. Và thật thú vị, hoa trên đất nước Israel đẹp như hoa Đà Lạt – Việt Nam.

CÂY SUNG GIAKÊU

Khi xe đi qua thành cổ Giêricô để tiến lên giêrusalem thuộc miền Giudea. Hình ảnh dụ ngôn người Samaritano nhân hậu hiện lên trước mắt chúng tôi. Thật dễ hiểu tình cảnh bị đánh dở sống dở chết của nạn nhân trong dụ ngôn của Chúa Giêsu, vì con đường đồi núi hiểm trở kéo dài suốt lộ trình này. Đoàn chúng tôi dừng bước trước cây sung được mang tên là cây sung Giakêu. Chính cây mà Giakêu trèo lên để được nhìn Chúa Giêsu rõ hơn thì cây đó đã chết. Người ta trồng cây khác trên chính vị trí cây đó, và tuổi cây hậu duệ này cũng đã được 500 tuổi. Thân cây lớn có toang hốc và cành lá sum xuê. Khách hành hương dừng dưới gốc cây không phải để ngắm nhìn cành hoa lá quả, mà để suy ngẫm nhiều bài học khi Chúa gọi Giakêu. Bài học của yêu thương không kỳ thị. Bài học của đức công bằng vì Giakeu hứa đền trả gấp bốn những gì ông làm thiệt hại người khác. Bài học về đức bác ái đích thực vì Giakêu hứa bố thí nửa phần gia tài cho người nghèo khó. Và nhất là bài học được nghe vẳng lại Lời Chúa Giêsu tuyên bố với Giakêu: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham”( Lc 19,9).

VÙNG HOANG ĐỊA

Hoang địa, nơi Chúa Giêsu nhịn chay 40 đêm ngày trải dài suốt lộ trình, không ai có thể khẳng định Chúa vào vùng nào, nhưng núi cao mà quỷ đem Chúa lên để cám dỗthì đã đến đây rồi. Ngang sườn đồi, ở độ cao vừa phải. Chúng tôi ngước nhìn núi cám dỗ, Ngày nay khách hành hương phải lên bằng cáp treo. Đoàn chia thành hai ý kiến: một vài ý muốn lên núi Chúa chịu cám dỗ qua đường cáp treo, đa số còn lại muốn mua đồ lưu niệm tại cửa hàng chân núi cám dỗ. Cuối cùng ai cũng bị cám dỗ sà vào cửa hàng mua đồ lưu niệm. Thật đúng là núi cám dỗ! Và cũng tại nơi đây, tôi học thêm được câu ví von của các hướng dẫn viên du lịch: “Không ăn cắp, không phải người Mễ. Không đi trễ, không phải Việt Nam”!

Vùng Qumran nơi có di tích khảo cổ động Qumran là một vùng trải rộng suốt dọc đường chúng tôi đi. Người ta đã có cả một bảo tàng hiện đại để trân trọng giữ gìn những bản Kinh Thánh Cựu Ước viết trên các tấm da thuộc được tìm thấy tại vùng Qumran. Có vào thăm mới biết công sức lớn lao của các nhà bác học cũng như các nhà khảo cổ học, và càng vững tin hơn vào công trình giữ gìn nguyên bản và dịch thuật Kinh Thánh của Giáo Hội suốt dòng thời gian lịch sử.

NÚI TABOR

Đỉnh Tabor đã hiện ra trước mắt chúng tôi, con đường lên núi đã được nhiều tài liệu đề cập tới, nếu không nhờ tay lái chuyên gia thì tai nạn xảy ra chỉ trong nửa nháy mắt. Tại Việt Nam, du khách đi thăm Sapa, dù Sapa là vùng cao nguyên cao hơn mặt biển 1500m nhưng do địa hình trải dài nên du khách đi xe vẫn thoải mái ngồi yên, còn ở Tabor bất cứ ai cũng phải đeo dây bảo hiểm. Đường khuỷ áo liên tục và dốc đứng. Lên tới đỉnh núi là một khoảng không gian bằng phẳng. Một hàng cây oliu chưa vượt quá tuổi thế kỷ được cắt xén gọn gàng thành một hành lang cây xanh duy nhất che nắng cho khách hành hương. Mỗi khi đọc Tin Mừng về núi Tabor, chúng tôi chỉ ngước nhìn trong suy niệm. Giờ đây, không chỉ ngước nhìn mà chúng tôi còn được bước đi trên núi Tabor, được dâng lễ tại nhà thờ đỉnh núi Tabor, ai cũng cảm nghiệm sự hạnh phúc và niềm vui ngây ngất đồng thời cũng hiểu ra tại sao Phêrô lại ngây ngất trên núi như vậy.

Đoạn đường xuống núi không chỉ nhẹ nhàng vì xuống dốc, nhưng là lòng thanh thoát nhẹ nhàng và nhất là Chúa thêm sức mạnh để lên Giêrusalem cảm nghiệm sự đau khổ, sự chết của Chúa cách mạnh dạn và trải nghiệm thành chứng nhân trong chính cuộc đời mình.