Sắp đến Lễ Giáng Sinh, bầu khí chuẩn bị bên ngoài thật nhộn nhịp, nhất là tại Âu Châu, Mỹ Châu. Ðâu đâu cũng thấy vang lên những bài ca quen thuộc, hay cung nhạc Giáng sinh phổ thông, như Silent Night (Ðêm Thánh Vô cùng). Bên Việt Nam, tại các xứ đạo, nguời ta lo làm hang đá, trưng đèn ngôi sao... Rồi ngày lễ Giáng sinh tới, tín hữu đến nhà thờ tham dự Thánh Lễ đêm, hay Thánh lễ ban ngày như mọi khi, hoặc đi viếng hang đá, nghe hát trình diễn thánh ca. Có lẽ vì thế một điểm đã không được lưu ý tới hoặc không được chú ý nhiều cho lắm, đó là: tìm hiểu những bản văn phụng vụ Thánh lễ Giáng sinh. Vậy hôm nay chúng ta dành thời gian vào những ngày còn xa Lễ Giáng Sinh, để cùng nhau tìm hiểu qua về các bản văn này.

Chúng ta lợi dụng thời gian này để tìm hiểu ý nghĩa thánh lễ Giáng sinh trong một bầu khí và một tâm trạng còn bình thản, chưa bị những vui nhộn bên ngoài của ngày lễ chi phối. Với việc tìm hiểu này, chúng ta chuẩn bị mừng Lễ trọng này cách xứng đáng và có chiều sâu nội tâm hơn.

Các bản văn phụng vụ Lễ Giáng Sinh

Ngày Giáng sinh có những bản văn thánh lễ sau đây:

Thánh lễ Vọng chiều ngày 24 tháng 12;

Thánh lễ Ðêm Giáng sinh,

Thánh Lễ Rạng Ðông Giáng Sinh

Thánh lễ Ban ngày lễ Giáng sinh.

Bản văn phụng vụ các thánh lễ này gồm có các yếu tố sau đây:

trước tiên là các lời nguyện: đầu lễ, lời nguyện trên lễ vật, và lời nguyện hiệp lễ;

tiếp đến là các bài đọc Sách thánh cho từng lễ, với thánh vịnh đáp ca, câu hát kèm theo Alleluia;

chúng ta cũng phải kể tới các ca nhập lễ, ca chịu lễ;

Ðối với Kinh nguyện thánh Thể: có 3 Kinh tiền tụng riêng cho Lễ Giáng sinh và cho Mùa Giáng Sinh; rồi khi linh mục đọc Kinh nguyện thánh thể thứ nhất, thì có Kinh "Cùng Hiệp thông trong Hội Thánh" (Communicantes) riêng;

Sau cùng là công thức riêng để ban Phép lành trọng thể cuối lễ; hoặc Lời nguyện trên dân chúng riêng cho Mùa Giáng sinh.

Trong Sách Lễ Việt Nam, ở cuối sách lễ, còn có một công thức riêng Lời nguyện giáo dân, hay Lời nguyện chung (oratio fidelium, hay oratio universalis, trang 1059-1060).

Ðàng khác, Kinh Vinh danh Thiên Chúa (Gloria in excelsis Deo), hát lên trong Lễ Giáng sinh và tuần bát nhật Giáng sinh này, mang một ý nghĩa đặc biệt;

Như vậy qua các bản văn phụng vụ thánh lễ, chúng ta nhận ra tính cách trọng thể riêng biệt của Ngày Lễ Giáng sinh với nội dung thần học rất phong phú, siêu nhiên như chúng ta sẽ tìm hiểu. Vì thế khi không hiểu biết các bản văn phụng vụ Thánh lễ Giáng sinh, thì việc mừng lễ của chúng ta chưa đi vào chiều sâu của mầu nhiệm Nhập thể mà Giáo hội mừng trong lễ trọng này.

Nội dung các bản văn phụng vụ Thánh Lễ Giáng Sinh

Sau đây chúng ta sẽ nói qua về từng yếu tố của các Thánh Lễ Giáng Sinh.

Các Lời nguyện

Ðây là các Lời nguyện nhập lễ, Lời nguyện trên lễ vật và Lời nguyện hiệp lễ. Ngoài ra phải kể tới Lời nguyện đọc trên dân chúng cuối lễ (oratio super populum).

Về nội dung các lời nguyện trong Thánh Lễ Giáng sinh, chúng ta có thể đưa ra mấy nhận xét sau đây:

Bản văn các lời nguyện Thánh lễ Giáng sinh và Mùa Giáng sinh trong Sách lễ Rôma sau Công đồng chung Vaticanô II, và chúng ta dùng ngày nay, hầu hết được lấy lại từ Sách lễ trước Công đồng chung Vaticanô II. Vì tự chúng, các bản văn này đã khá đầy đủ và được soạn một cách kỹ lưỡng để diễn tả mầu nhiệm cử hành.

Công cuộc tu chính bản văn thánh lễ Giáng Sinh của Sách lễ cũ được thực hiện một cách khá tỷ mỷ kỹ lưỡng. Người ta chỉ giữ lại các lời nguyện có nội dung thần học vững chắc và dễ hiểu. Bỏ đi các bản văn có tính cách khó hiểu;

Các bản văn, như các lời nguyện được thêm vào thì được lấy ở các sách phụng vụ cũ thời xưa, nhất là các sách phụng vụ thuộc Nghi lễ Rôma

Như vậy chúng ta nhận ra được giá trị các Lời nguyện này và các bản văn này sẽ giúp chúng ta dễ dàng đi sâu vào mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người.

Chúng ta bắt đầu với Thánh lễ Vọng chiều ngày 24 tháng 12. Các lời nguyện của Thánh Lễ này còn mang một vài đặc tính của Mùa Vọng: là sự đón chờ Chúa Kitô trong hân hoan; như việc chuẩn bị cho Ngài đến. Tuy nhiên chúng cũng đã có những từ ngữ, kiểu nói trong các lời nguyện nói về Lễ Giáng sinh, như trong Lời nguyện nhập lễ, chúng ta đọc như sau: "Giờ đây chúng con đang vui vẻ đón mừng Con Một Chúa đến … ".

Trong Lễ Ðêm Giáng sinh, các bản văn giúp chúng ta hiểu mầu nhiệm Giáng sinh với những yếu tố chính như sau: "Chúa Kitô là ánh sáng đích thực của trần gian" (Lời nguyện nhập lễ); Ngài là vinh quang và chúng ta mong được tham dự vào vinh quang này (Lời nguyện hiệp lễ, lời nguyện trên lễ vật); một số bản văn đề cập tới chính việc Ngôi Lời nhập thể. Thánh lễ Rạng Ðông Giáng sinh, cũng diễn tả các điểm thần học này.

Trong Lễ ban ngày Giáng sinh, các Lời nguyện diễn ta mầu nhiệm Giáng sinh cách rõ rệt hơn. Như trong Lời nguyện nhập lễ, một lời nguyện cổ xưa, tư tưởng nhập thể được diễn tả trong mối liên hệ giữa con người và Chúa Kitô, Con Thiên Chúa nhiệm nhập thể mà con người được nên con cái Thiên Chúa.

Các bài đọc Sách thánh

Các bài Sách thánh được chọn đọc cho 4 lễ ngày Giáng sinh mang một ý hướng thần học sau đây:

Trong Lễ Vọng Giáng Sinh, các bài đọc sách thánh từ ngôn sứ Isaia (62,1-5): Ðấng cứu độ sẽ đến như ánh sáng; Sách Công vụ các thánh Tông đồ (13,16-17.22-25): Thánh Phaolô làm chứng về Chúa Kitô là con Vua Ðavít và bài Phúc âm thánh Mathêô (1,1-15): Chúa Giêsu thuộc dòng dõi Vua Ðavít: như vậy tất cả mang chủ đề Chúa Kitô thuộc dòng dõi Vua Ðavít và Ngài đến để thực hiện các lời hứa với các tổ phụ xưa.

Trong Thánh lễ đêm Giáng Sinh, các bài sách thánh (Is 9,2-4.6-7; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14) nhắm vào chủ đề vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện qua việc Ngài ban Chúa Cứu thế cho nhân loại; đồng thời còn có chủ đề về niềm hoan lạc của nhân loại khi đón nhận Tin mừng của Chúa Kitô.

Thánh lễ Rạng đông Giáng Sinh có chủ đề chính yếu là đức tin như là hành trình bắt đầu việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô (bài Phúc âm: Lc 2,15-20) và như là hồng ân Thiên Chúa ban cho ta (bài đọc I: Is 62,11-12 và II: Tt 3,4-7).

Còn Thánh lễ Ban ngày Giáng sinh nhấn mạnh tới bản tính Thiên Chúa của Chúa Kitô, là Con Thiên Chúa và là người thật (Ga 1,1-18 và Dt 1,1-6; Is 52, 7-10). Một tư tưởng cũng thường được nhắc lại trong Mùa Giáng sinh, đó là việc trao đổi kỳ diệu giữa Thiên Chúa và con người: Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể để cho con người hiệp thông vào bản tính Thiên Chúa; con người hiến tặng nhân tính cho Ngôi hai và sẽ nhận lấy từ Ngôi Hai ơn làm con Thiên Chúa. Tư tưởng này rõ nhất trong Kinh Tiền tụng Giáng Sinh thứ III và trong các bản văn phụng vụ Lễ Hiển Linh (Lễ Ba Vua).

Như vậy các bài sách thánh soi sáng cho chúng ta thật rõ ràng về mầu nghiệm Con Thiên Chúa làm người, mà chúng ta mừng trong ngày trọng đại này. Ở đây chúng ta không có giờ nói tới các thánh vịnh đáp ca, chúng cũng cho chúng ta ý nghĩa thần học về nội dung mầu nhiệm nhập thể.

Kinh tiền tụng

Trong Lễ Giáng sinh và trong suốt cả Mùa Giáng sinh, chúng ta có 3 Kinh tiền tụng, và cũng phải thêm Kinh tiền tụng lễ Hiển Linh và Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô chịu phép rửa.

Kinh tiền tụng thứ I nói về Chúa Kitô là ánh sáng; Kinh tiền tụng thứ II nói về việc nhập thể của Con Thiên Chúa nhắm thu hồi tất cả vạn vật về cho Thiên Chúa; sau cùng Kinh tiền tụng thứ III nói về cuộc trao đổi diệu kỳ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.

Kinh nguyện Thánh Thể

Khi linh mục đọc Kinh nguyện thánh thể thứ I hay là Lễ Quy Rôma, thì trong Lời Kinh "Cùng hiệp thông trong Hội Thánh" (Communicantes), có công thức riêng cho Ngày lễ Giáng Sinh và Tuần Bát Nhật Giáng sinh như sau: "Cùng hiệp thông trong Hội Thánh, chúng con họp mừng đêm (ngày) cực thánh là đêm (ngày Ðức Maria đã sinh ra Ðấng Cứu thế mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn.. . ". Còn trong Lễ Hiễn Linh (Lễ Ba Vua), thì công thức diễn tả như sau: ""Cùng hiệp thông trong Hội Thánh, chúng con họp mừng ngày cực thánh, ngày Con Một Cha từ muôn thuở muôn đời, nay xuất hiện hữu hình mang thân xác đích thực như nguời phàm chúng con .. ". Cả hai công thức đều nói tới mầu nhiệm nhập thể mà Mẹ Maria là người cộng tác đặc biệt, vì đã cho Chúa Kitô xác thể con người và điều này được thực hiện một các kỳ diệu, vì Mẹ sinh hạ Chúa Kitô mà vẫn còn khiết trinh. Và xác thể này là xác thể đích thực, đây là một lời tuyên xưng đức tin mà trong thế kỷ thứ 4, 5, bao nhiêu cuộc tranh cãi về Kitô học đã đạt được như một lời tuyên xưng thiên tính và nhân tính đích thực nơi Chúa Kitô. Ðó là luật đức tin và luật cầu nguyện đi với nhau (Lex orandi, lex credendi).

Công thức Phép lành trọng thể cuối lễ

Thường vào cuối lễ, linh mục ban phép lành cho cộng đoàn trước khi họ giải tán, ngài dùng công thức đơn sơ: "Xin Thiên Chúa toàn năng là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em". Tuy nhiên thay vào công thức đơn sơ này, linh mục chủ tế có thể đọc công thức ban phép lành trọng thể (benedictio sollemnis) ; hoặc một lời nguyện trên dâng chúng (oratio super populum) rồi ban phép lành với công thức đơn sơ. Sách lễ Rôma có sẵn một số công thức cho từng Mùa phụng vụ và một lễ trọng (xc. Sách Lễ Rôma tiếng Việt Nam, trang 575-594). Các linh mục chủ tế cũng nên xử dụng các công thức này để thay đổi và để cộng đoàn cảm nghiệm được sự phong phú của lời kinh phụng vụ. Cơ cấu của công thức ban phép lành trọng thể thường gồm hai phần: phần đầu nhắc tới nội dung của ngày lễ, hoặc Mùa phụng vụ, và phần thứ hai là xin ơn Chúa xuống trên cộng đoàn. Trong khi đọc, linh mục giơ tay trên cộng đoàn như cử chỉ biểu lộ việc Thiên Chúa ban chan hòa phúc lành của Ngài cho tín hữu.

Lễ Giáng sinh, công thức ban phép lành trọng thể nhắc tới mầu nhiệm nhập thể với các tư tưởng sau đây: việc Con Thiên Chúa làm người nhân loại được chan hòa ánh sáng; tin vui loan báo cho các mục đồng vì Ðấng cứu thế đã sinh ra; việc Ngôi Lời nhập thể đem con người giao hòa lại với Thiên Chúa. Sau đó Giáo hội xin cho tín hữu các ơn sau đây: xin ánh sáng của mầu nhiệm nhập thể xóa tan bóng tối của tội lỗi nơi tín hữu; xin cho lòng trí họ được tràn đầy hoan lạc của Chúa nhập thể; và xin cho tín hữu được ơn bình an và được hưởng gia nghiệp đời sau cùngvới cộng đoàn các thánh, do việc Con Chúa nhập thể.

Chúng ta cùng nhau đọc một Lời nguyện trên dân chúng (có tất cả 26 lời nguyện này):

"Lạy Chúa, xin ban phúc lành cho cộng đoàn dân Chúa:

xin cho cộng đoàn được nhờ đó tránh xa mọi điều nguy hại

và được Chúa ban những ơn cần thiết.

Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con"


(công thức thứ 4).

Kinh Vinh danh Thiên Chúa (Gloria in excelsis Deo)

Thánh thi này được sáng tác theo thể văn các thánh thi trong Tân ước, như Magnificat, Benedictus, Nunc dimittis ... và được đưa vào lễ Giáng Sinh trong phụng vụ Rôma, vào khoảng đầu thế kỷ thứ VI. Sau đó Kinh này được hát trong các thánh lễ Chúa Nhật và lễ kính các Thánh tử đạo khi do Giám mục chủ sự. Sau đó các linh mục khác, bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII trở đi, cũng được đọc.

Kinh này gồm ba phần tôn vinh Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh Thần. Có lẽ lúc đầu ba phần dài bằng nhau. Nhưng phần về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, còn lại chỉ lướt qua và rất ngắn. Trái lại phần về Chúa Con được khai triển rất nhiều vì sự phát triển kitô học trong các thế kỷ tranh luận về Chúa Kitô do các bè rối khởi xướng. Giáo hội bênh vực các chân lý mặc khải về Chúa Kitô trong suy tư thần học, nhưng còn qua cả việc tuyên xưng Chúa Kitô trong phụng vụ và trong lời kinh.

Ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta hát Kinh Vinh danh không phải chỉ là dấu hiệu của một ngày lễ trọng, nhưng là một lời tuyên xưng Ngôi Lời Nhập thể và ở giữa chúng ta.

g) Kinh Tin Kính

Trong ngày Lễ Giáng Sinh, trong các Thánh lễ, khi đọc Kinh Tin Kính, các linh mục và cộng đoàn quỳ xuống khi đọc tới câu: "Và đã làm người" (Et homo factus est). Cử chỉ bên ngoài này để tỏ lòng tôn kính cách trọng thể mầu nhiệm Nhập thể, nhưng còn là lời tuyên xưng với tất cả con người của tín hữu, cũng như một lời chấp nhận dấn thân đem Chúa Kitô nhập thể vào trong cuộc đời của mình và trong môi trường sống. Mỗi cử chỉ, mỗi thái độ của thân xác thực hiện trong phụng vụ đều mang theo ý nghĩa thật phong phú dồi dào.

Nói tóm lại, các lời nguyện, các bài sách thánh, các Kinh tiền tụng và các yếu tố kinh nguyện khác, cũng như cử chỉ thân xác được đọc lên, được làm trong các Thánh Lễ Giáng Sinh giúp chúng ta đi sâu vào mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô duới nhiều khía cạnh khác nhau. Như vậy khi chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, khi đi tahm dự Thánh Lễ Giáng Sinh, chúng ta sẽ nhờ các bản văn phụng vụ này để hiểu biết rõ ràng về ngày lễ chúng ta mừng, về mầu nhiệm được mừng, thay vì chỉ lưu ý tới những điều phụ thuộc bên ngoài; hoặc vào chính ngày lễ Giáng sinh, chúng ta tham dự thánh lễ, nhưng không có được hiểu biết sâu xa về thánh lễ này.

Khía cạnh mục vụ

Về phương diện mục vụ, chúng ta cần lưu ý như sau: trên đây tôi chỉ nói qua về ý nghĩa tổng quát của 3 yếu tố chính trong bản văn phụng vụ Thánh Lễ Giáng Sinh: tức là các lời nguyện, các bài đọc sách thánh và các Kinh tiền tụng. Chắc chắn chúng ta cần phải phân tích, tìm hiểu thêm nữa để thấu triệt ý nghĩa của các yếu tố này. Vì thế tội xin gợi ý một vài điểm như sau:

1) Các linh mục, nên tìm thời giờ để đọc lại tất cả các bản văn phụng vụ của Thánh lễ Giáng sinh, không phải chỉ đọc thánh lễ ngài cử hành mà thôi. Ðây là cách thế chuẩn bị mà vị linh mục phải làm trước tiên, và ngài có khả năng làm, cũng như cần phải làm để giúp ích cho tín hữu. Nhờ đó bài giảng sẽ có thêm chất liệu thần học dồi dào hơn và vững chắc hơn.

2) Các linh mục, cũng nên tìm một dịp thuận tiện trước lễ Giáng sinh, để giải thích cho giáo dân về các bản văn phụng vụ này. Ðó là giáo lý phụng vụ cụ thể.

3) Ca đoàn và các đoàn thể khác, các cộng đoàn dòng tu, cùng nhau đọc lại các bản văn thêm và tìm hiểu theo sự hiểu biết của mình. Ca đoàn sẽ nhờ đó mà chọn bài hát cho thích hợp với Lễ trọng này. Tôi có một kinh nghiệm khi tham dự một Thánh lễ Vọng Phục sinh, vào thứ bảy tuần thánh: sau bài sách ngôn sứ Ezechiel đoạn 36, thay vì hát một bài về giao ước mới do ơn bí tích rửa tội và Thánh Thần ban cho, thì ca đoàn đã hát một bài về sự thống hối. Làm như vậy ý nghĩa của bài sách thánh này trong đêm Vọng phục sinh bị mất đi và đi ngược với tinh thần phụng vụ khi chọn bài Sách Thánh Ezechiel đọc trong Ðêm cực thánh này và khi cử hành các bí tích khai tâm trong Ðêm này.

Hy vọng các điểm này sẽ giúp mọi người chuẩn bị đúng cách và mừng Lễ Giáng Sinh một cách sốt sắng, đi sâu vào mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa làm người.