Theo tin CNA/EWTN ngày 11 tháng 7, gặp gỡ các đại diện của xã hội Paraguay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ngỏ lời đặc biệt với giới trẻ, rằng họ nên hiểu rõ: hạnh phúc là kết quả của việc làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn.

Thực vậy, tại vận động trường Leon Condou ở Asuncion, ngài nói: “tuổi trẻ là thời của những lý tưởng cao đẹp. Điều quan trọng là các con, giới trẻ, nên hiểu rằng hạnh phúc chân thực phát sinh từ việc làm cho thế giới trở nên huynh đệ hơn… Nó phát sinh từ việc hiểu ra rằng hạnh phúc và lạc thú không đồng nghĩa với nhau. Hạnh phúc khá đòi hỏi, nó đòi phải có dấn thân và cố gắng. Các con quá quan trọng để có thể tự thỏa mãn với việc sống cuộc sống dưới một thứ thuốc gây mê!”

Ngài nói thêm: trong khi lạc thú phù du, thì “hạnh phúc là một giấc mơ xây dựng, kiến thiết”.

Trước khi Đức Giáo Hoàng nói chuyện, ngài được nghinh đón bởi Đức Cha Adalberto Martinez Flores thuộc Tòa Bản Quyền Quân Đội Paraguay. Đức Cha nói rằng Paraguay “khẩn trương cần phải củng cố cấu trúc xã hội và luân lý của quốc gia, và cũng cần phải xây dựng và củng cố hòa bình xã hội”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đã trả lời 5 câu hỏi được nêu ra bởi một người trẻ, một người bản địa, một phụ nữ nông dân, một phụ nữ kinh doanh và bộ trưởng phát triển quốc gia.

Người trẻ, vốn là người Công Giáo, ghi nhận sự bất bình đẳng ở Paraguay, các định chế yếu kém của chính phủ, tỷ lệ nghèo khổ cao, và nạn tham nhũng, nhưng bất chấp những điều này, đất nước vẫn được hưởng tự do dân sự, củng cố dân chủ và một tuổi trẻ mạnh mẽ. Anh hỏi: tình thế kê cạnh nhau này có nghĩa gì đối với triều đại huynh đệ, công lý, hòa bình và phẩm giá mà Đức Giáo Hoàng đã viết trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng năm 2013.

Trong câu trả lời, Đức Giáo Hoàng ghi nhận chủ nghĩa lý tưởng của người trẻ, và số lượng đông đảo người trẻ ở Paraguay, gọi tuổi trẻ là “nguồn phong phú hóa vĩ đại của quốc gia… Cha nghĩ rằng việc đầu tiên phải làm là bảo đảm rằng mọi năng lực kia, mọi ánh sáng kia, đừng lụi tàn dần trong trái tim các con, và phải chống lại cái não trạng đang gia tăng coi việc khát mong những điều đòi hỏi cố gắng là vô ích và phi lý. Các con hãy dấn thân vào một điều gì đó, dấn thân đối với một ai đó. Các con đừng sợ chấp nhận rủi ro. Các con đừng sợ phải cho đi điều tốt nhất của chính chúng con… các con đừng đi tìm những cửa nhỏ dễ dãi, để tránh khỏi phải làm những việc có thực chất, khó nhọc”.

Ngài cảnh giác: “Nhưng các con đừng làm một mình. Các con hãy ráng nói về những điều này giữa các con với nhau: thuận lợi từ các cuộc sống, những câu truyện và sự khôn ngoan của người cao niên, của ông bà các con. ‘Hãy phí’ nhiều thì giờ vào để lắng nghe mọi điều tốt lành các vị cần dạy các con. Các vị là những người trông coi di sản thiêng liêng của đức tin và các giá trị vốn xác định ra một dân tộc và soi sáng đường đi của dân tộc này. Các con cũng hãy tìm an ủi trong sức mạnh của cầu nguyện, trong Chúa Giêsu. Các con hãy duy trì vệc cầu nguyện hàng ngày. Người sẽ không làm các con thất vọng”.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: Chúa Kitô “là bí quyết để giữ được một trái tim vui tươi trong lúc các con mưu tìm tình huynh đệ, công lý, hoà bình và phẩm giá cho mọi người… đúng, Thiên Chúa quả đảm bảo phẩm giá con người”.

Ngài bảo: tình huynh đệ, công lý, hòa bình và phẩm giá có nguy cơ “trở thành lời nói xuông. Nhưng công lý, hòa bình, tình liên đới, là những điều cụ thể… Ta cần phải làm việc trên chúng hàng ngày. Thành thử cha xin chúng con, các người trẻ, hãy làm việc trên chúng, mỗi ngày, cho dù các con có sai lầm. Nếu sai lầm, thì sửa lại và tiếp tục tiến bước”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng trả lời câu hỏi của người bản địa liên quan tới vai trò của đối thoại trong việc xây đắp xã hội. Ngài khẳng định rằng đối thoại “không dễ. Có những khó khăn phải vượt qua, và đôi lúc, xem ra các cố gắng của ta chỉ tổ làm sự việc ra khó khăn thêm”.
Ngài cho rằng đối thoại đích thực bao hàm “một dấn thân nghiêm túc” vì “cũng có những thứ như đối thoại kiểu đóng kịch, ta đóng kịch, ta đùa dỡn với việc đối thoại, rồi ta quên khuấy nói. Chỉ nói mà thôi chẳng ích lợi gì”.

Ngài nói thêm: đối thoại “giả thiết và đòi hỏi một nền văn hóa gặp gỡ… một nền văn hóa biết nhìn nhận rằng tính đa dạng không những tốt mà còn cần thiết nữa”.

“Do đó, ta không thể bắt đầu bằng cách nghĩ rằng người khác kia sai lầm. Phải tìm ích chung bằng cách bắt đầu từ các dị biệt của chúng ta, không ngừng dành chỗ cho các giải pháp mới… hãy thảo luận, suy nghĩ, và cùng nhau khám phá ra một giải pháp tốt đẹp hơn cho mọi người. Nhiều khi, nền văn hóa gặp gỡ này có thể liên lụy tới tranh chấp. Điều này hợp luận lý, thậm chí đáng ước ao nữa. Đó không phải là điều ta nên sợ sệt hay làm ngơ. Đúng hơn, ta được mời gọi giải quyết nó”.

Đức Phanxicô thêm rằng sự hợp nhất không nên “triệt tiêu các dị biệt, nhưng trải nghiệm chúng trong hiệp thông nhờ liên đới và hiểu biết nhau. Nhờ cố gắng hiểu ý nghĩ của những người khác, các trải nghiệm của họ, các hy vọng của họ, ta sẽ có khả năng thấy rõ hơn các hoài vọng chung. Đây là căn bản để gặp gỡ: tất cả chúng ta đều là anh chị em, con cùng một Cha trên trời, và mỗi người trong chúng ta, với những nền văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống riêng, đều có nhiều điều để đóng góp cho cộng đồng”.

“Các nền văn hóa đích thực không khép kín vào chính mình, nhưng được mời gọi gặp gỡ các nền văn hóa khác và sáng tạo ra các thực tại mới mẻ. Không có tiền giả thiết chủ yếu này, không có cái căn bản huynh đệ này, quả rất khó có thể tới được đối thoại. Nếu ai đó nghĩ rằng có những dân tộc, những nền văn hóa hay tình thế thuộc giai cấp hai, ba hay bốn… thì chắc chắn sự việc sẽ ra tồi tệ, vì cái tối thiểu là việc thừa nhận phẩm giá người khác không có”.

Câu hỏi thứ ba liên quan tới nghèo đói và sự bao gồm mọi người được Đức Phanxicô trả lời như sau: “phần nền tảng của việc giúp đỡ người nghèo hệ ở cung cách ta nhìn họ”. Rồi ngài thảo luận vấn đề nhìn người khác qua lăng kính ý thức hệ “các ý thức hệ luôn kết cục một cách thảm hại, chúng vô dụng. Các ý thức hệ có mối liên hệ bệnh hoạn và xấu xa, bất tương hợp với người ta… chắc chắn, các ý thức hệ và những ai theo các ý thứ hệ có ý tốt, nhưng họ kết cục ở chỗ chẳng làm nên điều gì, và nhiên hậu không chăm sóc được gì, cho người ta”.

“Phương thức có tính ý thức hệ là điều vô ích: kết cục, nó sử dụng người nghèo để phục vụ các quyền lợi chính trị hay bản thân khác. Muốn giúp họ thực sự, điều đầu tiên đối với chúng ta là thực sự quan tâm cho con người của họ, đánh giá họ vì các điều tốt của họ. Tuy nhiên, đánh giá họ cũng có nghĩa là sẵn sàng học hỏi từ nơi họ. Người nghèo có nhiều điều để dạy dỗ ta về lòng nhân, lòng tốt và sự hy sinh”.

“Là các Kitô hữu, chúng ta có thêm lý do để yêu thương và phục vụ người nghèo; vì nơi họ, ta thấy gương mặt và thịt da Chúa Kitô, Đấng đã làm cho mình ra nghèo để giúp chúng ta nên giầu có bằng chính sự nghèo khó của Người”.

Theo Đức Phanxicô, mỗi quốc gia đều cần tăng trưởng về kinh tế và phân phối sự giầu có này cho mỗi công dân của nó. Ngài thêm: “việc tạo ra sự giầu có này phải luôn luôn phục vụ ích chung, chứ không chỉ phục vụ lợi ích của một thiểu số… những người được ủy nhiệm việc phát huy phát triển kinh tế có trách nhiệm phải bảo đảm điều này: nó sẽ luôn có một bộ mặt người. Họ có trong tay họ khả thể cung cấp việc làm cho nhiều người và nhờ thế đem hy vọng lại cho nhiều gia đình”.

Nhắc đến truyền thống giáo huấn xã hội Công Giáo, Đức Phanxicô nói rằng “việc làm là một quyền lợi và nó đem lại phẩm giá. Đặt cơm bánh lên bàn ăn, dựng mái nhà che đầu cho con cái, đem lại cho chúng sức khỏe và giáo dục, toàn là những điều chủ yếu của nhân phẩm, nên các nhà kinh doanh nam nữ, các chính trị gia, các nhà kinh tế học, phải cảm nhận mình được thách thức về phương diện này. Tôi xin họ đừng chiều theo mô thức kinh tế ngẫu thần, là mô thức cần hy sinh sự sống nhân bản trên bàn thờ tiền bạc và lợi nhuận”.

“Trong kinh tế học, trong kinh doanh và trong chính trị, điều đáng kể đầu tiên và trên hết là con người nhân bản và môi trường nơi họ sinh sống”.

Rồi Đức Phanxicô đề cập tới các khu gọi là “reducciones”, tức các khu gom cư dành cho người bản địa được các nhà truyền giáo Dòng Tên thiết lập đầu tiên tại Paraguay thế kỷ 17. Ngài gọi trải nghiệm reducciones là một “trong các trải nghiệm có ý nghĩa nhất của việc phúc âm hóa và tổ chức xã hội trong lịch sử. Ở đấy Tin Mừng là linh hồn và là sự sống của các cộng đồng; các cộng đồng này không hề biết đói khát, thất nghiệp, mù chữ hay áp chế”.

“Trải nghiệm lịch sử trên cho ta thấy: cả ngày nay nữa, một xã hội nhân ái hơn vẫn là điều có thể. Ở đâu có lòng yêu người và việc sẵn lòng phục vụ họ, ở đấy có thể tạo ra các điều kiện cần thiết để mọi người có thể có những thiện ích căn bản, khiến không một ai thiếu thốn cả”.

Đức Phanxicô kết luận bằng cách nói rằng: “Quả là một niềm sảng khoái lớn lao được thấy con số và sự đa dạng của nhiều hiệp hội cùng nhau góp phần vào việc tạo ra một Paraguay mỗi ngày mỗi thịnh vượng hơn. Tôi coi anh chị em như một hợp xướng vĩ đại, mỗi người có tính chuyên biệt và sự phong phú riêng, nhưng tất cả cùng làm việc với nhau hướng về một mục tiêu hòa hợp. Đó mới là điều đáng kể”.

Rồi ngài lại nói tới công lý, và cho rằng “một điều nữa lấy mất tự do và giới hạn khả năng xây dựng một xã hội thực chất của người ta, là bệnh tống tiền văn hóa, tham nhũng, đe doạ… không có đối thoại, không ai có thể đi tới đâu. Và nếu có tống tiền, tham nhũng, đe dọa, thì ăn miếng trả miếng, sẽ có trì trệ, và đất nước sẽ chẳng đi tới đâu”.

Ngài khuyên họ : “anh chị em hãy yêu đất nước của anh chị em, yêu đồng bào của anh chị em, và trên hết, anh chị em hãy yêu người nghèo. Bằng cách này, anh chị em sẽ làm chứng trước mặt thế giới rằng một mô thức phát triển khác là điều có thể”.

“Tôi cầu xin Đức Bà Caacupé trông nom anh chị em và che chở anh chị em, cùng khuyến khích anh chị em trong mọi cố gắng của anh chị em. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em”.