Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Tình yêu đích thực phải cụ thể và giao tiếp

Trong bài giảng thánh lễ ngày thứ Năm 07 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài trên các bài đọc trong ngày và nhận định rằng tình yêu chân thật phải cụ thể và cảm thông.

Trong bài Tin Mừng, trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan (15: 9-11), Chúa đòi hỏi chúng ta phải ở lại trong tình yêu của Ngài. Đức Thánh Cha nhận xét là “có hai tiêu chí sẽ giúp chúng ta phân biệt được một tình yêu là đích thực hay không” Tiêu chí đầu tiên là tình yêu phải được thể hiện “nhiều hơn trong hành động chứ không phải trong lời nói xuông”; tình yêu không phải là “một vở kịch”, hoặc một câu chuyện “tưởng tượng” làm cho trái tim của chúng ta bồi hồi trong thoáng giây, nhưng không có gì hơn. Tình yêu thật sự là “những sự kiện cụ thể”.

Chúa Giêsu đã cảnh báo các môn đệ của Ngài, “Không phải ai nói với Ta, ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; chỉ những ai thi hành thánh ý Cha ta trên trời mới là đáng kể’”.

“Nói cách khác, tình yêu chân thật phải là cụ thể, phải thể hiện ra trong các công việc, nó phải là một tình yêu bất biến. Tình yêu không chỉ là một sự nhiệt tình. Ngoài ra, thường khi, tình yêu còn là một điều gây đau đớn: đó là tình yêu được thể hiện khi Chúa Giêsu vác Thánh giá. Công việc của tình yêu là những gì Chúa Giêsu dạy chúng ta trong các đoạn trong chương 25 của Thánh Matthêu. Ai yêu mến thì thực thi những điều này- là những điều chúng ta sẽ bị phán xét - Ta đói, các ngươi đã cho ăn... Ngay cả những Mối Phúc Thật, là điều có thể gọi là ‘chương trình mục vụ của Đức Giêsu’, cũng rất là cụ thể.

Tiếp tục bài giảng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng một trong những lạc thuyết đầu tiên trong Kitô giáo là thuyết Ngộ Đạo. Thuyết này nói về một ‘Thiên Chúa xa xăm’, không có chất cụ thể nào. Nhưng, tình yêu của Chúa Cha, rất cụ thể: Ngài đã sai Con Một của Ngài nhập thể để cứu chúng ta.

Tiêu chí thứ hai của tình yêu là sự giao tiếp. Tình yêu không ở mãi trong tình trạng cô lập. Tình yêu trao ban chính mình và nhận lại, đó là sự giao tiếp giữa Chúa Cha và Chúa Con, giao tiếp ấy ‘là’ “Chúa Thánh Thần”.

“Không có tình yêu nào mà không có giao tiếp, không có tình yêu bị cô lập. Một số anh chị em có thể tự hỏi: ‘Nhưng thưa cha, các tu sĩ nam nữ đang sống cô lập.’ Nhưng họ giao tiếp ... và họ giao tiếp rất nhiều với Chúa, và giao tiếp cả với những ai đang tìm kiếm một lời của Thiên Chúa .. . Tình yêu đích thực không thể tự cô lập. Nếu nó là cô lập, nó không phải là tình yêu. Đóng kín trong chính mình là một hình thái tâm linh ích kỷ, chỉ tìm ích lợi riêng cho mình ... đó là sự ích kỷ. “

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu có nghĩa là làm việc, là có khả năng giao tiếp, đối thoại, cả với Chúa và với anh chị em của chúng ta.”

“Nó đơn giản là như vậy, nhưng không phải dễ dàng gì. Bởi vì tính ích kỷ, tư lợi, thu hút chúng ta, và khiến chúng ta không muốn làm gì, khiến chúng ta không muốn giao tiếp. Chúa đã nói gì về những ai ở lại trong tình yêu của Ngài? ‘Thầy đã nói với anh em để niềm vui của Thầy ở trong anh em, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn’. Chúa Giêsu vui mừng vì ở trong tình yêu của Chúa Cha, và nếu anh chị em ở lại trong tình yêu của Ngài, niềm vui của anh chị em sẽ được trọn vẹn - một niềm vui thường đi kèm cùng với Thánh Giá. Nhưng niềm vui đó - chính Chúa Giêsu đã nói với chúng ta - không ai có thể lấy mất khỏi anh chị em.

Đức Thánh Cha đã kết luận bài giảng của ngài với lời cầu nguyện này: “Xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng của niềm vui, một niềm vui mà thế giới không thể mang lại cho chúng ta.”

2. Dấu chỉ sự hiện diện của Thánh Thần

Các cuộc thảo luận trong Giáo Hội là để tìm kiếm sự hiệp nhất và đó không thể là chỗ cho mọi người xung đột, phản bội nhau và vận động dư luận để giành chiến thắng cho lập luận của mình. Đức Thánh Cha nói rằng Chúa Thánh Thần giúp mang lại sự thay đổi và di chuyển về phía trước trong Giáo Hội, nhưng đồng thời Thánh Linh cũng tạo ra sự thống nhất giữa tất cả các thành viên của Giáo Hội. Đây là thông điệp trong bài giảng Thánh Lễ sáng thứ Sáu 08 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói Chúa Thánh Thần tạo ra sự chuyển động trong Giáo Hội mà thoạt đầu có thể gây ngộ nhận nhưng nếu chuyển động hay thay đổi này được đón nhận với lời cầu nguyện và một tinh thần đối thoại, nó sẽ luôn tạo ra sự thống nhất giữa các Kitô hữu.

Trình bày những suy tư của ngài trên bài đọc trích từ sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Giáo Hoàng đã nêu bật gương sáng của Công Nghị đầu tiên tại Giêrusalem, nơi các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã có thể giải quyết những khác biệt về quan điểm và đạt được các thỏa thuận với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần. Cộng đồng Kitô giáo thời bấy giờ đã xảy ra những va chạm giữa Thánh Phaolô và những Kitô hữu được mệnh danh là nhóm “đóng kín”, đó là những Kitô hữu vẫn rất gắn bó với lề luật của người Do Thái, và muốn áp đặt những lề luật tương tự trên các Kitô hữu tiên khởi.

Ngài nói:

“Làm thế nào để họ giải quyết vấn đề này? Họ tổ chức một cuộc họp và mỗi người cho ý kiến của mình, quan điểm của mình. Họ thảo luận về vấn đề này nhưng như những anh chị em với nhau chứ không phải như những kẻ thù. Họ không vận động dư luận vòng ngoài để giành chiến thắng, họ không đi đến các cơ quan dân sự để giành chiến thắng và họ không giết người để chiến thắng bằng được. Họ tìm kiếm những con đường cầu nguyện và đối thoại. Những người có quan điểm đối chọi đối thoại với phía bên kia và họ đạt được một thỏa thuận. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần.”

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng Chúa Thánh Thần hướng chúng ta tới sự hài hòa và đó là lý do tại sao các Kitô hữu tham gia vào Công Nghị Giêrusalem đã có thể đạt đến sự đồng tâm nhất trí về một quyết định chung cuộc.

“Một Giáo Hội mà chẳng bao giờ có vấn đề loại này khiến tôi nghĩ rằng Chúa Thánh Thần không hiện diện trong Giáo Hội đó. Và một Giáo Hội nơi mọi người luôn cãi nhau, vận động dư luận và phản bội anh chị em mình, cũng là một Giáo Hội không có Chúa Thánh Thần! Chính Chúa Thánh Thần tạo ra sự thay đổi, tạo ra động lực để tiến về phiá trước, tạo ra không gian mới, hình thành nên sự khôn ngoan mà Chúa Giêsu đã hứa: ‘Ngài sẽ dạy bảo anh em’. Thánh Thần di chuyển mọi sự nhưng cuối cùng Ngài tạo ra sự thống nhất hài hòa giữa tất cả mọi người.”

Đức Giáo Hoàng kết luận bài giảng của mình bằng cách lưu ý những từ được sử dụng trong phần cuối bài đọc trong ngày. Ngài nói những lời này cho thấy linh hồn của sự hài hòa Kitô giáo, không phải là kết quả của một hành động thiện chí đơn giản nhưng là hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nói tiếp rằng “Giờ đây chúng ta tiếp tục cử hành Thánh Thể và chúng ta hãy xin Chúa Giêsu, là Đấng đang hiện diện giữa chúng ta gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, với mỗi người chúng ta. Xin Chúa gửi Thánh Thần đến với Giáo Hội và Giáo Hội có thể luôn luôn biết làm thế nào để trung thành với chuyển động mà Chúa Thánh Thần đã tạo ra”.

3. Câu chuyện về Công Nghị Giêrusalem

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tiếp tục loạt bài nói về sự thay đổi của các thánh Tông Đồ sau cuộc thương khó, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô, Như Ý xin thuật tiếp câu chuyện liên quan đến sự hình thành Giáo Hội sơ khai.

Như Hà Thu và Kim Thúy vừa trình bày cộng đồng Kitô giáo tiên khởi thời bấy giờ đã xảy ra những va chạm giữa Thánh Phaolô và những Kitô hữu được mệnh danh là nhóm “đóng kín”, đó là những Kitô hữu vẫn rất gắn bó với lề luật của người Do Thái, và muốn áp đặt những lề luật tương tự trên các Kitô hữu tiên khởi.

Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật lại như sau:

Có những người thuộc phái Pha-ri-sêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê.” Các Tông Đồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này.

Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phêrô đứng lên nói: “Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ.”

Bấy giờ toàn thể hội nghị im lặng. Họ nghe ông Banaba và ông Phaolô thuật lại các dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa đã dùng hai ông mà làm giữa các dân ngoại.

Khi hai ông dứt lời, ông Giacôbê lên tiếng nói: “Thưa anh em, xin nghe tôi đây: Ông Si-môn đã thuật lại cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người. Những lời các ngôn sứ cũng phù hợp với điều ấy, như đã chép: Sau đó, Ta sẽ trở lại, và sẽ xây dựng lại lều Đa-vít đã sụp đổ; đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại, và Ta sẽ dựng lại lều ấy. Như vậy các người còn lại và tất cả các dân ngoại được mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy, Người là Đấng cho biết những điều ấy tự ngàn xưa.

“Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Các cộng đoàn Kitô phải là những cộng đoàn yêu thương để nên những chứng nhân đích thực cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải lúc nào cũng có sự đồng tâm nhất trí giữa các thành viên với nhau.

Công Nghị Giêrusalem đề ra cho chúng ta một gương sáng để giải quyết những khác biệt về quan điểm và đạt được các thỏa thuận với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.

Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ ra trong thánh lễ sáng thứ Sáu 8 tháng Năm vừa qua:

“Làm thế nào để họ giải quyết vấn đề này? Họ tổ chức một cuộc họp và mỗi người cho ý kiến của mình, quan điểm của mình. Họ thảo luận về vấn đề này nhưng như những anh chị em với nhau chứ không phải như những kẻ thù. Họ không vận động dư luận vòng ngoài để giành chiến thắng, họ không đi đến các cơ quan dân sự để giành chiến thắng và họ không giết người để chiến thắng bằng được. Họ tìm kiếm những con đường cầu nguyện và đối thoại. Những người có quan điểm đối chọi đối thoại với phía bên kia và họ đạt được một thỏa thuận. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần.”

4. Kitô hữu không phải là những người tìm vui trong đau khổ nhưng chấp nhận khổ đau vì họ có niềm hy vọng

Gian truân, tín thác, và bình an. Đây là ba từ then chốt trong bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ sáng thứ Ba 5 tháng Năm tại nhà nguyện Santa Marta. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng người Kitô hữu không có một thái độ “tìm vui trong khổ đau” khi đối mặt với những khó khăn, nhưng dựa vào Chúa với niềm tin và hy vọng.

Khi Thánh Phaolô chịu bách hại, bất chấp hàng ngàn gian truân, ngài vẫn kiên vững trong đức tin và khuyến khích những người khác hy vọng nơi Chúa. Dựa vào bài đọc Một từ sách Tông Đồ Công Vụ, Đức Thánh Cha đã khai triển các ý tưởng chung quanh ba điểm chính là gian truân, phó thác và bình an - và nhấn mạnh rằng để vào Nước Thiên Chúa, người ta phải “trải qua những thời kỳ đen tối, và khó khăn”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha cảnh báo “đây không phải là một thái độ tìm vui trong khổ đau”, đúng hơn, đó là “cuộc đấu tranh của người tín hữu Kitô” chống lại ma quỷ thế gian này, là kẻ cố gắng tách chúng ta khỏi “lời của Chúa Giêsu, khỏi niềm tin, khỏi hy vọng.” Đức Thánh Cha đã chỉ ra rằng “chịu đựng những gian truân” là một cụm từ đã được Thánh Tông Đồ Phaolô sử dụng thường xuyên.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Động từ “chịu” có một nghĩa mạnh hơn là kiên nhẫn, nó có nghĩa là mang vác trên vai của mình gánh nặng của gian truân. Đời sống Kitô hữu vẫn thường có những khoảnh khắc như thế. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta: ‘Hãy can đảm lên tại những thời khắc như thế... Thầy đã chiến thắng thế gian, anh em cũng sẽ là những người chiến thắng’. Từ ngữ đầu tiên này soi sáng cho chúng ta tiến về phía trước trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc sống, những khoảnh khắc làm cho chúng ta phải khổ đau.

Sau khi đưa ra lời khuyên này, Đức Giáo Hoàng nói, Thánh Phaolô “tổ chức các Hội Thánh [tại Lýt-ra, Icôniô và Antiôkia]”, “Người cầu nguyện trên các tư tế, đặt tay của Ngài trên họ và giao phó họ cho Chúa.”

Từ thứ hai: “phó thác”. Phanxicô nhận xét rằng một Kitô hữu “có thể đương đầu nổi với gian truân và cả bách hại khi phó thác mình cho Chúa.” Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng chỉ có Chúa “là có khả năng ban cho chúng ta sức mạnh, để cho chúng ta kiên trì trong đức tin, để cho chúng ta hy vọng”.

“Hãy phó thác mọi sự cho Chúa; phó thác thời điểm khó khăn này cho Ngài; phó thác bản thân mình cho Chúa; phó thác cho Ngài các tín hữu của chúng ta, các linh mục, giám mục; hãy phó thác cho Chúa gia đình, bạn bè và nói với Chúa rằng ‘Lạy Chúa, hãy chăm sóc cho họ, họ là những người của Chúa.’ Lời cầu uỷ thác này là một lời cầu nguyện mà chúng ta không thường xuyên đọc: ‘Lạy Chúa, con phó thác điều này trong tay Chúa: Xin Chúa giúp chăm sóc điều đó. Đó là một kinh nguyện Kitô giáo rất đẹp, là thái độ tin tưởng vào sức mạnh của Chúa, và vào sự dịu dàng của Thiên Chúa là Cha, Đấng là Cha chúng ta”

Đức Thánh Cha nói thêm: Khi một người dâng lên lời cầu nguyện này từ con tim, và cảm thấy hoàn toàn tín thác vào Chúa - người ấy có thể chắc chắn rằng mình sẽ không bao giờ thất vọng. Gian truân làm cho chúng ta đau khổ, nhưng niềm tin nơi Chúa đem lại cho chúng ta hy vọng; và điều này dẫn đến từ ngữ thứ ba là bình an.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an cho anh em”. Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng bình an Chúa hứa ban cho chúng ta “không phải là hòa bình, không phải một trạng thái an nhiên đơn giản của tâm hồn”, nhưng là một sự bình an “đi vào bên trong tâm hồn chúng ta, một sự bình an ban cho chúng ta sức mạnh, củng cố những gì ngày hôm nay chúng ta đang kêu cầu cùng Chúa, đó là đức tin và niềm hy vọng của chúng ta”

Để kết luận, Đức Thánh Cha, tóm lại ba từ then chốt trong bài giảng của ngài: gian truân, phó thác và bình an. “Trong cuộc sống, chúng ta phải đương đầu với gian truân đó là quy luật của cuộc sống. Nhưng trong những khoảnh khắc đó, chúng ta phải trông cậy vào Chúa và Ngài đáp lại với sự bình an của Ngài. Chúa là người Cha yêu thương chúng ta rất nhiều và không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Bây giờ chúng ta tiếp tục cử hành Thánh Thể với Chúa, cầu nguyện xin Ngài tăng cường đức tin của chúng ta và hy vọng của chúng ta, xin Ngài ban cho chúng ta lòng cậy trông để vượt qua các thử thách của chúng ta bởi vì Ngài đã thắng thế gian và ban cho chúng ta mọi bình an của Ngài.”

5. Hôn nhân Kitô là một cử chỉ của đức tin và tình yêu

Hôn nhân Kitô là một bí tích xảy ra trong Giáo Hội và cũng làm thành Giáo Hội, bằng cách trao ban sự khởi đầu cho một cộng đoàn gia đình. Hôn nhân Kitô là một cử chỉ của đức tin và tình yêu làm chứng cho lòng can đảm tin nơi vẻ đẹp của hành động tạo dựng của Thiên Chúa và sống tình yêu thúc đẩy luôn luôn vượt quá chính mình và cả gia đình nữa, để trở thành phước lành và ơn thánh cho tất cả mọi người.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với hơn 40,000 ngàn người tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 6 tháng Năm.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã khai triển đề tài giáo lý “vẻ đẹp của hôn nhân kitô”. Ngài nói:

Hôn nhân Kitô không chỉ đơn giản là lễ nghi làm trong nhà thờ, với hoa, với áo cưới và hình chụp… Hôn nhân Kitô là một bí tích xảy ra trong Giáo Hội và cũng làm thành Giáo Hội bằng cách trao ban sự khởi đầu cho một cộng đoàn gia đình.

Đức Thánh Cha giải thích như sau:

Đó là điều mà tông đồ Phaolô tóm tắt trong kiểu nói: “Mầu nhiệm này, mầu nhiệm của hôn nhân, thật cao cả; tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Được Chúa Thánh Thần linh ứng Phaolô khẳng định rằng tình yêu giữa chồng vợ là hình ảnh tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Một phẩm giá không thể tưởng tượng nổi! Nhưng trong thực tế nó được khắc ghi trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, và với ơn thánh của Chúa Kitô, vô số các cặp vọ chồng kitô đã thực hiện nó mặc dù có các hạn hẹp, các tội lỗi của họ.

Khi nói về cuộc sống mới trong Chúa Kitô, thánh Phaolô nói rằng tất cả các Kitô hữu đều được kêu mời yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương họ, nghĩa là “tùng phục nhau” (Ep 5,21), có nghĩa là phục vụ nhau. Và ở đây ngài đưa ra sự tương tự giữa cặp vợ chồng và Chúa Kitô - Giáo Hội. Rõ ràng đây là một sự tương tự bất toàn, nhưng chúng ta phải tiếp nhận ý nghĩa tinh thần rất cao cả và cách mạng của nó, đồng thời đơn sơ, vừa tầm với của mọi người nam nữ tín thác nơi ơn thánh Chúa.

Thánh Phaolô nói: chồng phải yêu thương vợ “như chính bản thân mình” (Ep 5,28); yêu nàng như Chúa Kitô “đã yêu thương Giáo Hội và đã tự hiến mình cho Giáo Hội” (c. 25). Nhưng mà các người chồng hiện diện ở đây, anh em đã hiều điểu này chưa? Yêu thương vợ mình như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội Người. Đây không phải là các chuyện đùa đâu, nó nghiêm chỉnh đấy!

Hiệu qủa của sự tận tụy triệt để này được đòi hỏi nơi người nam, vì tình yêu và phẩm giá của người nữ, theo gương Chúa Kitô, phải lớn lao trong chính cộng đoàn kitô. Hạt giống của sự mới mẻ tin mừng này tái lập sự tuơng giao ban đầu của sự tận hiến và tôn trọng, đã chín mùi từ từ trong lịch sử, nhưng sau cùng đã thắng thế.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: bí tích hôn phối là một hành động của đức tin và tình yêu: nó chứng minh lòng can đảm thúc đẩy luôn đi xa hơn, xa hơn chính mình và cũng xa hơn cả gia đình nữa. Ơn gọi kitô yêu thương không hạn chế và không chừng mực, với ơn của Chúa Kitô, cũng là nền tảng sự đồng ý tự do làm thành hôn nhân.

Chính Giáo Hội liên lụy tràn đầy trong lịch sử của mọi cuộc hôn nhân Kitô; Giáo Hội được xây dựng trong các thành công của hôn nhân và khổ đau trong các thất bại của nó. Nhưng chúng ta phải nghiêm chỉnh tự hỏi xem: chúng ta có chấp nhận cho tới cùng - chính mình như là tín hữu và cả như là chủ chăn nữa - mối dây ràng buộc bất khả phân ly này của lịch sử của Chúa Kitô và của Giáo Hội với lịch sử của hôn nhân và gia đình nhân loại hay không? Chúng ta có sẵn sàng nghiêm chỉnh lãnh nhận trách nhiệm này hay không? Nghĩa là chấp nhận rằng mỗi một hôn nhân đi trên con đường tình yêu mà Chúa Kitô có đối vói Giáo Hội không? Điều này thật là cao cả!

Trong sự sâu thẳm này của mầu nhiệm tạo dựng, được thừa nhận và tái lập trong sự trong trắng của nó, mở ra một chân trời to lớn thứ hai như đặc tính của bí tích hôn phối. Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Quyết định “lấy nhau trong Chúa” cũng chứa đựng một chiều kích truyền giáo nữa, có nghĩa là có trong tim sự sẵn sàng biến mình trở thành phúc lành của Thiên Chúa và ơn thánh Chúa cho tất cả mọi người. Thật thế, như là các vợ chồng kitô họ tham dư vào sứ mệnh của Giáo Hội. Và cần phải có can đảm để làm diều này. Vì thế khi tôi chào các đôi tân hôn, tôi nói: “Đây là những người can đảm!”, bởi vì cần phải có can đảm để yêu nhau như vậy, như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội.

Việc cử hành hôn nhân không thể bị để bên ngoài tinh thần đồng trách nhiệm này của gia đình kitô đối với sứ mệnh lớn lao tình yêu của Giáo Hội. Và như thế cuộc sống của Giáo Hội được phong phú từng lần bởi vẻ đẹp của giao ước hôn nhân, cũng như bị nghèo nàn đi mỗi khi nó bị méo mó. Để cống hiến cho tất cả mọi người các ơn đức tin, tình yêu và niềm hy vọng Giáo Hội cũng cần sự trung thành can đảm của các cặp vợ chồng đối với ơn thánh bí tích hôn nhân của họ. Dân Thiên Chúa cần con đường đức tin, tình yêu thương và niềm hy vọng thường ngày của họ, với tất cả các vui buồn nhọc mệt của con đường ấy trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Lộ trình đã được ghi dấu luôn mãi, đó là lộ trình của tình yêu: người ta yêu nhau như Thiên Chúa yêu, luôn mãi. Chúa Kitô đã không ngừng lo lắng cho Giáo Hội: Ngài yêu thương Giáo Hội luôn mãi, Ngài giữ gìn Giáo Hội luôn mãi như chính mình. Chúa Kitô không ngừng lấy đi trên gương mặt nhân loại của nó các vết nhơ và các nếp nhăn đủ loại. Thật là cảm động và xinh đẹp biết bào việc giãi toả sức mạnh và sự hiền dịu đó của Thiên Chúa, được thông truyền từ cặp này sang cặp khác, từ gia đình này sang gia đình khác. Thánh Phaolô đã có lý: đây thật là môt mầu nhiệm cao cả! Các người nam nữ này khá can đảm để mang theo kho tàng này trong các bình “bằng đất” nhân loại tính của chúng ta, các người nam nữ can đảm như thế là một tài nguyên nòng cốt cho Giáo Hội cũng như cho toàn thế giới. Xin Thiên Chúa chúc lành cho họ hàng ngàn lần về điều đó.

6. Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới với tha nhân

Giới răn yêu thương của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường theo Ngài, con đường của tình yêu, khiến cho chúng ta ra khỏi chính mình, đi đến với tha nhân và có các cử chỉ bé nhỏ, yêu thương, cụ thể, gần gũi với người già, trẻ em, người bệnh, ngưòi cô đơn, gặp khó khăn, người thất nghiệp, di cư, tỵ nạn…

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 10 tháng Năm.

Mở đầu bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng hôm nay, Phúc Âm thánh Gioan chương 15, đưa chúng ta trở lại Nhà Tiệc Ly, nơi chúng ta nghe giới răn mới của Chúa Giêsu. Ngài nói: “Đây là điều răn mới của Thầy: đó là các con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu các con” (c. 12). Và khi nghĩ tới hiến tế thập giá rất gần kề, Ngài nói thêm: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con làm những điều Thầy truyền dậy” (cc. 13-14). Đức Thánh Cha giải thích điều răn yêu thương của Chúa Giêsu như sau:

Các lời này, được nói lên trong Bữa Tiệc Ly, tóm tắt toàn sứ điệp của Chúa Giêsu; còn hơn thế nữa, chúng tóm gọn tất cả những gì mà Ngài đã làm: Ngài đã trao ban mạng sống mình cho các bạn hữu. Các người bạn đã không hiểu Ngài, và trong lúc định đoạt nhất đã bỏ rơi, phản bội và khước từ Ngài. Điều này nói với chúng ta rằng Ngài yêu thương chúng ta, cho dù chúng ta không xứng đáng với tình yêu của Ngài: Chúa Giêsu yêu thương chúng ta như thế đó!

Trong cách thức này Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường theo Ngài, con đường của tình yêu. Giới răn của Ngài không là một điều luật đơn thuần, luôn như cái gì trừu tượng, hay ở ngoài cuộc sống chúng ta. Điều răn của Chúa Kitô mới mẻ, bởi vì Ngài là người đầu tiên đã thực hiện nó, đã trao ban thịt xác cho nó, và như thế luật yêu thương được viết một lần cho luôn mãi trong trái tim con người. (x. Gr 31,33). Nó được viết làm sao? Nó được viết với lửa của Thánh Thần. Và với cùng Thần Khí mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta, chúng ta cũng có thể bước đi trên con đường ấy!

Nó là một con đường cụ thể, một con đường dẫn chúng ta tới chỗ ra khỏi chính mình để đi đến với những người khác. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy rằng tình yêu của Thiên Chúa hiện thực trong tình yêu tha nhân. Cả hai đi với nhau. Các trang Tin Mừng tràn đầy tình yêu này: người trưởng thành, trẻ em, người thông thái, kẻ dốt nát, người giầu kẻ nghèo, người công chính, kẻ tội lỗi tất cả đều được tiếp đón trong trái tim của Chúa Kitô.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Như vậy, Lời này của Chúa mời gọi chúng ta yêu thương nhau, cả khi chúng ta không luôn luôn hiểu nhau, không luôn luôn đồng ý với nhau… nhưng chính nơi đó mà người ta trông thấy tình yêu kitô. Một tình yêu được biểu lộ ra, cả khi có các khác biệt ý kiến hay tính tình, nhưng tìh yêu lớn hơn các khác biệt! Đó là tình yêu mà Chúa Giêsu đã dậy chúng ta. Nó là một tình yêu mới mẻ, bởi vì đã được Chúa Giêsu và Thần Khí của Ngài canh tân. Nó là một tình yêu được cứu rỗi, được giải thoát khỏi ích kỷ. Một tình yêu trao ban cho con tim chúng ta niềm vui, như chính Chúa Giêsu nói: “Thầy đã nói vơi các con những điều này để niềm vui của Thầy ở trong các con, và niềm vui của các con tràn đầy”.

Chính tình yêu này của Chúa Kitô, mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta, thực hiện các điều lạ lùng mỗi ngày trong Giáo Hội. Có biết bao nhiêu cử chỉ lớn nhỏ tuân theo giới răn của Chúa: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu các con” (X. Ga 15,12). Các cử chỉ bé nhỏ, các cử chỉ của mỗi ngày, các cử chỉ của sự gần gũi một người già, một em bé, một người bệnh, một người cô đơn và trong khó khăn, không nhà, không công ăn việc làm, di cư, tỵ nạn… Nhờ sức mạnh Lời này của Chúa Kitô mỗi người trong chúng ta đều có thể gẩn gữi người anh chị em mà chúng ta gặp gỡ. Các cử chỉ của sự gần gũi, cận kề. Nơi các cử chỉ đó biều lộ tình yêu mà Chúa Kitô đã dậy chúng ta.

Xin Mẹ Rất Thánh giúp chúng ta trong điều này, để trong cuộc sống mỗi ngày của từng người trong chúng ta tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân luôn luôn hiệp nhất.