CHÂU SƠN - “Anh em hãy tới nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Theo lời mời gọi của Chúa Giêsu, linh mục đoàn hạt Thuận Nghĩa đã chọn địa điểm tĩnh tâm tháng lần này tại Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn – Ninh Bình.

Hình ảnh



Xe xuất phát vào lúc 14g ngày 05 tháng 05 năm 2015, và tới nơi vào lúc 17g30 cùng ngày. Anh em vui mừng gặp gỡ Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt – nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội. Cha quản hạt Antôn Nguyễn Văn Đính thay lời cho anh em nói lên niềm vui mừng được gặp gỡ Đức Tổng, đồng thời cám ơn Đức Tổng đã nhận lời chia sẻ cho anh em trong dịp tĩnh tâm này. Đức Tổng cũng nói lên niềm hân hoan phấn khởi vì được gặp gỡ linh mục đoàn hạt Thuận Nghĩa, nơi Ngài đã từng đến viếng thăm. Sau đó, cùng với Đức Tổng, anh em có giờ cơm tối rất vui vẻ và ấm áp tình Cha con.



Đúng 8g, anh em tập trung tại nhà nguyện bắt đầu bước vào thời gian tĩnh tâm. Chia sể trong giờ chầu Thánh Thể, Đức Tổng mời gọi anh em sống sự bình an của Chúa Giêsu. Cũng như thánh Phaolô, mặc dầu bị bách hại, bị chống đối nhưng Ngài luôn rao giảng Lời Chúa, rao giảng cả nơi bị bách hại chống đối vì Ngài có sự bình an của Chúa Giêsu trong tâm hồn. Ngài nói: “ở đời người ta chúc cho nhau được đông con nhiều cháu, nhưng linh mục sống đời độc thân. Ở đời người ta chúc cho nhau có nhiều tiền bạc, nhưng linh mục được mời gọi sống khó nghèo. Ở đời người ta chúc cho nhau được thăng quan tiến chức, nhưng linh mục được mời gọi sống vâng lời. Nếu linh mục sống trọn đời độc thân, lời khấn khó nghèo và vâng lời là linh mục đang sống trong sự bình an của Chúa”.



Sau một đêm an giấc trong môi trường đan viện, đúng 5g30 sáng ngày 06.05.2015, quý Cha đồng tế thánh lễ với Cha bề trên Nguyễn Tuấn Hảo nhân lễ thánh Đaminh Saviô, bổn mạng của Ngài. Với bài Lời Chúa trích từ Tin mừng theo thánh Gioan 15,1-8: “anh em hãy ở lại trong Thầy”, Đức Tổng mời gọi cộng đoàn cùng ở lại với Chúa. Ngài nói: Khi mời gọi “ở lại”, Chúa mời gọi chúng ta trở về nguồn cội. Mời gọi “ở lại” cũng là mời gọi trở về sự sống. Mời gọi “ở lại” để ta được hạnh phúc. Hạnh phúc đó là được ở trong tình yêu. Được biết ý nghĩa cuộc đời. Được triển nở thành những hoa trái dồi dào phong phú. Và như thế đạt đến cùng đích cuộc đời.

Nhưng đáp lại lời mời gọi đó không phải dễ dàng. Đó là một chuyển động ngược chiều với thế gian. Thế giới hôm nay là một thế giới chuyển động, tràn đầy âm thanh… “Ở lại trong Chúa” quả là một cuộc lội ngược dòng chảy của xã hội và thế gian: là dừng lại. Là ngừng chuyển động. Lánh vào tĩnh mịch. Là lắng đọng tâm hồn. Là tắt hết loa đài. Nhất là những loa đài trong tâm hồn. Chỉ lắng nghe tiếng Chúa mà thôi.

Đức Tổng cũng đưa ra gương mẫu “ở lại trong Chúa” của Thánh Đaminh Saviô. Hai môn đệ đi đường Emmaus. Hai môn đệ đầu tiên đến nơi Chúa ở. Đặc biệt là của Maria. Bỏ tất cả mọi sự để ngồi dưới chân Chúa. Lắng nghe Lời Chúa. Bị mọi người chê trách. Nhưng đó chính là phần tốt nhất mà không ai lấy mất được.



Sau giờ điểm tâm sáng, anh em được Đức Tổng hướng dẫn tham quan một số nơi trong tu viện. Vào lúc 8g30, anh em tiếp tục tập trung tại nhà nguyện. Với chủ đề Truyền Giáo, Đức Tổng mời gọi anh em “xây nhịp cầu” noi theo gương mẫu của Chúa Giêsu nhà truyền giáo đầu tiên và gương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Gương của Chúa Giêsu, là người đầu tiên bắc cầu, là người đầu tiên đi tới các vùng ngoại biên: miền Samari, miền duyên hải Tyrô-Siđôn, miền Ghêrasa. Đáng kể nhất là Chúa, dù ở giữa dân Do Thái, luôn đi đến những miền ngoại biên tâm hồn của những người bị bỏ rơi, bị khinh miệt, bị gạt ra bên lề xã hội. Như viên Đội trưởng quân đội Rôma. Như người thu thuế Giakêu, Mathêu. Như Mađalêna. Như Nicôđêmô. Như người phụ nữ ngoại tình. Như những người phong cùi. Và đặc biệt nhất như người trộm lành. Người trộm lành là đại diện tiêu biểu cho vùng ngoại biên tâm hồn.

Gương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, là người thích xây cầu, thích cộng đoàn, thích gặp gỡ. Là người nối những nhịp cầu: với người vô thần, với người Do thái giáo, với Anh giáo, với Hồi giáo, với Chính thống giáo, với tù nhân, với người tị nạn, với người nghèo, với người thất nghiệp, với bệnh nhân, với miền ngoại biên.

Cuối bài chia sẻ, Đức Tổng gợi ý anh em bằng những câu hỏi xoáy vào tâm hồn. Chúng ta đã làm gì? Đã xây cầu hay đã phá cầu. Đưa người khác đến với Chúa hay đẩy người ta xa Chúa? Tôi có ra đi hay cổ thủ trong tháp ngà, dinh thự, pháo đài? Tôi đã phá bỏ mọi ranh giới? Hay vẫn còn những rào cản về địa lý? Không đi đến vùng xa xôi? Hay là còn những rào cản tâm lý ? Còn loại trừ một số người, một số vùng? Hoặc giản đơn là còn ngại ngùng chưa dám chìa tay ra trước những người xưa nay vốn xa lạ, không quen biết, ít giao du?

Sau bài chia sẻ của Đức Tổng, anh em dành thời gian tĩnh lặng, lắng đọng tâm hồn, xét mình xưng tội và kết thúc bằng giờ kinh phụng vụ. Thời gian còn lại trong buổi sáng, anh em cùng nhau nhìn lại các hoạt động của giáo hạt trong thời gian qua và đề ra những phương hướng cho thời gian tới.



Giờ cơm trưa thân mật bên nhau, Đức Tổng hỏi thăm công việc mục vụ của từng từng người một. anh em trình bày những thuận lợi cũng như những khó khăn trong công việc mục vụ. Đức Tổng động viên khích lệ và hướng dẫn anh em.

Thời gian tĩnh tâm ngắn ngủi, nhưng nhờ không gian tĩnh lặng và nhờ những bài chia sẽ thâm thuý và ý nghĩa của Đức Tổng, anh em linh mục đoàn hạt Thuận Nghĩa cảm thấy thật ý nghĩa và bổ ích.

Chia tay Đan viện Thánh Mẫu Châu Sơn, trên đường về nhiệm sở, anh em vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời cầu chúc của Đức Tổng “chúc anh em linh mục hạt Thuận Nghĩa xây được nhiều “chiếc cầu” để có nhiều người đi trên đó. Ước gì lời cầu chúc đó trở thành hiện thực. Bởi lẽ, hạt Thuận Nghĩa có gần 50 ngàn giáo dân trong một địa bàn rộng lớn thuộc huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai với số dân gần 350 ngàn.